Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa nhân loại đến một bước tiến mới, mở ra cơ hội cho rất nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, cùng với đó là những khó khăn, thách thức cần phải đối mặt, đặc biệt với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, để xây dựng môi trường văn hóa số lành mạnh và an toàn, chúng ta cần nhìn nhận lại một số vấn đề, cũng như những tồn tại trong thời gian qua.
Ảnh minh họa - nguồn nhandan.vn
Tình trạng xuống cấp, lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội
Sự phát triển của internet, đặc biệt là sự nở rộ của mạng xã hội thời gian gần đây đã tạo ra sự thay đổi đáng kể trong lối sống của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Với đặc trưng nổi bật là tính lan tỏa nhanh và tạo hiệu ứng đám đông mạnh mẽ, mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin hữu hiệu để mọi người có thể nhận và chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, trong không gian số, người ta nhận thấy, có nhiều vấn đề đáng lưu tâm liên quan đến việc hình thành nhân cách con người. Có những ảnh hưởng không biểu hiện ngay tức thì, mà tác động đến hành vi, từ đó hình thành nên sự lệch chuẩn trong ứng xử của thế hệ trẻ.
Sinh ra trong kỷ nguyên số, thế hệ trẻ có cơ hội được tiếp xúc với mạng internet từ rất sớm, từ việc học tập, giao lưu, kết nối các mối quan hệ, tìm việc, làm việc đến thể hiện quan điểm cá nhân... đều gắn với sự phát triển của không gian số. Chính môi trường cũng như cộng đồng xã hội ảo đã tạo điều kiện để mọi cá nhân thể hiện cái tôi, thậm chí, cuộc sống mà nhiều bạn trẻ “vẽ” lên trên mạng xã hội là những tưởng tượng xa rời thực tế, những ảo vọng muốn hướng tới nhưng chưa có nền tảng… Việc tương tác trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều, hình thành những cộng đồng ảo hết sức phức tạp, điển hình trong số đó là hiệu ứng tâm lý đám đông. Tâm lý đám đông thường xuất hiện trong trạng thái con người mơ hồ, thiếu thông tin trước một vấn đề nào đó, khiến họ dễ bị dẫn dụ, thiếu lập trường, trường hợp này tình cảm thường lấn át lý trí. Bên cạnh đó, tâm lý đám đông còn biểu hiện tính chuyên chế, tức là, những đối tượng khác biệt với đám đông sẽ bị bài trừ. Hiện nay, người ta hay nói đến một bộ phận có tên “anh hùng bàn phím”, “nhà đạo đức mạng”… ám chỉ những người hùa theo đám đông để tung hô hay lên án một vấn đề nổi lên trên mạng internet. Vấn đề này đôi khi tồn tại như một vấn nạn, mà ở đó con người lợi dụng sự vô danh để phê phán, đả kích, lăng mạ người khác bằng những từ ngữ thô lỗ, thiếu văn hóa, những bịa đặt không rõ chủ đích. Nhiều trường hợp bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết, do bị công kích bằng những ngôn từ quá khích, những bình luận tưởng chừng vô hại.
Trước lượng thông tin vô hạn trên không gian số, nếu không có định hướng phù hợp, kịp thời, người dùng, đặc biệt là giới trẻ rất dễ tiếp cận với “sản phẩm rác”, sự tiếp nhận không có chọn lọc sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức, lối sống, đồng thời gây khó khăn cho truyền thông trong việc định hướng dư luận xã hội. Có thể lấy ví dụ trường hợp Huấn Hoa Hồng (HHH), sở hữu fanpage với hàng triệu lượt theo dõi, được cộng đồng mạng biết đến với những livestream nói về đạo lý, các mối quan hệ xã hội, “giới anh em” của mình và khoe mẽ tiền bạc, vật chất. Trong một livestream, HHH đã quảng cáo hai cuốn sách Bí kíp kinh doanh online và Đệ nhất kiếm tiền của anh, đứng tên Nxb SG. Ngay lập tức, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã rà soát và phát hiện không có tên hai cuốn sách này trong danh mục sách lưu chiểu và không có Nxb SG trong danh sách các Nxb được cấp phép hoạt động. Sau sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tác giả phải thừa nhận rằng, do học hành hạn chế và thiếu hiểu biết nên đã phát hành chui hai ấn phẩm trên (1). Cũng vào năm 2020, dân mạng