Hiện vật trưng bày của bảo tàng là hình thức trưng bày trong không gian vật lý truyền thống từ xưa đến nay. Ở Việt Nam, có rất nhiều bảo tàng, và các bảo tàng đó vẫn chỉ dừng lại ở việc trưng bày theo kiểu truyền thống, không đồng đều, nghèo nàn về hiện vật, đơn điệu về hình thức. Bài viết dưới đây sẽ phân tích một cách cụ thể hơn những bất cập của cách trưng bày hiện vật truyền thống trong việc thu hút công chúng đến với bảo tàng. Bên cạnh đó, như một đối sánh, chúng tôi muốn đề cập đến cách trưng bày hiện vật trong không gian số (không gian ảo) và sự tiện nghi cho việc giao tiếp giữa bảo tàng với công chúng, hay nói đúng hơn là sự tiếp cận của bảo tàng với xã hội và ngược lại, vai trò quan trọng của xã hội đối với bảo tàng.
Việc số hóa bảo tàng trên thế giới và ở Việt Nam
Năm 1995, học giả Mỹ Negroponte cho ra đời cuốn sách tiêu đề Being Digital, có nội dung: nhân loại sẽ tồn tại trong một không gian kỹ thuật số, nói cách khác là không gian ảo. Trong không gian này là những ứng dụng của công nghệ kỹ thuật số (CNKTS) có chức năng phổ biến thông tin, trao đổi, học tập, công việc và các hoạt động khác. Trong TK XX, rất nhiều CNKTS (internet, liên mạng nội bộ, công nghệ điện toán đám mây...) ra đời. Con người bắt đầu sống, học tập, phát triển và sử dụng thiết bị công nghệ theo một cách hoàn toàn mới trong không gian kỹ thuật số. Bây giờ, với việc tích hợp thêm công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông kỹ thuật số thì CNKTS đã, đang và sẽ thâm nhập sâu rộng vào mọi khía cạnh của đời sống con người, tiếp tục tạo ra nhiều phép lạ mới, sản xuất sáng tạo văn hóa, sự ra đời của một định dạng văn hóa mới, làm thay đổi cách sống, quan niệm văn hóa và thẩm mỹ của người dân.
Trên cơ sở đó, trưng bày số hóa (trưng bày hiện vật ảo) trong các bảo tàng là một nhu cầu cấp thiết, nếu không muốn hoạt động bảo tàng của mình bị tụt hậu. CNKTS có những ảnh hưởng lớn trong các dự án ở nhiều nước. Có thể lấy một số ví dụ: Thư viện Quốc hội Mỹ (American Memory) là dự án dữ liệu số hóa được xây dựng năm 1990 (1); mạng thông tin Di sản Canada (Canadian Heritage Information Network, CHIN) ra mắt Bảo tàng ảo Canada (VMC, Virtual Museum of Canada) năm 2001 (2); năm 1995, Nhật Bản ra mắt Bảo tàng kỹ thuật số Toàn cầu (Global Digital Museum); Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc cũng xây dựng mạng lưới kỹ thuật số một cách đồng bộ thông qua những bộ sưu tập quan trọng được số hóa dữ liệu như Đôn Hoàng Digital, Tử Cấm Thành Digital (3).
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, mở cửa tiếp xúc văn hóa mạnh mẽ hơn, nhiều bảo tàng cũng đã có phần nhạy bén manh nha tìm ra những con đường khác để hiện vật trưng bày và tư liệu có nhiều cơ hội tiếp cận với công chúng. Một số bảo tàng ở Việt Nam bắt đầu để ý đến việc số hóa, trước tiên là tài liệu, sau là hiện vật thành hình ảnh 3D.
Tháng 1 - 2005, Bảo tàng Dân tộc học là một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam thực hiện số hóa trong việc lưu trữ và tuyên truyền quảng bá tới công chúng nhưng cũng mới dừng lại ở mức thử nghiệm. Từ năm 2013, bảo tàng ảo, tương tác 3D đầu tiên đã được ứng dụng để giới thiệu trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam (4) và Đèn cổ Việt Nam, thu hút được nhiều công chúng quan tâm bởi các dự án này đã đưa ra nhiều hướng tiếp cận hiện vật mới mẻ, tiện lợi.
