Một số dấu mốc lịch sử quan trọng về nghệ thuật xiếc Việt
Đầu TK XX, nhiều đoàn xiếc danh tiếng của thế giới đã tới Việt Nam như nhóm tạp kỹ Trung Quốc (1912), gánh xiếc Nhật Bản (1913), Đoàn xiếc Bostock của Anh (1914), Đoàn xiếc Amstrong của Anh (1922), Đoàn xiếc Rodeo của Mexico (1927), Đoàn Carnavale de Manila của Philippines (1929), Đoàn Amstrong của Anh sang lần thứ 2 (1930), Đoàn Uytixay của Ấn Độ (1935)… gây ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng đương thời về những trò xiếc mới lạ, hấp dẫn và mạo hiểm.
Bác Hồ đến thăm Đoàn Xiếc Nhân dân Trung ương năm 1959 - Ảnh: tư liệu
Trước sự kiện của các Đoàn xiếc phương Tây ồ ạt vào Việt Nam, các nghệ nhân xiếc trong nước đã tập hợp nhau lại mở lò luyện xiếc, góp vốn mở các gánh xiếc như: gánh xiếc André Thận ở Sa Đéc (1917), gánh xiếc Năm Tú ở Mỹ Tho (1918), Sáu Súng ở Nam Bộ (1919), gánh xiếc Tân Nam Việt ở Sài Gòn (1922). Ở Hà Nội có Xiếc Việt Nam của Tạ Duy Hiển (1922), Xiếc Đại Nam của Lưu Khánh Vân (1924), Xiếc Long Tiên của Phạm Xuân Trang (1925), Xiếc Đại Việt (Xiếc Ca Công) của Mai Thanh Các và nhiều tốp xiếc nhỏ khác rải rác tại miền Trung.
Năm 1922, ông Tạ Duy Hiển tập hợp một số con cháu trong gia đình họ Tạ thành lập gánh xiếc Việt Nam. Trong cuốn Lịch sử xiếc Việt Nam của Mai Quân ghi rằng: “Sau một thời gian luyện tập khá dài ở vùng Đội Cấn - Ngọc Hà, gánh xiếc Việt Nam của ông Tạ Duy Hiển đã chính thức công diễn tại phố Hàng Da, Hà Nội vào đêm mồng 5-12-1922… Đêm đó, ngoài những tiết mục trò người, khán giả Hà Nội được chứng kiến khá nhiều trò xiếc thú bao gồm các loại như trâu, bò, ngựa, gấu, báo, chó…”.
Đây là gánh xiếc đầu tiên do người Việt Nam đích thân tổ chức (trước đó chỉ có những gánh xiếc do người Pháp hợp tác với người Việt Nam). Trước khi biểu diễn, ông đã cho đăng tải lên những tờ báo lớn đương thời lời quảng cáo sau đây:
“Người Việt Nam nên mừng cho tài nghệ Việt Nam tấn bộ!
Nên chiếu cố đến tài nghệ Việt Nam
Vậy từ 17 ta tức ngày 05-12-1922, hồi 9 giờ.
Xin mời các ngài nên chiếu cố lại xem…”
Chương trình của ông rất phong phú, với đầy đủ tiết mục như xiếc thú, nhào lộn, đi xe đạp, đi dây, hề..., mang đậm màu sắc truyền thống Việt Nam, đêm khai mạc đã thành công hơn cả sự mong đợi. Ngoài việc lãnh đạo và tổ chức, ông còn là một nhà dạy thú tài năng, huấn luyện các loài khỉ, chó, gấu, hổ, sư tử, voi, ngựa... Ông còn dàn dựng nhiều tiết mục mang màu sắc dân tộc như: phi ngựa đánh đàn tứ, uốn dẻo trên trống cái, voi quắp rìu gõ trống...
