TÁC ĐỘNG CỦA NGUỒN LỰC VĂN HÓA TỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở LÀNG MÔNG PHỤ

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, giao lưu và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, sự tồn tại của một ngôi làng cổ thuần Việt là rất hiếm hoi, trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo. Từng yếu tố cấu thành ngôi làng như cảnh quan, kiến trúc, di tích, phong tục tập quán… đều trở thành những sản phẩm văn hóa đặc sắc, có khả năng phát triển kinh tế du lịch.

Làng cổ Mông Phụ có niên đại khoảng 500 năm, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây là một trong những địa điểm cư dân sớm quần tụ và lập làng. Trong quá trình sinh tụ ở mảnh đất này, người dân đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần về cảnh quan môi trường, công trình kiến trúc, các di tích lịch sử văn hóa như đình, chùa, lăng, miếu… cùng hệ thống tri thức bản địa như kỹ thuật làm gạch đá ong, làm tương… Sự phong phú trong hệ thống các sản phẩm văn hóa ở làng Mông Phụ đã tạo nên sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Những năm gần đây, cùng với sự định hướng của chính quyền, người dân đã bước đầu khai thác nguồn lực các sản phẩm văn hóa để phát triển kinh tế du lịch.

Không gian, cảnh quan, kiến trúc

Làng cổ Mông Phụ nằm ở chân núi Tản Viên hùng vĩ, thuộc vùng tứ giác nước, được bao bọc bởi các sông Hồng, sông Đà, sông Tích và sông Đáy, địa thế này đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của vùng đất bán sơn địa với những đồi gò, rộc sâu, ruộng ven sông phong phú và đa dạng.

Ngày nay, cấu trúc phân bố cư trú truyền thống ở đây vẫn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn: hệ thống đường phân nhánh hình xương cá giữa các làng và cấu trúc hướng tâm (đình làng). Với kết cấu kiến trúc này, sân đình như một ngã sáu trung tâm của hệ thống đường làng, chúng xòe ra như những nan quạt tỏa về các xóm, cũng như quy tụ được mọi con đường về đình làng. Kiến trúc này góp phần tôn thêm sự tập trung, gia tăng tính cố kết cộng đồng của dân làng, tạo nên không khí linh thiêng, tôn kính trong tâm thức của người dân đối với Thành hoàng làng.

Khuôn viên và kiến trúc nhà ở truyền thống làng Mông Phụ được bố trí chặt chẽ, hài hòa. Các thành phần trong khuôn viên đều có vai trò riêng, được liên kết chặt chẽ, không chèn lấn, không ôm chồng, nhưng ngôi thứ rất rõ ràng, tất cả đều lấy nhà chính làm điểm quy tụ, hướng tới và đẩy cao vai trò chính của nó. Ngoài kiến trúc đình, nhà ở, thì cổng làng cũng là yếu tố văn hóa mang giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo. Cổng làng Mông Phụ nằm e lệ dưới bóng đa cổ thụ hơn ngàn năm tuổi, bên cạnh ao làng, gợi tả không gian đặc trưng của vùng quê truyền thống, nhưng đồng thời lại là bức bình phong sinh thái độc đáo nhằm tách rời khung cảnh làng yên bình với thị thành náo nhiệt.

Những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật như cổng làng, đình, chùa, nhà thờ họ, quán, điếm, miếu, giếng... có mặt ở các thôn của làng cổ; nét độc đáo về kiến trúc những ngôi nhà cổ có sân, vườn, bếp, nhà ngang, giếng nước, cổng có mái che...; nhà thờ họ, miếu, quán, giếng cổ… với kiểu dáng kiến trúc mộc mạc gần gũi thiên nhiên, phong cảnh, kiến trúc truyền thống ở Mông Phụ vẫn giữ được những nét bản địa, không bị đồng hóa trong nền kiến trúc phương Đông.

Có thể nói đây là một tầm nhìn độc đáo về quy hoạch. Cách thức bố trí trật tự trong quy hoạch đường làng, ngõ xóm, sự tồn tại gần như nguyên vẹn của cánh cổng làng thâm u trầm mặc dưới gốc đa cổ thụ, những tường nhà xây bằng đá ong tạo nên một không gian độc đáo, riêng có của làng quê vùng bán sơn địa. Chính không gian văn hóa, kiến trúc này đã tạo nên hiệu ứng tích cực không chỉ cho người dân trong làng mà còn đối với khách du lịch mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn.

Các sản phẩm vật phẩm, sinh hoạt, trải nghiệm

Đến Mông Phụ, du khách không chỉ được thưởng ngoạn kiến trúc cổ độc đáo, tìm hiểu về cuộc sống của cư dân, mà còn được tìm hiểu không gian sống, thưởng thức những món quà đồng quê đặc trưng... Nếu lưu lại dài ngày, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân qua chương trình homestay. Chương trình này sẽ cho du khách sống cùng dân, trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp như trồng cấy, thu hoạch mùa màng, bắt cá…

Du khách đến đây bị hấp dẫn bởi những thức quà quê mang hương vị riêng đậm chất mộc mạc, bình dị như chính người dân nơi đây. Rõ ràng, du lịch đã giúp cho những thức quà quê được người dân trong và ngoài nước biết đến. Những thức quà quê mộc mạc, bình dị giờ được người dân làm theo hướng chuyên nghiệp để phục vụ du khách hay làm món quà gửi người thân nơi xa.

