Trong quá trình đổi mới đất nước, việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, đã có sự tác động đến văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống của dân tộc Tày ở Thái Nguyên. Theo đó, làm xuất hiện các xu hướng biến đổi trong văn hóa truyền thống, như: xu hướng biến đổi để thích nghi trong quá trình sinh tồn; biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày theo xu hướng của sự phủ định sạch trơn; biến đổi theo sự đồng hóa tất yếu của quá trình tiếp biến văn hóa; biến đổi theo xu hướng khôi phục những yếu tố đã bị mai một trong quá trình phát triển.
Thái Nguyên là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng, là trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực trung du, miền núi phía Bắc; nơi đây có 8 tộc người sinh sống, trong đó người Tày đứng vị trí thứ 2, sau người Kinh (ngoài ra còn có: Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa). Mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau, những nét độc đáo đó nằm cùng trong tổng thể nền văn hóa chung của cả nước.
Sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, mở cửa, xây dựng kinh tế thị trường đã dẫn đến những xu hướng biến đổi khác nhau của giá trị văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Nhiều yếu tố trong nền văn hóa có sự bổ sung, làm giàu thêm, song, nhiều yếu tố truyền thống đang bị mai một, thậm chí bị biến mất.
Phân tích những yếu tố tác động đến các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Tày ở Thái Nguyên, chúng tôi thấy xuất hiện một số xu hướng biến đổi sau:
Biến đổi để thích nghi trong quá trình sinh tồn
Trong quá trình giao lưu với văn hóa của người Kinh, mặc dù một số làng bản, người Tày bị đồng hóa, song về cơ bản đã có sự học hỏi những tiến bộ, làm cho đời sống của đồng bào Tày nơi đây có sự tiếp cận với khoa học kỹ thuật, góp phần xóa bỏ đi những phương thức canh tác lạc hậu, kém phát triển, học hỏi những phương thức canh tác mới trong chăn nuôi, trồng trọt, cách thức sinh hoạt, ngôn ngữ, chữ viết, giáo dục, ăn mặc, phương tiện đi lại, nhà ở… Về hạn chế, nó đã cơ bản làm thay đổi một cách toàn diện đối với cách sống, nếp tư duy của họ.
Trong bối cảnh hiện nay, quá trình hội nhập, mở cửa sâu rộng tạo ra những cơ hội đa dạng, phong phú cho đồng bào Tày ở Thái Nguyên có sự tiếp xúc với các nền văn hóa nước ngoài. Thái Nguyên là tỉnh có sự phát triển về công nghiệp hóa sớm, sự đầu tư của các công ty nước ngoài diễn ra từ nhiều năm qua. Thái Nguyên là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước, hàng năm thu hút được một lượng lớn học sinh, sinh viên trong nước tham gia. Các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh có sự hợp tác quốc tế rất mạnh, năng động về phát triển kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục... Cơ hội đó đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh có sự tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hóa khác nhau, đó chính là yếu tố căn bản của sự tự điều chỉnh các yếu tố văn hóa trong quá trình hội nhập.
Biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày theo xu hướng của sự phủ định sạch trơn
Quá trình ảnh hưởng, tác động của các yếu tố bên ngoài hiện nay đã làm cho các giá trị văn hóa có sự biến đổi so với cái cũ. Xu hướng này diễn ra chủ yếu ở giới trẻ, đặc biệt là những người sống ở các khu vực thành thị, những người hoạt động trong các môi trường học tập, kinh doanh, tham gia lao động tại các công ty nước ngoài. Họ là những người có sự tiếp xúc sớm với các nền văn hóa khác nên hòa nhập với văn hóa phổ biến sớm hơn. Sinh ra trong điều kiện có nhiều sự thay đổi về kinh tế, xã hội, sự tiếp cận với nhiều các tri thức nhân loại mang tính hiện đại đã được diễn ra với họ từ rất sớm. Với tư tưởng hiếu học của đồng bào Tày, họ luôn hướng con em đến với con đường tri thức, đặc biệt, trong điều kiện đổi mới đất nước, cơ hội học tập, sự thông thương làm ăn phát triển kinh tế đã tạo ra những con người nhanh nhẹn, năng động, hiểu biết. Cuộc sống nơi đô thị đã làm cho họ dần xa rời truyền thống bản làng, không muốn tìm hiểu, thực hành thường xuyên các yếu tố truyền thống.
