Văn hóa giao tiếp ứng xử của quân nhân trong quân đội là một giá trị chuẩn mực mang đậm bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Giá trị chuẩn mực đó là sự kết tinh của các yếu tố dân chủ, đoàn kết, kỷ luật nghiêm minh và tình yêu thương đồng chí đồng đội, được hun đúc xây dựng nên qua sự nỗ lực tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và được tôi luyện trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐNDVN trở thành phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của quân nhân phản ánh giá trị và đặc trưng bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sự giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, ý chí quyết chiến, quyết thắng và được biểu hiện ở ý thức thái độ, hành vi ứng xử của mỗi quân nhân đối với chức trách, nhiệm vụ, cũng như việc thiết lập và giải quyết các mối quan hệ giữa các quân nhân. Văn hóa trong giao tiếp, ứng xử là bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa nhân cách của người quân nhân cách mạng. Bản chất văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của quân nhân ở đơn vị cơ sở là sự giác ngộ sâu sắc giữa mục tiêu và lý tưởng chiến đấu. Làm cho mỗi quân nhân có niềm tin cách mạng và bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; nắm vững hệ thống tri thức, kỹ xảo, kỹ năng hoạt động quân sự; phát huy vai trò chủ thể tích cực, sáng tạo, có ý chí vươn lên làm chủ vũ khí trang bị, làm chủ bản thân. Đồng thời, luôn có khát vọng hoàn thiện nhân cách quân nhân; có lập trường, quan điểm, thái độ, hành vi đúng mực trong thực hiện nhiệm vụ, khi giao tiếp, ứng xử và giải quyết tốt các mối quan hệ trong cuộc sống. Biểu hiện sâu sắc nhất ở sự đồng thuận, thống nhất cao về động cơ và mục đích hoạt động, về chính trị tư tưởng, tình cảm, nhận thức, giác ngộ, ý chí quyết tâm, phương thức sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần… tạo nên khối đoàn kết, thống nhất - yếu tố sức mạnh giúp mỗi quân nhân và tập thể quân nhân sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Việc giao tiếp, ứng xử tốt như “chất keo” kết dính các thành viên, là chất xúc tác tốt để mỗi quân nhân phát huy vai trò chủ thể của mình trong việc sáng tạo, tiếp thu và chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến, phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội chủ nghĩa và chuẩn mực của hoạt động quân sự. Đồng thời, góp phần giúp cho quân nhân có đủ sức “đề kháng” trước sự tác động, xâm nhập của các tệ nạn xấu độc, thẩm lậu vào đơn vị. Văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của quân nhân được hình thành một cách có ý thức và cơ bản từ tính tự giác của mỗi quân nhân, cùng với sự tác động có chủ đích của lãnh đạo, chỉ huy các cấp; sự tác động qua lại giữa các quân nhân, cùng với sự nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện và sự kiên trì, bền bỉ của mỗi quân nhân trong cuộc sống và hoạt động thực tiễn. Thực hành văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của quân nhân là tổng thể các tác động nhằm làm tăng thêm giá trị, mức độ bền vững, sức lan tỏa và ảnh hưởng của các giá trị ấy đến việc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào sự phát triển toàn diện nhân cách người quân nhân cách mạng ở đơn vị cơ sở hiện nay.
