1. Vài nét về văn hóa ứng xử truyền thống trong gia đình Việt xưa
Văn hóa ứng xử được coi là lĩnh vực đời sống văn hóa sinh động, phong phú diễn ra hằng ngày, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của lịch sử văn hóa nhân loại. Dân tộc nào cũng có quan niệm riêng về văn hóa ứng xử, đồng thời cũng thể hiện đặc trưng văn hóa ứng xử chung của nhân loại. Đối với mỗi người, văn hóa ứng xử không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường trong gia đình, mà còn quyết định đến hiệu quả làm việc ngoài xã hội, cũng như mức độ thành công trong sự nghiệp của cá nhân. Văn hóa ứng xử thể hiện mức độ trí tuệ, trình độ tri thức và năng lực thực tiễn của nhân loại trong cuộc sống.
Căn cứ vào hành vi giao tiếp ứng xử, ông cha ta xưa thường đánh giá phẩm chất, năng lực của con người một cách hóm hỉnh, sâu sắc như: Người thanh, tiếng nói cũng thanh/ Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu hoặc Người khôn ăn nói nửa chừng/ Để cho người dại nửa mừng nửa lo. Năng lực giao tiếp ứng xử đạt chuẩn mực văn hóa là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá con người: Vàng thì thử lửa, thử than/ Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời; Khôn ngoan đến cửa quan mới biết; Trông mặt mà bắt hình dong/ Con lợn có béo thì lòng mới ngon… Xưa kia, người Việt thường chủ yếu giao tiếp, ứng xử sau lũy tre làng và đặc biệt là trong gia đình, dòng họ. Mặc dù không gian giao tiếp ở đây nhỏ hẹp nhưng con người lại được giáo dục, rèn luyện rất cẩn thận. Cha mẹ dạy con từ những điều nhỏ nhất như: Ăn trông nồi, ngồi trông hướng, đến những vấn đề giao tiếp hằng ngày như: Lời chào cao hơn mâm cỗ, Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc; Có đi có lại mới toại lòng nhau; Lòng vả cũng như lòng sung. Chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, người Việt xưa thường chú ý tới “cửu tri” (tức là chín điều phải biết) bao gồm tri kỷ: Biết mình (như Lão Tử viết: “Biết được người đã khó, biết mình càng khó hơn, cao siêu hơn”); tri bỉ: Biết người; tri thiên: Biết quy luật của tạo hóa; tri thời: biết thời cơ; tri thế: Biết xu thế, biết tình thế; tri chỉ: Biết đủ, biết dừng, dừng đúng lúc đúng độ; tri biến: Biết biến hóa, linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo; tri nhẫn: Biết nhẫn nại, chờ đợi, kiên trì (Tục ngữ xưa có câu: Có công mài sắt, có ngày nên kim); tri hàn: Biết cơ cực, cơ hàn mới thấy hết ý vị của ấm no, hạnh phúc. Với hệ thống “cửu tri” này, ông cha ta đã sáng tạo ra những tiêu chí ứng xử theo chuẩn mực tinh hoa giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên tinh thần cố kết cộng đồng gắn bó keo sơn trong mối quan hệ đặc biệt Nhà - Làng - Nước, tích lũy sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử. Trải qua hàng ngàn năm, vẻ đẹp nhân phẩm, đạo lý và hành vi ứng xử đạt chuẩn mực văn hóa của người Việt được hun đúc, sàng lọc và kết tinh trong tục ngữ, ca dao, được lưu truyền cùng thời gian như: Lòng nhân ái: Thương người như thể thương thân; Tinh thần nhân văn, dân chủ: Ăn mày là ai, ăn mày là ta / Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày; Người sống, đống vàng; Còn người, còn của...; Tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng: Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống những chung một giàn; Lá lành đùm lá rách...; Trọng tình: Trăm cái lý chẳng bằng một tí cái tình; Vị tha: Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại; Hài hòa: Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; Ý thức trách nhiệm gắn kết cộng đồng trong mối quan hệ Nhà - Làng - Nước: Nước mất thì nhà tan; Phải ăn ở với làng với nước... Có thể nói, về cơ bản thì đây là những giá trị văn hóa ứng xử tiêu biểu trong hệ thống giá trị Việt, làm nên phong cách của dân tộc ta trong lịch sử.
2. Bối cảnh mới tác động đến văn hóa ứng xử trong gia đình Việt hiện nay
Từ sau năm 1986, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, giao lưu hội nhập quốc tế và đã đạt được những thành quả to lớn. Sau 35 năm tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đất nước ta đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Năm 1998, khi đánh giá tình hình chung trong nước và quốc tế, Đảng ta đã phân tích: “Những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ thế giới cùng với việc mở rộng giao lưu quốc tế là cơ hội để chúng ta tiếp thụ những thành quả trí tuệ của loài người, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới trong việc giữ gìn bản sắc vǎn hóa dân tộc (…) Giao lưu vǎn hóa với nước ngoài từng bước được mở rộng. Chúng ta có dịp tiếp xúc rộng rãi với những thành tựu vǎn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của vǎn hóa Việt Nam” (1).
