MỘT SỐ LỆ THỨC TRONG TANG LỄ NGƯỜI TÀY Ở HUYỆN BẠCH THÔNG, BẮC CẠN

Người Tày là tộc người có dân số đông nhất ở huyện Bạch Thông, Bắc Cạn. Người Tày ở Bạch Thông có tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các giá trị tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa của tộc người Tày ở Bạch Thông đang dần mai một. Đối với văn hóa tộc người, nghi lễ, lễ hội luôn là rào chắn tốt nhất để bảo vệ bản sắc văn hóa, giữ gìn phong tục tập quán, nếp sống tốt đẹp của cộng đồng. Trong đó, tôn giáo, tín ngưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh, có vai trò chi phối tâm tư tình cảm của người Tày. Văn hóa tâm linh của người Tày là tín ngưỡng văn hóa dân gian được xây dựng trên quan niệm linh hồn, vạn vật hữu linh, nằm trong văn hóa truyền thống đa dạng, độc đáo, đậm nét bản sắc dân tộc.


Tang ma là một hiện tượng văn hóa tâm linh, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của tộc người Tày. Ở đó ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa trong quan hệ gia đình, dòng tộc, cộng đồng, biểu hiện niềm tin về tôn giáo, tín ngưỡng của một cộng đồng. Các nghi lễ liên quan đến vòng đời của người Tày ở Bạch Thông từ khi sinh ra, trưởng thành, lên lão, chết đi được diễn ra một cách trang trọng, mang đậm tính nhân văn cao cả. Tang ma là lễ thức cuối cùng trong chu kỳ cuộc đời của một con người trên cõi trần gian, để bước sang một thế giới mới mà dân gian Tày thường gọi là mường trời, một thế giới siêu thực, huyền bí, nhưng lại ăn sâu vào trong tâm thức của đồng bào, trở thành những tập tục truyền thống, chi phối đời sống xã hội của đồng bào một cách lâu dài, bền bỉ, thậm chí trở thành những ràng buộc với cộng đồng tộc người.

Nghi lễ trong tang ma thể hiện quy tắc ứng xử giữa các cá nhân trong gia đình, dòng tộc với cộng đồng thôn bản. Thế ứng xử đó tạo nên mối giao ước, những quy tắc không chỉ liên quan đến người chết, mà ràng buộc người sống với nhau, buộc con người phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với dòng họ, cộng đồng thôn bản.

Tục con trai đeo dao, túc trực bên linh cữu người bố hoặc mẹ quy tiên

Nguồn gốc từ chuyện người con trai ở thủa hồng hoang đi chăn trâu ngoài bãi, thấy một con trâu cứ lăn lộn, vật vã mãi mới đẻ được con nghé ra đời. Về nhà, người con trai kể chuyện con trâu đẻ khổ sở cho mẹ nghe, người mẹ ôm con vào lòng rầu rĩ nói: “Con thấy đấy, trâu đẻ đã khổ sở đến như vậy, con người đẻ còn vật vã đau đớn hơn thế con ạ, ấy vậy mà khi chết lại bị người ta đến sẻ thịt người mẹ thân thương của mình”. Nghe vậy, người con trai khóc nấc lên đau khổ, rồi thề nguyền với mẹ: “Mẹ ơi. Dù sau này mẹ có chết, con sẽ không cho ai đến ăn thịt mẹ, con sẽ đeo dao túc trực bên mẹ, không cho họ đụng đến xác mẹ”. Từ đấy mỗi khi trong bản có ai chết, người con trai ấy vẫn theo hàng xóm lấy thịt đem về nhà, nhưng không ăn, chỉ treo trên gác bếp, tích mãi đã có mấy quây thịt hong khô. Rồi vào một ngày người mẹ qua đời, làng xóm biết tin liền mang dao kéo nhau đến chia phần. Người con trai đeo một con dao bên mình, thành tâm nói với mọi người: “Mẹ tôi mang nặng đẻ đau mới sinh ra tôi, lại vất vả, lam lũ, nhọc nhằn nuôi nấng tôi khôn lớn thành người, tôi không cho ai đụng vào mẹ tôi. Những năm qua tôi có đi theo bà con lấy thịt đem về, tôi không ăn, vì đó là thịt người thân của bà con hàng xóm, không khác gì thịt mẹ của tôi, tôi vẫn để trên gác bếp, mong bà con thương tôi hãy ở lại ăn cơm cùng chia sẻ nỗi buồn mất mẹ với tôi, thịt khô không đủ tôi sẽ thịt lợn vừa để tế lễ mẹ tôi, tôi xin bái lạy trăm sự nhờ bà con đưa mẹ tôi đi chôn, lập mộ để tôi thờ phụng suốt đời, báo đáp công ơn người mẹ thân thương của tôi”.