Riêng về việc số hóa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện việc này và đã tạo điều kiện cho công chúng không có điều kiện đến với bảo tàng nhưng thông qua mạng internet, có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Tuy nhiên về tổng thể, việc số hóa vẫn còn quá xa lạ đối với các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay và nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn một khoảng cách khá lớn. Rất ít các bảo tàng thực hiện số hóa hoặc chưa hiểu rõ khái niệm của bảo tàng ảo nên không thể thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn của bảo tàng kỹ thuật số.
Vai trò xã hội của việc số hóa bảo tàng
Lợi ích lớn nhất của việc số hóa bảo tàng là có thể thực hiện, thay thế một loạt dịch vụ về bảo tàng thực tế, thời gian và không gian có thể mở rộng hơn nhiều trong chiều không gian ảo và việc tiếp cận trực tiếp của công chúng với các dịch vụ công cộng mà bảo tàng đưa ra, góp phần giáo dục văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ, đưa lại nhiều lợi ích khác cho công chúng. Bảo tàng Nghệ thuật Hồ Bắc (Trung Quốc) đã tạo ra “bảo tàng mỹ thuật trên điện thoại di động” nhân triển lãm định kỳ Tam niên sơn mài quốc tế (năm 2010) (5) và các triển lãm khác. Để việc này được thực hiện, nhà tổ chức đã cùng tập đoàn China Mobile Communications Group Co, Ltd tạo ra dịch vụ thông tin để giúp công chúng tiếp cận trực tiếp với triển lãm thông qua điện thoại. Nó cũng cho phép người xem sử dụng các thiết bị di động thông minh để dễ dàng tìm hiểu về tổ chức triển lãm, tác phẩm, nghệ sĩ và thông tin khác. Ngoài ra, người quan tâm còn có thể đăng ký triển lãm, tham dự triển lãm, hội thảo và các sự kiện khác, có thể bỏ phiếu bầu chọn cho tác phẩm mình yêu thích... Các dịch vụ tin nhắn SMS, tin tức cập nhật thường xuyên, tin tư vấn hoạt động và các kênh khác, đã được ứng dụng. Theo phương diện khác, tác phẩm mỹ thuật trưng bày được hiển thị, lưu giữ bằng công nghệ kỹ thuật số trong một trang web để phổ biến thông tin. Triển lãm mỹ thuật của bảo tàng được cập nhật thông tin cụ thể, có thể vĩnh viễn lưu lại tất cả các tác phẩm của triển lãm, làm cho bất kỳ triển lãm mỹ thuật nào của bảo tàng cũng không bao giờ kết thúc. Sự giao tiếp của bảo tàng và công chúng bằng các phương tiện internet, các ứng dụng và có sự điều chỉnh bất cứ lúc nào khi cập nhật thông tin liên quan, cho phép các bảo tàng tĩnh thành một bảo tàng di động. Trong quá trình này, công chúng có thể tương tác, góp ý cho triển lãm hay việc trưng bày của bảo tàng thêm hợp lý. Hơn nữa, thông qua điện thoại di động, máy tính bảng và thiết bị đầu cuối di động thông minh khác, công chúng cũng có thể sử dụng hệ thống định vị toàn cầu để có được vị trí xung quanh phòng trưng bày như: phân bố vị trí, kích thước triển lãm, các bộ sưu tập, thông tin tác phẩm tại triển lãm, thông tin toàn diện khác. Tất cả những điều kiện này chỉ ra rằng so với các triển lãm, trưng bày truyền thống thì trưng bày, triển lãm kỹ thuật số dễ dàng tiếp cận với công chúng hơn, đáp ứng quyền tự tìm hiểu, tham khảo, học tập cho công chúng. Hơn nữa, đây là điều kiện phải có cho sự phát triển tương lai, sẽ đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần và đủ cho việc phổ cập tri thức nghệ thuật cũng như sự tương tác về chuyên môn giữa công chúng với bảo tàng, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao về đời sống văn hóa của nhân dân.
