Văn hóa ứng xử của người làm nghề chế biến nông sản ở làng Mậu Hòa

Văn hóa ứng xử được thể hiện qua nhiều khía cạnh, như ngôn ngữ, quan niệm, cử chỉ, thái độ… của những người trong cuộc ở các lĩnh vực đời sống, các nghề nghiệp và giai tầng xã hội khác nhau... Với nghề thủ công, để đạt hiệu quả trong sản xuất, người làm nghề phải xử lý tốt nhiều mối quan hệ… Chúng tôi tập trung bàn đến một số dạng hành vi ứng xử chính thông qua ba mối quan hệ có ảnh hưởng lớn tới công việc làm ăn của người làm nghề chế biến nông sản ở làng Mậu Hòa, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, là quan hệ giữa chủ cơ sở sản xuất (CSSX) với người cung cấp nguyên liệu, người làm thuê, người tiêu thụ sản phẩm.

     1. Ứng xử với người cung cấp nguyên liệu

     Nguồn nguyên liệu là yếu tố ảnh hưởng rất lớn việc duy trì sản xuất của một cơ sở làm nghề. Thiết lập được các nơi cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào, có chất lượng là chiến lược phát triển, nên các chủ CSSX phải có thế ứng xử linh hoạt, khéo léo với đối tượng này.

     Các chủ CSSX ở làng Mậu Hòa thấy rõ được vai trò của người cung cấp nguyên liệu nên tìm cách giữ chân họ bằng nhiều cách ứng xử khác nhau. Trước hết là tạo sự tin tưởng, coi nhau như thân thích ruột thịt. Điển hình cho cách ứng xử này là quan hệ giữa bà Đỗ Thị Đông Hải (chủ CSSX bún, phở khô) với bà Nguyễn Thị Nga (chủ đại lý cung cấp gạo ở Hải Phòng) coi nhau như chị em ruột thịt, không chỉ trong làm ăn mà còn cùng tổ chức hoạt động chung. Mỗi khi một bên đến thăm, cả gia đình bên kia cùng tổ chức tiếp đón trọng thể. Sự thân tình giữa hai bên đến mức đã xóa bỏ những kiêng dè, khách sáo.   

     Tặng quà tết là việc làm thường xuyên, là thông lệ có đi có lại trong làm ăn. Thông thường, khi chốt đơn hàng cuối năm, chủ CSSX biếu một thùng quà (các loại bún, miến) và một phong bì. Người cung cấp nguyên liệu biếu lại đặc sản tùy vùng miền. Khi nhập chuyến hàng đầu tiên của năm mới, chủ CSSX không quên mừng tuổi, giá trị tùy thời điểm, tùy quan hệ làm ăn. Việc trao đổi quà giúp duy trì quan hệ xã hội cũng như vốn xã hội, giúp giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống. Theo Marcel Mauss, quà được biểu thị dưới dạng vật phẩm hay số tiền mừng của một người nhằm biểu lộ tình cảm trong một mối quan hệ xã hội, được dùng trong các trường hợp khác nhau (1). Biểu hiện nổi bật về văn hóa ứng xử của các chủ CSSX hàng chế biến nông sản ở Mậu Hòa là sử dụng khéo léo, linh hoạt, hiệu quả dòng quà tặng nhằm thiết lập, duy trì, mở rộng ba mối quan hệ cơ bản trong làm nghề để việc làm ăn ngày càng phát triển.

     Sự thân tình giữa chủ CSSX với người cung cấp nguyên liệu còn thể hiện ở sự quan tâm tới các mặt đời sống gia đình. Đó là sự thăm hỏi (bằng điện thoại, đến thăm trực tiếp) khi gia đình đối tác có người ốm nặng. Khi gia đình đối tác có việc trọng đại như cưới xin, tang ma, chủ CSSX không chỉ động viên, chia sẻ tinh thần mà còn giúp đỡ về tài chính với giá trị cao, thường gấp 4 đến 5 lần so với các quan hệ thông thường.

     2. Ứng xử với thợ

     Một CSSX muốn hoạt động ổn định và tạo ra các sản phẩm có chất lượng phải có đội ngũ thợ ổn định, có tay nghề cao. Các chủ CSSX có nhiều cách ứng xử với thợ để tạo và giữ được nguồn thợ giỏi.

