Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta đã phải đối mặt với nhiều nghịch cảnh. Bằng sự khéo léo, kiên cường và dũng cảm, tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh, vượt qua bão tố và giành lấy chiến thắng, độc lập dân tộc. Có những chiến thắng phải mất cả nghìn năm như cuộc chiến chống quân phương Bắc, rồi đến cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đó là những minh chứng khiến thế giới khâm phục dân tộc Việt Nam nhỏ bé mà kiên cường. Kế thừa những truyền thống tốt đẹp của cha ông, ngày nay tinh thần ấy lại trỗi dậy, phát huy trong thời kỳ phòng chống đại dịch COVID-19. Dưới góc tiếp cận văn hóa học, nhóm tác giả nghiên cứu những biểu hiện của văn hóa ứng xử người Việt hiện nay đối với đại dịch COVID-19.
1. Đại dịch COVID-19 ở Việt Nam và trên thế giới
COVID-19 xuất hiện vào cuối năm 2019 từ Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế Thế giới ra tuyên bố gọi COVID-19 là “Đại dịch toàn cầu”. Trong giai đoạn đầu, con người hoàn toàn bị động và chưa có nhiều giải pháp dẫn tới số lượng bệnh nhân tử vong quá lớn, đặc biệt ở châu Âu và một số quốc gia khác như: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Đức, Nam Phi… Để bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như các nhóm cộng đồng trên toàn cầu, chính phủ các quốc gia trên thế giới đã tiến hành nhiều giải pháp bao gồm: hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học và những cơ sở dịch vụ, kinh doanh ít quan trọng, khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến. Cách tiếp cận này đã tỏ ra rất hiệu quả và được triển khai tại Campuchia, Lào và Việt Nam với mức độ thành công khác nhau và tại Indonesia, Philippin với mức độ ít hơn.
Để chạy đua với thời gian và tốc độ lây lan của dịch bệnh, các nhà khoa học trên thế giới đã ngày đêm nghiên cứu vắc xin phòng chống. Sau nhiều lần thử nghiệm, đến cuối năm 2020 vắc xin ngừa COVID-19 đã được phê chuẩn để sử dụng tại một số quốc gia như: Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ… và được sản xuất gấp rút để cung cấp cho toàn thế giới tiêm chủng. Tuy nhiên, cho đến nay, virus corona là một loại virus có nhiều biến chủng khác nhau nên loài người vẫn đang phải đối phó với sự biến đổi phức tạp của nó.
Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên vào ngày 23-1-2020. Từ đó, các biện pháp kiểm soát bệnh tật đã diễn ra và người dân hạn chế tự do di chuyển. Trong năm 2020, nước ta đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh với tổng số ca tử vong xác nhận cả năm là 35. Tuy nhiên, sang đến nửa đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh đã trở nên trầm trọng hơn với số ca mắc COVID-19 cùng với số ca tử vong tăng đột biến. Đại dịch COVID-19 đã lan ra toàn bộ 63 tỉnh, thành đặc biệt là tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh. Từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh đã mau chóng được kiểm soát và giảm mạnh trên toàn quốc. Chính phủ Việt Nam xác định tiêm chủng diện rộng bằng vắc xin an toàn và hiệu quả là cần thiết để đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững. Vì chiến lược không COVID (zero COVID) không còn là phương án tối ưu nên Việt Nam đã kích hoạt hệ thống y tế để sống chung với dịch bệnh.
Như vậy, đại dịch COVID-19 đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu đòi hỏi các cá nhân, tổ chức và quốc gia phải thực hiện những bước đi cần thiết để đối phó. Để hiểu biết toàn diện và có hệ thống về tác động của đại dịch COVID-19 đối với sự phát triển nghề nghiệp của các cá nhân và các chiến lược đối phó có thể sử dụng quan điểm tâm lý văn hóa để phân tích văn hóa quốc gia, văn hóa dân tộc ảnh hưởng như thế nào đến các hành động và chuẩn mực tập thể trong đại dịch COVID-19 (1). Đó cũng chính là cách ứng xử văn hóa của mỗi dân tộc với dịch bệnh nói chung và đại dịch COVID-19 nói riêng.
2. Văn hóa ứng xử và cách người Việt ứng phó với đại dịch
Văn hóa ứng xử
Từ năm 2019 đến nay, đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn thế giới đã cho thấy cách ứng phó của mỗi quốc gia khá khác biệt. Giải mã vấn đề này, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, một phần do đặc trưng văn hóa vùng miền và đặc biệt là văn hóa ứng xử của mỗi dân tộc. Theo tác giả Nguyễn Thanh Tuấn: “Văn hóa ứng xử là hệ thống các khuôn mẫu ứng xử được thể hiện ở thái độ, kỹ năng ứng xử của cá nhân và cộng đồng người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, xã hội và bản thân, trên cơ sở những chuẩn mực văn hóa - xã hội nhất định, để bảo tồn, phát triển cuộc sống cá nhân và cộng đồng nhằm làm cho cuộc sống của cá nhân và cộng đồng giàu tính người hơn” (2). Như vậy, văn hóa ứng xử nằm trong mối tương quan giữa cá nhân và cộng đồng. Ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng là sự thể hiện văn hóa cá nhân. Đồng thời, văn hóa của cộng đồng cũng chính là những quy ước, thói quen trong cách ứng xử của các cá nhân sống trong cộng đồng đó. Mặt khác, đó cũng chính là cách thức vận hành của văn hóa để duy trì và phát triển xã hội; là cách thức để tạo động lực cho người dân tham gia, phát triển cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng sự gắn kết cộng đồng.
