Xuân Trình và những vở kịch thao thiết

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình (1936 - 1991) hoạt động văn nghệ vào những năm lịch sử đất nước trải qua nhiều biến động lớn lao: cuộc kháng chiến chống Mỹ gian lao và hào hùng của cả dân tộc với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH ở miền Bắc, đồng thời chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; các cuộc chiến bảo vệ biên giới đất nước ở phía Bắc và phía Nam; công cuộc đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986... Hơn 30 năm cầm bút, Xuân Trình đã cho ra đời trên dưới 20 vở kịch, thể hiện xuyên suốt một bản lĩnh chính trị kiên định và một tài năng dự cảm nhạy bén của người nghệ sĩ.

Là một cây bút nhanh nhạy trước hiện thực cuộc sống, mỗi vở kịch của nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình đều gắn với các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước: về đề tài chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam, Xuân Trình có các vở Quê hương Việt Nam (1967), Ngôi nhà trong thành phố (1973); về đề tài nông thôn với các phong trào cải cách, cải tiến trong sản xuất nông nghiệp ông có các vở Lập xuân (1970), Xóm vắng (1972), Bạch đàn liễu (1973); nói về chính sách hòa hợp dân tộc sau Hiệp định Paris 1972, Xuân Trình viết vở Hận thù từ đâu tới (1973); về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta, Xuân Trình có vở Cố nhân (1979); nói về cuộc đối đầu giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái cổ hủ, lạc hậu với cái mới, cái tiến bộ Xuân Trình viết vở Thời tiết ngày mai (1978), Mùa hè ở biển (1985); trong không khí của công cuộc đổi mới, Xuân Trình viết vở Đợi đến mùa xuân (1986)... Những năm tiếp theo, đề tài chiến tranh với hậu quả dai dẳng và đề tài xây dựng nông thôn mới Việt Nam vẫn trở đi trở lại trong các vở kịch của Xuân Trình, như các vở: Ngày xưa nơi đây là chiến tranh (1988), Ngôi nhà màu hồng ngọc (1988), Chuyện ông Hựng ở lò thúc mầm (1989), Nghĩ về mình (1990), Nửa ngày về chiều (1990)...

Có một đặc điểm chung trong hầu hết các vở kịch của Xuân Trình là tính luận đề của chủ đề tư tưởng, thể hiện nhãn quan chính trị rất rõ của tác giả được ông gửi gắm trong đó. Các vở kịch của Xuân Trình nóng hổi hơi thở của hiện thực, có tính thời sự cao, nhưng không chỉ đơn thuần là phản ánh, phê phán hay ngợi ca những sự việc và các nhân vật trong kịch. Sâu xa hơn, kịch Xuân Trình có tính dự báo, dự báo về cái mới đang manh nha, đang lẩn khuất đâu đó, nhưng nhất định sẽ tới vì đó là quy luật của tự nhiên và xã hội. Chính ở tầng sâu bên trong này mới là nơi chứa đựng những tâm tư, tình cảm, những điều suy tư, trăn trở của một nhà văn - nghệ sĩ về lẽ sống, nhân tình thế thái, những quyền lợi chính đáng của mỗi con người... Trong vở kịch Quê hương Việt Nam, Xuân Trình đã phản ánh cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, ngợi ca tinh thần anh dũng của quân và dân Vĩnh Linh nơi tuyến đầu chống Mỹ, nhưng đằng sau các sự kiện mang tính lịch sử của cuộc chiến, tác giả đã gián tiếp đề cập tới khía cạnh nhân đạo, tới thân phận con người trước sự tàn khốc của chiến tranh... Trong vở Lập xuân, đằng sau câu chuyện về cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, Xuân Trình dường như còn luận về vấn đề thế hệ cũ và mới trong bối cảnh cần có những con người có tri thức khoa học, có năng lực quản lý để lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước XHCN... Đến vở Bạch đàn liễu, Xuân Trình đề cập tới một vấn đề lớn hơn, đó là ý thức về quyền dân chủ của mỗi con người và sự đối lập của nó là sự cam chịu, nhẫn nhục... Tiếp theo, ở nhiều vở sau đó như: Ngôi nhà trong thành phố, Hận thù từ đâu tới, Thời tiết ngày mai, Xuân Trình tiếp tục bộc lộ thái độ và những suy tư trước những vấn đề lớn lao liên quan tới giá trị đích thực của con người và thời đại. Nhưng đây lại là nguyên nhân chính khiến mỗi khi một vở kịch của Xuân Trình ra đời lại gây tranh luận gay gắt trong giới chuyên môn, trong một bộ phận lãnh đạo, trở thành lực cản khiến cho tất cả các vở kịch được nhắc tới ở trên không thể ra mắt công chúng sau khi đã được viết ra, thậm chí sau khi đã được dàn dựng.