     Đãi ngộ với thợ

     Ngoài tiền công bảo đảm cho thợ theo giá công lao động ở từng thời điểm, chủ CSSX còn quan tâm tới đời sống của thợ vào các dịp lễ, tết, khi thợ ốm đau hay có người thân ốm đau, qua đời, có việc vui mừng (cưới xin, con vào đại học…). Nhìn chung, số tiền mà các chủ CSSX mừng (việc vui) hay chia sẻ (việc buồn) cho thợ thường lớn hơn với mức chung của làng xã, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, vị thế và đóng góp của từng người thợ.

     Việc quan tâm với thợ được thể hiện rõ nhất vào dịp tết Nguyên đán. Các chủ CSSX thường tặng cho mỗi hộ làm gia công hoặc mỗi người thợ một phần quà, gồm tiền và vật chất, như là hình thức thưởng tết, trị giá tùy khả năng tài chính của cơ sở và đóng góp của hộ gia công hay của thợ; nhiều chủ còn tổ chức liên hoan tất niên để cảm ơn các đối tác, thông báo kế hoạch làm ăn và mời tiếp tục cộng tác.

     Các chủ CSSX còn có những ưu ái ngầm với những người làm việc tốt, đóng góp nhiều cho cơ sở trong năm. Với các hộ gia công thường xuyên làm sản phẩm đẹp, đảm bảo số lượng và chất lượng, khi có đơn hàng gấp, các chủ CSSX thường trả công cao hơn. Đương nhiên, việc thỏa thuận này chỉ hai người biết với nhau. Với những hộ làm hàng xấu, chủ nhắc nhở, thậm chí trừ tiền công để họ rút kinh nghiệm cho những đơn hàng lần sau.

     Một sự quan tâm khác của chủ CSSX đối với thợ và các cơ sở gia công là việc giúp đỡ về tài chính những lúc họ khó khăn. Mức hỗ trợ tùy theo khả năng của chủ và yêu cầu của người cần cũng như quan hệ giữa họ với nhau. Có chủ, như bà Đỗ Thị Đông Hải, cho thợ vay không lãi tới 50 - 70 triệu đồng với thời hạn hàng năm, có thể trả thành một lần, có thể trừ dần vào tiền công. Mỗi khi vay trả, thường chỉ ghi chép vào sổ theo dõi, chứ không cần ký kết giấy tờ. Ông Đỗ Đăng Thưởng (chủ CSSX miến dong) cho rằng, muốn giữ thợ, mình phải thật khéo léo, thoải mái, cởi mở, nhưng hai bên phải trung thành, giữ chữ tín với nhau; mình sẵn sàng cho họ ứng tạm vài chục triệu mà không cần giấy tờ.

     Trong các cơ sở chế biến nông sản ở Mậu Hòa, nhiều cơ sở đã phát triển thành công ty, doanh nghiệp, nên buộc phải có nhiều biện pháp duy trì nguồn thợ, đối tác. Điển hình nhất là CSSX của ông Nguyễn Duy Hồng, sau 28 năm, đã phát triển thành Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Minh Dương, một trong số ít doanh nghiệp ở huyện Hoài Đức mà công nhân được đóng bảo hiểm, nhận sổ hưu (từ 2016). Theo ông Hồng, việc trao sổ hưu không chỉ góp phần gây dựng uy tín mà còn thể hiện chiến lược giữ chân người giỏi cống hiến toàn tâm toàn lực cho doanh nghiệp. Trong công ty, ngoài các bộ phận chính phục vụ việc sản xuất và kinh doanh, còn có tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, các bộ phận này hàng năm đều được công ty tổ chức các chương trình giao lưu, nghỉ mát, gia đình công nhân được thăm hỏi trong những dịp cưới xin, tang ma. Để đảm bảo hiệu suất lao động và sức khỏe của người làm, ông Hồng đã thuê 3 đầu bếp nấu cơm trưa phục vụ cả ban lãnh đạo và công nhân. Chất lượng bữa ăn ở đây đầy đủ về hàm lượng dinh dưỡng, đảm bảo về an toàn thực phẩm. Nguyên liệu từ rau, cá, lợn, gà, đà điểu... cung cấp cho bếp ăn đều do trang trại sạch mà gia đình ông đã thuê người nuôi trồng, chăm bón tại các làng.