Trước tình hình dịch COVID-19 kéo dài như hiện nay, cách thể hiện của mỗi cá nhân bằng những hành động cụ thể với cộng đồng chính là thể hiện sự nhận thức văn hóa, thái độ, bản lĩnh của họ đối phó với dịch bệnh. Điều này thể hiện ở các yếu tố như sau:
Một là, tinh thần đoàn kết dân tộc trong phòng chống dịch. Trong các giai đoạn chống dịch COVID-19, mỗi văn bản, chỉ thị của Chính phủ ban hành, người dân đều đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động. Nhiều tổ chức đã tự nguyện quyên góp số tiền lớn cùng Chính phủ thực hiện chính sách “ngoại giao vắc xin”, thành lập nhà máy sản xuất Oxy; các địa phương không bị dịch thành lập đoàn tình nguyện tiếp ứng cho vùng dịch… Hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh, niềm tin chiến thắng dịch bệnh của người dân Việt Nam. Đặc biệt hơn cả là những sẻ chia, đóng góp đó đều đến từ sự tự nguyện, từ tấm lòng thiện lương của mỗi người dân, chung tay vì sự an bình cho đất nước. Tinh thần đoàn kết, thái độ chia sẻ và trách nhiệm với xã hội ấy chính là sức mạnh góp phần giúp lực lượng phòng, chống dịch thêm vững tâm, tin tưởng; đồng thời nhân lên sức mạnh của cả dân tộc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy gian nan, thử thách.
Hai là, tinh thần tương thân, tương ái. Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất bị trì trệ dẫn tới nhiều người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở...; nhiều gia đình bị nhiễm bệnh và mất đi người thân không có tiền để chữa bệnh, mai táng… Trong hoàn cảnh đó, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta lại trỗi dậy. Nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, quyên góp tiền, hiện vật, thuốc men hỗ trợ cho người bệnh, đón các gia đình trở về quê hương sinh sống. Những hình ảnh đẹp như “bữa cơm 0 đồng”, phát khẩu trang miễn phí, phát tiền trên quốc lộ cho người dân sẽ mãi in đậm trong tâm trí người dân Việt Nam.
Ba là, ứng xử nhân văn, nhân ái. Người Việt trong mọi hoàn cảnh đều luôn nhân nghĩa. Đó chính là văn hóa trọng tình của dân tộc ta, của cha ông truyền lại từ bao đời. Vì vậy, mặc dù còn khó khăn nhưng đồng bào vẫn luôn sẵn sàng chia lửa cho vùng dịch. Câu chuyện về bệnh nhân phi công người Anh nhiễm COVID-19 tại Việt Nam được cứu sống là minh chứng về tình nhân văn, nhân ái, về cách ứng xử với người nước ngoài của người Việt Nam không phân biệt quốc tịch, màu da. Hay Chính phủ tổ chức các chuyến bay đón người dân đang định cư, học tập và làm việc tại các nước bị dịch bệnh nặng nề về nước đã làm ấm lòng bao người con xa quê, khiến họ luôn cảm thấy tổ quốc ở bên họ mặc dù xa cách vạn dặm. Những minh chứng trên đã thể hiện rõ mối tương quan giữa cá nhân và cộng đồng trong văn hóa ứng xử của người Việt. Mối tương quan đó chặt chẽ hơn nhờ những hành vi đẹp và đầy chất nhân văn trong việc ứng phó với dịch COVID-19.
Cách người Việt ứng phó với đại dịch
Khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, người dân cảm thấy lo sợ và có phần khủng hoảng tâm lý. Nhưng dần dần, cùng với các chính sách của Chính phủ, mọi người vượt qua được nỗi sợ hãi ban đầu và có những hành động, cách ứng phó hiệu quả hơn. Nhiều giải pháp, sáng kiến của cá nhân và tập thể được đưa ra để đồng hành cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh. Khi dịch bệnh được kiểm soát, số ca mắc bệnh giảm, người dân nhanh chóng trở lại với nhịp sống bình thường mới, xác định “sống chung với dịch bệnh” và vẫn duy trì thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch.
