VẤN ĐỀ TỰ RÈN LUYỆN CỦA HỌC SINH THANH NHẠC

Việc tự rèn luyện của học sinh thanh nhạc nhiều năm nay đã được các cơ sở đào tạo, giảng viên hết sức quan tâm, là vấn đề được nêu ra nhiều lần tại các hội thảo về giáo dục thanh nhạc. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tự rèn luyện vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể, chưa đạt được những kết quả như mong đợi, bởi lẽ, vẫn còn những vấn đề tồn tại cả về phía người dạy và người học.


Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh, sinh viên không tự luyện giọng ở nhà là do trở ngại của một số điều kiện khách quan như: thiếu nhạc cụ bổ trợ, thiếu địa điểm tập luyện… Nếu mỗi buổi sáng, người học luyện giọng từ 15-20 phút, thì cả ngày cơ quan phát âm sẽ khỏe khoắn và sẵn sàng đến lớp học chuyên môn với thày cô một cách sảng khoái, tự tin. Có sự chuẩn bị mang tính chuyên nghiệp từ bước đầu đối với ca hát, giống như cơ thể con người luôn thực hiện tập thể dục buổi sáng. Đương nhiên, hình thức và tiêu chí của việc tự rèn luyện giọng hát không phải chỉ là vấn đề tự luyện thanh buổi sáng, mà mỗi cấp độ sẽ có những yêu cầu chi tiết, phức tạp khác nhau. Những vấn đề rèn luyện đó phải do giảng viên chuyên môn xem xét, xác định các giai đoạn phát triển và đặc điểm của từng cá nhân để nghiêm chỉnh đưa ra quá trình luyện tập phù hợp, đúng mức… Bên cạnh đó, một số học sinh trẻ mới nhập học luôn luôn có sự ham muốn tiến bộ quá mức, nóng vội trong việc tự luyện giọng vào cả buổi sáng và buổi chiều. Họ tích cực dành nhiều thời gian luyện tập nhiều lần những nốt quá cao, khó. Những hiện tượng vi phạm nguyên tắc sư phạm như vậy cần phải được chấn chỉnh kịp thời, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng chăm chỉ không đúng mức này sẽ dẫn đến hậu quả khó lường cho giọng hát.

Tự rèn luyện giọng hát giúp người học nắm vững sự phát triển hơi thở ca hát, tính lâu bền của giọng hát, cường độ âm thanh, âm vực giọng hát, sự duy trì tính lâu lên, linh hoạt của giọng hát, có khả năng khi hát những nét lướt đẹp, thay đổi độ mạnh, nhẹ… Vì vậy, giảng viên phải quy định cụ thể các loại bài tập đối với người học.

Những bài tập không theo thứ tự, không tuần tự kế tiếp nhau, sẽ gây hại cho cơ quan phát âm của người học. Những bài tập buổi sáng mang tính kỹ thuật kéo dài từ 15-20 phút, nghỉ 2-3 phút khi chuyển thể loại. Học sinh cần nghiêm chỉnh chấp hành cách tập tuần tự, từ những bài tập luyện thanh nhỏ (quãng 3, quãng 5 của phần giữa giọng), cho tới những bài tập phức tạp (hát gam, hợp âm giải, nét lướt…), từ tốc độ chậm tới tốc độ nhanh, từ cường độ vừa phải tới âm thanh đầy đủ âm lượng, nhưng không gằn giọng, bất cứ hát bằng âm mạnh hay nhẹ đều phải có điểm tựa hơi thích hợp. Luyện tập một cách có hệ thống với phương pháp đúng đắn, có thể đạt được hiệu quả, nâng cao chất lượng về phương diện kỹ thuật, nghệ thuật. Ngoài ra, việc tự rèn luyện còn làm cho học sinh, sinh viên tin tưởng vào khả năng kỹ thuật đối với giọng hát của bản thân, trau dồi những kinh nghiệm chuyên môn cần thiết, có thể hát ở bất cứ tình trạng nào.