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, năm 2014, trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XII, Đảng ta tổng kết: “Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành (…) Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực; phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng...” (2). Gần đây, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên toàn cầu hóa đang làm thay đổi diện mạo đời sống vật chất và tinh thần của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xu thế mở cửa, giao lưu hội nhập quốc tế, các làn sóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa… đang ngày càng đem đến cho dân tộc ta nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời cũng đặt ra khá nhiều thách thức mới, trong đó có những nguy cơ về biến đổi giá trị văn hóa truyền thống, biến đổi văn hóa gia đình và văn hóa ứng xử trong gia đình.
3. Thực trạng văn hóa ứng xử trong gia đình Việt hiện nay - vấn đề đặt ra và giải pháp
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta rất coi trọng phát triển gia đình và văn hóa gia đình. Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau” (3).
Hiện nay, trên phạm vi cả nước, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có thành quả về phát triển văn hóa gia đình với phương châm: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, gia đình no ấm, hạnh phúc. Hằng năm, Ngày gia đình Việt Nam trở thành sự kiện trọng đại trong đời sống văn hóa cả nước, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Đó cũng là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu sự tác động dữ dội của các làn sóng toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa cùng với mặt trái của kinh tế thị trường, những ảnh hưởng tiêu cực của internet chi phối rất mạnh đến sự biến đổi về tư tưởng, đạo đức, lối sống... đã làm đổi thay ít nhiều văn hóa ứng xử trong gia đình người Việt. Mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ chung sống trong không gian một ngôi nhà tọa lạc trên mảnh đất cha ông để lại có xu hướng giảm đi khá nhiều. Hầu như các gia đình trẻ đều muốn tách ra khỏi gia đình lớn có người cao tuổi. Tuy nhiên, có một nghịch lý là rất ít gia đình trẻ có thể tự lập về kinh tế. Nhiều người trẻ tuổi sau khi kết hôn vẫn sống ỷ lại, dựa dẫm, phụ thuộc cha mẹ đã già, thậm chí không chăm chỉ, chịu khó vươn lên, có tâm lý chờ đợi tiền bạc hằng tháng và sự phân chia tài sản từ thế hệ trước. Không ít cặp vợ chồng son trẻ khoán trắng việc trông cháu cho ông bà, cha mẹ nội ngoại đôi bên, cứ thản nhiên đi chơi, đi làm, thu nhập để riêng, đến khi ông bà, cha mẹ già yếu, ốm đau thì lảng tránh trách nhiệm. Thêm nữa, hễ gặp khó khăn thì thường vội vã xử lý một cách tiêu cực bằng việc ly hôn. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nguyên nhân từ kinh tế thiếu thốn cùng lối sống thích hưởng thụ, sùng bái tiện nghi vật chất, coi nhẹ các giá trị tinh thần… đã gây ra mâu thuẫn gia đình hết sức phức tạp. Vừa qua, tỷ lệ ly hôn trên cả nước có chiều hướng tăng lên đáng kể. Theo số liệu điều tra, nếu như tỷ lệ ly hôn năm 2009 là 1,0%, thì năm 2019 là 1,8%, trong đó tỷ lệ ly thân là 0,3%. Trong tỷ lệ ly hôn có sự khác biệt theo giới tính và khu vực thành thị, nông thôn, cụ thể như sau: Tỷ lệ ly hôn của nữ giới cao hơn nam giới (2,1% so với 1,4%), khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (2,1% so với 1,6%). Mặc dù tỷ lệ ly hôn ở nước ta thấp hơn so với các nước khu vực Đông Nam Á, nhưng rất đáng báo động, vì trong 10 năm, tỷ lệ này đã tăng gần gấp đôi (4).
Hiện nay, có hiện tượng nhiều nam nữ thanh niên cho rằng: quan hệ tình dục bừa bãi trước hôn nhân là bình thường (!?); theo đó, họ cổ súy cho trào lưu “sống thử”, kết hôn muộn hoặc không kết hôn; chủ trương sống độc thân hay làm bố, làm mẹ “đơn thân”; dám liều lĩnh sống phiêu lưu trong các quan hệ bất chính, trơ lỳ về danh dự, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, cốt để có được lợi ích về tiền bạc, vật chất... Có thể nói, đây là sự thay đổi rất khác so với TK XX.
