Hiện nay, lối sống đô thị nói chung, cách thức ứng xử văn hóa ở đô thị nói riêng, đang trở thành một vấn đề đáng quan tâm trên phạm vi cả nước. Nhiều mối băn khoăn đang được đặt ra trước thực tế đột biến nhanh chóng của đô thị hiện đại. Có một hay nhiều lối sống ở đô thị; lối sống của mỗi tầng lớp người chi phối ứng xử văn hóa như thế nào; giá trị và đặc trưng của ứng xử văn hóa công cộng ở đô thị có gì nổi bật… Trên cơ sở cái nhìn khái quát về đô thị và lối sống đô thị, chúng tôi tìm hiểu xem ứng xử văn hóa công cộng ở đô thị có gì đáng chú ý và giải pháp nào để xây dựng một nếp ứng xử văn hóa đẹp ở đô thị hiện nay.
1. Một cách hiểu về ứng xử văn hóa
Một cách ngắn gọn nhất, ứng xử văn hóa được hiểu là sự trao đổi, tiếp xúc, đối xử với nhau trong lĩnh vực văn hóa, về những vấn đề văn hóa thông qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi, ký hiệu, biểu tượng... Thông thường, người ta nhận diện ứng xử văn hóa ở 4 phương diện cơ bản: ứng xử với thiên nhiên, ứng xử với xã hội, ứng xử với con người và ứng xử cá nhân (trong đó có bản thân). Vì thế, ứng xử văn hóa bao quát toàn bộ quá trình hoạt động của con người và góp phần tạo nên lối sống, nếp sống của con người trong xã hội. Bất kỳ một sự trao đổi, tiếp xúc, đối xử nào của con người với những đối tượng, hiện tượng khác đều được coi là ứng xử văn hóa. Chẳng hạn: sự tham gia và thái độ của cá nhân đối với cảnh quan thiên nhiên, môi trường; sự gia nhập của con người vào nhóm hay cộng đồng người khác nhau; thái độ của cá nhân với những thiết chế xã hội; sự tham gia sáng tạo và giải trí của con người trong các loại hình văn hóa nghệ thuật; quá trình tự tìm hiểu mình của mỗi cá thể… qua ngôn ngữ nói, biểu cảm, hành động…
Như vậy, hành vi tiếp xúc, trao đổi, đối xử của con người với các đối tượng khác nhau tạo thành ứng xử văn hóa. Quá trình này hết sức phong phú, đa dạng, phức tạp, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như: bối cảnh xã hội, đặc trưng môi trường sống, đặc điểm cộng đồng, phong tục tập quán, thói quen văn hóa, đặc trưng tộc người, tâm sinh lý cá thể; giới tính, nghề nghiệp, thị hiếu thẩm mỹ… của cá nhân, nhóm xã hội hay toàn bộ xã hội.
2. Đặc trưng đô thị và thực trạng ứng xử văn hóa công cộng ở đô thị
Đô thị và lối sống đô thị có đặc trưng khác biệt so với nông thôn và lối sống nông thôn. Có thể nhận thấy rất rõ sự khác biệt đó khi đối sánh cảnh quan thiên nhiên, cơ cấu xã hội, thiết chế văn hóa, phương thức giao tiếp ứng xử, tâm lý cộng đồng… và nhiều yếu tố khác nữa ở đô thị và nông thôn. Khi tìm hiểu đô thị và lối sống đô thị để tạo tiền đề nhận diện ứng xử văn hóa đô thị, ngoài những vấn đề cốt lõi, cần chú ý tới một số đặc trưng của đô thị như: sự tập trung cao độ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; dân số tập trung đông, mật độ cao, hỗn tạp về nguồn gốc cư trú, đặc điểm xã hội; sự biến động nhanh và mạnh của cơ cấu xã hội dân cư đô thị theo hướng thị dân hóa nhiều thành phần, nhiều định chuẩn khác nhau; sự chuyển đổi nhanh các định hướng giá trị, nhất là đề cao con người cá nhân; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng; xu hướng đóng, hẹp trong ứng xử văn hóa…
Những đặc trưng này chi phối rất nhiều đến phương thức và thực trạng ứng xử văn hóa công cộng ở đô thị.
