VĂN HÓA DOANH NGHIỆP, NỀN TẢNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP HIỆN NAY

Hiện nay có rất nhiều định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực ở trong nước và ngoài nước. Dù tiếp cận ở góc độ nào thì các định nghĩa đều thống nhất rằng: văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị và các chuẩn mực do doanh nghiệp sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh, trong mối quan hệ với môi trường xã hội và tự nhiên; văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ phương thức kinh doanh, quản lý điều hành kinh doanh, phong cách ứng xử trong quan hệ nội bộ doanh nghiệp với đối tác và xã hội; văn hóa doanh nghiệp bao gồm cả những quy tắc ứng xử bất thành văn, là lực lượng vô hình trở thành quy tắc bắt buộc được các chủ thể kinh doanh chấp nhận; văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh mềm tạo nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

1. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với công chúng

Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã gặt hái được những thành quả đáng tự hào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nền kinh tế nước ta đã từng bước thay da, đổi thịt, kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngày một phát triển và hiện đại. Đời sống văn hóa, xã hội ngày một nâng cao, đời sống chính trị của đất nước ngày càng ổn định. Văn hóa Việt Nam phát triển đa dạng, phong phú có sự kế thừa, tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa tinh hoa của truyền thống dân tộc và nhân loại. Các loại hình, loại thể văn hóa, các hoạt động văn hóa đang dần có khả năng thấm sâu các mặt khác nhau của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế trong 30 năm đổi mới đất nước cho thấy những hạn chế rõ rệt như những bài học sâu sắc trong quản lý kinh tế xã hội và cần phải thay đổi tư duy, hành động của các thành viên trong xã hội. Những vụ án kinh tế lớn làm thất thoát hàng nghìn tỷ tài sản nhà nước và các doanh nghiệp trong thời gian qua là bài học xương máu về cách quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng như cách ứng xử của doanh nghiệp với xã hội, với công chúng.

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và công chúng cho thấy một bên cần đến doanh nghiệp để có thể thỏa mãn tốt những nhu cầu sinh hoạt cần thiết tối thiểu của cá nhân hoặc nhóm người; một bên cần công chúng để thẩm định, đánh giá, phán quyết, chấp nhận chất lượng sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp tạo ra. Nói cách khác, doanh nghiệp cần công chúng để hàng hóa dịch vụ của họ thực hiện được giá trị, tái tạo nguồn tài chính để doanh nghiệp tìm kiếm những lợi ích chính đáng từ khả năng nhạy bén thị trường và dẫn đầu trong việc phụng sự công chúng - những khách hàng luôn là ân nhân của doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp dù thuộc lĩnh vực hay khu vực nào trong nền kinh tế xã hội, mục tiêu của họ cũng nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận.

Nhà kinh doanh, doanh nghiệp luôn ở trong môi trường cạnh tranh, gần gũi với đồng tiền cần phải có tâm với nghề, có cách ứng xử văn minh và nhân văn, không trục lợi cá nhân, nhóm lợi ích… Nói đơn giản hơn, doanh nghiệp phải lấy niềm tin của công chúng làm sứ mệnh của mình, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh luôn gắn liền với nhau và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, xây dựng triết lý kinh doanh định hướng hoạt động chiến lược cho doanh nghiệp. Tất cả những giá trị trên đây tạo phong cách, bản sắc riêng biệt của doanh nghiệp. Nói cách khác đó chính là nhân tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của quốc gia là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

2. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp bao gồm các biểu trưng trực quan và phi trực quan. Các biểu trưng trực quan điển hình bao gồm: lịch sử phát triển và truyền thống, đặc điểm kiến trúc, các nghi lễ, các giai thoại, các biểu tượng, ngôn ngữ và ấn phẩm đặc trưng, quảng cáo. Các biểu trưng phi trực quan gồm: giá trị, thái độ, niềm tin, nguyên tắc.