Việc phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển du lịch không những hình thành nên một hoạt động kinh tế mới, mà còn góp phần hình thành nên nhiều lĩnh vực dịch vụ trong làng như lưu trú, ẩm thực… Đến đây khách du lịch có thể lưu trú dài ngày do hệ thống các dịch vụ về ăn, nghỉ lại trong những ngôi nhà cổ mang đặc trưng nhà ở dân gian của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Tại làng Mông Phụ có Công ty Cổ phần du lịch làng cổ Đường Lâm tổ chức dịch vụ lưu trú tại nhà dân. Lưu trú tại nhà dân, du khách được sống trong không gian riêng, được tìm hiểu và tham gia vào các hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất cùng với người dân. Nhiều du khách nước ngoài rất thích thú loại hình dịch vụ này, do đó họ lưu trú ở đây dài ngày hơn. Đến nay đã có hơn 10 hộ gia đình tham gia kinh doanh dịch vụ này. Tuy nhiên, việc phục vụ kinh doanh dịch vụ ăn uống còn gặp nhiều khó khăn, phương thức phục vụ còn đơn điệu và hạn chế vì tay nghề chế biến và trình bày món ăn còn thiếu chuyên nghiệp.

Để khắc phục những nhược điểm, tháng 4 - 2011, Công ty Cổ phần du lịch làng cổ Đường Lâm do hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thu và ông Nguyễn Văn Vững ở Mông Phụ chính thức đi vào hoạt động. Hoạt động của Công ty được đặt dưới sự hỗ trợ của Ban Quản lý di tích làng cổ ở Đường Lâm và Hiệp hội Lữ hành Việt Nam. Sự kiện này đã đánh dấu sự chuyên môn hóa trong hoạt động kinh doanh du lịch của dân làng, góp phần cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ tới khách du lịch.

 
 
 
Nét xưa. Ảnh Việt Hoàng 
 

Thông thường, khách du lịch đến thăm làng được bố trí ăn tại nhà cổ truyền thống theo sự sắp xếp của hướng dẫn viên hoặc du khách tự lựa chọn. Các món ăn chính ở đây thường gồm: thịt gà, cá kho, canh chua, thịt lợn rán, rau muống luộc chấm tương, bánh tẻ, cà muối… Hiện nay, thực đơn phục vụ khách đã có nhiều thay đổi với những món đặc trưng của làng quê như gà Mía, cà ngâm tương, củ cải ngâm tương, thịt lợn luộc ngâm tương…

Từ đầu năm 2011, một số hoạt động vui chơi giải trí được đưa vào phục vụ khách du lịch: tham quan làng cổ bằng xe đạp, các dịch vụ trải nghiệm đời sống của nông dân nông thôn như trồng, hái rau, dạy nấu món ăn Việt, tát nước bằng gầu sòng, thổi cơm, cấy lúa… Các hoạt động này thường đi kèm với dịch vụ nghỉ tại nhà dành cho khách du lịch quốc tế.

Các quầy hàng lưu niệm chuyên nghiệp hiện chưa có, vì vậy đồ lưu niệm, các món quà quê, đặc sản của làng… được bán tại các sạp hàng, quán nước nhỏ ven đường và trong một số nhà cổ tham gia vào dịch vụ du lịch.

Trước khi được công nhận là làng Việt cổ đầu tiên của cả nước, khái niệm du lịch và ý tưởng kinh doanh du lịch trong suy nghĩ của người dân còn mờ nhạt, ít được quan tâm. Chưa có cơ quan, ban ngành nào của làng phụ trách, quản lý về du lịch. Hoạt động du lịch chủ yếu mang tính tự phát, thường là chương trình tham quan, dã ngoại của các nhóm học sinh, sinh viên, hoặc các đoàn khách trong các tuyến du lịch kết hợp khi tham quan vùng đất cổ Ba Vì... Trong giai đoạn đầu tiếp xúc với hoạt động du lịch, nội dung giới thiệu về quần thể các làng cổ ở đây do người dân địa phương trực tiếp cung cấp cho du khách nên đôi khi không chuẩn xác, thiếu tính hấp dẫn.

Sau khi được Bộ VHTTDL chính thức công nhận là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia năm 2006, các làng Việt cổ ở Đường Lâm, trong đó có làng Mông Phụ được nhiều người trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn và trở thành điểm thu hút khách du lịch.