xôn xao với MV ca nhạc Muôn kiếp là anh em của HHH, đẩy lượng theo dõi tới hàng trăm nghìn lượt xem chỉ sau chưa đầy 1 ngày. MV xuất hiện nhiều cảnh bạo lực và quảng cáo những game đánh bạc online (có trụ sở đặt tại nước ngoài), đây là loại hình đánh bạc bị các cơ quan chức năng ở Việt Nam nghiêm cấm. Ngay sau đó, MV bị gỡ khỏi nền tảng YouTube do vi phạm nguyên tắc cộng đồng của nền tảng này (2). Không thể phủ nhận rằng, để có “sự nổi tiếng” và nguồn lợi khổng lồ từ mạng xã hội, HHH cũng cần sự “góp sức” không nhỏ của cộng đồng mạng. Việc vô thức nhấp chuột xem, like, chia sẻ các livestream sẽ tạo điều kiện để văn hóa không lành mạnh lan tỏa ngày càng nhanh chóng. Trong bài viết Livestream cũng phải có văn hóa, tác giả Ngô Huyền đã đưa ra ý kiến: “Đối với việc dùng mạng xã hội để livestream, thách thức lớn nhất đối với người dùng là tự điều khiển cảm xúc và hành vi của chính mình. Trở thành một người tham gia mạng xã hội thông thái, biết lựa chọn thông tin để tiếp nhận, không nhầm lẫn giữa “cái tôi/ sự cá tính” với “thái độ ngông cuồng/ lối cư xử vô văn hóa” khi sử dụng livestream là góp phần tạo nên một xã hội công bằng, văn minh” (3). Như vậy, ở trong bất kỳ môi trường nào, thái độ ứng xử luôn là tấm gương phản ánh nhân cách của mỗi cá nhân và là thước đo đánh giá sự phát triển của xã hội. Nếu người dùng không có nhận thức tốt, chắc chắn sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi “những tấm gương” xấu trên mạng xã hội, thu mình trên không gian ảo và xa dần cuộc sống thực tế. HHH chỉ là một ví dụ trong rất nhiều hiện tượng mạng thời gian vừa qua bị các cơ quan chức năng xử lý do có những hành vi, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm pháp luật trên không gian mạng internet.
Có thể nói, sự bùng nổ của mạng xã hội đang chứng tỏ quyền lực ngày càng lớn, có khả năng tác động, chi phối không nhỏ đến lối sống, cách tư duy, ứng xử của con người. Việc sử dụng mạng xã hội như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người, ở đó cần trang bị hệ thống tư duy độc lập, có ý thức tự quản trị thông tin cá nhân. Thông tin trên mạng xã hội là thông tin nhiều chiều, khó kiểm chứng, tạo điều kiện để hình thành thói quen xấu cho người dùng như dễ phán xét, can thiệp sâu vào câu chuyện, vấn đề của cá nhân khác, trở thành một trong những hành vi tiêu cực nếu mang cách ứng xử đó ra đời thực. Mạng xã hội là không gian “ảo”, nhưng những tác động của nó tới đời sống là thật, là mối nguy cơ dẫn đến rất nhiều vấn đề đáng lo ngại như: sống hưởng thụ, lười học tập, lao động, bạo lực học đường, thiếu niềm tin, mất phương hướng... Trong Phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 10-8-2022, ông Tráng A Dương - đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng về vấn đề này: “Hiện nay, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông giải trí phổ biến, được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mạng xã hội mang lại cũng nảy sinh không ít những vấn đề, biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc. Bộ trưởng cho biết những giải pháp để chấn chỉnh, giải quyết tình trạng trên?” (4).
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Tráng A Dương, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây là vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm, “Bộ VHTTDL đã có sự phối với với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tôi nghĩ rằng, mọi công dân chúng ta khi sử dụng mạng xã hội nên tôn trọng quy tắc này, ứng dụng quy tắc này để hạn chế thấp nhất những việc làm ảnh hưởng đến văn hóa và phản văn hóa như đại biểu đã nêu”. Bộ trưởng khẳng định, sẽ “tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và vừa qua chúng tôi đã xử lý một cách nghiêm túc các trường hợp lợi dụng mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội không đúng làm ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội” (5).
