YÊU NƯỚC - GIÁ TRỊ HÀNG ĐẦU TRONG TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA DÂN TỘC

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là sự kết tinh của tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Truyền thống bản sắc đó được thể hiện thành vô số giá trị văn hóa tiêu biểu và việc nghiên cứu, khái quát những giá trị ấy cho đến hiện nay dường như vẫn chưa có điểm dừng. Mặc dù vậy, hầu hết các học giả, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, chính trị… và cả Đảng ta đều thống nhất khẳng định, yêu nước là giá trị hàng đầu trong truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII đã nhấn mạnh: “Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…” (1).

Tất nhiên, yêu nước là một phạm trù văn hóa, đạo đức có ý nghĩa phổ biến chung toàn nhân loại, thể hiện tình cảm bền vững của con người đối với nơi sinh sống của mình. Nói cách khác, yêu nước không phải là sản phẩm riêng có của dân tộc Việt Nam, mà nó là trạng thái tình cảm xã hội mang tính phổ quát vốn có ở mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tình cảm ấy được hình thành sớm hay muộn, đậm hay nhạt, nội dung cụ thể, hình thức và mức độ biểu hiện cũng như chiều hướng phát triển của nó lại tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, hoàn cảnh lịch sử, tự nhiên, tâm lý và bản sắc văn hóa... của từng quốc gia, dân tộc. Như V.I.Lênin đã chỉ rõ: “yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất đã được củng cố qua hàng trăm hàng nghìn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập” (2). Song, đối với Việt Nam, thực tiễn lịch sử đã chứng minh, trong số các giá trị truyền thống của bản sắc văn hóa dân tộc, yếu tố được lịch sử đưa lên hàng đầu và lấy đó làm trung tâm, nền tảng cho mọi hoạt động tinh thần của nhân dân ta qua mọi thời kỳ, làm điểm tựa cho sự trường tồn của dân tộc, đó là yêu nước. Yêu nước trở thành tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị, là “động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống các giá trị đạo đức của dân tộc ta” (3). Đặc biệt, yêu nước không chỉ là một tình cảm tự nhiên, không chỉ dừng lại ở những tư tưởng yêu nước, tinh thần yêu nước hay lòng yêu nước... thiên về yếu tố trực quan, cảm tính, biểu hiện chủ yếu ở những cá nhân đơn lẻ hay những tập thể riêng rẽ, nó cũng không dừng lại ở truyền thống yêu nước mang nặng tính lịch sử thuần túy, mà tư tưởng, tình cảm đó đã phát triển đến đỉnh cao và trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã trở thành hệ tư tưởng chủ đạo, giữ vai trò định hướng và chi phối toàn bộ quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta qua các thời kỳ. Hơn nữa, chủ nghĩa yêu nước còn trở thành giá trị văn hóa mang tính phổ biến và được xã hội hóa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, được các thế hệ người Việt Nam xác định như một trong những tiêu chí, giá trị cao nhất quy định phương châm sống và hành động của mình. Từ đó, tạo thành động lực tinh thần to lớn, thúc đẩy những hành động tích cực vì đất nước của con người và cộng đồng người Việt Nam.

Thật vậy, thực tiễn lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy: vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của nước ta bên cạnh những thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức. Trong quá trình xây dựng đất nước, con người Việt Nam vừa thích nghi, vừa khai phá những tài nguyên và phát huy những mặt thuận lợi của thiên nhiên để mở mang ruộng đồng, xóm làng, phát triển sản xuất. Nhưng thiên nhiên cũng đem lại cho con người nơi đây không ít khó khăn, hằng năm bão lụt, hạn hán hoành hành dữ dội, cướp phá đi nhiều tài sản và sinh mệnh của con người. Vì vậy, trong quá trình trụ lại khai phá mảnh đất này, ông cha ta đã phải đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên, sự đoàn kết, cố kết cộng đồng đó đã trở thành nhu cầu tự nhiên, tất yếu để tồn tại và phát triển. Từ rất sớm nhân dân ta đã biết đắp đê để chống lũ lụt, đào kênh mương, làm thủy lợi để chống hạn hán. Tất cả những thành tựu đó trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước đều thấm đượm mồ hôi, nước mắt và xương máu của bao thế hệ, cũng vì lẽ đó mà mọi người Việt Nam đều nặng tình, nặng nghĩa với quê hương, đó là cơ sở vững bền của tình yêu đất nước, sự gắn bó với xứ sở và là nền tảng quan trọng để hình thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Mặt khác, Việt Nam lại nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực và thế giới, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và phong phú nên luôn là mục tiêu nhòm ngó, lăm le xâm lược và thôn tính của các đế quốc ngoại bang. Vì vậy, trong lịch sử thế giới, hiếm có một dân tộc nào phải chống ngoại xâm nhiều lần và liên tục như dân tộc Việt Nam. Kể từ cuộc kháng chiến chống Tần (TK II trước CN) đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân tộc Việt Nam đã có 12 thế kỷ phải tiến hành kháng chiến giữ nước và đấu tranh chống ách đô hộ của nước ngoài. Những cuộc đọ sức với các thế lực xâm lược lãnh thổ, dân tộc, xâm lăng văn hóa... đã tạo cho con người Việt Nam một giá trị vô cùng quý giá, đó là chủ nghĩa yêu nước với nội dung cốt lõi là ý thức về chủ quyền quốc gia và tinh thần độc lập dân tộc. Giá trị tốt đẹp đó trở thành một trong những giá trị truyền thống văn hóa cao quý nhất, bền vững nhất, giữ ở vị trí hàng đầu và được người Việt Nam coi là chuẩn mực cao nhất của đạo lý dân tộc. Và, trên thực tế, thắng lợi của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến giữ nước và đấu tranh chống ách đô hộ của nước ngoài, không chỉ là chiến thắng thuần túy về mặt quân sự mà còn cả về văn hóa và bằng văn hóa yêu nước của mình. Điển hình là cuộc đấu tranh chống Hán hóa về chủng tộc, ngôn ngữ, phong tục, tập quán trong suốt chặng đường hơn nghìn năm các triều đại phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ hay cuộc đấu tranh chống lại chính sách văn hóa nô dịch, phản động của thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ trong TK XX.

