ÂM NHẠC TRONG NGHI LỄ THEN ĐẦY THÁNG CỦA NGƯỜI TÀY Ở BẮC CẠN

Hiện nay, người Tày Bắc Cạn vẫn lưu giữ một nghi lễ truyền thống hết sức độc đáo, đó là lễ đầy tháng, tiếng địa phương gọi là tuổn bươn. Các ông bà then, pụt được mời đến nhà, vừa làm lễ, vừa đàn hát, xóc nhạc tạo không khí vui tươi, ấm áp. Thuộc diễn xướng then tiểu lễ (then thường) nên âm nhạc trong nghi lễ then đầy tháng vừa mang đặc điểm chung của nghi lễ then hành nghề, vừa có những đặc trưng riêng biệt.

1. Đặc trưng nghệ thuật trong then đầy tháng

Cây tính tẩu còn gọi là đàn tính, đàn then, được coi là nhạc cụ chủ đạo trong nghi lễ then, sử dụng để đệm hát. Đàn then là đàn của trời cho, then chính là biến âm của chữ thiên (trời). Cây đàn gồm ba phần: cần đàn, bầu đàn, đầu đàn. Cần đàn nhẵn, trơn, không có phím, thường được làm bằng gỗ khảo quang (có nơi dùng gỗ nghiến, thung mục, may mọn, dâu...). Bầu đàn được làm bằng một phần ba quả bầu già phơi khô. Mặt đàn làm bằng gỗ xoan hoặc gỗ vuông kê nên âm thanh nghe rất vang, vọng. Dây đàn được se bằng nhiều sợi tơ nhỏ, bôi sáp ong, lòng trắng trứng. Cách diễn tấu tính tẩu rất đa dạng nhưng chủ yếu làm nhiệm vụ đệm hát, độc tấu các đoạn nhạc mở đầu, nối câu, kết câu và kết đoạn. Tùy từng cung đoạn, nội dung mà thày luyến láy tạo nên các cung bậc bổng trầm cho lời hát. Tính tẩu còn là loại nhạc cụ đệm cho múa then và đôi khi còn là đạo cụ trong múa.

Chùm xóc nhạc là một trong những loại nhạc cụ độc đáo của người Tày, góp phần hòa âm tạo nên không khí hành binh rộn rã của nghi lễ then. Nhạc xóc có thể sử dụng riêng hoặc kết hợp với tính tẩu, vừa giữ nhịp điệu, vừa làm cho không khí của buổi lễ rộn ràng hơn. Những người làm then cho rằng chùm xóc nhạc là tiếng rung nhạc của những con ngựa mà đoàn quân then đang cưỡi. Vì vậy, xóc nhạc được xem như vật biểu trưng cho tiếng nhạc ngựa khi đi đường, còn được gọi là mạ tức ngựa. Trong các chương đoạn, chùm xóc nhạc được sử dụng khi lời then miêu tả đoàn quân đang đi trên đường, người Tày gọi là pây mạ, xáu mạ. Căn cứ vào đó mà người nghe có thể hình dung được các chặng đi, chặng nghỉ của đoàn âm binh. Bên cạnh đó, cách xóc nhạc cũng phải căn cứ vào nhịp điệu lời hát, phụ thuộc vào nội dung từng chặng mà nhanh chậm khác nhau.

Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, then hấp dẫn đối với người Tày nhờ tiết tấu, giai điệu êm ái, du dương. Nhạc điệu trong then rất đa dạng, đôi khi buồn man mác trong những lễ ma chay cầu khấn nhưng cũng rất êm ái, tha thiết, vui tươi trong những lễ cấp sắc, lễ hội... Hơn nữa, trong quá trình hành nghề, nghệ nhân dân gian đã tiếp thu có chọn lọc các làn điệu dân ca của từng vùng, từng địa phương, làm nên sự phong phú về âm nhạc và đa dạng về ca từ, ngôn ngữ then.