Cũng tham gia phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Môi trường mạng khác đời thực ở tốc độ lan thông tin, thông tin trên mạng lan nhanh hơn và trên diện rộng hơn rất nhiều. Bằng các công nghệ mới, dựng video, hiệu ứng trên mạng mạnh hơn, hiệu ứng nhìn thật hơn nhiều. Do đó, tốc độ lan truyền và gây xúc cảm rất mạnh. Trên thế giới đã thống kê tốc độ tác động và lan truyền của một thông tin xấu nhanh khoảng bằng 6-7 lần thông tin tốt”. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng và có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh phủ thông tin tốt để che thông tin xấu, chúng ta bắt đầu xử lý rất nghiêm, kể cả xử lý hình sự những đối tượng lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng mạng internet xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Trước đây, chúng ta chỉ xử lý khi liên quan tới lợi ích của xã hội, của đất nước, của Nhà nước, nhưng gần đây có một số vụ việc chúng ta xử lý hình sự liên quan đến việc xâm phạm lợi ích của công dân. “Điều này chúng ta phải tiếp tục làm cho thật tốt và những người nào bị xâm phạm bằng tác hại của mạng xã hội cũng nên có tiếng nói để các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh (6).
Thiết nghĩ, để xử lý vấn đề trên cần có những giải pháp đồng bộ. Trước hết, đó là việc giáo dục, định hướng nhân cách cho thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước cần được sự quan tâm của gia đình, nhà trường. Chính môi trường giáo dục từ gia đình, nhà trường sẽ giúp các bạn trẻ định hình nhân cách, trong đó có việc chọn lựa, tiếp thu những sản phẩm văn hóa lành mạnh trên môi trường mạng. Đồng thời, chúng ta cũng phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng của ngành Thông tin và Truyền thông, các lực lượng công an trong việc quản lý, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Khó khăn trong quản lý các sản phẩm/ dịch vụ văn hóa từ môi trường số
Trao đổi với biên tập viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, PGS, TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ: “Chúng ta cần lưu ý đến thách thức từ sự bùng nổ về thông tin, truyền thông đi kèm với làn sóng giao thoa, du nhập văn hóa, nghệ thuật với nhiều yếu tố văn hóa, nghệ thuật mới, có mặt tích cực nhưng cũng không ít những tiêu cực, trong khi trình độ cán bộ và phương tiện kỹ thuật để quản lý những vấn đề mới mẻ này còn hạn chế, dẫn đến sự lúng túng, bị động trong tổ chức thực hiện” (7).
Trong môi trường số, với lượng truy cập khổng lồ mỗi ngày, các sản phẩm văn hóa không chỉ đến với một hay một vài nhóm đối tượng đã được xác định trước, mà với tính không biên giới đặc trưng của mạng internet, sản phẩm có thể đến với rất nhiều đối tượng, thuộc những nhóm ngành nghề, độ tuổi khác nhau. Ví dụ, đối với tác phẩm điện ảnh được phát hành trên mạng, trên các nền tảng kỹ thuật số, dù được gắn mác 16+, 18+ hay những cảnh báo tới người xem, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, trẻ em chưa đủ tuổi vẫn có thể truy cập, tò mò với nội dung phim. Sự bất cập này đã được nhận thức rất rõ nhiều năm nay, nhưng chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu.
Bên cạnh phim truyền hình, phim chiếu rạp, những năm gần đây còn xuất hiện thể loại WebDrama - những bộ phim được phát hành trên nền tảng số. Đây là thể loại phim cũng được đầu tư công phu về nội dung, hình ảnh, cốt truyện hấp dẫn khán giả, nhưng được đăng tải trên mạng internet với sự chấp nhận từ đơn vị có bản quyền, thu lợi nhuận từ lượt xem và quảng cáo. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, WebDrama được xem là thể loại “thừa thắng xông lên” với rất nhiều sản phẩm, tuy nhiên ít để lại dấu ấn, đa phần là các tác phẩm hài, có nhiều chi tiết gây cười. Để đạt mức lợi nhuận kỳ vọng của nhà sản xuất, các tác phẩm chủ yếu vẫn phải dựa trên những yếu tố “ăn khách” sao cho thu hút được nhiều người xem nhất. Có thể kể tới hàng loạt phim có chủ đề “giang hồ”: Thiếu niên giang hồ, Người trong giang hồ, Dẹp loạn giang hồ, Thợ săn giang hồ… với nhiều cảnh bạo lực. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện không ít các tập phim ngắn có nội dung hời hợt mà chủ yếu là hình ảnh diễn viên ăn mặc “mát mẻ”, có phần phản cảm. Nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại trước những ảnh hưởng tiêu cực từ nội dung cũng như hình ảnh phim mang lại cho con em mình.
