Nghệ sĩ trước đại dịch COVID-19

Bước vào thập niên thứ ba của TK XXI, bên cạnh những cơ hội, điều kiện thuận lợi thì nhân loại cũng đang phải đối diện với nhiều cam go, thách thức, nhất là sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 (hay SARS-CoV-2) tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12-2019, sau đó lan nhanh với cấp số nhân ra nhiều quốc gia, châu lục, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của mỗi cá nhân, cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước, Đảng, Nhà nước ta đã có những hành động quyết liệt, tích cực, kịp thời nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng chung sức, đồng lòng kiểm soát, ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, sớm đem lại cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và hạnh phúc cho nhân dân.

Đáp lại lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; của chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19, cùng với quân dân cả nước, đội ngũ những người làm văn hóa, văn nghệ, anh chị em nghệ sĩ thời gian qua, bằng những hành động, việc làm cụ thể đã có nhiều đóng góp về công sức, tiền bạc, lan tỏa những yêu thương, hành động đẹp với mong muốn đồng hành cùng đất nước, nhân dân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm này.

Nhằm chia sẻ nỗi vất vả, nhọc nhằn với đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, với những người lính Cụ Hồ sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, phục vụ bà con ở nơi cách ly tập trung, nhiều nghệ sĩ đã không ngần ngại ủng hộ, quyên góp với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, để mua trang thiết bị y tế, lương thực thực phẩm, gửi đến những địa chỉ yêu thương, những nơi đang cần trợ giúp. Mặc dù trước tác động của đại dịch, ngành Nghệ thuật biểu diễn và cá nhân nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn do lịch diễn bị hủy, công việc bị đình trệ nhưng vượt qua tất cả, các nghệ sĩ vẫn chung tay góp sức để cùng ngăn chặn dịch bệnh. Những hành động đẹp như NSND Kim Cương, mặc dù xa ánh đèn sân khấu đã 20 năm nhưng khi Tổ quốc cần, nghệ sĩ lại đứng lên vận động, quyên góp được 300 triệu đồng ủng hộ Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM; NSND Hồng Vân, MC Đại Nghĩa, đạo diễn Thanh Sơn cùng nhau phát động “Chiến dịch 14 ngày”, kêu gọi sự chung tay ủng hộ của các nghệ sĩ để sẻ chia những khó khăn, vất vả với những người nghèo, người bán vé số vượt qua đại dịch; các ca sĩ trẻ như Hà Anh Tuấn, Chi Pu, Hồ Ngọc Hà, Tùng Dương, Pha Lê, Thái Thùy Linh… và nhiều anh chị em nghệ sĩ khác ở mọi miền Tổ quốc đã góp công, góp của, xuống đường tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát tặng khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí cho người dân. Những hành động, nghĩa cử ấy đã để lại nhiều ấn tượng, xúc động đẹp trong lòng những y bác sĩ và đông đảo công chúng, sưởi ấm và tiếp thêm động lực để cùng cả nước chiến thắng dịch COVID.

Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong MV Việt Nam ơi, cùng nhau đồng lòng

 Ảnh: internet

Là những người nghệ sĩ nổi tiếng, được đông đảo công chúng mến mộ, mỗi hành động, lời nói, việc làm của người nghệ sĩ đều có tác động lớn đến nhận thức của công chúng, nhất là với các bạn trẻ. Từ đó truyền đi những thông điệp nhân văn, giàu ý nghĩa, khơi dậy những tình càm, hành động đẹp trong mỗi con người.

Tùy vào năng lực, sở trường và điều kiện riêng của cá nhân, mỗi nghệ sĩ lại có cách ứng xử của riêng mình. Dù mỗi việc làm, hành động khác nhau về tính chất, quy mô nhưng trái tim, xúc cảm đều chung một nhịp, hướng về những khó khăn chung của đất nước để sẻ chia, cảm thông với tình cảm, yêu thương đáng trân trọng. Nhiều nghệ sĩ bằng tài năng, trí tuệ, qua những sáng tác cụ thể đã góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc phòng chống dịch bệnh, như hành động đẹp của nhóm các họa sĩ tự do (do họa sĩ Lê Thế Anh kết nối) đã tổ chức bán đấu giá nhiều bức họa do các nghệ sĩ trực tiếp sáng tác để quyên góp tiền ủng hộ ngành y tế; Báo An ninh Thủ đô và Công ty Indochineart cũng đã phối hợp bán đấu giá 60 tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ để có kinh phí tri ân những y bác sĩ đã “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với dịch bệnh) ở các bệnh viện.

