Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12-2016. Các giá đồng là một bộ phận quan trọng, mang nhiều giá trị trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Sân khấu hóa các giá đồng là một phương thức nhằm bảo tồn, phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
1. Những giá trị của các giá đồng
Giá trị lịch sử
Bắt nguồn từ tục thờ nữ thần của người Việt từ thời cổ đại, tới thời phong kiến, một số nữ thần đã được lịch sử hóa để thành các Mẫu thần với việc phong thần của nhà nước phong kiến. Từ khoảng TK XVI trở đi, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được định hình và phát triển mạnh, đây cũng là thời kỳ xuất hiện các Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Cô Đôi Thượng Ngàn...
Trong lời ca các bản văn chầu, phần cốt lõi là ca ngợi công lao, lai lịch, sự tích các vị thánh, ông hoàng, bà cô…, nhất là các Thánh Mẫu. Đây là sự biểu hiện truyền thống lịch sử kính trọng người Mẹ/Mẫu trong tâm thức người dân, là hiện thực sinh động những giá trị của lịch sử, được lưu truyền theo không gian và thời gian. Việc tái hiện các sự tích, ca ngợi công trạng nhân vật lịch sử được thần linh hóa nhằm duy trì sự tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, tính kế thừa được liên tục theo thời gian. Lời ca các bản văn chầu có các vị thánh là nhân thần ở những giai đoạn lịch sử đánh giặc ngoại xâm như: Bà Lê Chân, tướng của Hai Bà Trưng, đánh giặc Đông Hán; Đức Thánh Trần đánh tan giặc Nguyên Mông; ông Hoàng Mười... Trong các điện thờ ở Phủ Dày, Vụ Bản, Nam Định có các sắc phong cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Mã Hoàng công chúa, Chế Thắng Đại vương, Mẫu nghi thiên hạ từ thời Nhà Lê, Nhà Nguyễn. Dân gian kính cẩn gọi là Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Giá trị giáo dục đạo đức truyền thống
Lời ca nhiều bản văn chầu ca ngợi công đức của Mẹ/Mẫu, từ việc nuôi con ở gia đình, dạy dân trồng cấy đến việc đánh giặc cứu nước đến việc ca ngợi người phụ nữ đảm đang: “Dốc một lòng nữ công nữ tắc/ Việc tề gia cơ mực đảm đang/ Trong ngoài sắp đặt sẵn sàng/ Đạo tòng đã tỏ nhường gương lầu lầu”. Ghi nhớ công ơn dạy dân trong lao động, sản xuất của đức Cô: “Ơn Cô giáo hóa dân lành từ xưa/ Vườn hoa cây cảnh cổ đồ/ Nuôi tằm, dệt lụa tiên Cô mở đường”.
Đặc biệt, văn chầu có nhiều nội dung ca ngợi chiến công đánh giặc ngoại xâm của các vị tiên chúa: “Chúa Bát Nàn nhờ Phật độ cho/ Một mình chém giết bao thù/ Xông pha giữa đám quân thù tên bay/ Vung kiếm bạc đôi tay đã mỏi/ Phá vòng vây mở lối ra sông”.
Giá trị giáo dục đạo đức truyền thống của các giá đồng trong nghi lễ trang trọng, phản ánh sự cung kính của người con đối với cha mẹ gần với hiện thực, mà không xa vời. Đức Thánh Mẫu, ông hoàng, bà cô… trong nghi lễ các giá đồng là người mẹ, người cha trong gia đình không phải người xa lạ. Đây là biểu hiện của đạo đức truyền thống uống nước nhớ nguồn, mang tính giáo dục cao.
Giá trị văn hóa tâm linh
Trong nghi lễ diễn xướng giá đồng có sự đối thoại văn hóa tâm linh giữa người Việt, người Mường, Người Nùng... Đây là biểu hiện của sự đa dạng văn hóa tâm linh. Các nghi thức tế lễ giá đồng vừa đảm bảo tính chuẩn mực nghiêm cẩn, bài bản, vừa đảm bảo tính thiêng. Giá trị tâm linh của các giá đồng là sự tác động mạnh mẽ tới cảm xúc thiêng của người hầu và người tham dự. Họ thường tin rằng, thực hiện và tham dự các giá đồng sẽ được các vị thánh phù hộ, độ trì cho sức khỏe, bình an, may mắn trong công việc. Cung văn và hầu đồng có sự cộng cảm đặc biệt. Câu hát, tiếng đàn lúc khoan, lúc nhặt, khi bổng, khi trầm của cung văn tác động tới hầu đồng thăng hoa, nhập đồng với những động tác múa, những câu phán truyền của các vị thánh. Sự cộng cảm đặc biệt giữa cung văn và hầu đồng là cộng cảm tâm linh. Cùng với cung văn và hầu đồng thì những người hầu dâng, con nhang, đệ tử và những người tham dự đều có sự cộng cảm tâm linh này. Tiếng đàn, câu hát, điệu múa của cung văn, hầu đồng là lời thỉnh cầu mời các vị thánh về trần, để người trần giãi bày tấm lòng thành kính, mong các vị đại xá cho các lỗi lầm, giúp đỡ phù trợ cho công việc làm ăn, buôn bán tốt đẹp, sức khỏe an khang...