Vấn nạn vi phạm bản quyền
Với lượng người sử dụng internet tăng nhanh như hiện nay, việc tiếp nhận, phát tán các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật ngày một thuận lợi. Điều đó, khiến các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng đang gặp những nguy cơ về vi phạm bản quyền rất lớn, gây khó khăn cho các cấp quản lý và tạo rào cản đối với sự sáng tạo của mỗi cá nhân, đặc biệt đối với ngành xuất bản và âm nhạc. Không đơn giản là những bản sách hay băng đĩa nhạc in lậu như trước đây, mà trong môi trường số hóa, việc sao lưu, phát hành thiếu sự quản lý chặt chẽ, các bộ luật bộc lộ những kẽ hở để nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng, trục lợi trên trí tuệ của người khác.
Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều thiết bị di động thông minh, kéo theo sự thay đổi về thói quen tìm kiếm và đọc sách điện tử của đông đảo người dùng. Từ đó, cũng đặt ra những vấn đề liên quan đến bản quyền tác giả khi mà việc chia sẻ các sản phẩm trên không gian số diễn ra quá nhanh, mà trên thực tế người dân vẫn ưa sử dụng các sản phẩm không mất phí từ môi trường này. Bắt nguồn từ thói quen chia sẻ, từ thông tin tác phẩm, tác giả, đến nội dung cả cuốn sách, trên mạng internet đã hình thành cả một hệ thống người dùng sử dụng miễn phí (xuất hiện nhiều website chia sẻ sách điện tử). Hiện nay, đã nhiều nhà sách, nhà xuất bản như Nxb Trẻ, Nhà sách Phương Nam, Waka, Alezza, Lạc Việt… đi tiên phong cho việc đầu tư một cách nghiêm túc vào thị trường sách điện tử, từ việc chuyển thể sách in ra phiên bản số hóa, xây dựng mã khóa, chống sao chép, mua tác quyền từ tác giả… Tuy nhiên, chính vấn đề bản quyền đang làm cho những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản trở nên ngần ngại đối với thị trường sách điện tử - thị trường đáng lẽ phải đang rất sôi động thời điểm này, điều đó cũng trở thành một trong những khó khăn rất lớn để xây dựng văn hóa đọc tiên tiến, hiện đại. Từ đó cho thấy, khi chưa có hành lang pháp lý đủ chặt chẽ, chưa có phương thức phù hợp để đối mặt với thách thức, các nhà sản xuất, tác giả sẽ khó khăn rất nhiều trong việc bảo vệ bản quyền đối với tác phẩm của mình, đồng thời trở thành rào cản trong việc kích thích sự sáng tạo của văn nghệ sĩ trong việc sáng tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân, được công chúng tôn trọng và đón nhận.
Trong lĩnh vực âm nhạc, từ lâu việc bảo vệ quyền tác giả luôn là vấn đề nhức nhối, thậm chí gây nhiều bức xúc trong giới nhạc sĩ. Trong môi trường số, các hành vi xâm phạm bản quyền trở nên phổ biến với nhiều hình thức khác nhau như sao chép trái phép; sửa chữa, cắt xén tác phẩm trái phép; mạo danh tác giả… Thậm chí nhiều cá nhân đã lợi dụng kẽ hở của luật, xâm phạm bản quyền tác phẩm ở mức độ tinh vi hơn. Nhạc sĩ Ngọc Khuê chia sẻ trên trang cá nhân của mình về việc nhiều tác phẩm của ông đăng tải trên kênh YouTube cá nhân nhận được cảnh báo vi phạm bản quyền, trong khi ông là người sáng tác, đầu tư tiền phối khí, thuê ca sĩ, thu thanh, làm video, đăng ký ủy nhiệm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (8). YouTube có tính năng kiểm tra nội dung bản quyền, gửi cảnh báo tới người dùng nếu như phát hiện sự trùng khớp (một phần hoặc toàn bộ) một video khác, nếu video đó đã thiết lập bản quyền trước trên nền tảng này. Trong thời đại 4.0, vấn nạn về vi phạm bản quyền xảy ra ngày càng nhiều, gây khó khăn cho các cấp quản lý, thiệt thòi cho văn nghệ sĩ - đối tượng cần được bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ. Phát biểu trong Tọa đàm Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho rằng: “Để trở thành thế hệ tiên phong bảo vệ bản quyền, những người trẻ trước hết hãy là thế hệ không thờ ơ với tác quyền. Mỗi người có thể có những lựa chọn để giải trí, tiếp cận sản phẩm nhưng hãy trên tinh thần tôn trọng sự sáng tạo, tôn trọng tâm sức và trí tuệ của người sáng tác và chủ sở hữu quyền tác giả” (9).