Giải thích về số phận long đong, không suôn sẻ của các vở kịch của Xuân Trình (cho đến vở Mùa hè ở biển, công diễn năm 1985), nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng những dự cảm của nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình đã bộc lộ quá sớm so với thời cuộc. Xuân Trình đã đi trước, đã nhìn thấy trước vấn đề và đề cập đến quá sớm, khi đời sống chính trị - xã hội của đất nước hay của một bộ phận bảo thủ nào đó, chưa sẵn sàng chấp nhận những điều đó... Ở một góc độ khác, tôi chỉ muốn khẳng định một điều: chính cái nguyên cớ khiến cho các vở kịch của Xuân Trình khi mới ra đời đã chịu số phận long đong đã làm nên cái giá trị lâu bền, đặc biệt và khác biệt của kịch Xuân Trình. Điều này càng chứng tỏ sự mẫn cảm nghệ sĩ và tài năng của một nhà văn, nhà viết kịch biết vượt lên, đi trước nhiều người khác cùng thời, dẫu biết rằng con đường mình chọn đầy những rào cản, chông gai...

Trong số khoảng 20 vở kịch mà Xuân Trình đã cống hiến cho nền sân khấu Việt Nam ở nửa sau TK XX, tôi cứ bị ám ảnh nhất với vở Nửa ngày về chiều (1990), một trong ba vở kịch cuối cùng Xuân Trình sáng tác trước khi rời xa nhân thế đi vào cõi vĩnh hằng (cùng với Nghĩ về mình - 1990 và Tai họa hay rủi ro - 1991).

Trước hết, sự ám ảnh bởi cái tên của tác phẩm, gợi lên một nỗi buồn dường như vô cớ mà nhiều người thường cảm nhận mỗi khi ngắm hoàng hôn xuống... Nếu đặt bên cạnh những tên gọi của các vở kịch khác cũng của Xuân Trình như: Quê hương Việt Nam, Lập xuân, Thời tiết ngày mai, Đợi đến mùa xuân, Mùa hè ở biển - những cái tên xướng lên đã cảm thấy ấm áp, tỏa sáng, hay hứa hẹn những điều tốt đẹp phía trước, thì cái tên Nửa ngày về chiều làm cho con người ta cảm thấy cái lạnh lẽo, cô đơn trong ánh chiều tà đang buông xuống... Tất nhiên, đây không phải là một sự vô cớ... Chúng ta đều biết nhà viết kịch Xuân Trình sáng tác vở kịch này trong lúc ông đang bị trọng bệnh, nên dù vô tình hay hữu ý thì tâm trạng của tác giả cũng bộc lộ trong những trang viết... Dù sao, đó cũng chỉ là sự liên tưởng của chúng ta. Còn, dĩ nhiên, tên vở Nửa ngày về chiều có ý nghĩa lớn đối với thân phận của nhân vật chính trong đó.

Nhân vật chính của Nửa ngày về chiều là ông Tư Hoàng, một sĩ quan quân đội vừa bước ra khỏi cuộc chiến sau ngày đất nước thống nhất, trở về miền Bắc để đoàn tụ với gia đình. Câu chuyện kịch bắt đầu xảy ra từ sự trở về của một con người dành gần cả cuộc đời cho cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng không thể ngờ tới những điều phi lý đang theo nhau ập tới, đẩy ông vào hoàn cảnh trớ trêu không chốn nương thân ở cái tuổi xế chiều, khi sức tàn, lực kiệt, chỉ có nhiệt huyết cách mạng và niềm tin vào sự lương thiện của con người thì không hề suy chuyển.

Trong những vở kịch của Xuân Trình, ta thường gặp các nhân vật điển hình, họ là những con người đại diện cho cái tốt đang hiện hữu, cũng có khi là sự báo hiệu cái mới, cái tiên tiến sẽ đến, sắp đến, như cô Kiểm, anh Huấn trong Lập xuân, cô Lụa trong Thời tiết ngày mai, cô giáo Nhung trong Đợi đến mùa xuân, ông Tư Hoàng trong Nửa ngày về chiều... Trong số đó, có lẽ nhân vật Tư Hoàng là nhân vật điển hình nhất trong những nhân vật điển hình. Hình tượng nhân vật Tư Hoàng là sự tiếp nối của các hình tượng nhân vật điển hình có trước, nhưng cho đến Nửa ngày về chiều thì có sự thay đổi rất rõ trong cách xây dựng nhân vật điển hình của nhà viết kịch Xuân Trình. Có thể gọi Tư Hoàng là mẫu nhân vật lý tưởng mà Xuân Trình muốn dựng lên, dựng lên để ca ngợi và phê phán.