Rõ ràng, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không phải là tư tưởng yêu nước, tình cảm yêu nước hay lòng yêu nước thuần túy, nó cũng không đồng nhất với tinh thần yêu nước, truyền thống yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý trí yêu nước và tình cảm yêu nước của con người Việt Nam, là sự phát triển ở trình độ cao của tư tưởng yêu nước, là tinh thần yêu nước đạt đến sự tự giác. Nó đã vượt ra khỏi trạng thái tâm lý, tình cảm thông thường của con người để đạt tới giá trị cao về văn hóa, tư tưởng, lý luận và chính trị, có độ bền vững cao qua thăng trầm của lịch sử.

Hơn thế nữa, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không chỉ là một giá trị, mà điều quan trọng hơn nữa nó còn là cội nguồn, cơ sở của hàng loạt các giá trị khác, là giá trị cao nhất trong bảng thang giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Các giá trị văn hóa khác đều là sự thể hiện dưới những khía cạnh, những góc độ và hình thức khác nhau của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Điều đó có nghĩa, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không chỉ chứa đựng các giá trị chân, thiện, mỹ mà đã trở thành những yếu tố tận chân, tận thiện, tận mỹ. Trong đó, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống là cơ sở của chủ nghĩa anh hùng, tinh thần đoàn kết, đức tính cần cù, chịu khó, lối sống lành mạnh, lạc quan, yêu đời của nhân dân Việt Nam, làm nên cốt cách Việt Nam. Còn chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại là động lực để thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, củng cố, tăng cường đại đoàn kết, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mặt khác, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam dù truyền thống hay hiện đại suy đến cùng đều là nội dung cốt lõi của tư tưởng Việt Nam, của nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Như khẳng định của cố giáo sư Trần Văn Giàu: “Ở đây, bản chất Việt Nam biểu lộ đầy đủ và tập trung nhất, hơn bất cứ chỗ nào khác. Yêu nước trở thành một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam” (4). Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam xác định những nguyên tắc, yêu cầu không phải về mặt pháp lý mà mang tính xã hội, chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc, nó là sợi dây tinh thần ràng buộc mọi người trong cộng đồng phải tuân theo trong nhận thức và hành động thực tế. Nó là mẫu số chung của tư tưởng, đạo đức, lối sống con người Việt Nam, trở thành tiêu chí cao nhất và là thước đo giá trị của từng con người, từng công dân trước cộng đồng. Đồng thời, đó cũng là tiêu chí cơ bản để phân biệt bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam với văn hóa của các dân tộc khác.

Được xem như một giá trị cao nhất trong truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thể hiện trên nhiều phương diện, trước hết là tình yêu quê hương, đất nước và nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp. Đối với người Việt Nam, quê hương thật nặng tình, nặng nghĩa, không chỉ nơi chôn rau cắt rốn mà còn là đất tổ quê cha. Quê hương không chỉ là nơi ở, nơi làm ăn sinh sống đơn thuần mà còn là thành quả văn hóa của nhiều thế hệ tạo lập nên và cùng nhau giữ gìn. Người Việt dù phải xa quê, thậm chí đi làm ăn sinh sống ở nước ngoài, dù ba bốn thế hệ, vẫn đau đáu một niềm hướng về đất nước quê hương. Dưới góc độ văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam còn được biểu hiện ở ý chí tự lực tự cường, nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp, đem sức ta giải phóng cho ta. Đồng thời, đó còn là niềm tự hào và tự tôn dân tộc, xuất phát từ cội nguồn và hướng về cội nguồn, nâng cao vị thế dân tộc trên trường quốc tế, ghét thói lai căng, mất gốc… Và trong giai đoạn cách mạng mới, giá trị chuẩn mực cao nhất, cốt lõi nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được biểu hiện tập trung ở lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội. Như Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Yêu tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mới ngày một ấm no thêm, Tổ quốc ngày một giàu mạnh thêm” (5). Yêu nước mà không yêu chủ nghĩa xã hội, đòi từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, dù dưới bất kỳ hình thức nào thực chất là lập trường của những kẻ muốn phủ nhận giá trị, truyền thống bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và đi ngược lại lợi ích của đất nước, xu thế phát triển của thời đại.

Như vậy, yêu nước không chỉ là một nét đẹp đạo đức, một nét văn hóa mà còn kết tinh thành giá trị bền vững, tiêu biểu hàng đầu của truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Chính giá trị này làm nên sức sống của con người và dân tộc Việt Nam qua bao thăng trầm của lịch sử. Yêu nước - giá trị văn hóa gắn liền với dân tộc Việt Nam, là yếu tố cơ bản hình thành dân tộc, là linh hồn của dân tộc. Văn hóa còn, yêu nước còn thì dân tộc còn. Văn hóa suy, yêu nước giảm thì dân tộc yếu. Văn hóa mất, chủ nghĩa yêu nước không còn thì dân tộc diệt. Do đó, trong thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, đòi hỏi cấp thiết phải thường xuyên khơi dậy và phát huy giá trị hàng đầu trong bản sắc văn hóa dân tộc - chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lên tầm cao mới.

______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.56.

2. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 37, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1981, tr.226.

3, 4. Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1980, tr.102, 101.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.173.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : NGUYỄN ĐÌNH BẮC

;