Ở những thành phố lớn, những người trẻ tuổi (như học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp, lao động xa nhà…) cư trú trong nhà trọ rẻ tiền, hầu như sống “tự do”, không có sự kiểm soát từ gia đình, họ hàng và xã hội. Nhiều nơi dịch vụ “nhà nghỉ” mọc lên như nấm, ở đó thường diễn ra những vấn nạn làm tan nát các gia đình. Dòng người rời bỏ nông thôn, di cư ồ ạt về các đô thị để mưu sinh, kiếm sống ngày càng phổ biến, đã làm gia tăng mật độ cư dân đô thị và tạo nhiều áp lực giao thông đường phố. Kéo theo đó là những hệ lụy như: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị vǎn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp (…) Nhiều hủ tục cũ và mới lan tràn, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội...” (5).
Ở nông thôn hiện nay, dường như những hình ảnh lũy tre làng, cây cổ thụ lâu năm, các loại ao, chuôm, hồ, đầm, cái giếng đất… đã dần dần biến mất theo xu thế nhìn đất đai là hàng hóa bất động sản để làm giàu. Trong không gian cư trú của làng quê, giờ đây chủ yếu xuất hiện hàng loạt nhà cao tầng kiên cố, có nơi đã sử dụng thang máy mini, đường làng ngõ xóm làm bằng xi măng toàn bộ… Sự phát triển của xã hội hiện đại đang làm thay đổi văn hóa cư trú, văn hóa sinh kế của con người ở nông thôn, kéo theo biến đổi văn hóa ứng xử trong gia đình Việt cũng như nhiều lĩnh vực khác trong nền văn hóa dân tộc.
Trong TK XX, người Việt phần lớn sinh sống ở nông thôn trong tầm ảnh hưởng giáo dục của gia đình, dòng họ nhiều thế hệ cùng tác động của chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xóm ngoài làng. Nhưng ngày nay, chỉ có những dịp giỗ tết, con người từ khắp nơi xa xứ, mới tụ họp tại mái nhà xưa của gia đình ở quê, và sau đó lại ra đi mưu sinh ở nơi khác (tất nhiên vẫn có những người khá giả thì vừa có nhà ở đô thị, lại vừa có nhà ở nông thôn, nhưng số này không nhiều).
Vừa qua, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra rầm rộ trên phạm vi cả nước đã và đang làm thay đổi diện mạo xã hội. Hiện tượng đan xen giữa văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn đang tạo ra một bức tranh đa sắc màu trên cả nước. Đó là dáng hình “làng trong phố” và “phố trong làng” với lối sống vừa “tỉnh”, vừa “quê”. Tại các trung tâm đô thị lớn đã và đang xuất hiện tầng lớp thị dân mới, chủ yếu sống bằng xã hội dịch vụ, hết thảy mọi chuyện đều thuê, mướn, hợp đồng, chi trả bằng tiền theo kiểu “ tiền trao, cháo múc” có phần vô cảm.
Đặc biệt, gần đây, dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng, ngạc nhiên, thậm chí không dám tin về những chuyện “tày trời”, suy đồi về đạo đức trong quan hệ ứng xử ở gia đình, được lan truyền bằng các clip trên các không gian truyền thông công cộng như: Mẹ sinh con ném vào hố rác để cháu bé nhiễm trùng và không qua khỏi; Chồng đánh vợ dữ dội để bênh bồ ngay trên đường phố giữa ban ngày; Nhiều cuộc đánh ghen tàn nhẫn, nhục mạ người khác quay clip đưa lên mạng xã hội. Đau xót hơn, còn có hiện tượng con cái hỗn xược, bất hiếu, ngược đãi với mẹ già, ngay trong tháng có lễ Vu Lan... (6).
Trước hết, phải nói rằng đây là những hiện tượng “con sâu bỏ rầu nồi canh”, là những vết đen, những mảng màu u ám không đáng có, đã và đang làm ảnh hưởng đến bức tranh văn hóa toàn cảnh trong sáng của đất nước. Điều đó đã làm đau lòng những người lương thiện, những người tử tế trong xã hội. Tuy nhiên, về phương diện luật pháp, hình ảnh clip về các hiện tượng này lan truyền trên các không gian mạng, có lẽ cũng cần được kiểm chứng về độ xác thực với vai trò trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản trị mạng và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cần phải kịp thời làm rõ và trừng trị những kẻ vi phạm đạo lý và pháp lý về đưa tin thất thiệt, phản cảm, sai trái trước công luận.
Nhằm mục đích đưa ra giải pháp chấn chỉnh thực trạng nêu trên, ngăn chặn tệ nạn bạo hành, ứng xử phi nhân tính trong gia đình, ngày 8-12-2017, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số: 4843/QĐ-BVHTTDL về triển khai thí điểm thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” với những tiêu chí cơ bản, có ý nghĩa sâu sắc, quy định về chuẩn mực hành vi văn hóa ứng xử trong quan hệ gia đình như: Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thủy; Nghĩa tình; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu; Yêu thương; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo; Lễ phép; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận; Chia sẻ.