Nếu như những nhân vật điển hình như cô Kiểm, anh Huấn, cô Lụa, cô Nhung là những con người đại diện cho cái tốt, cái tiến bộ, và trong cuộc đấu tranh với cái cũ, cái lạc hậu, cuối cùng họ là những người chiến thắng, đạt được mục đích của mình, thì cuộc đối mặt của cựu chiến binh Tư Hoàng với thói quan liêu, vô trách nhiệm của cả một cơ chế đã gây ra tấn bi kịch cho nhân vật chính của chúng ta. Cái bi kịch đầu tiên của Tư Hoàng là ở chỗ, sau những năm tháng vào sinh ra tử, cống hiến xương máu cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, vào ngày ra quân, ông Tư Hoàng bỗng trở thành nạn nhân của mấy thứ chính sách phi lý và thói làm việc quan liêu, cứng nhắc của chế độ bao cấp, vừa vô lý vừa vô tình..., đến nỗi ông không biết đi đâu, ở đâu, cuối cùng phải sống nhờ ở trại trẻ mồ côi nơi quê nhà, thế mà cũng chưa yên...

Tuy nhiên, bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như trên, có lẽ ông Tư Hoàng không phải là trường hợp duy nhất, thậm chí trong thực tế đất nước, những năm sau chiến tranh có nhiều hoàn cảnh còn éo le hơn, bi thảm hơn (như nhiều trường hợp đã được báo chí đưa tin cũng như nhiều sự việc còn chưa được công bố...). Theo tôi, cái bi kịch vô gia cư của cựu chiến binh Tư Hoàng ngay trên mảnh đất quê hương, trong một đất nước hòa bình, không phải là điều duy nhất mà tác giả Xuân Trình muốn phản ánh trong Nửa ngày về chiều. Xuân Trình còn muốn nói đến một bi kịch lớn hơn, sâu xa hơn và nằm ngay trong bản thân con người Tư Hoàng - nhân vật lý tưởng của vở kịch. Đây là cơ sở khiến tôi cho rằng Xuân Trình đã xây dựng nhân vật Tư Hoàng với tâm thế vừa ca ngợi, vừa phê phán.

Trước hết, hãy xem Tư Hoàng là một con người tốt đến nhường nào!

Qua câu chuyện giữa chú Năm và ông Tư Hoàng ngày ông cùng các con trở lại Sài Gòn, với mục đích muốn xin ra quân tại đây (theo nguyện vọng của các con ông là muốn vào sinh sống ở Sài Gòn), chúng ta mới hiểu được người sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam Tư Hoàng đã chiến đấu anh dũng làm sao, người chỉ huy gương mẫu, trong sạch, nghiêm khắc và nhân ái như thế nào... Nhắc lại trận đánh vào nhà Ngân hàng trung tâm của chế độ Ngụy quyền, chú Năm có ý trách những yêu cầu kỳ cục của anh Tư với lính của mình để đảm bảo rằng tất cả đều trong sạch..., đáp lại chú Năm, ông Tư Hoàng nói: “Đúng vậy... bước ra khỏi chiến tranh anh chỉ còn có thế... để sống... để tự hào, để hôm nay còn có thể hãnh diện, dắt con trở lại những vùng chiến đấu cũ, thăm hỏi những người cùng sống chết, nhắc lại những ngày cũ mà không thấy ngượng mồm”. Chừng đấy thôi đã đủ cho thấy con người Tư Hoàng trong sáng, kiên định và đầy lòng tự trọng đến nhường nào!