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Tạ Duy Hiển hăng hái đóng góp tiền của cho cách mạng. Sau ngày miền Bắc giải phóng, ông về Hà Đông và tham gia Hội đồng nhân dân của Tỉnh, phụ trách khối văn nghệ. Tháng 1 năm 1956, đội xiếc Trung ương thành lập từ nhóm xiếc Hoa Hồng Đỏ, gánh xiếc Vũ Đài Thủ Đô anh dũng, gánh xiếc Thăng Long. Tháng 5 năm 1958, ông đem toàn bộ gánh xiếc của mình gia nhập Đoàn xiếc Trung ương, trở thành Đoàn Xiếc Thống Nhất do ông làm trưởng đoàn. Năm 1959, Đoàn Xiếc Thống Nhất gia nhập quốc doanh, trở thành Đoàn Xiếc Nhân dân Trung ương (tiền thân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam ngày nay).
NSND Tạ Duy Hiển được coi là người có công mở đầu cho nghệ thuật xiếc Việt Nam hiện đại. Ông đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của ngành xiếc Việt Nam, đồng thời đào tạo nhiều nghệ sĩ xiếc. Những con cháu trong gia đình họ Tạ cũng là những nghệ sĩ xiếc có nhiều đóng góp như: NSƯT Tạ Duy Nhẫn, NSƯT Tạ Duy Hùng, NSƯT Tạ Duy Khanh, NSƯT Tạ Duy Kỳ, NSƯT Tạ Thúy Ngọc, NSƯT Tạ Thúy Hợi, Tạ Mai Anh, Tạ Thúy Phương, Tạ Duy Kiên, NSND Tạ Duy Ánh (hiện đang là Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam)… Ông đã được đúc tượng đồng ngay giữa khuôn viên rạp xiếc Trung ương, trụ sở của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại Hà Nội.
Từ năm 1956 đến năm 1975 thống nhất đất nước, xiếc Việt Nam phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được những đòi hỏi của thời kỳ xây dựng đất nước và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Năm 1962, xiếc Việt Nam vươn ra thế giới, biểu diễn thành công tại Đông Âu và một số nước bạn bè như Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ,… tham gia nhiều cuộc thi xiếc quốc tế tại Cu Ba, Liên Xô, Trung Quốc…
Ngày 3-10-1966, một tên tuổi lớn của ngành xiếc Việt Nam qua đời, đó là nghệ sĩ Tạ Duy Hiển. Bộ Văn hóa - Thông tin (này là Bộ VHTTDL) đã tặng tấm bia đá ghi rõ : “Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiển, người có công sáng lập ngành xiếc Việt Nam hiện đại”. Ngày 15-8-1978, Bộ trưởng Bộ VHTT Nguyễn Văn Hiếu ký quyết định: “Chuyển đoàn xiếc nhân dân Trung ương thành Liên đoàn Xiếc Việt Nam”.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Xiếc Việt Nam sa sút do nhiều nguyên nhân. Diễn viên bỏ nghề, những con thú lớn biểu diễn không có điều kiện nuôi dạy nên phải chuyển giao các sở thú chăm sóc. Nghệ thuật xiếc Việt Nam có nguy cơ tan rã. Rất may mắn được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Bộ VHTT đã cho phép xây dựng rạp xiếc Trung ương cạnh Công viên Thống Nhất. Với cơ sở vật chất hiện đại, rạp chuyên dành cho biểu diễn xiếc, đã khích lệ, động viên các nghệ sĩ vượt muôn vàn khó khăn, hăng hái luyện tập. Cuối cùng, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tìm được hướng đi với những cách thể hiện mới phù hợp với điều kiện của kinh tế thị trường để phục vụ khán giả.
Xiếc Việt đổi mới hợp với xu thế thời đại
Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã ghi rõ: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc…”. Nghị quyết 03 đã thổi một luồng sinh khí, quyết tâm mới vào nhận thức của những người làm nghệ thuật, trong đó có ngành Xiếc Việt Nam.