Việc thực hiện văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của quân nhân để bảo đảm tốt hơn cần thực hiện đồng bộ một số nội dung, biện pháp sau:
Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, gắn với định hướng giá trị nhân cách cho quân nhân
Văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của quân nhân phản ánh ý thức, trình độ nhận thức, tình cảm, ý chí, niềm tin cách mạng của mỗi quân nhân và tập thể quân nhân, mà nền tảng là phẩm chất chính trị, đạo đức và tâm lý quân nhân. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, mỗi tập thể quân nhân phải thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, mỗi quân nhân phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng. Cho nên văn hóa chính trị được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết…phải làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng” (1). Song song với đó là sự tác động từ mặt trái của cơ chế nền kinh tế thị trường, sự chống phá tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch đang từng giờ, từng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, tình cảm, nguyện vọng của quân nhân. Những tác động ấy đã làm cho một số quân nhân có biểu hiện phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chạy theo sức hút đồng tiền, lợi ích cá nhân và giá trị vật chất đơn thuần, xem nhẹ lợi ích tập thể và nét đẹp của văn hóa xưng hô, chào hỏi, ứng xử. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị các cấp thường xuyên tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục văn hóa xưng hô, chào hỏi, giáo dục chính trị tư tưởng, phương pháp tác phong công tác, đạo đức lối sống, điều lệnh, điều lệ của quân đội, pháp luật của Nhà nước nhằm trang bị thế giới quan khoa học, hình thành bản lĩnh kiên định, niềm tin vững chắc, trách nhiệm chính trị vững vàng cho quân nhân. Giáo dục động cơ và mục đích hoạt động chung trong tập thể, tạo sự đoàn kết thống nhất cao, củng cố và phát triển đúng hướng nghề nghiệp quân sự, các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, của dân tộc, của quân đội và đơn vị cho quân nhân.
Đồng thời, gắn công tác giáo dục chính trị tư tưởng với giáo dục văn hóa trong giao tiếp, ứng xử, định hướng nhân cách quân nhân, hướng quân nhân vào nhận thức và thực hành ngay các giá trị văn hóa có ý nghĩa xã hội cao đẹp như: lòng yêu nước, tinh thần hy sinh quên mình vì Tổ quốc, ý thức tập thể, tình đồng chí, đồng đội, quý trọng sức lao động, kính trọng nhân dân, chia sẻ và tôn trọng mọi người. Biết quan tâm đúng mực đến nhu cầu và lợi ích chính đáng của mỗi quân nhân trong đơn vị cơ sở, giải quyết tốt các mối quan hệ trong tập thể trên cơ sở tôn trọng lợi ích cá nhân, nhưng đảm bảo nguyên tắc thống nhất với lợi ích tập thể, đặt lợi ích tập thể, lợi ích xã hội, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Duy trì và thực hiện nghiêm chế độ, nền nếp chính quy ở đơn vị cơ sở
Xây dựng nền nếp chính quy được tiến hành toàn diện trên nhiều nội dung và ở tất cả các ngành, các mặt công tác, song không vì thế mà tiến hành tràn lan, khi tổ chức thực hiện phải xác định rõ từng nội dung, tập trung vào khâu đột phá, nhất là điều lệnh quản lý bộ đội, điều lệnh đội ngũ và các quy định về xây dựng chính quy như: duy trì thực hiện lễ tiết tác phong, mang mặc, xưng hô, chào hỏi, phương pháp tác phong công tác; động tác chào bằng điều lệnh... Đây cũng chính là nội dung còn bộc lộ những hạn chế ở đơn vị cơ sở hiện nay. Trên cơ sở nắm chắc tình hình cấp ủy, chỉ huy các cấp ở đơn vị cơ sở cần tập trung lãnh đạo chấn chỉnh, khắc phục một cách kiên quyết, để đưa hoạt động văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của quân nhân vào nền nếp. Từng bước tạo nên nét đẹp văn hóa trong tác phong sinh hoạt hằng ngày và kỹ năng trong thực hiện phương pháp tác phong công tác của người quân nhân.
