Khái niệm điêu khắc hiện đại
Về mặt ngữ nghĩa, thuật ngữ điêu khắc hiện đại được hiểu như là một giai đoạn lịch sử trong tiến trình phát triển của nghệ thuật điêu khắc thế giới. Đây là một thuật ngữ chuyên môn, chưa thấy xuất hiện trong các từ điển thông dụng, kể cả từ điển Tiếng Việt hay tiếng nước ngoài.
Thuật ngữ này xuất phát từ việc giới nghiên cứu lịch sử mỹ thuật quốc tế đặt tên cho giai đoạn phát triển vượt bậc của nghệ thuật điêu khắc từ cuối TK XIX đến giữa TK XX là điêu khắc hiện đại, nhằm phân biệt với các giai đoạn điêu khắc cổ điển, điêu khắc hàn lâm trước đó cũng như điêu khắc hậu hiện đại, điêu khắc đương đại sau này. Sự phân biệt không chỉ từ cách gọi tên, phân loại mà còn ghi nhận những khác biệt (tiến bộ) trong nhận thức và ứng xử về quan điểm nghệ thuật, ngôn ngữ tạo hình, hình thức và giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật điêu khắc giai đoạn này. Tuy nhiên trên thực tế, việc chỉ ra một cách chính xác đâu là thời điểm bắt đầu của điêu khắc hiện đại vẫn là một vấn đề, bởi cho đến nay cùng tồn tại song song nhiều quan điểm.
Theo quan điểm của Ban biên tập cuốn sách La sculpture de la Renaissance au XX e Siecle (Nghệ thuật điêu khắc từ thời kỳ phục hưng đến TK XX, Nxb Taschen, 2006), Augustes Rodin là người đi đầu trong việc khai sinh ra điêu khắc hiện đại. Trong khi đó, Ban biên tập cuốn sách Qu’ets ce que la sculpture moderne? (Điêu khắc hiện đại là gì?) do Trung tâm văn hóa Georges Pompidou (Centre Culturel Georges Pompidou) và Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại quốc gia Pháp (Musee National d’Art Moderne) xuất bản năm 1996 lại cho rằng, chính Pablo Picasso mới là người đầu tiên đưa ra những quan điểm về điêu khắc hiện đại…Thực tế, cả hai nghệ sĩ này đều được ghi nhận đã có những đột phá trong quan điểm về nội dung tiêu chí nghệ thuật khi so sánh các sáng tác của họ với chuẩn mực của điêu khắc hàn lâm. Rodin giảm nhẹ vai trò của việc tuyệt đối hóa, lý tưởng hóa vẻ đẹp cơ thể con người. Ông trú trọng vào bản thể hiện thực, tâm trạng của nhân vật, sử dụng hình tượng cơ thể con người như phương tiện biểu hiện tâm trạng của nhân vật và qua đó biểu đạt quan điểm, thái độ của tác giả. Picasso phá bỏ quan niệm ngôn ngữ của một tác phẩm điêu khắc phải là một khối đặc, bền vững và quý báu. Thay vào đó, nghệ sĩ có thể sử dụng mọi vật liệu để tạo nên một tác phẩm với không gian ba chiều mà không cần phải là khối đặc kín, bền vững, trường tồn với thời gian, càng không cần phải làm từ chất liệu quý… Như vậy, nói cách này hay cách khác, nhìn nhận từ góc độ này hay góc độ khác, thì dù là Rodin hay Picasso, thành tựu mà họ đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc vẫn từ những cách mạng về tư tưởng (quan điểm về đối tượng, chuẩn mực thẩm mỹ) và phương pháp thể hiện ý tưởng nghệ thuật (ngôn ngữ tạo hình, kỹ thuật thể hiện).
Tựu trung, dựa trên những quan điểm của các Ban biên tập, các ấn bản nghiên cứu mỹ thuật, có thể xác định khái niệm điêu khắc hiện đại như sau: Là một thuật ngữ đa nghĩa, bao hàm những thông tin về sự ra đời và tồn tại, đặc điểm nghệ thuật và đối tượng nghệ thuật của nghệ thuật điêu khắc thế giới trong giai đoạn từ cuối TK XIX đến giữa TK XX. Thuật ngữ này cũng đại diện cho các tác giả, tác phẩm tiêu biểu, có đóng góp cho sự phát triển ngôn ngữ tạo hình và những hình thức biểu đạt mới của nghệ thuật điêu khắc giai đoạn này.