Trở về với cuộc sống đời thường không tiếng súng, cựu chiến binh Tư Hoàng vẫn giữ nguyên được những phẩm chất tốt đẹp của một người lính cụ Hồ. Nhưng đối diện với những điều rắc rối, phi lý của thủ tục hành chính quan liêu, ông trở nên lạc lõng và có phần hoang mang. Sau chuyến trở lại Sài Gòn với ý định ở lại đó sinh sống không thành, ông Tư Hoàng nói với cô con gái Huyền: “Đến bây giờ bố vẫn chưa hiểu những ngày bố sống vừa qua có lỗi gì không...”. Ông dằn vặt vì bỗng dưng trở thành gánh nặng cho các con... Nhưng chưa kịp làm phiền gì đến con cháu thì ông Tư Hoàng nhận quyết định phải trở về quê quán cũ, nơi hơn 30 năm trước ông lên đường nhập ngũ… Vì tính tự trọng, vì ý thức luôn phục tùng kỷ luật sắt của người lính, Tư Hoàng đã âm thầm trốn con cháu để trở về quê theo cái quyết định hưu trí của Cục chính sách..., để nhận lấy cái kết là ông phải ở nhờ trại trẻ mồ côi, rồi đến cả cái chỗ ở tạm bợ này ông cũng sắp phải rời đi theo lệnh của chính quyền xã. Nhưng ông Tư Hoàng vẫn một lòng kiên định, ông nói với các con: “Những ngày còn lại bố cũng mong muốn đóng góp một phần nào đó cho quê hương”. Khi anh Phụng con trai của ông hỏi: “Liệu có ai làm người chân chính nữa không?”, ông trả lời: “Bố vẫn tin là có... và sẽ có nhiều người. Làm một người lương thiện đắt giá lắm con ạ. Nếu lương thiện mà giàu sang thì kẻ ác lại tranh làm người lương thiện hết rồi”.

Tác giả Xuân Trình đã viết nên những câu nói, những lời thoại hay nhất dành cho nhân vật Tư Hoàng; những lúc cần tranh luận (với chú Năm), hay cần an ủi, thuyết phục (với các con, với chú Năm và dì Út) ông Tư Hoàng càng nói lời tâm huyết... Tất cả cùng toát lên ở ông một niềm tin vững chắc về sự thay đổi tốt lên trong tương lai. Đó cũng chính là những điều nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình muốn gửi gắm qua nhân vật lý tưởng của mình.

Ẩn sâu đằng sau những sự kiện của kịch mà tác giả đã kể, đã mô tả một cách vô tư như người đứng ngoài cuộc, tôi cảm nhận thấy thái độ của nhà viết kịch không phải lúc nào cũng đồng tình, cũng tán thành với nhân vật của mình. Nghĩ về cái phẩm chất quá tốt, về niềm tin tuyệt đối không gợn một chút hoài nghi của ông Tư Hoàng trước hiện thực phũ phàng khiến tôi liên tưởng tới cái bi kịch của gia đình anh Độ trong vở Bạch đàn liễu (1973), cái bi kịch của sự nhẫn nhục, không tự ý thức được quyền làm người của mình. Tác giả cho rằng, một trong những biểu hiện của sự không tự ý thức được quyền dân chủ của mình là sự cam chịu, nhẫn nhục... Cái tư tưởng về ý thức dân chủ Xuân Trình đã gửi vào Bạch đàn liễu, vở kịch ra đời ngót hai chục năm về trước, đến Nửa ngày về chiều vẫn còn nguyên ý nghĩa, và phải chăng nó vẫn ám ảnh nhà viết kịch?

Ông Tư Hoàng là một người bố, người ông rất thương con cháu. Vì tuân thủ cái quyết định hưu trí và cũng vì không muốn làm phiền con cháu nên ông quyết định về quê sinh sống. Nhưng để tránh cảnh con cháu níu kéo, ông đã chọn cách âm thầm trốn đi. Vô hình trung, ông đã khiến những người ruột thịt và thân thiết được một phen lo lắng, con cháu ông nháo nhào đi tìm ông, chú Năm và dì Út từ miền Nam xa xôi cũng nhào ra tìm ông... Đến khi tìm được ông ở quê, thuyết phục thế nào ông cũng không chịu về ở với con cháu, với lý do: “bố không thể rời nơi này được, nếu Đảng chưa cho phép bố làm điều đó”, mặc dù ở lại thì ông chưa biết sẽ ở vào đâu... Chắc chắn những ngày sau đó, con cháu ông Tư Hoàng cũng không thể sống yên ổn và thanh thản khi canh cánh trong lòng nỗi lo cho ông phải trải qua những ngày tháng cuối đời trong cô đơn, trong khó khăn. Vậy, phải chăng, cái tốt của ông Tư Hoàng cũng có khi đem lại nỗi khổ cho những người thân yêu nhất của ông? Cái bi kịch chính của ông là ở chỗ này, đó là cái bi kịch sinh ra bởi sự không đồng bộ, không đồng thuận giữa lý tưởng và niềm tin tuyệt đối với cái hiện thực phũ phàng của cuộc sống thời hậu chiến, nhưng hình như ông Tư Hoàng không nhận thấy, hoặc không cho rằng đó là bi kịch của đoạn cuối cuộc đời, nên đã chấp nhận mọi sự việc một cách trung thành nhất. Cái đáng kính trọng nhất của ông Tư Hoàng chính là đây, và cái đáng trách của ông Tư Hoàng cũng là đây! Còn tôi, tôi đoán chắc rằng, tác giả Xuân Trình cũng không phải hoàn toàn vô tư viết chỉ để ca ngợi cái tốt đến khó tin của nhân vật Tư Hoàng...