Văn hóa doanh nghiệp là phong cách văn hóa riêng có, tạo nên hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp tạo nên lực hướng tâm trong nội bộ doanh nghiệp, tạo động lực cho người lao động và quy tụ sức mạnh đoàn kết của doanh nghiệp; đồng thời là trung tâm thu hút, thiết lập, củng cố và mở rộng các quan hệ hợp tác của doanh nghiệp trên thị trường. Nền tảng cốt lõi, mục tiêu hướng tới, nhiệm vụ của văn hóa doanh nghiệp… tất cả đều nhằm giải quyết vấn đề trọng tâm của doanh nghiệp: lợi ích và quyền lợi của công chúng, đối tác - những người liên quan đến dịch vụ cung cấp của doanh nghiệp song hành với mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp. Vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp là cần thiết cấp bách hiện nay đối với mỗi doanh nghiệp khi tham gia thị trường chung.

Để xây dựng và phát triển các nhân tố cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần có một định hướng chiến lược kinh doanh lâu dài làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Đó chính là triết lý kinh doanh của doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh của doanh nghiệp bao hàm các ý tưởng, phương châm hành động, hệ giá trị và mục tiêu chung của doanh nghiệp định hướng, chỉ dẫn mọi hoạt động kinh doanh và làm cho hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao trong mối quan hệ mật thiết với việc đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường sinh thái, các giá trị chuẩn mực đạo đức. Triết lý kinh doanh gắn liền với sứ mệnh, mục tiêu và chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong các giai đoạn khác nhau.

Triết lý kinh doanh do người đứng đầu doanh nghiệp vạch ra, nhưng tinh thần, tư tưởng chủ đạo của triết lý phải được thấm nhuần trong từng thành viên của doanh nghiệp, sự đồng thuận trong toàn bộ doanh nghiệp, biến nhận thức thành động lực, năng lực thành hành động thực tiễn trong mọi hoạt động kinh doanh. Muốn thực hiện thành công triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi xuyên suốt của văn hóa doanh nghiệp là những giá trị mang vẻ bề ngoài, hình thức của văn hóa doanh nghiệp, thể hiện cấp độ văn hóa đơn giản, có thể tiếp xúc, nhận biết bằng trực quan khi tiếp xúc. Trong bối cảnh hiện nay, các giá trị hữu hình như kiến trúc, bài trí, đồng phục, các biểu tượng logo, hình thức mẫu mã sản phẩm, ngôn ngữ và cách ứng xử của doanh nghiệp… trở thành những yếu tố quan trọng không thể thiếu nhằm tạo dựng hình ảnh, vị thế và các mối quan hệ của doanh nghiệp trên thương trường. Các giá trị hữu hình không chỉ tạo nền tảng, điều kiện vật chất gắn kết các thành viên trong doanh nghiệp, chia sẻ, hợp tác, thực hiện các nhiệm vụ do ban lãnh đạo doanh nghiệp phân công một cách thuận lợi nhất. Cấu trúc hữu hình của doanh nghiệp là thành trì vật chất để doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu, chức năng nhiệm vụ, trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện việc tạo ra, cung ứng đáp ứng nhu cầu hàng hóa dịch vụ cho xã hội với mục tiêu số lượng và chất lượng. Do đó các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn đảm bảo các nguồn lực vật chất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của các hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt tới mục tiêu lợi nhuận. Chúng trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế có cạnh tranh.