Vai trò của truyền thông - thông tin kỹ thuật số đang làm thay đổi tất cả các mối quan hệ trong xã hội, thay đổi sự tương tác, tiếp xúc, giao lưu giữa công chúng với bảo tàng. Liên quan đến điều này, việc phổ biến thông tin của bảo tàng và phát huy các mô hình mới là sự định hướng quan trọng trong mô hình tuyên truyền đa hướng để thay thế kiểu tuyên truyền truyền thống. Đó là bảo tàng ảo, thông tin của các bộ sưu tập, hoạt động xúc tiến... sẽ không chỉ được đăng bởi các poster chính thức và công bố trên các phương tiện truyền thông, nhưng để có được càng nhiều thông tin một cách nhanh chóng thì các phương tiện truyền thông xã hội như internet đã trở thành người phổ biến thông tin nhanh nhất.
Trong thực tế, việc xây dựng bảo tàng kỹ thuật số cũng có thể giúp các nhà đào tạo chuyên ngành bảo tàng một cách hiệu quả nhất trong việc đưa phương pháp đào tạo đến trực tiếp học viên, mở rộng phạm vi cũng như đối tượng đào tạo, rút ngắn mọi khoảng cách giữa học viên và đối tượng đào tạo, giữa nghệ thuật và công chúng. Như vậy, tất cả công chúng cũng như bảo tàng, không còn phải lo lắng về việc mất thời gian, vị trí cố định... vì với bảo tàng kỹ thuật số, mọi chức năng đã đáp ứng các nhu cầu từ cao đến thấp cho người xem chỉ cần thông qua một phương tiện cầm tay như smartphone, máy tính bảng…
Việc thành lập các bộ sưu tập, nghiên cứu và triển lãm cho bảo tàng kỹ thuật số cũng là một lợi ích lớn. Trước hết, với các bộ sưu tập hiện vật được số hóa người ta có thể nén lại để không gian lưu trữ được rộng hơn, mặt khác cũng có thể làm cho các thông tin của bộ sưu tập được sử dụng nhiều lần. Quan trọng hơn, với sự hỗ trợ của internet, tài liệu, hình ảnh có thể liên thông, trao đổi với tất cả bảo tàng trên toàn cầu, có thể được hệ thống, định lượng bằng con số để kết nối và chia sẻ dữ liệu trên nền tảng kỹ thuật số mở. Tất cả các dữ liệu hình ảnh trong bối cảnh này, có độ phân giải siêu chính xác, thậm chí cho phép các nhà nghiên cứu nhìn rõ ràng các đường vân, bút pháp, đường nét, các lớp màu… của một bức tranh, cung cấp thông tin mới, nhanh nhất. Chia sẻ dữ liệu số hóa có sự khác biệt rất lớn so với cách nghiên cứu truyền thống. Trước đây, theo cách truyền thống thì tất cả những hiện vật, dữ liệu được ban hành từ cấp trên xuống nên bị hạn chế, nhưng bây giờ trên nền tảng kỹ thuật số, dữ liệu được chia sẻ rộng rãi, nên công chúng có sự lựa chọn đa chiều theo ý cá nhân. Điều này tạo thuận lợi hơn cho việc thúc đẩy các nghiên cứu chuyên sâu về lý thuyết nghệ thuật. Ví dụ, nếu một nhà nghiên cứu quan tâm tới tác phẩm, sự nghiệp của họa sĩ Pablo Picasso, sẽ phải thu thập tư liệu ở bộ sưu tập nghệ thuật kỹ thuật số trong phòng trưng bày nghệ thuật của Picasso khắp thế giới để hiểu chi tiết các bộ sưu tập Picasso, cũng như các bảo tàng để thu thập tài liệu nghiên cứu. Nhưng với sự trợ giúp của công nghệ số hóa, người nghiên cứu có thể tiết kiệm được thời gian, tài chính cho việc đi lại nếu họ có thiết bị đầu cuối của kỹ thuật số.