Càng không hề vô tư khi Xuân Trình xây dựng nhân vật Cảnh - vợ của Phụng, con dâu của ông Tư Hoàng. Một cô Cảnh tính tình “thẳng ruột ngựa”, ăn nói có phần bộc tuệch, nghĩ sao nói vậy, một kiểu nhân vật có nét hài hước mà các nhà viết kịch hay dùng để gây cười, làm cho không khí kịch dịu đi mỗi khi có tình huống gay cấn hoặc căng thẳng... Xuân Trình thật khéo khi xây dựng nhân vật này, tưởng rằng chỉ là nhân vật phụ, nhưng thực chất tác giả đã rất sâu xa gửi gắm vào nhân vật Cảnh những suy nghĩ rất sâu sắc của mình. Đằng sau những câu nói có phần hơi thô của Cảnh là một tinh thần đầy trách nhiệm đối với chồng, con và cô em chồng, một tấm lòng biết trắc ẩn, đầy cảm thông với ông bố chồng “thất cơ lỡ vận”; không giống Phụng và Huyền là những đứa con vì sĩ diện mà ra sức phản đối khi nghe tin bố có bà nào đó, Cảnh lại lập tức tán thành và ủng hộ chuyện này vì chị cho rằng như vậy sẽ tốt cho ông Tư Hoàng... Trong chuyện tình cảm cũng như kinh tế, Cảnh là người rất rõ ràng, sòng phẳng, có tình, hợp lý, và điều cơ bản là chị rất thực tế, rất thức thời. Dường như tác giả Xuân Trình xây dựng nhân vật Cảnh để có một đối trọng với nhân vật Tư Hoàng, chính Cảnh mới là con người của xã hội Việt Nam đang đòi hỏi phải thay đổi, một xã hội đang chuyển từ cơ chế bao cấp nặng nề, lỗi thời, sang cơ chế thị trường năng động với những cái mới đầy thử thách đối với con người.

Nhà viết kịch Xuân Trình sáng tác Nửa ngày về chiều vào năm 1990, câu chuyện của Tư Hoàng xảy ra trước đó quãng chục năm có lẻ, đến nay chúng ta đang sống ở năm thứ 20 của TK XXI, vậy mà những vấn đề của Tư Hoàng và ước mơ về sự đổi thay vẫn tiếp tục là những vấn đề của ngày hôm nay cần giải quyết. Nhìn rộng ra tất cả hơn 20 vở kịch của Xuân Trình, có một số vấn đề mà tác giả đã đặt ra nửa thế kỷ về trước cho đến nay vẫn đang là những vấn đề được cả xã hội quan tâm, như vấn đề ý thức về quyền dân chủ, vấn đề đạo đức nhà giáo và giáo dục thế hệ trẻ, vấn đề chuyển giao thế hệ trong xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật,... Thậm chí có những vấn đề đang là thời sự nóng hổi của cả thế giới như vấn đề chiến tranh: hơn 50 năm trước trong vở Quê hương Việt Nam với tâm hồn mẫn cảm của nhà văn Xuân Trình đã bộc lộ những suy tư về chiến tranh, lên án cái tàn khốc của nó đối với con người, hiện nay thế giới đang phải đối mặt với phong trào khủng bố man rợ, và bóng ma chiến tranh vẫn đang tiếp tục rình rập ở quốc gia này, châu lục kia...

Hôm nay, tưởng nhớ về nhà văn, nhà viết kịch tài ba Xuân Trình, đọc lại những vở kịch sâu sắc về trí tuệ, kiên định về tư tưởng, dũng cảm về ý chí, đẹp đẽ về nghệ thuật của ông, tôi cảm thấy như Xuân Trình và các nhân vật lý tưởng trong kịch của ông đang truyền lửa cho chúng ta để tiếp tục nuôi dưỡng những ước mơ và niềm tin, bởi trong cái khó khăn, lận đận của nghiệp cầm bút dài hơn 30 năm, Xuân Trình và các nhân vật của ông lúc nào cũng mong ước về những ngày mai tốt đẹp hơn của đất nước, của cuộc sống và tin tưởng rằng những ngày đó nhất định sẽ đến!.

Tác giả: Lê Thị Hoài Phương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

;