Hơn nữa, cần thiết lập hệ giá trị vô hình của doanh nghiệp (các biểu trưng phi trực quan) bên cạnh hệ giá trị vô hình trong doanh nghiệp. Hình thành, chọn lọc và kết tinh những quan niệm chung về những giá trị, nguyên tắc cần tôn trọng, thế nào là đúng/sai, nên/không nên, phương pháp hành động đúng đắn mà các thành viên doanh nghiệp cần tôn trọng và thực hiện. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử về cách ứng xử cần thiết của các thành viên doanh nghiệp trong các mối quan hệ như: công việc, tổ chức, khách hàng, đồng nghiệp, cấp trên/cấp dưới, cộng đồng, xã hội, môi trường sống, chính phủ, nền kinh tế, quốc gia, việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Và rất cần xây dựng văn hóa doanh nhân, phong cách người lãnh đạo doanh nghiệp. Hình ảnh người đứng đầu doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, doanh nghiệp có nhiều lợi thế từ vị thế của người lãnh đạo. Đối với doanh nghiệp, việc bầu chọn, bổ nhiệm người đứng đầu cần đảm bảo 4 yếu tố như: năng lực (trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, trình độ quản lý kinh doanh), tố chất (tầm chiến lược, khả năng thích ứng sáng tạo, tính độc lập quyết đoán, năng lực quan hệ, nhu cầu thành đạt, say mê và chấp nhận mạo hiểm), đạo đức (đạo đức cá nhân, hệ giá trị đạo đức xã hội, sự cống hiến và đóng góp) và phong cách người lãnh đạo. Đối với doanh nhân (người lãnh đạo), yếu tố đạo đức đóng vai trò nền tảng, năng lực, tố chất là yếu tố then chốt cốt lõi và phong cách người lãnh đạo như linh hồn của văn hóa doanh nghiệp.

Triển khai văn hóa doanh nghiệp trong thực tiễn đưa các chương trình kế hoạch nội dung đã xây dựng vận hành trong các mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng. Theo chúng tôi, doanh nghiệp cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản:

Toàn bộ tinh thần tư tưởng và nội dung văn hóa doanh nghiệp phải thể hiện được tâm nguyện, mong muốn và khao khát chính đáng và sự đồng thuận của toàn bộ các thành viên trong doanh nghiệp.      

Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn, cốt cách của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp phải được kết tinh và thấm đẫm các giá trị văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa truyền thống của doanh nghiệp và những giá trị văn hóa mới của thời đại. Sự tách biệt và cô lập doanh nghiệp ra khỏi các mối quan hệ trong hệ thống sẽ không tạo ra những giá trị kết nối và hội nhập doanh nghiệp với bên ngoài.

Linh hồn của văn hóa doanh nghiệp chính là phong cách của người lãnh đạo doanh nghiệp. Người lãnh đạo cần phải là một tấm gương đi đầu và đương đầu vượt qua thử thách thực hiện mục tiêu đã đề ra, làm động lực gắn kết các thành viên trong công ty.

Văn hóa doanh nghiệp không phải là bất biến, những giá trị này luôn gắn liền và song hành với nhu cầu, mong muốn của con người, sự phát triển của thời đại. Trong mỗi giai đoạn cụ thể, giá trị các nhân tố cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp cũng như sự phát triển của doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp phải hướng về con người. Con người ở đây bao gồm tất cả các thành viên trong doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức bên ngoài doanh nghiệp, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội và đạo đức của doanh nghiệp phải gắn liền với sự ổn định đời sống, phát triển sự nghiệp và an toàn môi trường sống của con người.

Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải xác định việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu hiện nay. Văn hóa doanh nghiệp vừa là giải pháp và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, có chức năng định hướng, dẫn đường hoạt động của doanh nghiệp, định hình phong cách văn hóa và tạo nên thương hiệu riêng có của doanh nghiệp.

Cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong đời sống doanh nghiệp, trong mối quan hệ với công chúng và xã hội. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao năng lực của các thành viên trong doanh nghiệp, phát huy tối đa sức mạnh mềm của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và ngoài nước. Tăng cường đầu tư các nguồn lực vật chất cho doanh nghiệp. Được đầu tư thích đáng, các nhân tố bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp sẽ trở thành những bệ phóng vững chắc cho sự hình thành văn hóa doanh nghiệp.