Trên cơ sở đó, nắm vững, duy trì và thực hiện nghiêm các chế độ, quy định về điều lệnh, điều lệ, bảo đảm tính thống nhất cao trong xây dựng đơn vị chính quy. Các hoạt động quân sự (học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, lao động sản xuất và vui chơi giải trí) là cơ sở, điều kiện để thực hành văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của quân nhân. Do đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần nghiên cứu tổ chức một cách khoa học và hiệu quả mọi mặt hoạt động của đơn vị, đảm bảo tính toàn diện, tính thống nhất, thiết thực, hiệu quả và đặc biệt phải phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị cơ sở. Chủ động, tích cực đưa quân nhân vào hoạt động thực tiễn (cả trong thuận lợi và khó khăn, gian khổ) để người quân nhân bộc lộ phẩm chất, năng lực trong văn hóa giao tiếp, ứng xử một cách tự nhiên nhất. Từ đó, người lãnh đạo, chỉ huy đơn vị có biện pháp phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục và đấu tranh loại bỏ khuyết điểm, những yếu tố tiêu cực, lạc hậu trong mỗi quân nhân và tập thể quân nhân. Tăng cường củng cố, mở rộng, hiện thực hóa các tác động, các mối quan hệ xã hội của quân nhân theo hướng tích cực, nhất là mối quan hệ đồng chí, đồng đội, cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ, chiến sĩ với chiến sĩ và cán bộ, chiến sĩ với nhân dân...
Bên cạnh đó, cũng luôn chú ý đến việc xây dựng và phát triển các chuẩn mực tiến bộ đã được cụ thể hóa trong pháp luật, điều lệnh, điều lệ và quy định của người chỉ huy. Cần chú trọng đến các yếu tố tâm lý trong quan hệ liên nhân cách: các hiện tượng tâm lý xã hội điển hình, bền vững (như uy tín, truyền thống, dư luận, tâm trạng...) và các hiện tượng tâm lý khác (thi đua, đồng cảm, tự khẳng định, bắt chước, ám thị, lây lan, a dua, ác cảm)... Từ đó, kịp thời định hướng, điều chỉnh các hiện tượng tâm lý quân nhân đảm bảo đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội, quy định của người chỉ huy, chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng theo hướng tập trung, thống nhất.
Xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh ở đơn vị cơ sở
Các mối quan hệ giao tiếp, ứng xử trong tập thể quân nhân là sự phản ánh các hình thức, các dạng liên hệ và giao tiếp trực tiếp giữa các quân nhân trong quá trình sống và hoạt động cùng nhau. Các mối quan hệ đó bao gồm: quan hệ cấp trên - cấp dưới, quan hệ đồng chí, đồng đội, quan hệ phối hợp công tác, quan hệ liên nhân cách... Các mối quan hệ này có vai trò rất quan trọng, là môi trường trực tiếp cho việc thực hành nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của người quân nhân. Nếu các mối quan hệ trên tích cực, lành mạnh sẽ giúp cho người quân nhân hiểu biết nhau nhiều hơn, đồng cảm, hợp tác, lan tỏa tốt cho nhau; tạo ra các hiệu ứng tích cực nhằm hiện thực hóa các quy tắc, chuẩn mực xã hội, xây dựng nhân tố mới phù hợp và đấu tranh loại bỏ những yếu tố không chuẩn mực trong quan hệ đồng chí, đồng đội.
Quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc tính tập thể, tính nhân ái của đồng chí, đồng đội cùng chung lý tưởng chiến đấu, luôn chấp hành và phục tùng nghiêm chỉnh mệnh lệnh cấp trên, có sự định hướng giá trị nhân cách, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động. Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, luôn có tính mô phạm, nêu gương về văn hóa trong giao tiếp, ứng xử để các quân nhân học tập và làm theo.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên quan tâm xây dựng bầu không khí tích cực, lành mạnh trong đơn vị và kiên quyết khắc phục hiện tượng “xung đột tâm lý” trong tập thể quân nhân. Để bảo đảm trong đơn vị không có sự lệch pha hay đối lập nhau về quan điểm, nhận thức, tình cảm, thái độ và trách nhiệm, đồng thời lại luôn bảo đảm được tính thống nhất cao giữa các quân nhân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hằng ngày, cần giải quyết tốt các mối quan hệ đồng chí, đồng đội mà trước hết là văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của mỗi quân nhân luôn được bảo đảm chuẩn mực, tình cảm, gần gũi, thân thương. Đó chính là nét đẹp trong giao tiếp góp phần tô thắm thêm nét đẹp văn hóa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Bên cạnh đó, mỗi người quân nhân cũng không ngừng tự phê bình và phê bình, nhắc nhở nhau trước các biểu hiện xấu như: gặp nhau không chào hỏi, thờ ơ, vô cảm, lạnh nhạt trong quan hệ giao tiếp, ứng xử của quân nhân với quân nhân và của quân nhân với nhân dân.