     Việc xử phạt thợ và cơ sở gia công vi phạm quy định

     Để hạn chế những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình làm việc, mỗi chủ CSSX đều có những quy định thống nhất với thợ hay cơ sở gia công. Tại nhiều cơ sở, chủ và thợ cùng ăn, ở, sinh hoạt nên mọi quy định được hai bên thống nhất bằng bản hợp đồng về tiền công cho từng người, chỗ ăn, ngủ tại xưởng hay giờ giấc sinh hoạt.

     Một số CSSX phát triển thành công ty, doanh nghiệp, có dây chuyền sản xuất liên hoàn và hàng trăm công nhân có trình độ, đòi hỏi người quản lý đề ra những quy tắc làm việc riêng, tuân thủ quy định của luật Doanh nghiệp. Ông Nguyễn Duy Hồng có lần đã phải cương quyết áp dụng kỷ luật nặng một công nhân (đảng viên) vi phạm quy định của công ty. Quyết định cứng rắn này khiến ông vấp phải nhiều cuộc tranh luận gay gắt với cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là mất đi mối quan hệ tốt đẹp với dì ruột, cũng là lãnh đạo của công ty. Trung thành quan điểm lấy luật Doanh nghiệp làm kim chỉ nam cho mọi hành động, ông đã ký quyết định cho thôi việc người công nhân vi phạm đó. Theo ông, chỉ có cương quyết như vậy mới xây dựng được thế ứng xử nể - sợ của thợ với chủ.

     Việc điều hòa mâu thuẫn

     Khi xảy ra mâu thuẫn với thợ hay người làm gia công, các chủ CSSX nhỏ thường nắm bắt kỹ các thông tin trái chiều từ phía người làm thuê hay gia công rồi trao đổi riêng để tìm hướng giải quyết ổn thỏa; trường hợp không thể giải quyết thì tổ chức họp, lắng nghe đối tác rồi hai bên đi đến thống nhất. Với những mâu thuẫn cá nhân, các chủ CSSX cũng bình tĩnh giải quyết theo hướng giải thích cặn kẽ, đôi lúc chủ nhường nhịn thợ để hiểu nhau và không để lại điều tiếng. Bà Đỗ Thị Dung cho rằng, sống phải chân thật, khéo léo để giải quyết các mối quan hệ, không để mất lòng ai; người làm thuê làm lợi cho mình, mình giàu rồi không nên bắt chẹt họ; trong các cuộc họp, cho họ bàn thoải mái, thống nhất xong ra ngoài không ai được nói xấu về nhau, mang tiếng người làng, người xóm.

     Khi người làm thuê yêu cầu tăng giá công bằng mức giá ngoài thị trường vào dịp cao điểm, chủ CSSX thường trì hoãn bằng cách nhẹ nhàng giải thích: “Lúc ế hàng, hàng bán chậm, thua lỗ nhưng chúng tôi không hạ giá thành thì khi hàng bán chạy, các hộ không thể bắt chúng tôi tăng giá quá cao”.

     3. Ứng xử với đại lý tiêu thụ sản phẩm

     Chất lượng của việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm có tác động đến sinh mệnh của CSSX. Việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc không chỉ vào chất lượng và giá thành sản phẩm mà còn phụ thuộc vào việc tổ chức bán hàng, trong đó, thiết lập các đại lý tiêu thụ giữ vị trí trọng yếu. Vì vậy, các CSSX coi việc thiết lập các đại lý tiêu thụ sản phẩm là chiến lược phát triển và có giải pháp cho chiến lược đó, tùy thuộc vào điều kiện sản xuất, sản phẩm cùng nhiều yếu tố khác.

     Trước hết, các CSSX ở Mậu Hòa tìm hiểu kỹ nhân thân đại lý thông qua các nguồn thông tin và tạo lòng tin với họ.

     Thứ hai, bảo đảm chất lượng sản phẩm với đại lý. Đây là điều kiện tiên quyết cho việc sản phẩm được tiêu thụ nhiều và nhanh, như quan điểm của chủ CSSX Đỗ Thị Dung và Hoàng Kim Trường: “Muốn duy trì được mối làm ăn, việc quan trọng nhất là hàng của mình phải đảm bảo chất lượng; không vì số lượng để đánh mất uy tín, chỉ cần một lần mất niềm tin thì sẽ mất mối hàng mãi mãi”. Ông Nguyễn Duy Hồng cũng cho rằng, tài sản của công ty được đo bằng số bạn hàng, thương hiệu của công ty được tính bằng số người biết đến sản phẩm.

