Trong suốt chặng đường phát triển và trưởng thành, được sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của các cấp lãnh đạo, Trung tâm Huấn luyện đào tạo vận động viên TDTT thành phố Đà Nẵng đã có những bước chuyển biến rất tích cực. Về số lượng: có sự phát triển nhanh các môn thể thao, vận động viên và huấn luyện viên. Từ năm 2000, có 14 môn thể thao với 120 VĐV, 19 HLV, đến nay đã tăng lên 26 môn thể thao với 550 VĐV, 60 HLV. Về chất lượng: Một số môn thể thao phát triển nhanh như: bơi, cử tạ, điền kinh, billiards - snooker, judo, đua thuyền rowing, canoeing… những môn này đã đạt được nhiều huy chương tại các giải quốc gia và quốc tế. Đặc biệt là tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, năm 2010, thành phố Đà Nẵng có những vận động viên xuất sắc, hàng đầu ở một số môn điền kinh, bơi, lặn, cử tạ … và đã đóng góp nhiều vận động viên cho đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia. Xuất hiện những cá nhân tiêu biểu xuất sắc của thể thao Việt Nam như vận động viên Trần Lê Quốc Toàn đạt danh hiệu vận động viên tiêu biểu Việt Nam năm 2011, vận động viên bơi lội Hoàng Quý Phước hiện đang được đánh giá là một tài năng trẻ của bơi lội Việt Nam và là VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam 2 năm liền 2010, 2011 và giành xuất tham dự Olimpic Luân Đôn năm 2012…
Với chính sách thu hút nhân tài, thành phố Đà Nẵng đã thu hút được các VĐV, HLV giỏi về phục vụ cho thể thao thành tích cao Đà Nẵng với số lượng: 3 chuyên gia, 10 HLV, 18 VĐV (chiếm tỉ lệ 3,6% trong tổng số VĐV thể thao thành tích cao của thành phố), lực lượng này đã đóng góp cho thành phố tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VI: 11/57 huy chương vàng, 9/47 huy chương bạc và 8/52 huy chương đồng, số lượng huy chương của các VĐV hợp đồng ngoài thành phố chiếm tỷ lệ không cao, nhưng cũng đã góp phần vào sự thành công chung của đoàn thể thao Đà Nẵng tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, năm 2010. Cùng với những VĐV xuất sắc của thành phố, đây là lực lượng VĐV chủ lực tham gia Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII, năm 2014.
Về đội ngũ HLV: từng bước được chuẩn hóa (trên 80% đạt trình độ đại học), và đạt được nhiều thành tích trong việc đào tạo vận động viên. Hiện nay, 90% lực lượng huấn luyện viên của ngành có khả năng đào tạo vận động viên đạt trình độ VĐV cấp I và cấp kiện tướng quốc gia. Chất lượng đào tạo vận động viên từng bước được cải thiện, nâng cao, đặc biệt là đối với vận động viên các tuyến trẻ. Thành tích thể thao Đà Nẵng tiến bộ qua từng kỳ đại hội:
- Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV xếp hạng 16/63 tỉnh, thành, ngành.
- Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V xếp hạng 11/67 tỉnh, thành, ngành.
- Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010, tham gia 33 môn thi đấu với 373 VĐV và 81 HLV đạt thành tích xuất sắc 57 HCV, 47 HCB, 52 HCĐ xếp hạng 4/66 tỉnh, thành, ngành.