Người Đà Lạt thân thiện và mến khách
Ảnh: Hà Hữu Nết
Đô thị là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, dân cư, vì thế, có thể thấy, cộng đồng đô thị là một tập hợp mang tính gá lắp các nhóm xã hội đa dạng, không thuần nhất ở nhiều địa bàn khác nhau. Điều đó dẫn tới sự phức tạp trong ứng xử văn hóa nơi công cộng ở đô thị. Về mặt cơ cấu dân cư, nếu như ở nông thôn, trong một làng, một xã chỉ thường là một số họ tộc, thậm chí một họ tộc, một số láng giềng từng sinh sống lâu đời, quen thuộc nhau như người nhà và khi gặp gỡ nhau, dù ở đâu họ cũng “chào cả làng”… thì ở đô thị, do là sự tập hợp ngẫu nhiên từ nhiều nguồn, việc quan hệ, ứng xử với nhau thực sự hạn hẹp, gá lắp, lỏng lẻo, đặc biệt là ở nơi công cộng, khi không ai biết rõ ai. Về môi trường và nghề nghiệp cũng có những khác biệt. Cảnh quan, môi trường ở nông thôn hết sức rộng rãi, thoáng đãng, nghề nông tương đối thuần nhất và làm theo vụ, nên người nông dân có cơ cấu thời gian rỗi hợp lý hơn, ổn định hơn, tạo điều kiện tiếp xúc và ứng xử tốt hơn. Trong khi đó, người thị dân bắt buộc phải chịu đựng sức ép của cảnh quan không gian chật hẹp trong khoảng cư trú có hạn của gia đình, ở công sở, trong nhóm bạn…; hơn nữa, nghề nghiệp của thị dân hết sức đa dạng, nhiều vẻ, khó bố trí cơ cấu thời gian rỗi hợp lý dành cho giao tiếp ứng xử cá nhân và xã hội. Vì thế, người thị dân bắt buộc phải lựa chọn phương thức ứng xử trong môi trường hẹp, theo những nhóm riêng, với những quy chuẩn riêng mang tính độc lập tương đối. Điều này gây ra tâm lý cục bộ trong ứng xử văn hóa. Lấy lời chào làm ví dụ, người thị dân không “chào cả làng”, không mời cả làng khi có việc trọng như người nông dân, mà chỉ chủ yếu “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, quá lắm là ứng xử trực tiếp trong nhóm bạn, nhóm công việc… Ngay cả khi cùng ứng xử ở môi trường mở hơn, như đi du lịch hoặc tham gia lễ hội, thưởng thức văn nghệ chẳng hạn, thì tính chất giao tiếp ứng xử gia đình, nhóm xã hội cũng không mở rộng được là bao. Rõ ràng, người thị dân có thể ứng xử nội bộ trong từng nhóm xã hội mà không cần biết đến các nhóm khác. Điều này tạo nên sự đóng và hẹp trong ứng xử văn hóa của con người đô thị. Và vì thế, người thị dân rất khó có được độ đồng nhất cao trong ứng xử văn hóa nơi công cộng.
Một đặc điểm khác, do tính chất ứng xử trực diện, trực tiếp, đóng và hẹp ấy, người dân đô thị phải tìm cho mình một lối thoát ở sự ứng xử gián tiếp (xem văn nghệ trên truyền hình, vào mạng xã hội…) thông qua các phương tiện truyền thông. Những điều tra xã hội học đô thị gần đây cho thấy người thị dân ít có thời gian rỗi dành cho ứng xử văn hóa, mà kể cả khi có được thời gian, họ cũng ít ra khỏi nhà hoặc ít rời khỏi nhóm nhỏ để tham gia vào những hình thức ứng xử trực tiếp rộng lớn hơn ở nơi công cộng. Họ dành phần lớn thời gian rỗi để làm thêm, giải trí trong gia đình, thăm hỏi bạn bè, họ hàng, thảng hoặc mới tham dự lễ hội, du lịch và các hình thức sinh hoạt ngoài trời khác ở nơi công cộng. Như vậy, bước đầu có thể thấy, ứng xử văn hóa ở đô thị mang tính phân tán, không thuần nhất, gián tiếp, nhiều vẻ.
Hơn nữa, sự phân chia vai trò người thị dân thành những vai trò kép là một hiện tượng đặc trưng ở đô thị. Từ vai một cán bộ nhà nước, sau giờ làm việc, họ có thể trở thành người làm thuê cho người khác… Vả lại, hiện nay, người thị dân đang ngày càng phải đương đầu một cách gay gắt hơn với hàng loạt vấn đề về môi trường sống như: sự chật hẹp của nhà ở, đường đi; sự ô nhiễm môi trường; sự chụp giật về điều kiện sống; thói lãnh đạm, thờ ơ; sự phức tạp của tệ nạn xã hội…) khiến cho quan hệ ứng xử cũng như lối sống thị dân ngày càng có xu hướng thu hẹp lại. Đây là một trong những lý do tạo nên mặt trái của lối sống, lối ứng xử văn hóa mà ta thường bắt gặp và cảm thấy không hài lòng trong đời sống đô thị.
