Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” (1). Xây dựng Đảng về đạo đức phải trở thành việc làm thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo cho Đảng luôn giữ vững bản chất cách mạng, tính tiền phong, gương mẫu, thực sự là hạt nhân tập hợp, dẫn dắt giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cấp cao thời gian qua đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm suy giảm lòng tin của dân đối với Đảng. Do vậy, cần phải có những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục triệt để bất cập này.
Để khắc phục tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên
Việc nhận thức đúng và đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, lối sống là trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên. Nhận thức đúng mới có hành động đúng, đồng thời khắc phục các hành vi phiến diện, hình thức, cơ hội trong thực hành đạo đức. Để có nhận thức tốt, trước hết phải bắt đầu từ công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, định hướng hành vi thông qua các hình thức, biện pháp tác động vào ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu được tiến hành thường xuyên, liên tục và bằng những phương pháp phù hợp, công tác tuyên truyền, giáo dục sẽ là “mũi tiên phong” trong cuộc đấu tranh “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, góp phần hình thành, phát triển ở mỗi đảng viên ý thức, hành vi và quan hệ đạo đức cách mạng, mục tiêu, lý tưởng của người chiến sĩ tiền phong.
Cần tập trung tuyên truyền, giáo dục về lòng trung thành của mỗi đảng viên với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, với lý tưởng mà mình đã lựa chọn. Đối với người cộng sản, việc trung thành với tổ chức, với lý tưởng là cội nguồn của mọi hành vi đạo đức cách mạng, động lực tạo nên sức mạnh để họ vượt qua mọi cám giỗ vật chất tầm thường, những khó khăn trên con đường tu dưỡng, rèn luyện mình trở thành những chiến sĩ tiên phong. Theo V.I.Lênin “Chỉ có những người thực sự trung thành với sự nghiệp giải phóng của nhân dân lao động, mới có thể gia nhập đảng được” (2) và “Chỉ có những người chân thành đi theo chủ nghĩa cộng sản, chỉ những ai thành tâm trung thành với nhà nước công nhân, chỉ có những người lao động trung thực, chỉ có những đại biểu thật sự của quần chúng bị áp bức dưới thời chủ nghĩa tư bản, mới vào đảng được” (3).
Giáo dục, tuyên truyền về đạo đức cho mỗi cán bộ, đảng viên, không thể thiếu tinh thần tự giác và lòng hy sinh. Chỉ khi nào đảng viên ý thức được và phấn đấu, rèn luyện xây dựng tính tự giác trong mọi nhiệm vụ, mọi hoạt động, thì tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên mới được thể hiện và phát huy. Sự nghiệp cách mạng của Đảng rất vẻ vang, song cũng nhiều gian khổ, hy sinh, khó khăn, phức tạp. Do đó, mỗi cán bộ đảng viên cần có ý thức tự giác và tinh thần sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì mà tổ chức phân công. Chỉ có những đại biểu ưu tú của quần chúng, những con người luôn thường trực trong mình một tinh thần tự giác “gánh một công tác gian khổ hơn lúc bình thường và lại nguy hiểm hơn” và sẵn sàng “hy sinh quên mình phục vụ chủ nghĩa cộng sản” mới xứng đáng là những đảng viên cộng sản chân chính.
Giáo dục, tuyên truyền về đạo đức cho mỗi cán bộ, đảng viên về tinh thần gương mẫu, khiêm tốn, cầu thị. Sự gương mẫu của người đảng viên cộng sản, trước hết là phải làm gương về lòng trung thành đối với lợi ích của quần chúng nhân dân và tinh thần kiên quyết đấu tranh, sẵn sàng hy sinh vì đất nước và nhân dân. Là tinh thần làm gương về ý thức tổ chức kỷ luật. Bên cạnh đó, cần đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện của bệnh “công thần”, thói “kiêu ngạo cộng sản”. V.I.Lênin đã từng kiên quyết đấu tranh với “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”, và đưa ra cảnh báo: “Không có gì nguy hại và tai hại đối với chủ nghĩa cộng sản bằng thói lên mặt ta đây là cộng sản” (4); rằng “nếu một người cộng sản cứ tưởng rằng ta biết tất cả rồi… thì chính cái tâm trạng ngự trị trong chúng ta đó làm cho chúng ta thất bại” (5). PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “khi có nhận thức đầy đủ, cán bộ, đảng viên sẽ chủ động, tự giác trong việc giữ gìn đạo đức, lối sống của mình”.
Hai là xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy định về đảm bảo tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên là sự “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân” (6); “Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện” (7). Để phẩm chất này được thể hiện thực chất, hằng ngày, dần trở thành lối sống của cán bộ, đảng viên, trước hết là phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy định về đảm bảo và thực hành tính tiền phong, gương mẫu trong tổ chức sinh hoạt đảng và thực hiện các nhiệm vụ do tổ chức đảng phân công. Thể chế, quy định chứa đựng những quy phạm định hướng nhận thức, điều chỉnh hành vi, hướng đến cái tốt, cái tích cực trong mỗi đảng viên - với tư cách là những chiến sĩ tiền phong của giai cấp và dân tộc. Không có thể chế, tổ chức, kỷ luật của đảng sẽ trở nên lỏng lẻo, hành vi của cán bộ, đảng viên sẽ không được kiểm soát. Đây là môi trường màu mỡ cho những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó yêu cầu: Mỗi cán bộ, đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Đặc biệt, ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương với 5 điều, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương trong thực hiện trách nhiệm nêu gương với nhiều nội dung cụ thể.
