Nhìn lại chặng đường hơn 90 năm kể từ khi ra đời, Đảng ta đã luôn chú trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đại đa số đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng trung thành và sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Do vậy, giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên là một trong những giải pháp cấp thiết, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và toàn Đảng.
Cán bộ, đảng viên: nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng Đảng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của cán bộ, coi cán bộ là cái gốc của công việc, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” (1), “Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí” (2). Cán bộ được coi là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ chính sách và việc thi hành đúng chính sách của Đảng, Nhà nước. Người đã khẳng định và nhắc nhở: “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm thuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (3).
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định rõ vai trò quan trọng của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng đã ban hành, bổ sung, hoàn thiện nhiều chỉ thị, nghị quyết về cán bộ và công tác cán bộ như Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 18-6-1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 19-10-2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 25-12-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 205-QĐi/TW, ngày 23-9-2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền...
Nhận thức rõ vai trò của công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay, Đại hội XIII của Đảng xác định: “phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân” (4).
Trong Báo cáo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” (5).
Cũng tại Đại hội XIII, Đảng ta đã bổ sung thành tố “cán bộ”, tạo thành hệ mục tiêu gồm năm thành tố của công tác xây dựng, chính đốn Đảng, gồm: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Mỗi thành tố có vị trí, vai trò riêng, tác động, bổ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” (6).
Đạo đức cách mạng: “tấm căn cước” để đảng viên đi vào lòng dân
Từ sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và chỉ rõ mức độ nghiêm trọng từ sự suy thoái về đạo đức cách mạng. Theo Người, đạo đức là gốc, nền tảng của người cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (7).
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chủ tịch luôn tự mình nêu gương về thực hành đạo đức cách mạng. Muốn xây dựng đạo đức cách mạng phải gạt bỏ những tham vọng cá nhân. Theo Bác, đạo đức của người cán bộ cách mạng được thể hiện ở chỗ: Luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, biết giải quyết đúng đắn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của giai cấp, của dân tộc, sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, không hủ hóa, tham ô, không đặc quyền đặc lợi. “Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội” (8).
Năm 1969, năm cuối cùng trước khi đi xa, Người đã công bố tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Tác phẩm chắt lọc những gì tinh túy nhất về đạo đức cách mạng, về chống chủ nghĩa cá nhân. Đó cũng chính là “mấy lời để lại” của Người dành cho đồng bào ta, như một thông điệp thiêng liêng về đạo đức cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền. Tư tưởng đó của Người vẫn luôn được Đảng ta ghi nhớ và thực hiện trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Có thể nói, nhờ có đạo đức cách mạng mà những đảng viên trung kiên đã dũng cảm vượt qua sự tra tấn dã man của kẻ thù, thà hy sinh bản thân mình chứ không phản bội lại dân tộc, Tổ quốc. Cũng nhờ có đạo đức cách mạng mà đa số cán bộ, đảng viên hiện nay không bị xa ngã, suy thoái về tư tưởng, đạo đức,…
Thực trạng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay
Giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên được Đảng ta luôn coi là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI xác định vấn đề đầu tiên trong ba vấn đề cấp bách cần được thực hiện là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng” (9).
Báo cáo của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, được tiến hành đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Nhiều vấn đề phức tạp được đặt ra và thực hiện từ những năm trước nhưng hiệu quả còn thấp, trong nhiệm kỳ này đã có những chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai tích cực, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn (10).
Hơn 35 năm đất nước đổi mới, với tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay, cả nước có hơn 5 triệu đảng viên, đa số đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sẵn sàng phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Họ sống có lý tưởng, có mục tiêu và gạt bỏ sự cám dỗ vật chất tầm thường. Đó có thể chỉ là những đảng viên có tuổi đời và tuổi Đảng còn rất trẻ, nhưng đã nguyện cống hiến hết mình cho sự phát triển chung của đất nước. Hay còn là nhiều đảng viên có tuổi đời và tuổi Đảng cao, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn có nhiều đóng góp ý kiến thiết thực, tâm huyết và trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, không ai có thể nghĩ rằng hậu quả mà nó để lại cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng lớn đến thế. Nhưng, trong thời khắc khó khăn đó, đã xuất hiện những anh hùng thời bình sẵn sàng xả thân vì cuộc chiến chống COVID-19. Có thể nói, thời gian bùng phát đại dịch, không còn ranh giới giữa sự sống và cái chết của con người. Thế nhưng, những chiến sĩ áo trắng, áo xanh, những tình nguyện viên đã quyết tâm đi vào tâm dịch, nguyện cống hiến hết mình cho cuộc chiến chống đại dịch mà không biết đến ngày trở về. Đó là hình ảnh các bác sĩ đấu tranh giành giật sự sống cho bệnh nhân, các lực lượng quân đội nhường doanh trại cho bệnh nhân, doanh trại trở thành bệnh viện dã chiến. Đó cũng là hình ảnh cán bộ, chiến sĩ công an, nhân dân sẵn sàng tham gia vào việc tiếp tế cho các khu vực cách ly. Trân trọng những nghĩa cử đó, ngày 7-12-2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký các quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 79 tập thể và 101 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống COVID-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, có 14 cá nhân thuộc Bộ Công an; 1 cá nhân thuộc Bệnh viện Bưu điện, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; 79 tập thể và 86 cá nhân thuộc Bộ Quốc phòng (11).