Do đó, ngày nay mới có tục đeo dao túc trực bên vong linh người quá cố, có mổ lợn tế lễ, có bà con đến thăm viếng chia buồn, giúp việc, cũng từ đấy mới có mộ chí, có tảo mộ, tết thanh minh hàng năm.

Tục chống gậy, đội đầu hình dế nội, hình phễu úp, thắt lưng bẹ lá chuối khô

Đây là những biểu hiện trở thành tục lệ. Tang gia có bao nhiêu người đội hình dế nồi úp tức là có bấy nhiêu con trai, hoặc có bao nhiêu người đội phễu liền với hai dải vải trắng buông thõng sau lưng thì đó là con gái, con dâu của người quá cố, qua đó cũng phân biệt được ai là con gái, ai là con dâu, nhìn hai dải khuốt buông sau lưng thì rõ.

Là con gái: nếu tang này là cả bố, mẹ đều mất (tức mẹ mất từ trước, nay bố mới mất hoặc ngược lại) thì dải khuốt sẽ ngắn bằng nhau. Nhưng với tang này là mẹ mất, bố vẫn còn sống thì dải khuốt bên trái ngắn, dải bên phải dài hơn. Hoặc tang này là bố mất, còn mẹ thì dải khuốt bên phải ngắn, bên trái vẫn dài nguyên (nữ trái, nam phải).

Là con dâu: cũng đội khuốt, nhưng để dải dài, ngắn lại tùy thuộc vào bố, mẹ mình mất, còn, trước, sau ra sao mà vận dụng (nếu còn cả thì vẫn để hai dải khuốt dài như nhau), không theo đối tượng bố mẹ nhà chồng.

 
 
 
Cây nêu và đồ mã trong đám ma của người Tày, tỉnh Bắc Cạn
Ảnh tư liệu 
 

Tục con trai, con gái, con dâu thắt lưng bằng bẹ chuối khô: bẹ chuối tượng trưng cho dây nhau, nói lên đây là anh em ruột, cùng chung một dây nhau của người mẹ, là con cái đích thực của người quá cố.

Tục con trai chống gậy phục tang: Chiếc gậy không khác gì một thứ vũ khí góp sức cùng con dao nhọn để bảo vệ thi thể người quá cố; đồng thời việc chống gậy còn mang một ẩn ý sâu xa, nghĩa là từ nay cho đến khi già khọm, dù có phải còng lưng chống gậy mà bước, đã là đạo làm con thì không bao giờ quên công ơn của cha mẹ. Nhìn qua chiếc gậy của người con trai chống phục tang, có cuốn giấy bản cắt khía, dán từ dưới trở lên bằng 7 nắm tang tức là tang bố, nếu 9 nắm là tang mẹ (nam thất, nữ cửu).

Tục ăn chay, dùng lá chuối thay bát ăn cơm trong những ngày phục tang bố hoặc mẹ quá cố

 Khi phát tang cha hoặc mẹ, con, cháu chỉ ăn cơm rau xanh, rau quả, củ, lạc rang hoặc đậu phụ, trứng luộc chấm nước muối, nước mắm. Tục này cũng khởi nguồn từ người con trai thời hồng hoang, cho rằng nếu ăn cơm thịt cùng bà con không khác gì ăn thịt mẹ của mình sẽ là đứa con có tội, bất hiếu, thất đức. Đã dành cho bà con ăn cơm thịt còn chứa một hàm ý là để tạ ơn bà con hàng xóm đã có lòng thương đến chia buồn, giúp đỡ, tâm tình, đưa linh cữu người thân đến nơi yên nghỉ nguyên vẹn.

Lễ thức đền ơn đáp nghĩa đối với người quá cố

Trường hợp chỉ có một con trai, thì người con trai ấy khom lưng hoặc quỳ cõng bài vị trên lưng thay vì cõng người quá cố để trả ơn nghĩa; nếu có nhiều con trai thì từng đôi một thay nhau khiêng bài vị, khom lưng, chống gậy; họ hàng theo sau đi vòng quanh linh cữu theo lời xướng của thày tào, biểu thị trả ơn cao của người quá cố đã có công sinh thành, lam lũ nuôi con vất vả. Đây cũng là một hình thức khuyên răn người đời phải biết đối xử trọn nghĩa trọn tình với bố mẹ lúc còn sống.