Ý thức của con người khi sử dụng sản phẩm/ dịch vụ văn hóa trong không gian số
Từ trước đến nay, người dùng vẫn có thói quen sử dụng nguồn tài nguyên miễn phí trên mạng internet, để thay đổi thói quen này cần có thời gian. Nhiều nhà phân phối đã có các phương thức thu phí phù hợp từ các sản phẩm, dịch vụ trên internet. Điển hình như dịch vụ xem phim trực tuyến. Một bộ phận người dùng đã có ý thức hơn với việc trả phí để thưởng thức những tác phẩm chất lượng cũng như thành quả lao động của cả ekip sản xuất. Trong đó, phải kể đến hàng loạt các ứng dụng xem phim trả phí như Netflix, Apple TV+, Galaxy Play, FPT Play, Zing TV… phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của con người. Bên cạnh những tín hiệu tích cực đó, cũng phải nhìn nhận rằng, vẫn còn hiện tượng thu/ phát lại phim với chất lượng kém để phát tán trên internet, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của các đơn vị sản xuất và phát hành phim (cả phim chiếu rạp và phim truyền hình). Ví dụ, đối với một số phim truyền hình phát trên giờ vàng của VTV, sau mỗi tập phát sóng, nhiều tài khoản YouTube ghi lại để phát trên kênh của mình, nếu lượt theo dõi, lượt xem trên kênh cá nhân của họ càng lớn sẽ càng có cơ hội kiếm tiền từ nền tảng này. Điều này ảnh hưởng lớn đến lượng rating của phim truyền hình, đồng thời, khán giả phải thưởng thức những thước phim kém chất lượng cả về hình ảnh và âm thanh. Cũng không ít trường hợp, khán giả vô tư cắt/ ghép video từ những bộ phim, “chế” hình ảnh nghệ sĩ vào những câu chuyện gây cười trên mạng xã hội, gây ra những tình huống “dở khóc dở cười”, thậm chí kéo nghệ sĩ vào nhiều scandal không đáng có.
Từ những khó khăn trên cho thấy, chúng ta đang gặp hạn chế về hành lang pháp lý, cơ chế quản lý và vấn đề nâng cao nhận thức của người sử dụng. Sự phát triển của xã hội đã đưa con người đến với kỷ nguyên số, hình thành một môi trường văn hóa với nhiều cơ hội và cũng đầy thách thức. Chúng ta có cơ hội quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, nhưng có thể để lại dấu ấn đối với bạn bè thế giới hay không phụ thuộc chính vẫn vào chất lượng của những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Do đây là một vấn đề mới nên tôi nghĩ, cần thời gian để những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật trên không gian mạng có chất lượng, đạt kỳ vọng của chúng ta, theo đó, các tác phẩm văn học nghệ thuật giúp định hướng sự phát triển nhân cách, đạo đức của mỗi con người và toàn xã hội” (10). Để cân bằng cuộc sống, ngoài giá trị vật chất mà khoa học công nghệ thời kỳ mới mang lại, chúng ta cũng rất cần nâng cao đời sống tinh thần, mà hiện nay và trong tương lại, môi trường văn hóa số đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
_______________
1. Đậu Quang Minh, Cục Xuất bản: Sách dạy kiếm tiền của Huấn “Hoa Hồng” là ấn phẩm trái phép, laodong.vn, 4-5-2020.
2. Vũ Nam, Ra mắt chưa đầy 1 ngày, MV của Huấn “Hoa Hồng” bị gỡ khỏi YouTube, thanhnien.vn, 6-6-2020.
3. Ngô Huyền, Livestream cũng phải có văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 467, 7-2021.
4, 5, 6. Phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.
7, 10. Phỏng vấn PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, 3-7-2022, BTV Uông Thị Mai Hương thực hiện.
8. Phương Hà, Nhiều bất cập khi thực hiện bản quyền tác giả âm nhạc ở môi trường số, vietnamplus.vn, 29-10-2021.
9. Tình Lê, Thách thức vấn đề bản quyền trên không gian mạng, vietnamnet.vn, 26-4-2022.
Ths VÂN ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022