Khái niệm ngôn ngữ điêu khắc hiện đại
Giai đoạn mỹ thuật hiện đại đã chứng kiến và ghi nhận những chuyển biến lớn lao có tính cách mạng đối với ngôn ngữ tạo hình của mọi chuyên ngành mỹ thuật, trong đó có cả ngành điêu khắc. Sau nhiều thế kỷ tuân thủ những tiêu chí chuẩn mực thẩm mỹ được xác lập từ thời Hy Lạp - La Mã, các nhà điêu khắc dần trở nên ngột ngạt trong rào cản hàn lâm, kinh viện. Tình trạng tư tưởng sáng tạo nghệ thuật bị dồn nén đó đã tạo động lực để người nghệ sĩ tìm cách vượt thoát khỏi mọi trói buộc bởi luật lệ và quy cách truyền thống. Cùng với những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ở châu Âu, đời sống xã hội chuyển mình mạnh mẽ. Các nhà tư tưởng, triết gia, kinh tế học, chính trị học đã đặt ra nhiều vấn đề về tư tưởng của con người cũng như đặt trực tiếp vấn đề về quyền con người. Có thể kể đến Khế ước xã hội của Jean Jacques Rousseau hay tư tưởng Tam quyền phân lập của Montesquieu đề cao vai trò của con người đối với cộng đồng xã hội. Đặc biệt, triết lý hiện sinh của Nietzsche nhấn mạnh vai trò cá nhân, đời sống cá nhân trong quan hệ với cộng đồng xã hội. Chính những tác động xã hội đã khơi mở và khuyến khích cho các nghệ sĩ tư tưởng đột phá cách mạng trước hết là trong chuyên môn, chuyên ngành của mình và trong cả nền mỹ thuật của thời đại. Một trong những mục tiêu để các nghệ sĩ khơi mở sự đột phá chính là ngôn ngữ tạo hình, vốn giữ vai trò nền tảng, cơ sở, kết cấu của mọi ngành nghệ thuật.
Trước điêu khắc hiện đại, tác phẩm điêu khắc hàn lâm được coi như một sản phẩm nghệ thuật ngợi ca vẻ đẹp thẩm mỹ hay tôn vinh sự cao cả của tôn giáo tín ngưỡng. Những hình tượng nghệ thuật thường được biểu hiện thông qua vẻ đẹp chuẩn mực, hoàn hảo từ cơ thể con người. Tác phẩm điêu khắc thời kỳ này thường có thể tích không gian ba chiều, được làm từ những vật liệu có độ bền vững cao (gỗ, đá, đồng, sắt, đất nung, gốm…) có thể lưu giữ lâu dài trong mọi hoàn cảnh, môi trường khí hậu, không gian trưng bày. Tuy nhiên, do được làm với mục đích ngợi ca các hình tượng cao cả trong thần thoại, tín ngưỡng tôn giáo, những vĩ nhân, những nhà quý tộc, hầu hết các tác phẩm điêu khắc thời kỳ này được trưng bày trong lâu đài, cung điện, nhà thờ, lăng tẩm hay đặt ở trung tâm thành phố, giữa các quảng trường với sự tôn vinh của công chúng.
Đến thời hiện đại, có thể tính từ Auguste Rodin, các nghệ sĩ đã sử dụng điêu khắc như một phương tiện để chuyển tải cảm xúc, quan điểm thẩm mỹ cá nhân của mình. Các chủ đề sáng tác được mở rộng tới tình yêu đôi lứa, những người lao động lam lũ, đau khổ, đói nghèo… Cho đến khi Pablo Picasso trình bày tác phẩm Guitare, năm 1912, được làm bằng tập hợp những tấm tôn cắt theo đường kỷ hà, mô phỏng hình thù của một cây đàn, với dây kim loại tượng trưng cho dây đàn, đã chính thức phủ nhận quy ước về ngôn ngữ tạo hình của điêu khắc hàn lâm.