Đến Đại hội XIII của Đảng, vấn đề tăng cường tính tiền phong, gương mẫu của Đảng lại tiếp tục được đề cập và nhấn mạnh hơn. Theo đó, Đảng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần: “Thực hiện nghiêm các quy định của Ðảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu” và “Ðảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng” (8). Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước nhân dân; trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình, phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tính tiền phong, thiếu gương mẫu trong hành vi, lối sống, trong công tác cũng như quan hệ với quần chúng. Điều đó cho thấy, mặc dù các thể chế, quy định của Đảng đã được ban hành, song nó không phải là “nhất thành, bất biến”, là “liều thuốc vạn năng” để giải quyết vấn đề. Cần phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện các thể chế, quy định trên nhằm tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, để tính tiền phong, gương mẫu không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà thực sự trở thành phong cách của mỗi người cộng sản chân chính. Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Thức, cần “rà soát, hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cùng các chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành để có cơ sở pháp lý ngăn ngừa cán bộ, đảng viên có chức, có quyền khép mình vào kỷ cương xã hội” và “có chế tài xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước, có những hành vi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm trong sạch nội bộ, lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng và Nhà nước”.
Ba là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên
Xây dựng Đảng về đạo đức cần tiến hành thường xuyên, liên tục, bền bỉ bởi nó phụ thuộc rất lớn vào nhận thức và hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, lối sống là một phạm trù định tính cao, chịu sự chi phối của điều kiện kinh tế, xã hội cùng những ảnh hưởng của lịch sử - văn hóa. Vì thế, để đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên không rơi vào “tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái”, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hành kỷ luật Đảng.
Kỷ luật là sức mạnh của một tổ chức, và kiểm tra, giám sát là thanh bảo kiếm đảm bảo cho kỷ luật được tôn trọng và thực thi. Không có kỷ luật đảng, đảng viên dễ rơi vào vòng xoáy của tự do, tùy tiện, đe dọa đến nguyên tắc tập trung - dân chủ - nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong tổ chức - sinh hoạt Đảng. Thực tế, những gì xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu cuối những năm 80 của TK XX đã minh chứng cho điều đó, khi công tác kiểm tra, giám sát, nhất là đối với đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên bị buông lỏng, vô nguyên tắc, đã dẫn tới những hệ quả đau thương. Đảng viên bị mất uy tín nghiêm trọng trước quần chúng nhân dân và sự sụp đổ chế độ XHCN ở các nước đó là điều có thể nhận thấy trước.
Bốn là phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong giáo dục, kiểm tra, giám sát đạo đức, lối sống của đảng viên
Xây dựng Đảng không chỉ công việc của Đảng, mà còn là trách nhiệm của quần chúng nhân dân, bởi lợi ích của Đảng với lợi ích của quần chúng nhân dân và của cả dân tộc là thống nhất với nhau. Dựa vào dân, gắn bó máu thịt với nhân dân là bản chất và nguyên tắc trong xây dựng Đảng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Người cán bộ, đảng viên vừa là lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân, do đó đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là do nhân dân đặt ra, là sự tự nhận thức và thực hành các hành vi vì lợi ích của nhân dân. Giáo dục, kiểm tra, giám sát đảng viên, kể cả về đạo đức, từ vốn lẽ tự nhiên - đã là quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân, phải dựa vào nhân dân, vì đông đảo nhân dân rất nhiều tai mắt. Đại hội XIII của Đảng đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” (9).
Để phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân trong giáo dục, kiểm tra, giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, cần thực hiện tốt hơn, thực chất hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở. Bảo đảm cho nhân dân được tham gia vào hoạt động xây dựng cấp ủy và chính quyền. Trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến vào quyết định của cấp ủy, chính quyền. Kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền, cán bộ. Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Thức, để phát huy tốt vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng về đạo đức: “Đảng và Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phát huy vai trò tự quản, tự giáo dục, tự giám sát của nhân dân theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách để các tổ chức chính trị - xã hội thực sự là tai mắt của Đảng trong giám sát cán bộ, đảng viên”. PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, cần khuyến khích quần chúng tố giác những đảng viên suy thoái về đạo đức lối sống bằng hộp thư góp ý, có cơ chế bảo mật và bảo vệ người tố giác.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về đạo đức nhằm giữ vững bản chất cách mạng và tính tiền phong của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “...người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Trước những vấn đề bức xúc đặt ra về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, thoái hóa, biến chất, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, thì việc nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời xuất phát từ thực tiễn đề ra các giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay.
______________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.403.
2. V. I. Lênin toàn tập, tập 40, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.326.
3. V. I. Lênin toàn tập, tập 39, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.256.
4. V. I. Lênin toàn tập, tập 52, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.159.
5. V. I. Lênin toàn tập, tập 45, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.117.
6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.50.
7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.281.
8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.183-184, 191.
HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022