Trong lễ đầy tháng ở Bạch Thông, Bắc Cạn, thày then vừa hát, vừa gảy tính tẩu, vừa sử dụng xóc nhạc với giai điệu có tiết tấu, nhịp phách rõ ràng. Thày then mắc chùm xóc nhạc vào ngón chân cái, thực hiện trên một miếng thổ cẩm dày. Không khí của buổi lễ khi có xóc nhạc trở nên rộn ràng, sôi nổi hơn bởi tiếng đàn, tiếng hát, tiếng xóc nhạc làm người nghe cảm nhận được bước chân ngựa rầm rập của đoàn quân then.

Trình diễn đàn, hát, xóc nhạc để thực hiện nghi lễ là một đặc trưng văn hóa riêng của then, thể hiện được sự tài hoa đặc biệt của thày then - người vừa là thày cúng vừa là nghệ nhân đàn, hát dân ca. Then đầy tháng là một tiểu lễ do một mình thày then thực hiện nên không có múa như trong then đại lễ. Với nghi lễ này, thày then đã thể hiện sự phối kết hợp hành lễ, trình diễn giữa thày cúng, nghệ nhân, người tham dự.

Trong các bộ phận cấu thành nghệ thuật biểu diễn then thì phần văn bản hành lễ là bộ phận cơ bản chuyển tải nội dung đến người nghe qua lời hát, khấn, tụng niệm khi qua các cửa thần linh. Thông qua lời hát, cách trình diễn của then, mường trời hiện lên khá rõ ràng, cụ thể, từ cảnh rừng núi, ruộng đồng đến chim muông, hoa lá, côn trùng... Dường như mỗi hình tượng trong then đều gắn với những điển tích được truyền tụng trong dân gian, ghi dấu ấn xã hội người Tày một thuở.

Qua so sánh văn bản then đầy tháng với các loại then khác của ông Nguyễn Đình Sẩu, chúng tôi nhận thấy, về cơ bản chúng đều có chung một cấu trúc, tùy vào mục đích của mỗi nghi lễ mà có phần lời khác nhau. Cụ thể, tất cả lễ then đều có chung phần mở đầu và phần cuối. Phần mở đầu gồm sôi hương, sắp binh mã, khao binh mã, giải uế, chép lễ, sắp lễ, đi đường... Phần cuối gồm hồi binh mã, khao binh mã. Tùy từng lễ then mà thày then sẽ đi lên các cửa khác nhau. Nếu trong then mừng thọ thì có lên vua Số, vua Hạn, có các mục liên quan đến bắc cầu mệnh số thì then đầy tháng chủ yếu lên cửa Mẻ Va để tạ lễ, giải hạn. Lời ca trong then đầy tháng là những khúc dân ca gắn với nghi lễ, phong tục, ngôn ngữ được sử dụng rất linh hoạt, sáng tạo.

Về nghệ thuật tạo hình

Then chứa đựng một thế giới biểu tượng phong phú được chắt lọc qua tư duy thẩm mỹ của người Tày, vừa trang trọng, thiêng liêng phù hợp với không khí nghi lễ, vừa thể hiện tư tưởng thẩm mỹ mang đậm dấu ấn tâm hồn của con người. Thế giới biểu tượng phong phú, độc đáo là phương diện quan trọng làm nên sức hấp dẫn riêng của then. Trong lễ đầy tháng của người Tày Bạch Thông, chúng tôi nhận thấy có hai biểu tượng khác với các địa phương khác, đó là biểu tượng cặp măng non và cặp xôi trắng úp bát nhỏ tượng trưng cho hai bầu sữa mẹ. Đây là hai lễ vật dâng Mẻ Va được những người tham dự giải thích: cặp măng là biểu tượng của nhung hươu mới nhú cùng với hai bầu sữa để Mẻ Va nuôi dưỡng đứa trẻ cho chóng lớn. Có nơi cho rằng, chiếc bánh coóc mò bắt buộc phải có trong lễ đầy tháng cũng là một biểu tượng dùng để ví trẻ thơ như những chiếc măng non mới nhú. Phát bánh coóc mò là phát lộc măng non của trẻ.