Trong “cuộc chiến” chống COVID-19 vừa qua, đã cho thấy tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Dù ở vị trí công tác nào, họ cũng phát huy cao tính tiên phong, gương mẫu, là những chiến sĩ đi đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với lòng nhiệt huyết và tinh thần xông pha, không ngại gian khó, ngại khổ, đã lan truyền cảm hứng và chạm đến trái tim mọi người. Đó là sức mạnh của tinh thần nhân ái, sự đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh, đưa Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, hiện nay, có một thực trạng đáng báo động, đó là: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa” (12), “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một số cơ quan, đơn vị khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta” (13).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc…” (14).
Thật đau lòng khi những năm gần đây, số vụ đại án liên quan đến các quan chức cấp cao ngày càng nhiều: Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Đức Chung, Vũ Huy Hoàng, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long... Đó là những cán bộ được đào tạo bài bản, có quá trình công tác cống hiến cho đất nước, nhưng do không làm chủ được bản thân, không qua được những cám dỗ vật chất mà họ đã gục ngã bởi “vi rút suy thoái”, hoặc vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước nên vướng vào vòng lao lý.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện phòng chống tham nhũng, báo cáo đã chỉ rõ: Trong 10 năm qua, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (15).
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”. Vì vậy, “đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng” (16).
Có thể nói, việc xử lý đồng loạt các quan chức cấp cao với quy trình khẩn trương vì những hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước cũng như sự suy thoái về đạo đức, lối sống, đã cho thấy sự quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Ngày 23-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng để báo cáo kết quả kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Tổng Bí thư nhấn mạnh và nêu rõ không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm, phải “cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây” (17).
Hiện nay, các thế lực thù địch, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị luôn tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, hạ bệ hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh... hòng làm cho đội ngũ cán bộ đảng viên hoang mang, dao động, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng. Việc tạo ra “đại dịch tin giả” trong lúc cả nước chung tay chống lại đại dịch COVID nhằm làm lẫn lộn đúng, sai, thật giả. Chúng cho rằng, việc bùng phát dịch ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam là do cấp ủy, chính quyền không quan tâm đến tính mạng, sức khỏe của người dân, năng lực quản lý, điều hành yếu kém nên không có chủ trương quyết liệt chống dịch COVID-19… nhằm gây rối nội bộ ta.
Trước thực trạng báo động về sự xuống cấp, thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, cũng như trước những chống phá ngày càng tinh vi xảo quyệt của các thế lực thù địch thì vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên đặt ra hết sức cấp thiết. Theo PGS,TS Nguyễn Hữu Thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống là thành tố cốt lõi của văn hóa. Tư tưởng dẫn dắt hành động. Đạo đức quy định phẩm chất của cán bộ, đảng viên. Việc xây dựng đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là chỗ dựa tin cậy cho các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự phát triển bền vững của đất nước.
Tất cả vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng Đảng cho thấy, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cho dù ở mức độ nào cũng làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và toàn Đảng. Do vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay là việc làm cấp thiết, sẽ góp phần tăng sức đề kháng cho Đảng, giúp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
__________________
1, 7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.280, 292.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.415.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr. 511.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, tr.226.
5, 6, 9, 12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr.27, 180, 21-22, 92, 92-93.
8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 306.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.24.
11. Vũ Phương Nhi, Thủ tướng Chính phủ khen 180 tập thể, cá nhân xuất sắc trong phòng, chống COVID-19, baochinhphu.vn, 8-12-2021.
14. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136.
15, 16. Minh Ngọc, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực giai đoạn 2012-2022, ubkttw.vn, 30-6-2022.
17. Thành Chung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây”, tuoitre.vn, 23-6-2022.
HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022