Mỗi quốc gia đều có những cách thức, biện pháp riêng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 để phù hợp với tiềm lực kinh tế cũng như văn hóa của từng dân tộc. Mục tiêu ban đầu Chính phủ cũng tập trung cho ngành Y nghiên cứu vắc xin, nghiên cứu thuốc chữa bệnh COVID-19. Song song với đó là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chống dịch như khai báo y tế, tiêm chủng và theo dõi sức khỏe cho người dân bằng phần mềm PC-COVID... Mỗi tỉnh, thành đều nghiên cứu đưa ra các cách phòng chống dịch phù hợp với đặc thù của địa phương, phát huy tính chủ động và sáng tạo.
Để thông tin về dịch bệnh đến được với người dân nhanh và chính xác nhất, công tác thông tin tuyên truyền cũng được chú trọng. Những hình thức tuyên truyền linh hoạt, đa dạng như: điện ảnh, âm nhạc, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội… nhiều vùng quê, làng bản, buôn làng còn bổ sung quy định phòng chống dịch vào quy ước, hương ước… Một trong những hình thức tuyên truyền đạt hiệu quả cao trong giai đoạn này là âm nhạc. Nhiều tác phẩm âm nhạc về COVID-19 ra đời, đã được xã hội hưởng ứng, thậm chí còn lan tỏa ra trên toàn thế giới. Nổi bật là ca khúc Ghen Cô vy của nhạc sĩ Khắc Hưng đã “làm mưa làm gió” trên mạng internet. Người dẫn chương trình Last Week Tonight của kênh HBO (Mỹ) đã nói về COVID-19 bằng tấm bản đồ Việt Nam và bài hát Ghen Cô vy một cách thích thú, hào hứng. Bài hát Ghen Cô vy như một biện pháp âm nhạc góp phần vào quá trình chống dịch hiệu quả. Đánh giặc Corona của tác giả Lê Thống Nhất cũng đã nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội với hơn 2 triệu lượt người xem trên mạng xã hội. Ca khúc này đã được nhạc sĩ Nguyễn Hải tiến hành hòa âm. Sau đó, các ca sĩ Hải Lê và Thế Anh đã thể hiện với giai điệu sôi nổi. Qua lời bài hát, người nghe hiểu rằng, việc chống dịch không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm của toàn dân.
Trong văn hóa của người Việt, đặc trưng cơ bản là tính linh hoạt. Đây là đặc tính nổi bật thể hiện trong nhiều thành tố văn hóa: ẩm thực, trang phục, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội…; thể hiện trong các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước của nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Và đặc tính này cũng thể hiện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Mỗi giai đoạn của dịch bệnh người dân lại có cách thích ứng linh hoạt nhưng lại an toàn. Đến nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, giai đoạn khó khăn đã qua thì người Việt vẫn duy trì những thói quen đã được hình thành khi có dịch bệnh như: sát khuẩn, đeo khẩu trang, cập nhật các thông tin về dịch bệnh… đảm bảo “nới lỏng” nhưng không “buông lỏng”. Một số khái niệm mới được hình thành như “bình thường mới”, “hậu COVID-19”, “hồi phục trong an toàn”… Thái độ của người dân không còn lo sợ như ban đầu mà chấp nhận sống cùng COVID-19. Trẻ em đã được đến trường, các kỳ thi được tổ chức trực tiếp. Những trường hợp bị COVID-19 sẽ tự cách ly và không còn căng thẳng như ban đầu. Để phục hồi các hoạt động kinh tế trong nước và quốc tế, mỗi doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch cho đơn vị mình và cho các đối tác, khách hàng tạo nên tâm lý yên tâm, tin tưởng.
3. Kết luận
Đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên toàn thế giới và ở Việt Nam. Nhưng qua đại dịch, những giá trị văn hóa tốt đẹp, cách ứng phó của cộng đồng đã được lan tỏa, tạo nên sức mạnh toàn dân để chiến thắng và duy trì ổn định cuộc sống. Văn hóa ứng xử của người dân trong thời gian qua đã dần dần được hình thành và xuất hiện những chuẩn mực mới dựa trên những hành vi, mối quan hệ của cá nhân với cộng đồng ngày càng gắn bó chặt chẽ. Đây cũng chính là những đặc trưng trong cách ứng xử, ứng phó của người Việt, là căn cứ có thể so sánh với cách ứng phó một số quốc gia khác trong khu vực để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong văn hóa ứng xử.
_______________________
1. Yanjun Guan, Understanding the impact of the COVID-19 pandemic on career development: Insightsfrom cultural psychology (Tìm hiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với sự phát triển nghề nghiệp: Những hiểu biết sâu sắc từ tâm lý văn hóa), 2021, UK.
2. Nguyễn Thanh Tuấn, Văn hóa ứng xử Việt Nam hiện nay, Nxb Từ điển bách khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2008.
Tài liệu tham khảo
1.LêThi,Văn hóaứng xửcủa ngườiViệt hiện nay,Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam,số 11 (96), 2015, tr.21-25.
2. World bank, COVID kéo dài: Tổng quan Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Nam Á và Thái Bình Dương, 2021
PGS,, TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO - Ths NGUYỄN THỊ THANH THỦY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022