Đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến uy tín và hình ảnh thiêng liêng của tổ chức đảng, là cơ sở để thu hút, lôi cuốn, tập hợp quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, thực tế vừa qua đã xuất hiện nhiều “con sâu làm rầu nồi canh” đến mức Đảng đã phải chỉ rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, căn nguyên của sự tha hóa, biến chất, đánh mất bản thân, dẫn đến vòng lao lý. Đó là thực trạng đáng quan tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta hiện nay.
Kỳ họp thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương - Ảnh: dangcongsan.vn
Tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Những năm gần đây, Đảng ta đã quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, loại bỏ những cá nhân không xứng đáng ra khỏi Đảng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, công cuộc phòng chống tham nhũng mạnh mẽ đến như thế, nhưng trong Đảng vẫn còn những bộ phận không nhỏ đã suy thoái đạo đức. Đáng nói là lung lay về tư tưởng, diễn biến trong tư tưởng, suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn như tham nhũng hay mất dân chủ, bè phái, làm những việc trái với đạo đức, trái với quy định của pháp luật dẫn tới những hậu quả rất nghiêm trọng, làm mất lòng tin của người dân đối với Đảng.
Ở Việt Nam, hiện đã có hệ thống luật pháp khá đầy đủ: Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Công chức, Viên chức… Đối với đảng viên đã có quy định 19 điều đảng viên không được làm, nhưng thực tế nhiều vụ việc vi phạm vẫn cứ diễn ra. 10 năm qua, hàng loạt các vụ đại án được đưa ra xét xử với số lượng cán bộ, đảng viên trong đó cán bộ cấp cao bị xử lý nhiều hơn các giai đoạn trước đó.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (năm 2018) đã đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.
Chính vì vậy, chưa bao giờ công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là việc ngăn chặn, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên lại được Đảng đặt ra cấp bách như thời gian qua. Đảng ta đã có thái độ đúng đắn, nghiêm túc, dám nhìn thẳng vào sự thật, bằng một tinh thần chiến đấu không khoan nhượng quyết tâm bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.
Dưới đây, chúng tôi xin nêu một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên như sau:
Thứ nhất, đó là những tác động, ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường
Bên cạnh những mặt tích cực của kinh tế thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cũng đã bộc lộ rõ mặt trái. Khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới với trọng tâm là đổi mới kinh tế, chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những hạn chế, bất cập của cơ chế thị trường trỗi dậy trong điều kiện của một đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, còn đang hoàn thiện bộ máy quản lý xã hội. Điều đó, đã tác động đến nhận thức, tư tưởng và hành vi của cán bộ, đảng viên. Tình trạng chạy theo đồng tiền, đề cao giá trị vật chất ở không ít nơi đã diễn ra. Nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tội, tham nhũng, tiêu cực... đã được nhận diện và đấu tranh. Những hệ quả tiêu cực của cơ chế thị trường đã nảy sinh một loạt các vấn nạn “sân sau”, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”... Thực tế gần đây, khi kinh tế càng phát triển thì số lượng đảng viên bị kỷ luật vì các vấn đề liên quan đến quản lý kinh tế lại ngày một tăng lên.
Và, sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã tràn sang nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục... Vài năm gần đây, đã xuất hiện nhiều vụ tiêu cực trong ngành Giáo dục như: gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang (2018); cấp bằng giả tại Trường Đại học Đông Đô... Với ngành Y tế, vụ đại án Việt Á là một ví dụ điển hình về tham nhũng “có hệ thống” do tính quy mô ở nhiều CDC cả nước; vụ việc có liên quan đến trách nhiệm của nhiều cá nhân từ bộ ngành ở trung ương đến các địa phương. Liên quan tới vụ Việt Á, cơ quan điều tra của Bộ Công an và các địa phương hiện đã khởi tố 25 vụ án với 95 bị can. Trong số đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Thực tế trên đang đặt ra những vấn đề cấp thiết trong công tác hoàn thiện pháp luật, quản lý kinh tế và đặc biệt là vấn đề bố trí, sử dụng, quản lý con người trong các cơ quan công quyền.
