VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG DÒNG HỌ MÔNG TRẮNG

Tổ chức dòng họ của người Mông được quản lý bằng luật tục tộc họ, được điều hành bởi những người đứng đầu dòng họ, bao gồm trưởng họ, bà cô. Những người này theo dõi, đề xuất, giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, đối nội, đối ngoại của dòng họ.

Những người có uy tín trong dòng họ người Mông

Trưởng họ là người đàn ông đứng tuổi, có phẩm chất đạo đức tốt, gia đình mẫu mực, kinh tế khá giả, am hiểu phong tục tập quán, hiểu lý lẽ, giải quyết mọi công việc vì quyền lợi chung, công bằng, được mọi người kính nể, nghe theo. Đối với người Mông trắng, việc lựa chọn trưởng họ không qua bình bầu mà thường dựa vào tố chất, việc làm của cá nhân với dòng họ. Người đảm nhiệm điều hành được các công việc chung của dòng họ, được các thành viên nhờ tư vấn các vấn đề trong đời sống. Từ sự đóng góp công sức cho tộc họ, hội đủ các điều kiện như đã nói ở trên, cá nhân đó sẽ được dòng họ suy tôn làm trưởng họ. Trưởng họ có trách nhiệm lo toan những việc chung của dòng họ, đại diện trong đối nội, đối ngoại. Khi trong dòng họ có các công việc lớn như ma chay, cưới xin, làm nhà, các lễ cúng lớn, mâu thuẫn giữa các thành viên trong họ hoặc mâu thuẫn với dòng họ khác… thì trưởng họ phải bàn bạc với các bậc cha chú thống nhất cách giải quyết. Nếu trưởng họ tự nhận thấy mình không đủ khả năng để gánh vác công việc thì có thể tự nguyện nhường lại vị trí cho người khác. Khi trưởng họ già, không làm được nữa thì phải chọn người kế tục. Trong truyền thống cũng như hiện nay, tiếng nói của trưởng họ người Mông luôn có giá trị đối với các thành viên trong dòng họ. Quyết định của trưởng họ là đại diện cho ý chí, tâm tư, nguyện vọng dòng họ.

Người cầm quyền ma, quyền khách là người am hiểu tường tận nghi lễ, cách thức làm ma, trực tiếp phụ trách những phần việc liên quan đến tín ngưỡng của họ mình. Họ được coi như một cố vấn của trưởng họ trong việc quyết định những hành động liên quan đến đối ngoại. Những người này không phải do bầu lên, cũng không bị phế bỏ, có thể cha truyền con nối. Có thể nói, nếu coi trưởng họ là người đảm nhận chức năng hành chính thì người cầm quyền ma, quyền khách chính là người đảm nhận chức năng tín ngưỡng của dòng họ. Khi dòng họ, các hộ gia đình trong họ tộc tổ chức nghi lễ thì người cầm quyền ma, quyền khách với vai trò là người trực tiếp thực hành tín ngưỡng, các tập tục liên quan đến tín ngưỡng phải đến làm lễ. Xuất phát từ vị trí của những người này trong tổ chức dòng họ, chúng ta có thể nhận định rằng đây là người có vai trò quan trọng nhất trong việc bảo tồn tín ngưỡng người Mông. Việc duy trì, thực hành tín ngưỡng tộc người là cơ sở để tránh sự xâm nhập của các tà đạo, đạo lạ, đạo trái pháp luật. Vì vậy các cơ quan quản lý cần tranh thủ vai trò của thành phần này.

Bà cô là chị hoặc em gái của thế hệ cha chú trong họ (thuộc cành trên), tháo vát, giỏi giao tiếp, có đời sống gia đình hạnh phúc, khá giả. Bà cô cũng không do bầu chọn, dựa vào tố chất nổi trội hơn của các chị em bên bố mà hội đồng người già trong dòng họ suy tôn. Bà cô có trách nhiệm giám sát mọi thành viên trong việc thực hiện các quy định liên quan đến luật tục của dòng họ. Đồng thời, bà có quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến phong tục tập quán của dòng họ, mọi tập tục muốn cai hoặc mở đều phải mời bà cô về chửi qua, người trong dòng họ vi phạm, làm sai phong tục muốn sửa lại đều phải nhờ đến bà cô. Dòng họ muốn thay đổi tập tục phải thông qua một đám ma, cử người đi mời bà cô về. Bà cô sẽ được trưởng họ, hội đồng người già mời họp bàn việc thay đổi tập quán, bàn xem nên chửi qua như thế nào, sau khi thống nhất xong, bà sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình thông qua hai lần chửi qua. Lần thứ nhất là chửi qua tại đám ma tươi, khi chuẩn bị đưa người chết đi phơi nắng, bà cô sẽ quét bằng cách tung các hạt rau rền, tam giác mạch, ngô được trộn lẫn với sỏi đá đựng trong cái giỏ quét từ bếp lò ra bãi phơi nắng. Đến ngã ba, bà cô đi sau cùng, vừa tung vừa chửi cái đen đủi, cái yếu, cái không tốt mà dòng dọ gặp phải, căn dặn phải thay đổi tục này, tục kia. Lần thứ hai là chửi qua tại đám ma khô, khi rước hình nộm người chết giả từ nhà ra ngã ba, bà cô tiếp tục quét các hạt như lần trước từ nhà ra đến ngã ba. Sau lần này cả họ phải nghe lời bà cô thay đổi tập tục. Bà cô sẽ được hộ gia đình nhà đám trả công bằng bạc trắng, tùy điều kiện gia đình.