CNKTS là một hệ thống thống nhất có độ mở tối đa trong sự giao lưu toàn cầu thông qua các thiết bị số, vì thế nên nhiều quốc gia đã nắm bắt cơ hội này để xây dựng những phòng trưng bày nghệ thuật kỹ thuật số, sử dụng khoa học công nghệ cao, nâng cao khả năng độc lập để mở rộng giao lưu, tiếp xúc giữa công chúng với bảo tàng, bù đắp cho những khoảng trống, thiếu sót của bảo tàng truyền thống. Vì vậy, việc số hóa bảo tàng có thể đóng góp nhiều hơn cho lợi ích xã hội trong việc giới thiệu, phổ cập kiến thức, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật, các hiện vật cũng như các hội thảo, thảo luận, các triển lãm, các buổi nói chuyện với công chúng. Ngược lại, bảo tàng số cũng sẽ nhận được sự tiếp cận trao đổi, giao lưu, tiếp xúc tốt hơn từ công chúng góp phần xây dựng bảo tàng thông qua sự góp ý, đóng góp hiện vật ảo cho bảo tàng...
Đó chính là những gì hiện đại nhất để tác phẩm nghệ thuật, hiện vật cổ xưa đến được với công chúng và công chúng đến được với bảo tàng mà nhiều nước trên thế giới đã làm. Việt Nam cũng đang bắt đầu để ý tới, bởi việc số hóa bảo tàng là nhu cầu cần thiết trong xã hội hiện đại. Đó chính là lợi ích và vai trò xã hội của việc số hóa bảo tàng.
_____________
1. American Memory là một kho lưu trữ dữ liệu hình ảnh, âm thanh, video và các nội dung dữ liệu văn bản trên internet, được xây dựng bởi Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (Library of Congress) vào ngày 13 - 10 - 1994. Dự án này là một chương trình số hóa, bắt đầu được thí điểm vào năm 1990, với một kho dữ liệu khổng lồ bao gồm phim, ảnh, video, ghi âm, sách, hình ảnh được số hóa. Năm 1993, chương trình đã thí điểm tập trung cung cấp các tài liệu được số hóa bằng đường truyền của internet.
2. Bảo tàng ảo này có một thư mục với trên 3.000 tổ chức di sản của Canada và một cơ sở dữ liệu có hơn 600 hiện vật ảo, VMC là một trung tâm tập hợp các bảo tàng của Canada bất kể quy mô, kích thước và vị trí địa lý.
3. e-dunhuang.com và dpm.org.cn
4. Bảo tàng ảo 3D được đánh giá là một bước đột phá trong hoạt động bảo tàng ở Việt Nam, là một cách tiếp cận mới, giúp thu hút người xem đến với những hoạt động của bảo tàng. Hơn 150 hiện vật thuộc hai khu trưng bày Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam của bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã được tái hiện một cách sinh động và gần gũi. Bên cạnh đó, với những thông tin cô đọng, súc tích về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại qua từng thời kỳ, đã phần nào giúp người xem hiểu rõ hơn về giá trị của từng hiện vật được trưng bày.
5. Hồ Bắc là nơi phát triển bậc nhất của nghệ thuật sơn mài Trung Quốc, các nhà khảo cổ đã khai quật được ở đây rất nhiều hiện vật bằng sơn mài. Nhằm quảng bá di sản văn hóa sơn mài, China Mobile Communications Group Co, Ltd Hồ Bắc và bảo tàng Nghệ thuật Hồ Bắc đã hỗ trợ để cung cấp đầy đủ các thông tin và đồng tài trợ sự kiện này, với sự tham gia của 41 tác giả xuất sắc của 7 quốc gia. Theo itelecominfo.com.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016
Tác giả : LÊ BÁ THANH