Kể từ đó, các nhà điêu khắc đã liên tiếp đưa ra những quan điểm, thông điệp, tuyên ngôn mới cho sáng tạo của mình. Các tác phẩm điêu khắc đã không còn là những khối khép kín mà có thể là một khối mở; không còn là một khối độc lập, một thể thống nhất nữa mà còn có thể là tập hợp từ các khối bộ phận; không còn chỉ là khối phồng, khối nổi mà còn có thể là khối lõm, khối âm; bề mặt khối không còn chỉ chau chuốt, nhẵn bóng nữa mà có thể lăm dăm, xốp; cảm giác khối không chỉ là căng mịn nữa mà còn là khối nhão, khối chảy…
Các nhà điêu khắc thế hệ kế tiếp càng triệt để cải cách và mở rộng phạm vi biên giới các ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật điêu khắc. Đối tượng sáng tác không còn chỉ là hình tượng con người nữa mà còn có thể là bất cứ thứ gì nhà điêu khắc hình dung ra và thể hiện được ý đồ nghệ thuật của họ, như Umberto Boccioni, Giacomo Balla, Alexander Archipenko. Thậm chí, có một số nghệ sĩ đã đưa ra quan điểm về nhu cầu thay đổi đối tượng sáng tạo cho nghệ thuật đến mức độ cực đoan, như trường hợp của Marcel Duchamp, Man Ray, Ivan Puni…
Chất liệu của điêu khắc giờ đây không còn chỉ là một một chất liệu đồng nhất mà còn có thể được gắn ghép với một hoặc nhiều chất liệu khác, như phong cách L’Assemblage với tên tuổi các nghệ sĩ Pablo Picasso, Henri Laurens, Vladimir Baranoft- Rosine… Bên cạnh đó, khối tổng thể tác phẩm điêu khắc giờ đây không chỉ cô đặc mà còn có thể trống rỗng. Ngôn ngữ khối không chỉ có một bề mặt bao phủ trọn vẹn tác phẩm mà còn được chia tách ở các dạng kết cấu dạng tấm, dạng thanh, dạng dây, dạng nét, như phong cách của Antoin Pevsner, Naum Gabo, Alexandre Calder…
Ngôn ngữ không gian của tác phẩm điêu khắc không còn chỉ là không gian thể tích bên ngoài của tác phẩm mà còn được trú trọng phơi bày cả phần cốt lõi bên trong, cả phần kết cấu, cấu trúc bản thể của tác phẩm, như trường hợp của Vladimir Tatlin, Georgii Stenberg, Kasmir Meduniezky… Không gian bày đặt tác phẩm điêu khắc cũng không còn giữ vị trí cao sang như trước mà đã trở nên gần gũi với đời sống của đa số công chúng hơn. Các tác phẩm điêu khắc không còn chỉ là tài sản riêng của nhà thờ, gia đình dòng dõi hoàng gia, nhà tư sản, quý tộc, không còn chỉ ngự trị trong thánh đường tôn nghiêm, lâu đài cung điện xa hoa tráng lệ mà đã hiện diện ở các gallery trên phố, hội trợ triển lãm bình dân và tất nhiên là trong những xưởng điêu khắc luôn mở cửa. Thậm chí các tác phẩm điêu khắc không chỉ còn bày trên bục cao trang trọng mà còn được đặt trực tiếp xuống mặt sàn để tiện giao tiếp với công chúng…
Từ những diễn biến thực tế lịch sử phát triển điêu khắc nêu trên, có thể khẳng định ngôn ngữ điêu khắc hiện đại chính là chuẩn mực mới, hình thức mới của ngôn ngữ điêu khắc hàn lâm. Qua đó, có thể xác định khái niệm ngôn ngữ điêu khắc hiện đại như sau: Là những yếu tố đặc sắc tạo hình cơ bản của nghệ thuật điêu khắc như khối, không gian, chất liệu nhưng có phạm vi được mở rộng. Khối không chỉ còn là khối khép kín, có xu hướng nổi hay lõm mà có thể là khối - hình, khối rỗng, khối cấu trúc. Không gian không chỉ còn là không gian vật lý, không gian thấu thị nữa mà có thể là không gian bề mặt, không gian tự thân, không gian hiện thực và không gian liên tưởng. Chất liệu không chỉ còn là chất liệu đơn chất, bền vững, quý nữa mà có thể là chất liệu đa chất, độ bền nhất thời, có giá thành thấp hoặc thậm chí là tận dụng phế liệu. Nói cách khác, biên độ của ngôn ngữ điêu khắc hiện đại đã được phát triển vượt bậc trong nỗ lực hiện thực hóa sự tưởng tượng của các nhà điêu khắc thời hiện đại.
Dù giai đoạn điêu khắc hiện đại được ghi nhận là không dài nhưng vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của nghệ thuật điêu khắc. Nó mở ra những trào lưu tư tưởng cách mạng về ngôn ngữ tạo hình, quan điểm sáng tạo hay chuẩn mực thẩm mỹ cho những giai đoạn nghệ thuật tiếp sau. Sự ảnh hưởng của việc phát triển ngôn ngữ điêu khắc hiện đại không chỉ vượt qua ranh giới ngôn ngữ tạo hình, phân biệt các ngành nghệ thuật hàn lâm như hội họa, đồ họa hay điêu khắc mà còn gián tiếp khai sinh ra các trào lưu nghệ thuật mới như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật đồ gia dụng… Chính vì tính chất quan trọng và hiệu quả sáng tạo không biên giới, việc hiểu đúng tính chất đặc trưng và vai trò giá trị của điêu khắc hiện đại và ngôn ngữ điêu khắc hiện đại là hành trang không thể thiếu đối với những nhà điêu khắc thực thụ trên con đường sáng tạo.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016
Tác giả : NGÔ TUẤN PHONG