Thực hành các giá đồng góp phần vào định hướng đời sống tâm linh của cộng đồng, giúp cộng đồng hướng vào đức tin tốt đẹp, vào cuộc sống thánh thiện hơn, đồng thời hình thành cuộc sống an vui: làm việc thiện, tránh việc ác; tìm đến hạnh phúc, tránh xa bi lụy; cộng đồng tin tưởng vào cuộc sống thực tại vì có sự phù trợ của các đức thánh, ông hoàng, bà cô…
Thông qua các nghi thức thực hành các giá đồng trước điện thờ với khói hương ngào ngạt, tạo một không gian linh thiêng, huyền bí trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người dân địa phương nơi có điện phủ và du khách. Những bản văn chầu nói rõ pháp thuật của các vị thánh có sự kết hợp và hội tụ giữa các thần linh chống giặc ngoại xâm và thần linh giúp dân lao động sản xuất, ban tài, ban lộc, ban sức khỏe, sự bình an... Nếu nhìn nhận nghi thức giá đồng như là “một buổi biểu diễn nghệ thuật” thì việc sân khấu hóa các giá đồng cũng là cơ hội trình diễn, phổ biến và lan tỏa sự độc đáo của các giá đồng, di sản văn hóa truyền thống Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước. Yếu tố sân khấu kết hợp chặt chẽ với yếu tố tâm linh, phản ánh tư duy, nhận thức về tự nhiên, xã hội của cộng đồng, góp phần làm rõ giá trị văn hóa tâm linh trong các giá đồng.
Giá trị nghệ thuật
Giá trị nghệ thuật của các giá đồng được biểu hiện qua lời ca thuộc loại hình văn học, qua đàn hát thuộc loại hình nghệ thuật âm nhạc, qua trang phục thuộc loại hình mỹ thuật và động tác, hình thể thuộc loại hình múa, diễn biến của một giá đồng thuộc loại hình nghệ thuật sân khấu…
Lời ca hát văn phong phú, mang tính khái quát, giàu hình ảnh như: “Đông Cuông Tuần quán ra vào/ Lắng nghe suối chảy thấp cao đổ nguồn/ Dạo bốn phương qua đền Trái Hút/ Qua Bảo Hà thánh thót nhạc rung”...
Giá đồng Chầu đệ nhị thượng ngàn
do nghệ sĩ Long Giang trình diễn - Ảnh: tư liệu
Chân dung các đức thánh, ông hoàng, bà cô... trong văn chầu được khắc họa vừa khái quát, vừa cụ thể sắc nét: “Mặt huê, mày liễu, má hồng/ Tóc mây mườn mượt vấn ngang/ Má tô phấn điểm xem càng tốt tươi/ Miệng chầu cười trăm huê đua nở”.
Âm nhạc trong các giá đồng mang phong cách riêng biệt, phong phú về làn điệu, đặc sắc về tính chất. Ngoài tính trữ tình sâu lắng, điểm đặc sắc nhất của âm nhạc trong các giá đồng là tính chất nhảy múa. Không chỉ trong diễn xướng nghi lễ, mà trong cuộc sống đời thường, mỗi khi đàn hát các bản văn chầu đến hồi các vị thánh thăng, người ta đều hòa điệu với người hát, người đàn hưng phấn, lắc lư, nhảy múa. Trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam, giai điệu dồn dập với tiết tấu nhảy múa của hát văn là độc nhất, vô nhị. Giai điệu hát văn diễn tả mọi trạng thái tình cảm vui, buồn, hờn, giận. Mặc dù diễn xướng các giá đồng là nghi thức trong tín ngưỡng, song dàn nhạc có thể diễn tả nhiều tình huống sân khấu như trong chèo, tuồng. Dàn nhạc diễn xướng giá đồng cổ truyền là cây đàn nguyệt và bộ gõ (trống, phách, cảnh, thanh la), là linh hồn của giá đồng. Sự thánh nhập, thánh hóa, thánh thăng của hầu đồng, phần cốt lõi là do lời ca, tiếng đàn tạo nên. Cung văn không chỉ có lối hát vô cùng đặc sắc, mà còn có khả năng sáng tác những bài ngẫu hứng, biến hóa giai điệu, tiết tấu, cấu trúc âm nhạc... tùy thuộc vào hiện trạng kéo dài hay rút ngắn một câu nhạc, đoạn nhạc, một làn điệu nào đó trong khi phối hợp với hầu đồng. Múa hầu đồng thuộc thể loại múa thiêng, động tác rất phong phú mang tính cách điệu cao.