     Sau khi đã tạo dựng lòng tin, uy tín với đại lý, các chủ cơ sở sản xuất dùng nhiều biện pháp để duy trì mối quan hệ làm ăn lâu dài. Chẳng hạn, ông Hoàng Kim Trường lên lịch đến thăm hỏi đại lý, kết hợp giao hàng và thanh toán. Mỗi lần gặp gỡ, ông lắng nghe khách hàng phản hồi ưu, nhược điểm của sản phẩm để có giải pháp khắc phục. Kết thúc cuộc gặp, ông đều mời chủ đại lý ăn tại nhà hàng sang trọng. Theo ông “đã làm ăn với nhau thì mình phải sống có tình cảm, thường xuyên đi lại, hỏi thăm những lúc gia đình họ có công to việc lớn, tất cả vì cuộc sống chứ không chỉ vì lợi nhuận”.

     Việc đi lại hỏi thăm các đại lý tiêu thụ cũng là chiến lược ứng xử của các chủ CSSX và được tính toán chi tiết. Ông Trường nắm rõ khung thời gian làm việc đặc thù của các đại lý phân phối từ 7h30 đến 9h sáng là thời điểm họ bận rộn giao hàng. Do vậy, để cuộc gặp gỡ trao đổi được thuận lợi và đạt hiệu quả, ông căn giờ, đến cơ sở họ là sau 9h sáng. Với các đại lý ở các tỉnh xa như Sơn La, Yên Bái, ông phải đi ôtô khách từ đêm, 4 - 5h sáng đến nơi, thuê phòng khách sạn nghỉ ngơi và chờ đến 9h30 có mặt theo lịch hẹn.

     Một số CSSX có các đại lý ở nước ngoài (Nga, CH Séc, Ba Lan, Đức). Sự quan tâm của chủ CSSX Đỗ Thị Dung với đại lý tiêu thụ ở nước ngoài là gọi điện hỏi thăm. Mỗi lần có hàng mới, bà chụp ảnh gửi qua email hoặc zalo, khi đóng hàng, bà thường để vài cân bên ngoài để chủ đại lý dùng thử. Giữa bà và các đại lý có quan hệ tin cậy đến mức, dù cách xa hàng nghìn cây số, vài năm gặp nhau một lần, các giao dịch chủ yếu qua điện thoại, nhưng tình cảm giữa hai bên luôn gắn bó, thân thiết, hàng hóa từ Việt Nam chuyển đến các đại lý đều đặn suốt 20 năm qua.

     Một trong số mạng lưới giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho các chủ cơ sở ở Mậu Hòa là mối quan hệ bạn bè. Đa số họ sớm ý thức việc tham gia các hội, nhóm, câu lạc bộ, như hội đồng ngũ, hội đồng niên, hội sinh vật cảnh, câu lạc bộ cầu lông…, không chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí, mà còn nhằm thiết lập, mở rộng mối quan hệ làm ăn, để giúp tiêu thụ được lượng sản phẩm miến tương đối lớn, nhất là dịp cuối năm. Ban đầu, các chủ CSSX chủ động tặng miến làm quà tết, khi đã biết đến tên tuổi cơ sở sản xuất, các nhóm bạn đặt hàng biếu tết cho họ hàng, bạn bè và đồng nghiệp. Những vị khách bắc cầu này lại giới thiệu miến của cơ sở cho các nhóm bạn bè khác. Nhờ đó mà mặt hàng miến của các cơ sở được tiêu thụ khắp các địa phương trong nước và cả ngoài nước.