Phát huy tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ các cấp trong xây dựng tình đoàn kết quân nhân ở đơn vị cơ sở
Để phát huy được tính tích cực, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, rèn luyện bền bỉ, thì một yêu cầu cần có là cán bộ phải gương mẫu về mọi mặt, luôn đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước bộ đội, làm gương để bộ đội noi theo, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của quân nhân, thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân. Sự trong sáng, mẫu mực về lối sống của người cán bộ, đảng viên có tác động lớn đến nhân cách tốt đẹp của bộ đội.
Sự trong sáng, mẫu mực của cán bộ, đảng viên không chỉ là bản thân mình thực hiện tốt mà đó còn là làm gương cho bộ đội noi theo và làm theo. Cán bộ gương mẫu nghĩa là lời nói phải đi đôi với việc làm, nói ít làm nhiều, bằng việc làm thực tế để lôi cuốn bộ đội. Gương mẫu trong việc làm, trong lối sống của người cán bộ, đảng viên có tác động to lớn tới hạ sĩ quan, chiến sĩ. Bởi họ là những cán bộ tiêu biểu cho ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, là trung tâm đoàn kết, là “linh hồn”, là điểm tựa tinh thần của bộ đội ở đơn vị cơ sở.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa cán bộ với đội viên. Bác căn dặn: “Bộ đội chưa ăn no, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới là dân chủ, là đoàn kết, là tất thắng” (2). Theo Người: “Cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên. Cán bộ phải chăm lo cho đội viên đủ ăn, đủ mặc. Cán bộ phải coi đội viên như chân tay, thì đội viên mới coi cán bộ như đầu, như óc” (3).
Thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa và đường lối chính trị trong bộ đội. Đồng thời, cấp ủy các cấp cũng cần có chính sách “khéo” sử dụng con người trong hoạt động quân sự, bố trí sắp xếp đúng người, đúng việc vào các tổ chức trong quân đội. Dùng người đúng hay sai không chỉ có ý nghĩa quyết định đến sự thành, bại của mỗi nhiệm vụ tổ chức giao cho cán bộ ở đơn vị cơ sở đó thực hiện, mà còn phản ánh sự hiểu biết, trình độ nắm bắt con người, đào tạo, bồi dưỡng con người, đánh giá đúng con người của cấp ủy các cấp, của tổ chức chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp trong quân đội.
Từ những nội dung, biện pháp thực hành văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của quân nhân ở đơn vị cơ sở; từ thực trạng về xây dựng quân đội và yêu cầu nhiệm vụ của quân đội trong tình hình hiện nay, đặt ra vấn đề phải tiếp tục hoàn chỉnh nội dung, biện pháp thực hành có hiệu quả hơn nữa văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của quân nhân ở đơn vị cơ sở trong xây dựng quân đội. Muốn vậy, chúng ta phải không ngừng củng cố, tăng cường, nâng cao nhận thức đúng đắn cho cán bộ, đảng viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ về thực hành văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của quân nhân hiện nay. Thường xuyên chăm lo xây dựng, bồi dưỡng văn hóa ứng xử, xưng hô, chào hỏi cho mọi quân nhân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân đội đặt ra; tiếp tục xây dựng củng cố các tổ chức, các đoàn thể trong quân đội vững mạnh toàn diện; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách quân đội và hậu phương quân đội; nêu cao trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hành văn hóa giao tiếp, ứng xử của quân nhân ở đơn vị cơ sở, tô thắm thêm nét đẹp tiêu biểu phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại theo nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định.
________________
1. Báo Cứu quốc, ngày 24-10-1946.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.72.
3. Hồ Chí Minh “về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr.255
Tác giả: Nguyễn Xuân Cẩn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021