Trước những cơ hội thuận lợi đó, tập thể Ban lãnh đạo Liên đoàn xiếc đã đặt trọng tâm xây dựng ngành Xiếc Việt Nam phát triển hiện đại, với những nét đặc sắc mang đậm phong cách Việt Nam, nhằm quảng bá nghệ thuật xiếc trong nước và giới thiệu văn hóa con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế thông qua các tác phẩm nghệ thuật xiếc đỉnh cao.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn, từ năm 2000 trở lại đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã được đầu tư nhiều hơn. Sức sáng tạo của các đạo diễn, biên đạo, các nghệ sĩ đã làm cho sân khấu xiếc có nhiều tiết mục mới, lạ, nhiều vở xiếc đa dạng, phong phú, có nội dung hấp dẫn người xem… Các đối tác trong và ngoài nước tìm đến Liên đoàn ký kết nhiều hợp đồng, mang lại nguồn thu cho đơn vị. Một trong những sáng tạo của xiếc Việt những năm gần đây là dàn dựng các tiết mục theo kịch bản dựa trên những câu chuyện quen thuộc với nhiều người, nhiều lứa tuổi như: Thạch Sanh, Sơn tinh- Thủy tinh, Thánh Gióng, Đám cưới chuột, Alibaba và những tên cướp, Ngày Hội của muôn loài, Phù thủy Đại chiến, Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên, Cuộc phưu lưu của chú Tễu… Các vở xiếc thường mang thông điệp rõ ràng để giáo dục thiếu nhi về lòng dũng cảm, vị tha, yêu thiên nhiên, muôn loài, về bảo vệ môi trường… được khán giả yêu thích, nhất là các em nhỏ. Vở xiếc với tên gọi Làng tôi đã tái hiện lại cuộc sống bình dị của làng quê vùng Bắc Bộ. Vở Sông trăng cho ta trở về với dòng sông quê hương để kiếm tìm sự thảnh thơi giữa những bộn bề, lo toan của cuộc sống thường nhật. Đây là những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt, làm rạng danh xiếc Việt trên sân khấu thế giới, góp phần đưa hình ảnh, văn hóa, con người Việt Nam tới khán giả trong nước và quốc tế.
Vở xiếc Làng tôi - Ảnh: Văn Hoàn
Ngoài các chương trình được dàn dựng công phu để phục vụ biểu diễn lấy nguồn thu, nâng cao đời sống cho cán bộ, diễn viên, Liên đoàn còn dàn dựng các vở xiếc theo chủ đề phục vụ chính trị như: vở Hà Nội của những giấc mơ đã từng diễn thành công tại Nhà hát Lớn, Hà Nội; vở Sống mãi với Điện Biên kỷ niệm 65 năm giải phóng Điện Biên Phủ; Ngày hội non sông kỷ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước; Đi cùng năm tháng kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7 hằng năm để tôn vinh những anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc… Những kỳ liên hoan xiếc trong nước và quốc tế cũng để lại ấn tượng tốt đẹp không chỉ trong lòng khán giả Việt Nam mà còn để lại những tình cảm sâu đậm trong các đoàn quốc tế đến tham dự. Thành công của Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ VI tổ chức tại Hà Nội và Festival Xiếc thế giới Hạ Long tại Quảng Ninh năm 2019 là minh chứng, đã đánh dấu bước chuyển mình đáng tự hào của xiếc Việt Nam.
Đầu năm 2020, cho dù rất khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây nên, nhưng ngay sau giãn cách xã hội, các chương trình của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đồng loạt ra quân đúng dịp Tết thiếu nhi 1-6. Rạp xiếc Trung ương ra mắt vở Sự trở lại của cướp biển với những xuất diễn kín chỗ ngồi. Chương trình Gala xiếc Ba Miền phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhằm kích cầu du lịch nội địa cũng đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng du khách và khán giả thành phố Hạ Long. Sắp tới đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn nhiều dự án kết hợp với các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, cùng dàn dựng những vở xiếc mang đậm phong cách dân tộc để có nhiều cơ hội giới thiệu đến đông đảo công chúng yêu mến nghệ thuật xiếc Việt Nam.