Thứ hai, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, phai nhạt lý tưởng, sa vào tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về đạo đức, lối sống
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta rằng “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức” (1), và Người nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (2).
Như vậy, việc tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo trong bộ máy. Nó liên quan đến vấn đề sinh tồn của chế độ ta. Đã có những con người trải qua khói bom trận chiến, đối diện làn ranh sinh - tử với kẻ thù nhưng vẫn giữ vững chí khí chiến đấu. Nay, trong điều kiện hòa bình, vẫn là họ, và thêm một bộ phận thế hệ kế cận - được học hành bài bản, trưởng thành trong thuận lợi, lại gục ngã trước những cám dỗ vật chất. Không được tu dưỡng rèn luyện thường xuyên, đảng viên sẽ dễ bị dao động trước khó khăn thử thách, trở nên mềm yếu khi đối diện với lợi ích cá nhân, vị kỷ. Vàng sáng thì phải luyện, ngọc trong tất phải mài, người đảng viên chân chính phải tự tu dưỡng, rèn luyện, cẩn thận giữ mình, không để những cám dỗ quyền lực, tiền tài, danh vọng làm mờ lý trí.
TS Nguyễn Đình Hòa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, chính “Thái độ xem nhẹ việc trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng, chưa nghiêm túc thực hiện phê và tự phê bình… khiến không ít cán bộ, đảng viên sa ngã trước những cám dỗ đời thường” (3). Không rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên sẽ không thể giúp đảng viên nhận thức, phân biệt đúng - sai, phải - trái để điều chỉnh hành vi của mình, để cho lòng tham trỗi dậy, lóa mắt vì tiền tài, vật chất dẫn đến tự đánh mất bản thân. Sự không chiến thắng, không vượt qua nổi cái “tôi” nhỏ bé để thành “nô lệ” của những ham muốn cá nhân ở một bộ phận cán bộ, đảng viên vừa là nguồn gốc sâu xa, vừa là sự tiếp tay dẫn đến những tệ nạn như tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, mất đoàn kết. TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh, việc suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay, nguyên nhân chính vẫn là sự thiếu tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên. “Tự mình tu dưỡng, trước đây khó khăn gấp vạn lần, ngày xưa còn khó khăn hơn nhiều, trước đây còn hy sinh cả tính mạng để làm cho Đảng được uy tín trong lòng dân, bây giờ khó khăn đã là gì. Cho nên nguyên nhân chủ yếu vẫn là do cán bộ, đảng viên chưa tự tu dưỡng và rèn luyện”.
Thứ ba, không ít tổ chức đảng buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ
Bên cạnh việc phê phán một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, phai nhạt lý tưởng, sa ngã vào các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, bị suy thoái về đạo đức, lối sống, chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên có một phần từ việc không ít tổ chức đảng buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, và quy định của đảng, thậm chí có nơi có biểu hiện bao che, dung túng cho những vi phạm, tiêu cực trong nội bộ tổ chức đảng.
Nguyên tắc tập trung dân chủ bị vi phạm sẽ dễ dẫn đến một vài cá nhân thao túng cả tập thể, làm giảm sút ý chí chiến đấu của tổ chức đảng, thấy đúng không đấu tranh, thấy sai không bảo vệ. Những cá nhân như vậy sẽ biến tổ chức đảng thành nơi hợp thức hóa cho những quyết định cá nhân vị kỷ.
Chắc rằng chúng ta không khỏi đau xót khi liên tục chứng kiến những thông tin về sai phạm của những người đã từng là cán bộ giữ những trọng trách, cương vị quan trọng trong bộ máy, nhưng vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước, cùng với đó là các vi phạm của các tập thể, tổ chức đảng.
Có thể đơn cử một số vụ việc gần đây về những sai phạm của tổ chức đảng. Tại phiên họp thứ 13 (tháng 3-2022), xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 liên quan đến vụ việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cá nhân.
Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế và một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tại kỳ họp thứ 17 (tháng 7-2022), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016-2021 và đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh. Theo kết luận: Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhà ở, bảo vệ và phát triển rừng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh; báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa.
Trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về các đồng chí: Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Tiến Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; KPă Thuyên, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Phước Thành, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đức Hoàng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Giám đốc các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số tổ chức đảng, đảng viên liên quan.
Rõ ràng, nếu nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc cũng như công tác phê bình và tự phê bình tại các tổ chức đảng trên được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc thì chắc sẽ không xảy ra những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan/ chính quyền.
Thứ tư, còn có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực
“Trên nóng, dưới lạnh” là cụm từ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng khi nói về tình trạng chậm chuyển biến ở các cấp cơ sở trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là vấn đề phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Thực tế cho thấy, các vụ án lớn do Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp chỉ đạo thì tiến độ được đẩy nhanh, hiệu quả thấy rõ. Trong khi đó các vụ án nhỏ ở các địa phương tiến độ xử lý còn chậm, thiếu quyết liệt, dứt khoát. Ở dưới địa phương vẫn còn “lạnh”, biểu hiện ở chỗ nhiều vụ việc nổi cộm gây bức xúc nhưng tiến độ giải quyết còn chậm.
Những biểu hiện của tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã được các cơ quan chức năng, báo chí chỉ ra, điển hình như việc địa phương chậm chạp trong xử lý và xử lý không nghiêm, xem nhẹ khuyết điểm như vụ “bổ nhiệm thần tốc” ông Lê Phước Hoài Bảo ở Quảng Nam. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ, đồng chí Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Phước Hoài Bảo (là con trai của đồng chí) giữ các chức vụ (Trưởng phòng của Ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; để UBND tỉnh quyết định cử đồng chí Lê Phước Hoài Bảo đi học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định. Điều đáng chú ý, tháng 10-2015, sau khi dư luận bức xúc chuyện bổ nhiệm “thần tốc” ông Lê Phước Hoài Bảo lên nắm giữ một số chức vụ của địa phương khi chưa đầy 30 tuổi, ông Nguyễn Hữu Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam khẳng định: Việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo là đúng quy định hiện hành của Tỉnh ủy về công tác cán bộ.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương Đảng cho rằng: “Tình trạng trên nóng, dưới lạnh biểu hiện rất rõ khi nói một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức. Ai cũng nhận thức về vấn đề này, ai cũng thừa nhận một bộ phận không nhỏ nhưng xác định bộ phận không nhỏ ở đâu thì lại là cơ quan khác, chỗ khác. Nếu có trong cơ quan thì cũng là người khác không thấy mình trong đó. Trên Trung ương thì bảo là địa phương, ở dưới tỉnh thì bảo chắc ở dưới huyện, huyện thì bảo chắc dưới xã, ở dưới xã thì bảo chắc là từ huyện trở lên chứ không có suy thoái không ai nhận ra” (4). Theo GS,TS Vũ Văn Hiền - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, nếu kéo dài trình trạng “trên nóng, dưới lạnh” sẽ rất nguy hại. Trong công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, phải có sự lan tỏa từ hai phía, trên tác động xuống dưới nhưng đồng thời dưới cũng tác động lên trên. Không thể mãi chỉ có trên tác động xuống, điều này dẫn đến hệ quả là có thể làm giảm sức nóng của công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng mà Đảng ta đang làm thời gian qua (5).
Vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, tuy không mới nhưng vẫn luôn cấp bách. Đây là một loại bệnh “nan y”, cần phải chẩn đoán và kê đúng thuốc, bốc đúng liều để nhanh chóng “chữa trị”.
_________________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.16.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.293.
3. Minh Hòa, Giải pháp nào đẩy lùi suy thoái tư tưởng, đạo đức của cán bộ?, tuyengiao.vn, 5-11-2016.
4, 5. Duy Cường, Tạ Hiền, Phòng chống tiêu cực, tham nhũng: Tại sao “trên nóng, dưới lạnh”?, vtv.vn, 30-5-2018.
HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022