Giá trị nghệ thuật của các giá đồng còn được biểu hiện qua trang phục của người hầu đồng. Trang phục của hầu đồng được cách điệu đẹp với 4 màu cơ bản: màu đỏ là trang phục của Mẫu Thượng Thiên, Chầu đệ nhất, Quan lớn đệ nhất, Ông Hoàng Một, Cô Nhất... ở ngôi thứ nhất; màu xanh lá cây là trang phục của Mẫu Thượng Ngàn, Chầu đệ nhị, Quan lớn đệ nhị, Ông Hoàng Đôi, Cô Đôi... ở ngôi thứ hai; màu trắng là trang phục của Mẫu Thoải, Chầu đệ tam, Quan lớn đệ tam, Ông Hoàng Ba, Cô Ba... thuộc ngôi thứ ba; màu vàng là trang phục của Mẫu Địa, Chầu đệ tứ, Quan lớn đệ tứ... ở ngôi thứ tư. Áo của hầu đồng có nhiều loại áo dài, áo ngắn, áo trong, áo ngoài đều được đính kim sa, kim tuyến long lanh, hoa văn trang trí lộng lẫy. Khăn có khăn lượt, khăn xếp cài hoa, cổ đeo vòng bạc, vòng vàng. Các quan lớn, quan hoàng đầu đội mũ cánh chuồn, cân đai oai vệ. Trang phục diễn xướng các giá đồng lộng lẫy, trang trọng là biểu hiện của thẩm mỹ nghệ thuật tinh tế.
Cùng với các giá trị nêu trên, khi hành lễ, các giá đồng còn có giá trị kinh tế. Người làm dịch vụ cho các buổi hầu đồng, cung cấp các vật lễ như vàng hương, hoa, oản, quả… và các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi… tạo ra nguồn thu tài chính.
Các giá đồng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, là bộ phận cấu thành của nền văn hóa dân tộc. Đàn, hát và múa trong các giá đồng đang hiện diện trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, không chỉ trong lễ nghi tín ngưỡng mà còn trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ.
2. Ý nghĩa của việc sân khấu hóa các giá đồng
Với những giá trị độc đáo, đặc sắc về văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật… các giá đồng đã trở thành nguồn cảm hứng để các nhà biên kịch, đạo diễn, nghệ sĩ thời hiện đại khai thác, đưa lên sân khấu trong những sáng tạo độc đáo.
Từ những năm cuối TK XX đến nay, có khuynh hướng sân khấu hóa các giá đồng được đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng như: Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng vở Ba giá đồng và Tứ phủ; Đoàn kịch Hình thể thuộc Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng chương trình Tâm linh Việt, kết hợp múa dân gian với nghệ thuật đương đại; Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt khán giả vở kịch Ngũ biến; một số Nhà hát Chèo ở các tỉnh, thành phố như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội… đều dàn dựng những vở diễn các giá đồng.
Việc sân khấu hóa các giá đồng mang nhiều ý nghĩa. Tuy sân khấu hóa các giá đồng không diễn ra như thực hành trong nghi thức của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Song, sự mô phỏng các nghi thức cầu cúng, tế lễ… đã giúp khán giả thấy được phần cốt lõi của nghi thức này, từ đó cảm nhận được giá trị của các giá đồng. Về cơ bản, các giá đồng được sân khấu hóa đều khai thác những nét đặc trưng tiêu biểu của một nghi thức tín ngưỡng tâm linh, khán giả nhận thức được một góc độ tư duy tinh thần của cha ông ta trước đây. Khai thác rồi biến đổi và nâng cao các giá trị nghệ thuật trong việc sân khấu hóa các giá đồng, góp phần làm phong phú thêm việc thưởng thức nghệ thuật của công chúng đương đại. Các giá đồng là sản phẩm của nhân dân, nhưng chỉ có một bộ phận người dân được thụ hưởng. Sân khấu hóa các giá đồng được trình diễn trên sân khấu, được ghi âm, ghi hình trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ được nhiều khán giả trong nước và ngoài nước biết đến và thụ hưởng, trân trọng những giá trị của các giá dồng.
Hiện tượng sân khấu hóa các giá đồng đã cho thấy những giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đặc biệt là giá trị nghệ thuật được khai thác, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong cuộc sống đương đại. Sân khấu hóa các giá đồng không chỉ có ý nghĩa phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, mà còn mang ý nghĩa góp phần vào việc đưa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ hòa nhập vào đời sống cộng đồng đương đại một cách tự nhiên, góp phần bảo tồn, phát huy hiệu quả những giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà UNESCO đã vinh danh.
_______________
1. Nguyễn Chí Bền, Từ Thị Loan, Võ Hoàng Lan, Khúc Mạnh Kiên, Nguyễn Kim Chi, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, hành trình đến di sản văn hóa nhân loại, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017.
2. Nhiều tác giả, Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008.
3. Bùi Đình Thảo, Hát Chầu văn, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1988.
4. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu ở Việt Nam, tập 1, tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996.
5. Ngô Đức Thịnh Chủ biên, Văn hóa thờ nữ thần - Mẫu ở Việt Nam và châu Á bản sắc và giá trị, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013.
Tác giả: Trần Thanh Hiền
Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020