Ngoài ra, giống như các lễ then, pụt khác, trong lễ đầy tháng còn có mặt khá nhiều vật trang trí mang tính biểu tượng: cây, lá, hoa, lầu Mẻ Va được làm bằng gọng chuối..., mỗi vật đều có những ý nghĩa biểu trưng riêng phù hợp với nội dung nghi lễ. Dù chỉ được làm bằng những vật liệu đơn giản, thô mộc nhưng các vật biểu trưng trong nghi lễ then đã góp phần làm sinh động không gian nghi lễ, phù hợp với thế giới đời sống tâm linh của người Tày.

Như vậy, ngoài những điểm chung, then đầy tháng của người Tày ở Bạch Thông còn mang những nét riêng về nghệ thuật, góp phần làm nên sự độc đáo cho nghi lễ then với các thành tố: âm nhạc, ngữ văn, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực...

2. Đặc trưng âm nhạc trong then đầy tháng

Âm nhạc trong then đầy tháng là dạng âm nhạc thính phòng (loại diễn xướng được tổ chức trong nhà vào đêm khuya thanh vắng, phạm vi sân khấu là một góc nhà). Âm nhạc chủ yếu là diễn tả, thể hiện nội dung văn bản hành lễ thông qua các thủ tục soi hương, sắp mạ, giải uế...

Then đầy tháng chủ yếu sử dụng nhịp đơn 2/4, 2/8... Sự tiến hành đường nét giai điệu hầu như bình ổn (quãng hẹp) ít có quãng nhảy xa. Quãng rộng nhất là quãng 6 hoặc quãng 2, quãng 3 đi lên hoặc đi xuống, quãng 3 thứ, quãng 4, quãng 5 biểu hiện đặc trưng âm nhạc then.

Âm nhạc then ít xáo động về tiết tấu, âm nhạc đi theo hình lượn sóng tạo tính chất mềm mại, thiết tha. Trong nghi lễ đầy tháng, thày then lệnh cho con hương vào các cửa trình báo, thày đệm tính tẩu và hát ở điệu thức ngũ cung.

 Pây mạ (ngựa lên đường) là làn điệu được thày then sử dụng tiết tấu âm nhạc thôi thúc, linh hoạt, khỏe mạnh, khẩn khoản, giai điệu nhanh, gấp gáp cộng với tiếng nhạc rung đều trong đoạn đi ngựa, tạo nên không khí hứng khởi, rộn rã. Qua câu hát, ta cảm nhận đoàn quân đang hùng dũng phát lối mở đường. Làn điệu này có mặt ở hầu hết nghi lễ then, diễn tả việc đi đường của đoàn quân.

Để làm rõ đặc trưng của then Bạch Thông với các địa phương khác ở Bắc Cạn, chúng tôi tập trung so sánh then của ông Nguyễn Đình Sẩu ở Bạch Thông với then của ông Nguyễn Đăng Lưu ở Na Rì:

Về cấu trúc đường đi trong then

Trước hết, hai dòng then này có sự tương đồng về cấu trúc đường đi, tuy nhiên vẫn có điểm riêng dễ nhận thấy. Cụ thể, đường đi trong then Na Rì dài hơn, có thêm mục săn hươu nai, vượt biển. Dưới đây là tóm tắt cấu trúc đường đi trong then đầy tháng của ông Nguyễn Đăng Lưu:

Lễ đầy tháng của người Tày Na Rì gọi là ma nhét (Bạch Thông gọi là tuổn bươn, khai tuổn). Cấu trúc nghi lễ gồm 3 chương qua 16 cửa, 2 làn điệu chính. Chương 1: chuẩn bị thủ tục hay còn gọi là sắp mạ (sắp binh mã), gồm 4 cửa, đọc có ngữ điệu, không có đàn; Chương 2: khao binh mã, gồm 6 cửa, hát có đệm đàn; Chương 3: chính cung, gồm 6 cửa. Trong đó, chương 3 có những nội dung chính như: trình tổ (trình đẳm); giải uế (giải vé); chép lễ (chép pang); thu vía (thu khoăn); quản binh mã rồi lên đường; qua cửa thổ công (trình việc), mời thành hoàng làng dẫn đường đi nộp lễ; chuẩn bị tiếp rồi vào tổ tiên nhà gia chủ (3 đời bố, ông, cụ) trình việc (vào cửa mộ); đi tiếp tới ngã ba âm dương (tàng cáp) nộp lễ để được đi tiếp, vào cửa tổ (tu tổ) dưới âm phủ (tàng nặm) qua 5 cửa; lên bến sông, khao binh mã, thu vía đi tiếp; lên tổ sư pháp sư trình việc; lên rừng bắt ve sầu; bắt hươu nai; lên chợ tổ (háng đẳm) gặp họ hàng anh em 4 đời đi chợ âm; lên chợ Tam Quang mua hoa, quả, quần áo... rồi thu vía, biến phép ra khỏi chợ để đi xuống; xuống bến sông, cho lệnh bài đóng thuyền, đóng binh mã, sau đó khao binh mã xong rồi vượt biển; đi lên trời (tàng bốc) gặp cụ kị trên trời để trình việc; lên gặp Mẻ Va trình việc rồi nộp quần áo, đồ giả thì hóa vàng, đồ thật thì nộp, rồi trình tiếp với bà mụ chị để nộp lễ; lên gặp Bắc Đẩu để vào sổ của Nam Tào nộp lễ; điểm quân rồi về.

Các thày then có thể tùy cơ ứng biến khi làm lễ cho gia chủ, nếu gia chủ yêu cầu thêm phần nào thì thày then sẽ làm thêm phần đó. Chẳng hạn, gia chủ yêu cầu ghép 2 lễ giải hạn và đầy tháng thì thày sẽ làm theo, mời Nàng Hai (nàng trăng) xuống vui cùng. Về cấu trúc chung đều phải như vậy, nhưng với mỗi loại thì lại có đường đi khác nhau, về cơ bản, đều có các phần như trình tổ, giải uế... điểm quân rồi hồi về.

 Ở then Bạch Thông của ông Nguyễn Đình Sẩu, khi đi lên hát Khửn sơn lâm (vượt núi rừng) bằng chữ pây mạ (đi ngựa - đi lên) và khi đi về thì vẫn hát bài này nhưng thay chữ pây mạ bằng chữ hòi mạ (hồi ngựa - đi về).

Đặc trưng âm nhạc then Na Rì qua phân tích then của ông Nguyễn Đăng Lưu

Mời Nàng Hai chỉ thấy trong then Na Rì. Âm nhạc trong đoạn lên mời nàng trăng rất sôi động với tiết tấu móc giật, cộng với những quãng nhảy bậc 3, bậc 4 tạo cho người nghe cảm giác nhún nhảy khi đi vào gặp nàng trăng, đây là đoạn nhạc tiêu biểu của tàng bốc (đường khô) với thang âm ngũ cung.

 
 
 

Mục sắp mạ (sắp binh mã) là lúc quân binh đang sắp xếp hành lý lên đường, nhịp điệu bài hát thong thả, chậm rãi, các bước đi của giai điệu nhẹ nhàng, khoan thai với thang âm 3 âm fa - la giáng - si giáng khá đặc biệt.

 
 
 

Với lời ca nhẹ nhàng, tiết tấu móc kép cùng một loạt các bước lần tạo cảm giác cho người nghe như đang đi trên con đường gập ghềnh, đoạn này là đoạn đặc trưng của đường then khi đi tàng nặm.

Tất cả các cửa ban đầu đều hát theo một làn điệu, chỉ thay đổi về ca từ, còn phần nhạc vẫn như nhau, các cửa đó là trình tổ, giải uế, sắp mạ, chép lễ, qua thổ công, lên núi… Phần này các bài bản chỉ thay đổi mỗi lời, giai điệu đều đều, như văn khấn nôm, không rõ lời. Trong toàn bộ đoạn này, điệu thức chỉ xoay quanh 4 bậc âm là mi - son thăng - la - si.