Những thành quả đạt được
Các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tham gia nhiều cuộc liên hoan, festival trong nước và quốc tế, đoạt rất nhiều huy chương vàng, bạc tại: Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Cu Ba, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Mông Cổ, Thụy Sĩ…
Đến nay, Nhà nước đã trao tặng Liên đoàn Xiếc Việt Nam các phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương lao động hạng Hai; Huân chương lao động hạng Nhất. Năm 2000, Liên đoàn xiếc Việt Nam vinh dự được Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương độc lập hạng Nhì 2006; Huân Chương độc lập hạng Nhất năm 2010; Lá cờ đầu của ngành Văn hóa - Thông tin nhiều năm liền, cờ luân lưu của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác; Phong tặng 7 danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và hàng chục danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo ưu tú cho những nghệ sĩ xiếc tài năng, có đóng góp đặc biệt xuất sắc.
Gần 65 năm xây dựng phát triển của Liên đoàn Xiếc Việt Nam là sự đóng góp công sức của hơn 1.000 nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, cán bộ, công nhân, viên chức qua các thời kỳ. Thành quả đó đã gắn liền với các sự kiện quan trọng của đất nước trong thời kỳ đầu xây dựng đất nước, thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, thời kỳ xây dựng CNXH và sự nghiệp đổi mới của cả dân tộc.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam sắp bước sang tuổi 65 (16-01-1956 – 16-01-2021). Nhìn lại cả một chặng đường dài lịch sử hình thành và phát triển của ngành xiếc, có thể tự hào thấy rằng xiếc Việt đang đi đúng hướng và đã có chỗ đứng trên đấu trường xiếc quốc tế. Đây là kết quả của những nỗ lực, sáng tạo không mệt mỏi, vượt qua khó khăn, gian khổ của các lớp nghệ sĩ xiếc trong gần 65 năm qua. Ngoài những nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động nghệ thuật, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng không ngừng cố gắng chăm lo đến đời sống của anh chị em nghệ sĩ như xây dựng khu nhà ở, bếp ăn chung cho diễn viên trẻ, thăm hỏi, tặng quà những gia đình chính sách. Hằng năm, tổ chức Ngày Hội gia đình và gặp mặt các nghệ sĩ lão thành để động viên các vị tiền bối tiếp tục có những đóng góp, xây dựng cho Liên đoàn. Công tác đào tạo cũng có nhiều chuyển biến tích cực, Ban lãnh đạo Liên đoàn đã cử nhiều cán bộ, diễn viên tham gia các lớp học nâng cao để phục vụ ngành nghề như đạo diễn, biên đạo, âm thanh, ánh sáng… Đến hôm nay, mỗi thế hệ, các nghệ sĩ, diễn viên đều có thêm động lực để phấn đấu, tìm tòi, mong muốn tạo dấu ấn để khẳng định mình. Lòng yêu nghề, sự sáng tạo của những diễn viên trẻ cộng với kinh nghiệm của những thế hệ đi trước là cơ sở để chúng ta tin rằng, xiếc Việt Nam trong thời kỳ mới sẽ tiếp tục có những thành công, thắp sáng một tương lai tươi đẹp cho hôm nay và mai sau.
_______________
1. Mai Quân, Lịch sử xiếc Việt Nam, Nxb Hà Nội, 1990.
2. Kỷ yếu 40 năm Liên đoàn xiếc Việt Nam, 1996.
3. Tuấn Giang - Hà Vinh, Nghệ thuật xiếc, Nxb Văn hóa dân tộc, 2001.
4. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, 1998.
Tác giả: Nguyễn Văn Hoàn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020