Cũng trong thời điểm này, nhiều bức tranh tuyên truyền, cổ động của các họa sĩ cũng được hoàn thiện trong thời gian ngắn với những ý tưởng, đồ họa mang đậm tính khái quát, tập trung vào chủ đề toàn dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, đã có tác động lớn đến nhận thức, hành động của toàn thể nhân dân. 14 tác phẩm tranh cổ động Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) lựa chọn được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao các quận huyện, xã phường trên toàn quốc, nhằm tuyên truyền, hướng dẫn và nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân.

Trong cơn đại dịch, nhiều người dễ rơi vào trạng thái, bi quan. Để động viên tinh thần người dân, bên cạnh công tác tuyên truyền, đẩy mạnh truyền thông của các cấp chính quyền và cơ quan báo chí, thì những chiến sĩ văn hóa, bằng tài năng, sự mẫn cảm với thời cuộc đã kịp thời viết những tác phẩm âm nhạc, hội họa, thơ ca sẽ thắp lên tinh thần lạc quan, tin tưởng, hy vọng của người dân vào những điều tốt đẹp.

Trong thời gian qua, nhiều tác phẩm âm nhạc thuộc nhiều loại hình (dân ca, dân vũ, vọng cổ, nhạc nhẹ) của các nghệ sĩ Việt về chủ đề chống dịch COVID-19 gây được thiện cảm, tạo được dư âm lớn trong chúng. Giai điệu, ca từ và hình ảnh vui nhộn của sản phẩm âm nhạc Ghen Cô vy (dự án âm nhạc với sự hợp tác của nhóm nghệ sĩ gồm Khắc Hưng, Erick, Min, vũ công Quang Đăng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường phối hợp sản xuất) đã thu hút hàng triệu lượt người theo dõi không chỉ ở phạm vi trong nước mà ở nhiều kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, Pháp, Hàn Quốc… đã tạo ra hiệu ứng tốt, truyền đi những thông điệp giản dị mà hữu ích, thiết thực về cách thức vệ sinh sạch sẽ, nâng cao sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, những ca khúc mới với những giai điệu sâu lắng, ca từ giàu tính nhân văn của các nghệ sĩ được sáng tác ngay trong những ngày cao điểm của đại dịch, đã chạm đến trái tim của người nghe với những xúc cảm thiêng liêng về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, niềm kính trọng trước những lo toan, vất vả của các nhà lãnh đạo đất nước, các ban ngành và những hình ảnh cao đẹp, cảm động về những người thày thuốc, như ca khúc: Ước nguyện do nhạc sĩ Đỗ Phương (Phó Giám đốc Nhà hát Vũ kịch Việt Nam sáng tác), MV Việt Nam ơi, cùng nhau đồng lòng của nhạc sĩ Lã Phong Lâm (với sự tham gia của ca sĩ Tuấn Hưng, các nghệ sĩ: Xuân Hinh, Xuân Bắc, Tự Long, Thanh Thanh Hiền, Quang Thắng, Vân Dung, Minh Quân, Tô Minh Thắng, Quốc Anh…), ca khúc Ngủ một chút đi anh, Những bông hoa nở giữa mùa dịch (do nhạc sĩ Tô Văn sáng tác, ca sĩ Việt Tú thể hiện), MV Quê hương cần nắng của ca sĩ Hồng Nhung, MV Bao la những trái tim hồng (ca sĩ Nguyễn Phi Hùng), Việt Nam ơi đánh rơi COVID (do Minh Beta viết lời mới từ ca khúc hit Việt Nam ơi)… Bên cạnh đó là những ca khúc có âm hưởng vui tươi, sôi động, cổ vũ tinh thần lạc quan, niềm tin chiến thắng đại dịch của mọi người dân, như các ca khúc Nắm tay qua đại dịch do Tú Dưa viết lời mới trên nền nhạc bài Nắm lấy tay anh; nhạc sĩ Vũ Quốc Việt với MV Hãy cách ly dựa trên ca khúc nổi tiếng của anh Hãy hát lên; nhóm các ca sĩ Hiền Mai, Hồ Lệ Thu, Long Nhật, Đoan Trường, Phi Thanh Vân, Quách Tuấn Du, Minh Luân, Quý Bình chung tay thực hiện MV Chung tay phòng chống corona (do Lê Hồng Phúc sáng tác),… Góp sức vào phong trào phòng chống đại dịch, khích lệ tinh thần của người dân, còn có những giai điệu mang âm hưởng dân gian, vọng cổ như bài vọng cổ Màu áo thiên thần của tác giả Phạm Văn Phúc do nghệ sĩ Nhã Thy (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) thể hiện, NSND Bạch Tuyết với bài ca vọng cổ Ông bà anh thời COVID (do nghệ sĩ ứng tác từ ca khúc nổi tiếng Ông bà anh của nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu), nhóm xẩm Hà Thành với MV Tiêu diệt corona,… Những ca khúc được các tác giả soạn lời với ca từ và giai điệu mộc mạc, dân dã, trữ tình và hài hước, đã đem đến cho người nghe những thông điệp thú vị. Có thể nói, những sản phẩm âm nhạc, bằng sức mạnh riêng có đã chạm tới trái tim người nghe, truyền đi những thông điệp hữu ích để mỗi người sống có trách nhiệm hơn với bản thân và với cộng đồng.