Lễ thức cấp nhà cửa, đồ ăn, vật dùng cho người quá cố

Người Tày Bạch Thông gọi lễ thức này là mại xe, tức mua nhà lườn xe, nhà táng để cấp cho người đi sang thế giới bên kia an cư, lập nghiệp. Lễ thức mại xe cần một bản khế xe có kê biên nhà cửa, các thứ tài sản vật dùng, gia cầm, gia súc được cấp, có đóng triện đỏ của thày tào, dán vào cạnh nhà táng, đốt giao nộp cho người quá cố ở nơi mộ phần.

Nghi thức tế lễ ngày đưa tang

Tế lễ là nghi thức quan trọng nhất, thày tào được người cao tuổi, người am hiểu dòng dõi nội tộc, họ hàng tang gia cung cấp một danh sách tên họ từng người, trình tự từ bề trên đến các cháu chắt nội ngoại để viết vào bản văn tế. Khi khởi lễ, con cháu, thân họ tề tựu trước vong linh, nghe thày tào xướng bài văn có đọc tên anh em, họ hàng nội ngoại đến tế lễ trình diện trước vong hồn người quá cố. Đây là lễ chung của họ hàng, có các lễ vật như: một con lợn mổ sạch, đặt úp, quay đầu về phía linh cữu, các mâm bánh. Ngoài ra còn các lễ riêng lẻ của những chàng rể, trong lễ này cũng có cúng lớn, có cây hoa của con gái. Sau đó tới các đoàn, thông gia, chính quyền, bà con, sở tại…vào lễ, có gạo rượu, hoa quả, bánh kẹo, tiền phúng viếng.

Tục con cái quỳ lót đường lúc xuất vong để khiêng linh cữu đi qua

Xuất phát từ hình ảnh cảm kích, lâm ly nhất trong phút chót đưa người thân ra khỏi nhà, không bao giờ được gặp lại nữa, với những tiếng khóc than nức nở, gào thét vật vã, đến nỗi không thể bước tiếp được nữa mà gục người xuống, bò đi. Từ đấy trở thành lệ lót đường, mang ý nghĩa cõng người thân về chốn vĩnh hằng.

Lễ dâng rượu, vĩnh biệt người quá cố về nơi yên nghỉ cuối cùng

Khi linh cữu đã chuyển ra sân, nhà táng được buộc chặt vào khung, có ba mâm cỗ, con cái, họ hàng ngồi trước vong linh để thày tào làm lễ tế cơm lần chót để người quá cố ăn cho chắc dạ, có thêm sức khỏe lên đường về nội tục với tổ tiên. Trong đó có dâng rượu mời 3 lần, kể cả lần cuối cùng quay lưng về phía vong linh với chén rượu vĩnh biệt hất về đằng sau. Trong lễ thức này, thày tào thường hát lên một bài hát để tiễn biệt.

Trên đây là một số rất ít trong các lệ tục, lễ thức của đám tang tộc người Tày Bạch Thông, Bắc Cạn. Việc tang nói chung, nghề tào nói riêng, dù đã trải qua bao biến cố, cải cách, đổi mới, kể cả cưỡng chế, thu đồ nghề, nhưng có lẽ do đời sống tâm linh đã hòa quyện với đời sống thực tại mà việc tế lễ tang ma vẫn được bà con tín dùng. Tuy nhiên, có một số lệ tục cũng đã được loại bỏ như: ăn chay, dùng lá chuối thay bát, mại xe, cõng bài vị quỳ bò quanh linh cữu lâm khốc thảm thương, rút ngắn thời gian tế lễ…

Người Tày Bạch Thông quan niệm rằng có thày tào tế lễ đưa tang thì phần hồn người chết mới được siêu thoát lên thiên đàng tọa lạc, về tụ hội với tổ tiên ở mường trời, phần xác mới được yên mồ yên mả, phù hộ cho con cháu. Bà con tin rằng con người có phần thể xác, phần linh hồn, người sống thì có hồn vía, khi chết trở thành hồn ma. Khi chết thì phần thể xác bị hủy hoại, nhưng phần linh hồn vẫn trường tồn, nếu thày tào không yểm bùa thâu tóm hồn ma lại thì sẽ trở thành vong hồn, lưu lạc không nơi trú ngụ, hoặc thày tào không làm đầy đủ nghi lễ, làm qua loa, tế lễ không thành tâm thì người chết không những không được sinh mà vong hồn sẽ quay lại quấy rối cõi sống, gây bất ổn cho người thân, gia tộc. Họ coi tang ma là một nghi lễ quan trọng trong các nghi lễ vòng đời, là nơi thể hiện sâu đậm nhất về giáo lý trong cộng đồng, trong đó còn chứa đựng nhiều giá trị về các mặt văn hóa, xã hội, nhân văn, đạo đức, thẩm mỹ.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : TRIỆU QUỲNH CHÂU

;