Một đặc điểm khác cần được hết sức chú trọng, đó là sự xuất hiện khá đậm đặc của lối sống tiểu nông, cách ứng xử tiểu nông trong đô thị hiện đại, nhất là ở nơi công cộng. Ứng xử văn hóa ở nông thôn có nhiều điều tốt đẹp, song cũng bộc lộ không ít mặt trái. Đó là tầm nhìn hạn hẹp, sự tùy tiện, tùy hứng trong công việc, biểu hiện gia trưởng, bè phái, tâm lý “phép vua thua lệ làng”… mà nhiều người gọi là lối sống tiểu nông. Có thể nhận thấy dư vị của lối sống đó trong đời sống đô thị, các công sở, gia đình và mỗi cá nhân. Chính điều đó sẽ cản trở sự phát triển đô thị, cản trở ứng xử văn hóa công cộng ở đô thị đang phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Trước nhu cầu đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, việc chú trọng kế thừa giá trị tốt đẹp của lối sống nông thôn và loại trừ những biểu hiện tiểu nông manh mún trong ứng xử văn hóa đô thị vẫn là một vấn đề cần đặc biệt chú trọng.
Về thực trạng ứng xử văn hóa đô thị, có quá nhiều vấn đề chung cũng như cụ thể đang diễn ra trong thực tiễn đời sống. Mỗi người, dù thị dân hay nông dân giữa đô thị, đã cảm nhận quá rõ thực trạng này. Vì thế, chúng tôi chỉ nêu vài đặc điểm của thực trạng ấy. Đó là: ứng xử văn hóa đô thị mang tính tập trung cao độ của nhiều loại ứng xử nên phức tạp, đa dạng, phong phú; ứng xử văn hóa đô thị mang tính đóng, hẹp, phân tán, không thuần nhất; ứng xử văn hóa đô thị biểu hiện tính chất gián tiếp thông qua tiếp xúc với các phương tiện truyền thông và các loại hình nghệ thuật; ứng xử văn hóa đô thị còn mang nặng tính tiểu nông, cần được chú trọng sàng lọc…
Hiện trạng đó, từ những điểm đã nêu và nhiều điểm khác nữa, đòi hỏi có những giải pháp để tác động, thúc đẩy hoặc loại trừ.
3. Giải pháp xây dựng ứng xử văn hóa công cộng ở đô thị
Ứng xử văn hóa công cộng ở đô thị đang bộc lộ rõ nét cả cái tốt lẫn cái xấu. Để gạn đục khơi trong, rõ ràng, chúng ta phải có được những giải pháp mang tính mở, tính đối thoại từ hai phía: phía những nhà quản lý đô thị, và phía những người dân. Bên cạnh những giải pháp vĩ mô về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khác, chúng tôi nhấn mạnh một số giải pháp sau:
Các nhà khoa học và quản lý cần nghiên cứu sâu về đô thị, quản lý đô thị, những đặc trưng của đô thị trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khảo sát thực trạng văn hóa ở đô thị, thực trạng ứng xử văn hóa của từng đối tượng dân cư để hiểu nhu cầu, thị hiếu, tần số giao tiếp, xu hướng giao tiếp, những lĩnh vực cần tập trung giải quyết, những lĩnh vực nên có những tác động gián tiếp hoặc trực tiếp; phổ biến, tuyên truyền về mục tiêu xây dựng lối sống mới, con người mới, văn hóa mới thông qua các phong trào, mà phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là cơ bản; kết hợp quản lý nhà nước với các quá trình tự quản của dân trong lĩnh vực lối sống và ứng xử văn hóa nơi công cộng.
Người dân đô thị cần nâng cao hiểu biết, tự chuẩn định hóa ngôn ngữ và hành vi ứng xử văn hóa công cộng phù hợp với môi trường, bối cảnh và định chế xã hội; tôn trọng cơ chế tự quản của nhóm xã hội, cá nhân trong ứng xử văn hóa công cộng ở đô thị; nâng cao khả năng tạo cơ cấu thời gian rỗi, gia tăng nhu cầu, thị hiếu, tâm lý, tần suất giao tiếp trực tiếp và gián tiếp trong sinh hoạt vật chất và tinh thần ở đô thị…
Tóm lại, ứng xử văn hóa nói chung, ứng xử văn hóa công cộng ở đô thị nói riêng, là vấn đề rộng, mở, phức tạp. Chúng tôi, trong trong phạm vi hạn hẹp, chỉ nêu vài vấn đề có tính chất chung, gợi mở, hy vọng nhận được sự trao đổi, bổ sung nhằm góp phần tạo dựng chuẩn mực ứng xử văn hóa công cộng ở nước ta.
Tác giả: Ngọc Lưu Ly
Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020