Cùng với âm nhạc, những thước phim truyền hình hướng về chủ đề toàn dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh cũng được các đạo diễn, diễn viên gấp rút sản xuất với những ý tưởng độc đáo, mới lạ; diễn xuất chân thực, hấp dẫn nhằm đem đến cho khán thính giả món ăn tinh thần bổ ích để có thêm sức đề kháng vượt qua những tháng ngày khó khăn, nguy hiểm của đại dịch. Đó là 50 tập của bộ phim Những ngày không quên (do NSƯT Danh Dũng và Trịnh Lê Phong đạo diễn, Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình (VFC) - Đài THVN sản xuất); bộ phim Cuộc chiến không giới hạn (do Cục Điện ảnh và Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương phối hợp thực hiện),… Cả nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước cơn đại dịch, mỗi nghệ sĩ, bằng tài năng, sự nhiệt huyết, trách nhiệm công dân đã có những việc làm, hành động thật ý nghĩa. Những ứng xử nhân văn của họ đã góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, triệu trái tim chung một nhịp của người Việt Nam; là sự tiếp nối truyền thống “thương người như thể thương thân”, là nghĩa tình đồng bào, đồng chí “người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những hành động, lời nói, việc làm mang đậm tính nhân văn, xây dựng thì cũng còn có những nghệ sĩ do bản tính cá nhân, do chủ quan, cảm tính đã vội vàng đưa những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí sai trái; một số nghệ sĩ lại có những phát ngôn gây sốc, những bình luận ác ý, chê bai, hạ thấp đồng nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, làm sai lệch nhận thức của nhiều người hâm mộ. Những hành động lầm lạc, những tiếng nói lạc lõng ấy đã bị các cơ quan chức năng xử lý về mặt hành chính âu cũng là bài học sâu sắc cho các nghệ sĩ.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 gây ra những khó khăn lớn cho kinh tế, xã hội, đất nước nhưng đại dịch cũng là một phép thử mà qua đó thấy được bản lĩnh, trách nhiệm và các ứng xử của mỗi cá nhân trước cộng đồng, đất nước. Với người nghệ sĩ chân chính, nặng tình với những vấn đề nhân sinh, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, trái tim họ đều rưng rưng những xúc cảm với niềm yêu thương, hướng về Tổ quốc, đồng bào.

Khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận/ Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, ngày nay, trên mặt trận chống giặc COVID-19, mỗi nghệ sĩ bằng tài năng, lòng nhiệt huyết và sứ mệnh cao cả đều xông pha chống “giặc” với những cách ứng xử riêng, nhưng điểm gặp gỡ chung của những hành động đó là: nghĩa cử cao đẹp, là tình đồng chí, đồng bào, tình quân dân, cùng hướng đến những giá trị thiêng liêng, vì một Việt Nam vững mạnh, hùng cường, vì tương lai, ngày mai tươi sáng. 

Tác giả: Nguyễn Huy Phòng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

;