Bậc cha chú là hội đồng những người cao tuổi trong dòng họ, thường là những người có độ tuổi ngoài 50 trở đi, là những người đã được đặt tên già (lễ thay đổi tên đệm), am hiểu phong tục tập quán. Hầu hết các công việc lớn trong dòng họ trước khi trưởng họ đưa ra quyết định đều phải thông qua ý kiến của hội đồng người cao tuổi, điều này thể hiện tính cộng đồng rất bền chặt của dòng họ người Mông. Ý kiến của hội đồng người cao tuổi là ý chí của cả họ, trưởng họ phải nghe theo, đại diện thực hiện.

Ông cậu là anh hoặc em trai của mẹ, cũng được chọn giống như bà cô, là người có phẩm chất đạo đức tốt, biết giao tiếp, am hiểu phong tục tập quán, được hội đồng người già trong họ nhất trí chọn lựa. Đây là người chủ yếu có vai trò trong đám cưới cháu gái, từ khi cháu gái được người ta hỏi rồi cưới, ông đều được mời tham gia trong thành phần chính của nhà gái để bàn về sính lễ thách cưới, thời gian cưới, cách thức tổ chức cưới... Ông cậu là người dặn dò cháu gái mọi điều trước khi về nhà chồng. Trong đám cưới người này có quà tặng cháu gái, làm chủ trì đám cưới, thay mặt nhà gái đưa cháu về nhà chồng. Vì có trách nhiệm như vậy nên khi cưới cháu gái, ông cậu sẽ được nhận một phần quà của nhà trai biếu tặng. Ông cũng là người tham gia trong việc dạy bảo các cháu trai trở thành người có nhân cách, tôn trọng phong tục, để trở thành chàng rể tốt.

Thày cúng của người Mông gồm hai kiểu: thày cúng bói, trừ ma tà, chữa bệnh; thày cúng nghi lễ tang ma.

Thày cúng chữa bệnh là người hành nghề hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đôi khi làm cả thày thuốc, cúng chữa bệnh. Người làm nghề này phải có bàn thờ ma riêng, trước khi đi làm lễ cúng ở bất cứ đâu, thày phải thắp hương xin phép. Đồ nghề của thày gồm một vòng tròn sắt để làm phép, cây sáo, quẩy tấu hoặc chiếc túi vải dài đựng đồ cúng, quanh nhà thày trồng nhiều cây mận, cây đào để xua đuổi ma tà, làm tăng thêm quyền phép.

Người Mông có rất nhiều người biết làm thày cúng trị tà ma, nhưng không phải ai cũng biết cúng tìm ra ma, trừ ma, chữa bệnh. Những người hành nghề này thường hay nói rằng đồ nghề cúng của mình do nhặt được hoặc tự thấy có trong nhà, để tăng thêm tính thiêng và đồng thời ngụ ý rằng mình có số phận làm nghề.

Công tác phát huy vai trò của người có uy tín

Công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện từ rất lâu. Đặc biệt từ khi có các chính sách về công tác phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc thì công tác người có uy tín chính thức trở thành chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, dân tộc, tôn giáo trở thành vấn đề nóng của thời đại. Các thế lực thù địch triệt để thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, thâm nhập vào vùng đồng bào dân tộc, nhất là vùng người Mông; lợi dụng tâm lý, lịch sử dân tộc, điều kiện kinh tế khó khăn, sự cả tin, thiếu hiểu biết của một bộ phận đồng bào, xúi giục họ di cư tự do, theo đạo trái phép, mưu đồ xây dựng vương quốc Mông, gây mất đoàn kết, chia rẽ dân tộc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Trước bối cảnh đó, công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong các dân tộc thiểu số nói chung, người Mông nói riêng càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên để việc tranh thủ phát huy hiệu quả, các cơ quan quản lý cần nắm rõ tổ chức dòng họ của từng nhóm dân tộc Mông, đặc biệt là vị trí của từng người có uy tín trong dòng họ, bởi giữa các nhóm Mông sẽ có những điểm khác biệt.