3. Một số vấn đề đặt ra hiện nay

Hiện nay văn hóa doanh nghiệp có sức ảnh hưởng, lan tỏa bản sắc và phong cách của doanh nghiệp trên thương trường. Văn hóa doanh nghiệp với những nhân tố cốt lõi gắn kết sức mạnh vật chất và phi vật chất tạo nên những giá trị, chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm xã hội tạo ra niềm tin của xã hội đối với doanh nghiệp; gắn kết các thành viên trong doanh nghiệp với nhau và gắn kết doanh nghiệp với các cá nhân, tổ chức, cộng đồng bên ngoài doanh nghiệp… tất cả đều nhằm hướng tới mục tiêu con người và sự phát triển toàn diện của con người. Thương hiệu của doanh nghiệp cũng từ đó được hình thành và phát huy công dụng cho các mục tiêu kinh tế, xã hội của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thương trường, trong doanh nghiệp và bản thân các doanh nhân, các nhà quản lý, đối với họ văn hóa doanh nghiệp được nhìn nhận là bộ phận không thể tách rời trong bộ máy vận hành của doanh nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là hiện thực của nhiều doanh nghiệp. Song trên thực tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vẫn đang là một nhiệm vụ cấp bách đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp.

Những sắc thái, biểu hiện của văn hóa doanh nghiệp là vô cùng đa dạng, nhưng mục tiêu hướng tới của văn hóa doanh nghiệp là con người (thỏa mãn nhu cầu con người vì sự phát triển toàn diện và đảm bảo an toàn của con người). Việc một số doanh nghiệp chưa quan tâm, coi trọng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ có những tác động tiêu cực đến toàn cục hệ thống doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Một thực tế cho thấy các doanh nghiệp trong nước chưa nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp.

Mặt khác, đối với hầu hết các doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam đang xảy ra nghịch lý giữa mục tiêu hướng tới và phương thức hành động của doanh nghiệp. Mô hình hoạt động của doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, các nguồn lực hoạt động hạn hẹp. Trước sức ép khốc liệt của cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, giữa mong muốn, mục tiêu và hành động của doanh nghiệp thường mâu thuẫn nhau cũng chỉ nhằm tránh sự thua lỗ, phá sản. Sứ mệnh, trách nhiệm của doanh nghiệp luôn bị tác động bởi mục tiêu sinh tồn và các ảnh hưởng từ bên ngoài doanh nghiệp. Tâm lý nôn nóng, thiếu kiên nhẫn, chỉ nhìn cái lợi trước mắt… lâu dần trở thành sự tắc trách, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đối với các mối quan hệ của doanh nghiệp. Hiện tượng “treo đầu dê, bán thịt chó”, hay các hình thức gian lận thương mại khác xuất hiện cũng từ nguyên do này. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa doanh nghiệp không chỉ cần được các doanh nghiệp quan tâm, coi trọng thực hiện mà ngay cả đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng phải coi đó là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác quản lý hiện nay.

Ngoài ra, cơ chế chính sách cho việc thiết lập một chính sách đồng bộ phát triển doanh nghiệp trong nước còn bất cập. Chính sách pháp luật, đầu tư phát triển quy định đối với các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động trong nước còn nhiều mâu thuẫn: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài/ doanh nghiệp trong nước; doanh nghiệp nhà nước/ doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ thông thường/ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù… Các ưu đãi về ngành nghề, hạng mục đầu tư, mặt hàng kinh doanh, thuế, vay vốn ngân hàng đối với các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế cần một sự công bằng, minh bạch.

Như vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nhiệm vụ và đòi hỏi cấp bách hiện nay, nhằm tạo dựng những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp trong mối quan hệ tương tác bền vững giữa doanh nghiệp với công chúng, doanh nghiệp với xã hội, doanh nghiệp với nhà nước, doanh nghiệp với môi trường sinh thái; tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Duy trì và phát triển văn hóa doanh nghiệp, hướng hoạt động của doanh nghiệp tới mục tiêu con người và sự phát triển toàn diện con người là tâm nguyện, đích hướng của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay, trong đó cần xác định vai trò dẫn đầu tiên phong của hệ thống doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : ĐỖ THỊ QUYÊN

;