Ở một số cơ sở đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp, giảng viên đôi khi vẫn giữ thái độ thỏa hiệp đối với học sinh, làm cho họ chưa chú trọng tới việc tự rèn ngoài giờ học, ỷ lại vào giáo viên đệm đàn, chưa học thuộc bản nhạc, chưa suy nghĩ kỹ về nội dung tác phẩm, thậm chí còn chưa tập được giai điệu và nhịp điệu của phần thanh nhạc. Trong thực tế, có những học sinh thậm chí tập đến hai ba lần với giáo viên đệm đàn mà vẫn chưa nắm vững bài học một cách thật tốt, chất lượng bài học trở nên kém, giảng viên cũng không đưa ra những chỉ dẫn thích hợp. Điều đó đều xuất phát từ thái độ học tập của bản thân. Tuy nhiên, người học lại luôn cho rằng, nguyên nhân chính là do thày giáo chưa chú ý nhiều tới họ, chưa được chủ động trong phương pháp giảng dạy.

Có thể nói, tự rèn luyện là phương pháp tốt nhất để học sinh thanh nhạc có thể nâng cao kỹ thuật phát triển giọng hát, cần tuân theo kế hoạch giảng dạy, tập luyện những bài tập giảng viên giao. Có những học sinh chỉ đến lớp mới mở miệng hát, chỉ khi giáo viên đệm đàn mới tập tác phẩm, những trường hợp như vậy rất khó có thể phát triển sự nghiệp sau này.

Hiệu quả trong việc luyện giọng có thể được nhận biết một cách nhanh chóng, qua đó giảng viên tiếp tục cho những bài tập phù hợp hơn. Trong việc rèn luyện hàng ngày cũng có thể lựa chọn các loại bài tập không có phụ âm đứng trước nguyên âm, vì đôi khi phải phụ thuộc vào đặc điểm cá biệt của học sinh. Giảng viên phải lưu ý rằng, không để môi của học sinh có những động tác cường điệu thừa, sẽ phá vỡ sự tiến hành trôi chảy của dòng âm thanh, hơn nữa còn làm cho âm thanh không thống nhất.

Cùng với việc bồi dưỡng cho học sinh có thói quen tự rèn luyện, cần nói cho họ biết những khó khăn sẽ gặp phải, song những khó khăn đó chỉ là tạm thời. Tốc độ, thành tích của việc tự rèn luyện sẽ ngày càng được nâng cao, mang lại sự tự tin cho người học. Việc tự rèn luyện theo chỉ dẫn, kiểm tra của thày giáo là một trong những khâu quan trọng của quy trình đào tạo ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng hiện nay ý nghĩa quan trọng của công việc này vẫn chưa trở thành một trong những quy chế bắt buộc của công tác đào tạo, kết quả học tập mới chỉ là ước muốn mà thôi.

 
 
 
Biểu diễn opera của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Ảnh Văn Chung 
 

Sau đây chúng tôi xin nêu một số gợi ý có tính nguyên tắc đối với sự tự rèn luyện của học sinh, sinh viên thanh nhạc.

Một là, học sinh mới vào học năm thứ nhất trung cấp không nên có những quy định tự tập tại nhà, vì khi đó các em còn rất bỡ ngỡ trước những yêu cầu phức tạp về kỹ thuật. Đối với những học sinh mới học, thày, cô giáo chỉ cần giảng giải qua cho học sinh về âm nhạc, về tác giả của tác phẩm cho về học ở nhà, để ngay từ đầu học sinh có thể hiểu một cách tương đối những yêu cầu bước đầu để thể hiện những bài học đó.

Hai là, tư thế của cơ thể, đầu. Khi học sinh hát cần đứng thẳng, không nghiêng ngả, không chúi ra phía trước, hai vai hơi mở rộng, không căng cứng, ngực thoải mái khi hít hơi thở. Cơ thể mềm mại để khi hát không bị căng cứng ở bất cứ phần nào. Khi hát, hai tay để thoải mái, buông lỏng hoặc nắm nhẹ vào nhau. Hai tay không chống vào mạng sườn, làm như vậy sẽ gây căng cứng ở hai vai. Không để bàn tay lên gần tai để hỗ trợ khi luyện thanh. Khi hát không được đánh nhịp bằng tay. Tư thế của đầu cũng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình luyện thanh. Cần giữ tư thế đầu thoải mái, tự nhiên, thanh quản sẽ mềm mại và ổn định. Nếu khi hát ngửa đầu nhiều ra phía sau, trễ hàm dưới xuống, sẽ gây ra sự căng cứng cho thanh quản ảnh hưởng không tốt tới âm thanh.