 
 
 

Đặc trưng âm nhạc then Bạch Thông qua phân tích then của ông Nguyễn Đình Sẩu

Khác với dòng then của ông Nguyễn Đăng Lưu ở Na Rì, then của ông Nguyễn Đình Sẩu không có quan niệm tàng bốc hay tàng nặm, các phần bài bản, chương đoạn cũng có điểm khác.

 Văn khấn: Thang âm 4 âm khá đặc biệt với 2 quãng 2 trưởng và 1 quãng 3 thứ.

 
 
 

Sôi hương (gọi hương), chép pang (chép lễ), khửn sơn lâm (vượt núi rừng), khửn tu hạn (lên cửa hạn): dạng điệu thức 5 âm ngũ cung, được sử dụng trong hầu hết các bài then ở Bạch Thông.

 
 
 

Hát ru: Thang âm khá giống với điệu thức ở trên nhưng bị khuyết 1 âm.

 
 
 

Pắt phu (bắt phu): Dạng điệu thức 4 âm khá đặc trưng của then Bạch Thông.

 
 
 

Như vậy, trong cả hai dòng then, giai điệu trong đoạn hát được phát triển, quán xuyến toàn tuyến bởi thang âm mang rõ nét một điệu tính nhất định.

Phổ biến, đặc trưng nhất trong tất cả các làn điệu hát then chính là hình thái âm điệu sử dụng nhiều nốt dựa (dạng nốt dựa ngắn). Trong phương pháp ghi âm bằng nốt nhạc, nốt dựa ngắn ký hiệu bằng những nốt nhỏ. Trong đó, có thể gồm hai nốt nhạc, một nốt dựa ngắn đứng trước nốt nhạc chính một quãng 2, 3, 4 láy từ dưới lên hoặc từ trên xuống; hoặc gồm ba nốt nhạc, trong đó có hai nốt dựa ngắn cách nhau một quãng 2, nốt đầu đứng trước cách nốt nhạc chính một quãng 2, 3 hoặc đồng âm, láy từ dưới lên, từ trên xuống hoặc lên rồi lại xuống. Hình thái âm điệu này tạo cho giai điệu trở lên mềm mại, uyển chuyển, giàu sức biểu cảm hơn.

Then sử dụng những vần thơ theo thể 5, 7 từ xen lẫn thể 4, 6, 8, 10, 12 từ, có độ dài ngắn ở từng bài khác nhau. Về âm nhạc, mỗi bài đều hình thành câu, đoạn mang cấu trúc rõ ràng: Đoạn nhạc được hình thành bởi hai câu thơ, mỗi câu 7 từ; Đoạn nhạc gồm hai câu hát hai lần liên kết với nhau bằng nhịp cầu nối; Đoạn nhạc gồm hai câu, 5 và 7 từ.

Bên cạnh đó, còn có một số điệu tuy không được sử dụng nhiều, nhưng mang tính bắt buộc khi làm then như điệu giải uế, nghe gần giống với hát nói, giai điệu thường đơn giản, thực hiện chủ yếu bước lần.

Với sự kết hợp của nhiều hình thức trong nghi lễ: nhạc không lời, nhạc đệm hát, nhạc đệm hát có xóc nhạc..., âm nhạc trong then đầy tháng đã góp phần miêu tả một cách sinh động cuộc hành trình lên thiên giới của thày then. Bên cạnh những nét chung, mỗi dòng then lại mang những nét riêng, phản ánh đặc điểm trong trao truyền, giao lưu văn hóa của các dòng then. Có thể nói, sự có mặt của các dòng then ở Bắc Cạn đã góp phần làm nên sự đa dạng trong thống nhất của then Tày ở Việt Bắc nói chung.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : NGUYỄN VĂN THIỀU

;