- Tại Sea games 26 – 2011 Đà Nẵng tham gia thi đấu với 17 VĐV, 4 HLV của 9 bộ môn thể thao và đạt thành tích xuất sắc với 06 HCV - 01HCB - 11 HCĐ, trong đó đặc biệt xuất sắc là thành tích phá kỷ lục Sea games ở nội dung Bơi 100m Bướm và phá kỷ lục quốc gia ở nội dung Bơi 100m tự do của VĐV Hoàng Quý Phước
Với sự nỗ lực nêu trên, thể thao thành tích cao Đà Nẵng đã từng bước khẳng định được hướng đi và vị trí của mình. Để đạt được những kết quả nêu trên Ngành văn hóa, thể thao và du lịch TP Đà Nẵng đã chủ động xây dựng kế hoạch thể thao thành tích cao giai đoạn 2006 – 2010 và hiện nay là chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020. Các kế hoạch và chiến lược đã được Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm phê duyệt và ngành tích cực triển khai thực hiện:
1. Về cơ sở vật chất: Trước năm 2005, cơ sở vật chất phục vụ cho thể thao thành tích cao còn hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến công tác huấn luyện và đào tạo VĐV. Từ sau năm 2005, được sự quan tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đầu tư xây mới khu chung cư vận động viên, Cung Thể thao Tiên Sơn, Câu lạc bộ Bơi - Lặn Đà Nẵng, Nhà tập võ Taekwondo, Câu lạc bộ Đua thuyền Đồng Nghệ, sửa chữa và nâng cấp Sân vận động Chi Lăng... Nhìn chung, cơ sở vật chất phục vụ cho thể thao thành tích cao đã được cải thiện và nâng cao đáng kể, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tập luyện và thi đấu của thể thao thành tích cao Đà Nẵng.
2. Về trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, giai đoạn trước năm 2006 rất thiếu thốn và không đảm bảo chất lượng. Từ năm 2007, để chuẩn bị cho việc tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, thành phố đã tăng cường đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị tập luyện và thi đấu, thiết bị y học hồi phục sức khỏe...
Hiện nay, nhiều trang thiết bị hiện đại, đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật đã được triển khai mua sắm, lắp đặt để phục vụ cho công tác huấn luyện và tổ chức thi đấu.
3. Ứng dụng khoa học công nghệ, chăm sóc y tế, hồi phục và chế độ dinh dưỡng cho vận động viên: Lĩnh vực này trước đây ít được quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của nó trong công tác huấn luyện đào tạo VĐV thể thao đỉnh cao, nên từ năm 2007 đến nay, ngành đã đặc biệt chú trọng và triển khai thực hiện một số nội dung như: mời các chuyên gia đầu ngành về giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức huấn luyện mới cho HLV, sử dụng thực phẩm chức năng, các loại thuốc nhằm nâng cao dinh dưỡng và hồi phục cho vận động viên; bước đầu đã triển khai xây dựng Trung tâm hồi phục thể lực cho vận động viên; thường xuyên phối hợp với Viện nghiên cứu khoa học thể dục thể thao, các trường Đại học thể dục thể thao để thu thập các tài liệu phục vụ công tác huấn luyện, tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ cho tất cả các VĐV, đặc biệt là ứng dụng các chỉ số khoa học trong việc tuyển chọn ban đầu đối với các VĐV năng khiếu…
4. Chế độ, chính sách và mức độ đầu tư: Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015, ngành đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nhiều văn bản quy định về chế độ chính sách và mức độ đầu tư về các chế độ đặc thù trong quá trình tập huấn, thi đấu, và chế độ dinh dưỡng đối với các HLV, VĐV.
Đến nay, các chế độ chính sách trong các quyết định đã được thực hiện ngang bằng với các quy định về chế độ, chính sách do trung ương ban hành áp dụng cho các tỉnh, thành, ngành trong cả nước. Mức độ đầu tư cho thể thao thành tích cao nâng cao qua từng năm. Đây chính là một trong những yếu tố quyết định trong việc nâng cao thành tích thể thao Đà Nẵng và đưa thể thao Đà Nẵng lên một bước phát triển mới.
5. Công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao: Công tác xã hội hóa trong các hoạt động thể thao thành tích cao bước đầu triển khai và đã thu hút thêm nguồn lực xã hội cho phát triển thể thao thành tích cao, đặc biệt đối với bộ môn bóng đá, bóng bàn, quần vợt, cầu lông, billiards, thể dục thể hình. Một số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao đã tích cực hỗ trợ trong công tác đào tạo và tham gia vào công tác tổ chức hoạt động thi đấu thể thao thành tích cao do trung ương ủy nhiệm tổ chức.
Hy vọng với sự quan tâm chỉ đạo đầu tư của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, thể thao thành tích cao Đà Nẵng trong thời gian tới tiếp tục phát triển mạnh, vươn tới những thành tích cao hơn, xa hơn ở đấu trường quốc tế lớn như ASIAD, Olympic.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016
Tác giả : P.V