Ba là, khẩu hình đối với việc phát âm, nhả chữ. Khi hát, khẩu hình luôn là vấn đề phức tạp, không thể đưa ra một quy chuẩn cho tất cả học sinh. Tuy nhiên, có thể nêu ra một số nguyên tắc chung như sau: nguyên âm ê, a miệng mở rộng hơn nguyên âm ô, u. Nếu âm thanh sâu, tối, nên mở miệng hơi cười, sẽ tạo âm thanh sáng hơn. Nếu mở miệng gò bó âm thanh sẽ tối, khó rõ lời… Bên cạnh đó, nếu học sinh nén hàm dưới xuống thái quá sẽ mất cảm giác cộng minh, đây là khuyết điểm nhiều giọng nam cao hay mắc phải. Môi khi hát luôn phải giữ vai trò hoạt động tích cực, nếu môi đờ đẫn, thụ động thì âm thanh sẽ bị sâu. Khi hát, môi phải mềm mại, tự nhiên, không căng cứng, không quá chúm môi. Hàm dưới luôn phải buông lỏng, không chìa ra phía trước. Tật cứng hàm là khuyết điểm những người mới học hay mắc phải, cần phải phát hiện sớm để có biện pháp sửa chữa.

Bốn là, cần hướng dẫn học sinh cách hít hơi. Hít hơi sâu qua đường mũi, như ngửi hoa, sau đó nhẹ nhàng ghìm hơi. Gặp những câu nhạc phải hít hơi nhanh, học sinh phải hít hơi qua mũi, miệng cùng một lúc để đáp ứng tốc độ của câu nhạc. Hít hơi sâu nhưng không hít thừa quá nhiều hơi. Hít hơi nhanh nhưng không có những động tác đột ngột. Hít hơi sâu, sau đó bắt đầu đếm 1-2-3…dần dần đếm tăng lên. Hít hơi sâu rồi từ từ nhưng tích cực thổi không khí ra ngoài, hoặc xì hơi qua kẽ răng, cố gắng kéo dài hơi thở. Tập hít hơi sâu, sau đó hát bài tập với âm thanh đơn giản, câu ngắn để học sinh hát không bị căng thẳng. Thời gian sau, khi đã quen dần mới tập hát các bài tập dài, phức tạp hơn.

Năm là, giờ lên lớp với thày, cô không kéo dài quá 30 phút, cần có thời gian nghỉ ngắn giữa các bài tập. Giờ học tương đối ngắn, ưu tiên tiến hành vào buổi sáng khi học sinh còn chưa mệt sẽ mang lại kết quả tốt. Ở TK XVIII, các thày giáo của trường phái thanh nhạc cổ điển Italia đã tiến hành dạy học sinh học hát mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15-20 phút.

Sáu là, tập phát triển giọng hát bằng những mẫu âm luyện thanh bắt đầu từ phần giữa của âm vực. Không được hát tới giới hạn những nốt cao và thấp nhất của giọng. Phát triển giọng hát bắt đầu bằng những bài tập không có nốt chuyển giọng, nghĩa là từ âm khu trung của giọng. Đối với những học sinh mới học, không được tập với âm thanh to quá, hoặc nhỏ quá. Hát to quá sẽ dẫn tới tật hát gằn tiếng, không chuẩn xác cao độ. Hát nhỏ quá sẽ làm âm thanh như không có hơi thở (mất điểm tựa của âm thanh). Thời gian đầu chỉ được tập hát với những mẫu âm đơn giản, ngắn, hát ở tốc độ trung bình. Cần chú ý trong thời gian tự học, học sinh nên tập trung học những bài luyện thanh (vocalise), đọc nốt nhạc nhiều lần, sau đó đọc ghép với một nguyên âm thuận lợi như âm a, ô. Học nhiều bài luyện thanh sẽ giúp cho học sinh phát triển giọng thuận lợi. Bài luyện thanh là bài hát không lời, là cầu nối giữa những bài tập luyện âm đơn thuần với các bài hát có lời, giúp học sinh luyện đọc xướng âm tốt.

Hướng dẫn học sinh, sinh viên tự rèn luyện sau những giờ lên lớp với thày, cô là một nhiệm vụ quan trọng, tuy nhiên, hiện nay nhiệm vụ này chưa được quan tâm đúng mức, chưa trở thành động lực góp phần tích cực cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Việc tự rèn luyện của học sinh thanh nhạc chỉ có thể mang lại hiệu quả khi có sự gắn kết chặt chẽ giữa lao động nghệ thuật đầy sáng tạo, cống hiến của thày, cô giáo với sự kiên trì, nghiêm túc học tập của học sinh, sinh viên.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG

;