Biến đổi theo sự tất yếu của quá trình tiếp biến văn hóa
Xu hướng hiện nay luôn tạo ra hai mặt tích cực, tiêu cực của quá trình phát triển trên mọi phương diện. Sự phân định giữa hai mặt này không phải là điều dễ dàng, thậm chí, khi xuất hiện những sự tác động đó nó mới có sự rạch ròi. Tộc người Tày ở Thái Nguyên có nhiều cơ hội, nhưng cũng gặp không ít thách thức trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, mở cửa, sự phát triển kinh tế thị trường hiện nay.
Giao lưu, tiếp biến văn hóa là một sự tất yếu trong quá trình tiếp xúc giữa các nền văn hóa. Những yếu tố văn hóa nào mạnh mẽ, thể hiện trình độ phát triển cao về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ thì trong quá trình tiếp xúc, nó luôn có sự chiếm lĩnh được vị trí quan trọng trong quá trình tương tác. Ở nước ta, nhiều năm qua, văn hóa người Kinh có sự giao thoa với văn hóa các tộc người khác. Người Tày ở Thái Nguyên cũng đã từng coi văn hóa của người Kinh có tính hiện đại, nên họ làm theo và coi nhẹ văn hóa truyền thống của mình. Bên cạnh đó, việc tiếp thu văn hóa phương Tây ở người Tày cũng đang diễn ra khá mạnh. Nhiều con em của đồng bào hiện nay đang làm việc với các đối tác nước ngoài, học tập tại nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài…
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, văn hóa Tày cũng có sự giao thoa với văn hóa Kinh, cùng một số tộc người khác như Nùng, Hoa… Điều đó đã được chứng minh ở một số các bản làng của người Tày thuộc các huyện Định Hóa, Phú Lương khi người Kinh ở các tỉnh miền xuôi lên khai hoang, đã tuân thủ không ít giá trị văn hóa Tày. Do số lượng người Kinh ít hơn số lượng người Tày cư trú tại khu vực đó, nên đã bị văn hóa Tày lấn át về cơ bản, nhất là các yếu tố thuộc về phong tục tập quán.
Như vậy, quá trình tiếp biến văn hóa của tộc người Tày ở Thái Nguyên diễn ra theo hai hướng là người Tày bị đồng hóa về văn hóa hoặc người Tày nơi đây đồng hóa văn hóa dân tộc Kinh cùng một số các dân tộc khác. Song, xu hướng hiện nay của văn hóa Tày là giảm thiểu giá trị văn hóa truyền thống bởi các nền văn hóa khác có sự phát triển mạnh hơn trong quá trình giao lưu. Đây là xu hướng khiến cho họ phải loại bỏ toàn bộ cái mình đang có để lĩnh hội cái được coi là mới.
Biến đổi theo xu hướng khôi phục những yếu tố đã bị mai một trong quá trình phát triển
Trong bối cảnh đổi mới đất nước hiện nay, nhiều tác động không mong muốn của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, mở cửa, cơ chế thị trường đã làm cho nhiều yếu tố của văn hóa bị mất đi, đặc biệt là những yếu tố văn hóa truyền thống. Đảng, Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chính sách nhằm khôi phục, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ khi Nghị quyết TW 5 khóa VIII ra đời với nội dung cơ bản “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, bên cạnh mục tiêu góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, nó cũng có vai trò quan trọng trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa của các tộc người. Nghị quyết này là chính sách văn hóa vừa hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, vừa phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân trong quá trình đổi mới đất nước hiện nay.
Tuy nhiên, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, việc nhận thức, thực hiện chủ trương đó chưa được hiệu quả, sự tự ý thức chưa cao trong quá trình giữ gìn văn hóa truyền thống bản địa.
Như vậy, các giá trị văn hóa truyền thống hiện nay của tộc người Tày ở Thái Nguyên đang có những xu hướng biến đổi khác nhau, hoặc để phù hợp trong quá trình sinh tồn, hoặc biến đổi theo hướng đánh mất giảm thiểu giá trị hoặc biến đổi để khôi phục. Những sự biến đổi đó cũng thể hiện xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển chung của đất nước, nó chắc chắn không bị mất đi hoàn toàn mà là quá trình của sự vận động, biến đổi.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ NỘI