     4. Một vài nhận xét

     Các công trình nghiên cứu xã hội học gần đây đưa ra lý thuyết về các nguồn vốn để phát triển kinh tế. Trong 5 nguồn vốn, có vốn xã hội là nguồn lực xã hội được sử dụng để phục vụ cho các mục tiêu sinh kế. Theo Jame Coleman (2), vốn xã hội gồm những đặc trưng trong đời sống xã hội như các mạng lưới xã hội, các chuẩn mực và sự tin cậy trong xã hội là các yếu tố giúp các thành viên có thể hoạt động chung với nhau một cách có hiệu quả, nhằm đạt tới những mục tiêu chung. Hay Robert Putnam (3) trong nghiên cứu Bowling một mình: sự suy giảm của vốn xã hội Mỹ đã khẳng định, vốn xã hội là những phương tiện và kỹ năng đào tạo có tác dụng làm gia tăng năng suất cá nhân; vốn xã hội bao hàm những khía cạnh đặc trưng của tổ chức xã hội như các mạng lưới (xã hội), các chuẩn mực và sự tin cậy trong xã hội, vốn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp và sự hợp tác nhằm đạt đến lợi ích tương hỗ. Các nhà nghiên cứu về vốn xã hội đều thống nhất cho rằng, đặc trưng của vốn xã hội gồm bốn yếu tố: niềm tin, sự tin cẩn; sự tương hỗ, có đi có lại; các quy tắc, các chuẩn mực và các chế tài; kết hợp các yếu tố trên với nhau tạo thành mạng lưới.

     Những tư liệu nêu trên cho thấy, người Mậu Hòa vận dụng hiệu quả nguồn vốn xã hội trong quá trình làm ăn, đó cũng chính là lối ứng xử có văn hóa của họ với các đối tác (người cung cấp nguyên liệu, các thợ - gia đình gia công và các đại lý tiêu thụ). Những cách thức chủ đạo để tạo nguồn vốn xã hội, cũng là những biểu hiện của văn hóa ứng xử trong làm nghề của các chủ cơ sở sản xuất ở Mậu Hòa, là tạo lòng tin trên cơ sở làm ăn trung thực, chia sẻ, giúp đỡ, sử dụng quà tặng … với đối tác (người cung cấp nguyên liệu, người lao động và khách hàng). Vượt qua rào cản về ranh giới địa lý, mối quan hệ giữa người bán và người mua luôn được kết nối chặt chẽ, không chỉ phạm vi trong nước mà còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Điều này đã phản ánh rõ tính chất mở trong quan hệ xã hội đang dần phá vỡ sự khép kín của làng xã đã đóng chặt hàng nghìn năm qua ở Bắc Bộ. Nói cách khác, tính động của nền kinh tế thị trường đang len lỏi trong từng ngõ ngách ở nông thôn Việt Nam, mỗi người dân của làng nghề chuyển từ suy nghĩ hẹp hòi, manh mún, nhỏ lẻ vốn có của người nông dân sang tư duy mở rộng mạng lưới quan hệ, biết đón nhận những luồng gió mới, biết học hỏi chiến lược làm ăn để đứng vững trong vòng an toàn của nền kinh tế. Những người làm nghề ở Mậu Hòa bước đầu xây dựng tính cố kết cộng đồng, cái lý vẫn kết hợp chặt chẽ với cái tình trong tư duy làm ăn của người dân nơi đây.

     Mặt khác, để phát triển thương hiệu làng nghề ngày càng lớn mạnh, để hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng mở rộng quy mô, các chủ doanh nghiệp ở đây đều thấm thía và trung thành với việc tạo dựng, củng cố chữ tín và chữ tâm trong việc sản xuất mặt hàng miến, bún, phở khô - loại thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Có thể khẳng định rằng, việc xác lập mối quan hệ trong quá trình mưu sinh của người Mậu Hòa một lần nữa làm sáng tỏ tính đúng đắn của lý thuyết “vốn xã hội, mạng lưới quan hệ xã hội” của Coleman, Putnam và “dòng quà tặng” của M.Mauss . Nói cách khác, lối ứng xử có văn hóa trong các mối quan hệ của người làm nghề ở Mậu Hòa là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự thành công, xây dựng thương hiệu sản phẩm trước bối cảnh nhiều làng nghề chế biến đang dần bị thu hẹp hoặc phá sản hiện nay.

_______________

1. Marcel Mauss, Luận về biếu tặng, hình thức và lý do của sự trao đổi trong các xã hội cổ sơ, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2011.

2. Coleman J.S, Social capital in the creation of Human Capital, American Journal of Sociology, Vol.94, pp.95-120, Chicago, 1988.

3. Putnam, R.D.,Bowling Alone: America’s Declining Social Capital, Journal of Democracy, New York, 1995, 6.1: 65 - 78.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hòa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018

 

;