Đối với nhóm Mông trắng, nhiều ý kiến cho rằng vai trò của trưởng họ là quan trọng nhất. Song tư liệu điền dã chỉ ra rằng vai trò của bà cô là quan trọng hơn cả, mặc dù về mặt hình thức thì khi đã thống nhất ý kiến, trưởng họ sẽ thay mặt mọi người đưa ra lời phán quyết cuối cùng. Hơn nữa, do đã phân công rành mạch, nên trưởng họ là người lo giải quyết các công việc bình thường, trực tiếp hàng ngày, còn việc liên quan đến tinh thần linh thiêng nhất của dòng họ, tôn giáo, tín ngưỡng, các việc đối ngoại khác hoàn toàn do người cầm quyền ma, quyền khách đảm nhiệm. Vai trò của bà cô là người có thể quyết định thay thế hoặc cải biến một tập quán dù đã lâu đời; khi xét thấy không còn phù hợp với họ hàng nữa thì bà cô làm lễ quyết định thay đổi, nhất là trong tang ma. Qua cung cách làm việc của bộ máy tự quản dòng họ, có thể thấy toát lên tính chất bình đẳng tương đối, nhờ sự thống nhất ý kiến của cả ba người có vai vế, sự nghiêm ngặt của các luật tục với những quy định về quyền lợi, nghĩa vụ một cách rành mạch. Trong sinh hoạt nói chung, hình thức hội họp nói riêng, người Mông phải hoàn thiện cùng một lúc nhiều vai trò trong một con người, vừa là thành viên của xã hội (quốc gia, tỉnh), vừa là thành viên của cộng đồng (làng, bản), vừa là thành viên của tộc họ trước các tộc họ khác (làng nhiều dòng họ, trong họ tộc mình), vừa là thành viên của gia đình nhỏ. Trong cái thế giới đa vai trò đó, vai trò thành viên dòng họ vẫn là quan trọng nhất, có sức níu kéo. Người thuộc dòng họ cư trú đến đâu, thì lề luật được phổ biến tới đó. Do đó, có thể nói rằng ở người Mông, sự ràng buộc, liên kết của dòng họ, những người cùng tổ tiên, cùng ma đã vượt lên ranh giới về chính trị, địa lý, lãnh thổ quốc gia.

Như vậy, mặc dù vị thế của người phụ nữ Mông trong xã hội còn thấp, nhưng trong nội bộ dòng họ thì bà cô vẫn là một người phụ nữ có vị trí đặc biệt, đầy quyền lực. Đây chính là người ra quyết định giải quyết nhiều vấn đề lớn trong tộc họ. Do vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có nhiều người Mông trắng cư trú, khi lập danh sách người có uy tín cần hết sức lưu ý đến những người này.

Mặt khác, để người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội phát huy vai trò, khả năng của mình, cần tạo môi trường, điều kiện cho họ tham gia vào các tổ chức Đảng, đoàn thể, hội ở địa phương, để họ sẽ trực tiếp giải quyết các công việc trong cộng đồng. Qua đó, người có uy tín phát huy được sức ảnh hưởng của mình giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đối với vùng đồng bào dân tộc Mông, cần tranh thủ lực lượng người có uy tín trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; cải tạo một số nghi thức, tập tục còn nhiều hạn chế trong cưới xin như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tập tục trong tang lễ như làm ma kéo dài ngày gây mất vệ sinh, giết mổ nhiều gia súc rất tốn kém; góp phần thực hiện có hiệu quả việc xây dựng nếp sống văn hóa mới khu dân cư, thực hiện quy ước trong cộng đồng. Đồng thời, việc người có uy tín duy trì các sinh hoạt tâm linh truyền thống phù hợp sẽ đẩy lùi các hiện tượng trái pháp luật, chống việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, góp phần giữ gìn trật tự an ninh chính trị, xã hội vùng đồng bào Mông.

Lực lượng người có uy tín trong dòng họ người Mông có ảnh hưởng trên khắp các lĩnh vực, từ đời sống thường ngày cho đến các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh; duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người hay loại bỏ các tập tục đã lỗi thời... đều do người có uy tín quyết định. Các địa phương nơi có người Mông cư trú, để làm tốt công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cần phải tranh thủ được lực lượng người có uy tín trong các dòng tộc. Họ cũng chính là cánh tay nối dài, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : SẦM THỊ DƯƠNG

;