Ảnh minh họa
Ai đó đã nói rất đúng rằng sự ấm áp ở tấm lòng là điều khó có thể giả vờ nhất bởi, qua ánh mắt, nụ cười; qua cử chỉ, điệu bộ… của một ai đó, ta có thể dễ dàng nhận ra ai là người đang quan tâm, yêu thương; ai đang bao dung, độ lượng với mình thực sự. Và như thế, sự ấm áp nơi tấm lòng bao giờ biểu hiện ra cũng là những nghĩa cử cao đẹp.
Sự ấm áp trong tấm lòng là những sẻ chia, yêu thương, sự quan tâm, giúp đỡ, sự bao dung, độ lượng,… chẳng cần đắn đo, toan tính của bất kỳ ai. Nó giống như những món quà, dù không lớn lao nhưng vô cùng quý giá. Nó giúp người gần người hơn. Nó trở thành sợi dây liên kết khiến tình người thêm đẹp.
Tôi thực sự xúc động khi biết câu chuyện về một cậu bé lên 10 tuổi, ăn mặc phong phanh, chân đất đầu trần với rổ khoai lang luộc trên tay, miệng đon đả mời chào khách qua đường mua. Dáng vẻ cậu lộ rõ cảnh nghèo khó. Vậy mà khi có khách mua khoai, cho cậu thêm một số tiền thì cậu lại kiên quyết không nhận: “Cháu chỉ lấy đủ tiền bán khoai thôi ạ. Mẹ cháu dặn không được lấy hoặc xin thêm tiền của bất kỳ ai…”. Tấm lòng đôn hậu, đẹp đẽ của cậu bé nghèo khiến mọi người cảm thấy thật ấm áp.
Có người nói rất chí lý rằng, điều gì xuất phát từ trái tim thì đều rất chân thành. Ngày 20.11 vừa qua, tôi được một cô bé học trò tặng một đùm lá trầu. Trông dáng em bẽn lẽn, lời nói ngại ngùng thương lắm. Em rụt rè: “Cô ơi, em nghe nói cô bị dị ứng vì thời tiết chuyển mùa. Em hái nắm lá trầu trong vườn nhà, cô về nấu nước tắm thử xem ạ”. Tôi dừng lại một hồi lâu và thực sự xúc động trước sự quan tâm chân thành của em. Chính tình cảm ấm áp của em đã khiến bài giảng của tôi hôm ấy về những món quà, về cách tặng quà càng thêm sâu sắc, ý nghĩa.
Sự ấm áp nơi tấm lòng thể hiện qua hành động thiết thực từ những người luôn biết sống và nghĩ cho người khác. Đó có thể là những chiếc khăn, tấm áo, đôi giày, thùng mì gói, bao gạo, hay sách vở,… của đồng bào dưới xuôi gửi lên miền ngược giữa những ngày đông giá rét. Là hành trình cõng chữ lên non của những người thầy, người cô làm nghề “gieo chữ”, vì tương lai của bao thế hệ học trò mà tạm gác hạnh phúc lứa đôi. Là nghĩa cử cao đẹp của những người tình nguyện hiến máu, với phương châm “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”… Bao hành động, nghĩa cử tốt đẹp ấy đã sưởi ấm lòng người, xua tan giá lạnh ngày đông. Nó giúp ta nhận ra rằng: lòng nhân ái, trắc ẩn, yêu thương giữa con người với con người bao giờ cũng khiến ta cảm thấy thật hạnh phúc, ấm áp.
Ấm áp giữa mùa đông nhất có lẽ là được trở về bên gia đình sau những vất vả, mưu sinh, lo toan cho cuộc sống. Về với gia đình là về với những ấm áp bình dị mà thiêng liêng, chẳng nơi nào có được. Về với gia đình là về với đôi bàn tay vững chãi của cha, vòng ôm yêu thương của mẹ, của tình cảm vợ chồng thắm thiết, của tiếng nói cười con trẻ. Về với gia đình, ta được trút bỏ những buồn phiền, cô đơn; những mệt nhoài, lạnh giá ngoài kia. Gia đình - nơi chỉ có tình thân sưởi ấm trái tim mỗi người - giúp ta nhận ra điều gì là quan trọng phải trân quý, giữ gìn.
Cuộc sống vốn dĩ muôn màu muôn vẻ, xấu tốt, hay dở, đúng sai,… xen lẫn, song hành. Bên cạnh những con người cho ta sự ấm áp, yêu thương thì vẫn còn đó những người làm trái tim ta đau thương, buồn bã. Sự ấm áp nơi tấm lòng sẽ khơi dậy những mạch nguồn tử tế, những lối sống cao đẹp. Nó chữa lành những vết thương trong tâm hồn. Nó giúp con người bước qua giới hạn tầm thường, ích kỷ của bản thân. Nó hướng chúng ta đến với cái đẹp vĩnh cửu.
Bởi vậy, cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu mỗi người biết nhận ra, biết đánh thức sự ấm áp trong trái tim của chính mình.
Tác giả: Lê Thị Xuyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020