Trong một thời gian dài, làng Việt cổ ở Đường Lâm hợp tác với JICA của Nhật Bản trong việc giữ gìn, khai thác các nguồn lực văn hóa để phát triển du lịch. Cùng với JICA, người dân Mông Phụ đã biết tổ chức hoạt động du lịch tại làng chuyên nghiệp hơn.

Số liệu thống kê thông qua việc bán vé tham quan di tích ở làng cổ Mông Phụ - Đường Lâm thời gian qua cho thấy lượng khách du lịch tăng đáng kể. Nếu những năm 2000, 2001 mới chỉ có lác đác vài trăm lượt khách, thì năm 2005 đã có hơn 4.000 lượt khách du lịch đến. Liên tục trong 5 năm qua, lượng khách du lịch đã tăng lên gấp 6 lần, đến cuối năm 2010 có 30.000 lượt khách, năm 2011 khoảng 46.000 lượt khách. 6 tháng đầu năm 2016 đón tiếp trên 15 vạn lượt khách. Tính trung bình một ngày có khoảng 300 - 500 lượt khách du lịch ghé thăm làng cổ Mông Phụ - Đường Lâm. Tăng trưởng bình quân về khách đạt 49,6%/năm. Khách quốc tế chiếm khoảng 40% - 41% tổng số khách đến làng cổ Mông Phụ - Đường Lâm. Đáng chú ý là từ năm 2008 trở lại đây, thị trường khách du lịch quốc tế tăng trưởng ổn định ở mức 32,6%/năm. Lý do khách quốc tế đến với làng cổ chủ yếu là do sức hấp dẫn của cảnh quan sinh thái làng quê nông thôn điển hình với những phong tục, tập quán, công trình kiến trúc nghệ thuật và đặc biệt là được trực tiếp trải nghiệm đời sống văn hóa nơi đây.

Nguồn thu chính từ hoạt động du lịch do Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm thống kê chủ yếu từ bán vé tham quan thắng cảnh. Bắt đầu từ năm 2008, Ban Quản lý chính thức thu tiền vé tham quan với mức giá đồng hạng dành cho người lớn là 15.000 đồng và trẻ em là 7.000 đồng. Với mức thu này, năm 2008 thu được 204 triệu đồng, năm 2009 được 350 triệu đồng, năm 2010 thu 450 triệu đồng, năm 2011 là 700 triệu đồng. Sáu tháng đầu năm 2016 thu phí từ khách tham quan đạt gần 1,6 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn thu chính thức từ việc bán vé thắng cảnh, còn có các nguồn thu từ nhiều hoạt động dịch vụ bổ sung như phục vụ ăn uống, hướng dẫn viên, bán hàng hóa…

Nhìn chung, các hoạt động du lịch có tác động tích cực đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Từ nguồn thu của một làng truyền thống với nghề phụ là làm mộc, nay người dân có thêm nguồn thu từ hoạt động kinh doanh du lịch. Theo khảo sát của tác giả, Mông Phụ vốn là làng thuần nông, nhưng hiện nay tỷ trọng kinh tế nông nghiệp lại khá khiêm tốn. Hiện làng có diện tích đất rộng 266 mẫu, trong đó có 33 mẫu đất cư trú và 230 mẫu đất canh tác trải dài khắp xã với bán kính 3km. Nhưng là vùng đồi gò bán sơn địa trung du, nên làm nông nghiệp rất khó khăn. Thu nhập từ nghề nông không cao khiến đời sống của người dân khó khăn. Vì vậy, người dân đã tham gia vào các hoạt động du lịch khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương để tăng thu nhập.

Học tập mô hình phát triển các dịch vụ du lịch làng nghề trên cơ sở khai thác các nguồn lực văn hóa, các làng cổ ở đây đang thử nghiệm một số dịch vụ du lịch trải nghiệm như làm nông nghiệp, bắt cá tôm, cày ruộng thử… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những thử nghiệm ban đầu, mô hình này vẫn chưa được nhân rộng.

Không chỉ trực tiếp tham gia vào kinh doanh dịch vụ, việc hoạt động du lịch của các công ty chuyên nghiệp gián tiếp tạo thu nhập cho người dân. Chẳng hạn, những người già trong làng làm công việc như những hướng dẫn viên, thuyết minh về di sản văn hóa quê hương. Ở đó, có mấy bà cụ trạc ngoài 70 ngồi nhai trầu bỏm bẻm, trò chuyện rôm rả. Một vài cụ đứng lên đón khách và hỏi có muốn đưa đi dạo quanh làng cổ không. Giá cả thì tùy lòng hảo tâm của khách…

Phát triển du lịch là lối ra, nhưng đồng thời cũng xuất hiện nguy cơ phá vỡ các giá trị văn hóa quý báu vốn có. Bởi vậy, việc tìm ra một hướng đi đúng đắn để vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của làng, vừa đảm bảo tốt cho đời sống của người dân mà không gây tác động xấu đến môi trường tự nhiên, xã hội... là vấn đề không đơn giản trong bối cảnh hiện nay.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : ĐẶNG THỊ HỒNG HẠNH

;