Đây là chìa khóa có tính cẩm nang cụ thể và sâu sắc về tiêu chí ứng xử theo quy định về đạo lý và pháp lý hiện hành, phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc và đặc biệt là dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức chung của tuyệt đại đa số công chúng. Dù có thể rất khác nhau về lứa tuổi, trình độ, nghề nghiệp, giới tính, dân tộc… nhưng nếu là người Việt Nam, ai cũng có thể tiếp cận, nâng cao hiểu biết về bộ tiêu chí của văn hóa ứng xử trong gia đình được ban hành lần này.
Theo quy luật chung của xã hội, chỉ có thay đổi nhận thức, con người mới có thể thay đổi hành vi để ứng xử đạt chuẩn mực văn hóa. Vừa qua, ngày 17-3-2020, Bộ VHTTDL lại tiếp tục ra văn bản số: 854/QĐ-BVHTTDL để Quyết định Ban hành Kế hoạch thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” năm 2020, nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình với sự bổ sung nội dung thông điệp mới như sau: Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh!; Ông bà, cha mẹ mẫu mực; con, cháu thảo hiền!; Gia đình, nơi của yêu thương và chia sẻ!; Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình!; Vợ chồng chung thủy, nghĩa tình!; Anh, chị, em hòa thuận, chia sẻ!
Theo tinh thần đó, Bộ yêu cầu toàn ngành VHTTDL cần phải tổ chức sinh hoạt cộng đồng với các hình thức hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, sinh hoạt câu lạc bộ... theo các chủ đề chính như: Ứng xử chung trong gia đình; Ứng xử của vợ chồng; Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; Ứng xử của anh, chị, em ruột trong gia đình…
Có thể nói, đây là những biện pháp, giải pháp khẩn cấp, kịp thời chấn chỉnh và xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam, đặc biệt là quy định tiêu chí ứng xử đạt chuẩn mực văn hóa trong gia đình, có tác dụng giáo dục, nâng đỡ con người từ lúc thơ ấu đến khi trưởng thành và thậm chí các tiêu chí ấy sẽ trở thành hành trang suốt đời cho con người. Để xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình theo những chuẩn mực tốt đẹp, cơ quan chức năng Bộ VHTTDL cùng các nhà khoa học đã dụng công nghiên cứu, soạn thảo và ban hành. Tuy nhiên, thiết nghĩ, vẫn cần phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng xã hội, trong đó đặc biệt là phải chú trọng hoạt động giáo dục trong các gia đình, dòng họ đối với con người ngay từ khi còn thơ ấu. Hơn bao giờ hết, phải tăng cường phát huy vai trò gương mẫu đi đầu về thực hiện văn hóa ứng xử gia đình của những cán bộ, đảng viên trong cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, trong các cơ quan quản lý văn hóa, các cơ quan truyền thông (phát thanh, truyền hình, báo điện tử). Theo đó cũng cần phải phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội để đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó đặc biệt quan tâm triển khai xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình.
Cần phải tiếp tục nghiên cứu, kế thừa có chọn lọc và vận dụng những truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình người Việt xưa, như ông cha ta trước đây từng nói: nước có “quốc pháp”, thì nhà phải có “gia quy”, “gia đạo”, “gia lễ”, “gia phong”, “gia giáo”, “gia huấn”. Thậm chí trong xã hội phong kiến xưa đôi khi cũng cần phải có cả “gia pháp” để duy trì gia đình, dòng họ và cao hơn là sự bền vững của quốc gia, dân tộc.
Trong lịch sử phát triển hàng ngàn năm qua, gia đình luôn là thiết chế văn hóa đặc biệt, nơi lưu giữ, bảo vệ giá trị gốc của dân tộc ta. Văn hóa gia đình và văn hóa ứng xử trong gia đình Việt chính là cơ sở nền tảng của văn hóa dân tộc vượt qua mọi thử thách thăng trầm của lịch sử. Ngày nay, cần phải phấn đấu để trên đất nước xuất hiện hàng triệu “tế bào” gia đình sạch và khỏe, thì chúng ta sẽ có được cả một sinh thể văn hóa quốc gia lớn lao, tràn đầy năng lượng - một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kiến tạo nên sức mạnh nội sinh kỳ diệu, đưa đất nước đi tới tương lai tươi sáng của sự phát triển bền vững.
_______________
1, 5. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII.
2, 3. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
4. Thực trạng hôn nhân tại Việt Nam nhìn từ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đăng trên Báo điện tử Con số và sự kiện, 3-8-2020.
6. Cụ bà 86 tuổi làm đơn nhờ chính quyền xử lý 2 con trai vì... bất hiếu, Báo Thanh niên ra ngày 23-7-2020.
Tác giả: Nguyễn Toàn Thắng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020