Nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong gia đình là lĩnh vực quan trọng song tương đối mới ở nước ta, chỉ phát triển khoảng vài chục năm trở lại đây. Trước 1954, có thể kể đến các công trình Phụ nữ dự gia đình của Đạm Phương nữ sử, Vấn đề phụ nữ giải phóng của Dật Sĩ Tử, Phụ nữ với gia đình của Dũng - Kim… và một số bài viết trên báo Nam Phong, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm… Công trình đầu tiên nghiên cứu vai trò của phụ nữ ở Việt Nam tương đối tổng thể là cuốn Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại của Lê Thị Nhâm Tuyết. Điểm độc đáo của cuốn sách là sử dụng kết hợp các phương pháp, khái niệm và chất liệu của sử học, dân tộc học, văn học để khắc họa sự biến đổi vai trò, thân phận người phụ nữ trong lịch sử Việt Nam.
Khoảng 30 năm gần đây, với sự ra đời của Trung tâm nghiên cứu khoa học về phụ nữ (nay là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới), nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong gia đình (hoặc có liên quan đến đề tài này) ở nước ta đã tương đối phát triển. Những nghiên cứu thường được triển khai theo hai hướng chính: đặt phụ nữ trong bối cảnh gia đình; đặt phụ nữ trong bối cảnh làng xã, cộng đồng và các mối quan hệ xã hội.
1. Đặt phụ nữ trong bối cảnh gia đình
Có hai hướng nghiên cứu chủ yếu: thứ nhất, nhấn mạnh tầm quan trọng và thậm chí là vai trò thống trị của người phụ nữ trong gia đình; thứ hai, do người phụ nữ trong gia đình có địa vị thấp kém, phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công nên ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò của họ cũng như sự phát triển gia đình.
Hướng nghiên cứu thứ nhất
Các nghiên cứu đã chỉ rõ, dù phải chịu ảnh hưởng từ tư tưởng Nho giáo, nhưng trong gia đình Việt, người vợ vẫn có vai trò nhất định, thậm chí quyết định. Tác giả Vũ Ngọc Khánh cho rằng, phụ nữ có một quyền không thể xem là bình đẳng với nam giới được, mà phải đặt lên trên cả nam quyền, đó là quyền làm mẹ, quyền làm vợ. Tác giả khẳng định phụ nữ có năng lực đặc biệt ở chỗ vừa có thể làm mẹ, làm cha, làm con - điều mà nam giới rất ít người làm được. Thông qua nghiên cứu một số trường hợp cụ thể (bà nội của Đặng Thai Mai, cụ bà Vũ Như Kỳ, cụ án bà Nguyễn Chí Đạo…), tác giả Nguyễn Xuân Kính nhận định phụ nữ Việt Nam xưa rất đảm đang, tháo vát, thực sự là nội tướng trong nhà. Như trường hợp bà nội của Đặng Thai Mai: “Đảm đương mọi việc trong nhà, lo đối nội, đối ngoại, giỗ tết, ứng phó với chức dịch, nha lại… Cụ không chỉ lo toan việc nhà mà còn hiểu nghĩa lớn… khi cho các cháu đi học chữ Pháp” (1). Chung quan điểm, nghiên cứu của Thành Duy nhấn mạnh, trong khi ở gia đình Trung Quốc, uy quyền của người cha được biểu thị đối với mọi thành viên, thì trong gia đình người Việt có đặc trưng là người vợ đã thực sự bình đẳng với người chồng. Sự khác biệt đáng lưu ý nhất, là gia đình Việt Nam có xu hướng tập trung vào quan hệ vợ - chồng, gia đình Trung Quốc có xu hướng tập trung vào quan hệ cha - con (2).
Hướng nghiên cứu thứ hai
Tác giả Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý cho rằng do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, phụ nữ trong gia đình không bao giờ thuộc hạng sử (đối tượng những người chủ trong gia đình có quyền uy tuyệt đối trong cả đối nội và đối ngoại) mà chỉ thuộc hàng sự (bậc thứ dưới) do bị trói buộc bởi các nguyên tắc tam tòng, tứ đức. Nhiều nghiên cứu chỉ rõ ngoài việc làm tròn những chức năng của người mẹ ra, phụ nữ còn phải đảm đương việc sản xuất như hoặc hơn nam giới. Thời gian lao động trong một ngày của phụ nữ thường dài hơn đàn ông 3 - 6 giờ, nhiều người phải chịu cảnh chồng “dốt nát, gia trưởng, lười nhác, nhậu nhẹt tối ngày và đánh đập, hạch sách vợ con...” (3). Từ đó, bất bình đẳng nảy sinh trong mối quan hệ nam nữ, trong sự tham gia, hưởng lợi của phụ nữ ở gia đình và cộng đồng, trong các cơ hội để phụ nữ phấn đấu, vươn lên khẳng định giá trị, năng lực bản thân.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra thân phận thấp kém của người phụ nữ trong gia đình, bị đòi hỏi phải lệ thuộc vào người đàn ông. Con gái là con người ta, nên “khi sống thì ở quê cha, đến khi chết thì làm ma quê chồng” (4). “Chế độ gia trưởng trong gia đình phụ hệ phát triển thành sự thống trị của nam giới đối với nữ giới… Người phụ nữ khi đã lấy chồng chỉ có một con đường thờ chồng nuôi con và thực hiện các nghĩa vụ với gia đình nhà chồng” (5). Tác giả Đỗ Hoàng nhấn mạnh về định kiến tồn tại trong hệ thống gia đình: “Nam giới trụ cột kinh tế gia đình, phụ nữ có thiên chức làm công việc nội trợ. Nam giới bản chất là phái mạnh nên thích hợp với những công việc lớn, là người chủ gia đình, người ra quyết định; còn phụ nữ ở vị trí phụ thuộc, vị trí thứ yếu” (6). Trong khi xã hội đang hướng vào các hoạt động vì bình đẳng nam nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ, thì định kiến như trên lại là suy nghĩ của không ít phụ nữ. Những suy nghĩ đó được họ dùng để đánh giá hành vi của nam giới và của bản thân. Các nhà nữ quyền gọi đó là tiếp thu sự áp bức.
Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều góp phần thể hiện hoặc nhấn mạnh thực tế rằng ở nước ta vẫn tồn tại văn hóa mẹ. Người vợ trong gia đình Việt được kính trọng và đề cao hơn, có tinh thần chủ động hơn so với người vợ trong gia đình Nho giáo Trung Hoa. Nguyên tắc phu xướng, phụ tùy bao giờ cũng được đặt bên cạnh một nguyên tắc quan trọng khác là thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn.
Những nghiên cứu gần đây thường đặt phụ nữ trong bối cảnh gia đình thời kỳ toàn cầu hóa, hướng tới phát triển bền vững. Vai trò của người phụ nữ được nêu bật với tư cách người lao động, tái sản xuất con người, giáo dục, hình thành nhân cách trẻ, gìn giữ, truyền thụ các giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ, và giữ gìn sự cân bằng tâm lý, tình cảm của các thành viên trong gia đình. Chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa vai trò của phụ nữ với phát triển gia đình, giữa văn hóa với phụ nữ, tác giả Lê Thi cho rằng cần thực hiện bình đẳng giới mới có thể giúp người phụ nữ đảm nhiệm tốt những trách nhiệm, vai trò của mình và đóng góp tích cực vào gìn giữ văn hóa gia đình, văn hóa dân tộc, phát triển xã hội (7).
2. Đặt phụ nữ trong bối cảnh làng xã, cộng đồng và các mối quan hệ xã hội
Tác giả Bùi Xuân Đính cho rằng, bối cảnh hệ thống thang bậc xã hội của làng xã được dựa trên nền tảng tư tưởng là ý thức hệ Nho giáo đã gạt toàn bộ nữ giới ra khỏi chốn đình trung và các hoạt động xã hội của làng, để họ bị giam hãm trong “chế độ nô lệ gia đình” (8). Tuy nhiên, theo tác giả Trần Quốc Vượng, Thành Duy, phụ nữ có vai trò lớn trong sinh hoạt kinh tế, đời sống xã hội và đời sống văn hóa tinh thần. Vai trò đó được thể hiện qua việc nuôi dạy con cái, sản xuất, kinh doanh, quản lý kinh tế, tài sản gia đình; đấu tranh chống ách đô hộ của phong kiến xâm lược, góp phần bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa nước nhà, trước hết là bảo tồn nòi giống, gìn giữ, phát triển tiếng nói của dân tộc. Tác giả Trần Quốc Vượng đã chỉ ra những biến đổi linh hoạt trong vai trò của người phụ nữ: “Ở Việt Nam, cứu nước không chỉ là nhiệm vụ của đàn ông mà đàn bà cũng lo cứu nước” (9).
Tác giả Lê Minh đã khái quát những bước chuyển trong vai trò, vị trí của người phụ nữ qua các thời kỳ lịch sử. Từ thời cổ xưa khi đàn ông là chủ nô thì phụ nữ là vật trao đổi và công cụ sinh đẻ. Ở thời phong kiến, đàn ông là gia trưởng, thì phụ nữ là vật mua bán để làm phận máy đẻ và phục vụ chồng con, gia đình nhà chồng. Trong chiến tranh, người phụ nữ tham gia tích cực chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Nhưng khi hòa bình lập lại, người đàn ông từ chiến trường trở về, thì phụ nữ mất dần vai trò ở xã hội và gia đình mà họ đã tạo dựng được trong kháng chiến. Vai trò tham gia các hoạt động xã hội, quyền quyết định những việc lớn trong lao động sản xuất, kinh tế, ứng xử với họ hàng, làng mạc và trong nội bộ gia đình, hướng nghiệp cho các con… đều chủ yếu do người đàn ông nắm giữ (10). Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, phụ nữ đang dần vươn lên làm chủ cuộc đời mình bằng nghề nghiệp, kiến thức của bản thân, đi đầu trong cuộc cách mạng giải phóng sức lao động, giải phóng tài năng và giải phóng người phụ nữ (11).
Các công trình nghiên cứu gần đây đã phát hiện và dần làm sáng tỏ những vấn đề về vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển, tìm hiểu ảnh hưởng của đổi mới kinh tế xã hội đất nước tới phụ nữ. Những chủ đề nghiên cứu chủ yếu gồm: ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế thị trường đến mối quan hệ giới trong gia đình và xã hội; nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong mối quan hệ giới trong gia đình; nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong gia đình gắn với phát triển bền vững…
Nghiên cứu của Lê Minh nhìn nhận phụ nữ trong cái nhìn bình đẳng, khẳng định họ cũng có quyền và nghĩa vụ công dân, vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thày đầu tiên. Tác giả cho rằng sứ mệnh “người thày đầu tiên” (12) ở người phụ nữ có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến không chỉ gia đình, mà còn đến cả xã hội hôm nay và mai sau. Trong khi đó, tác giả Trần Thị Vân Anh, Lê Ngọc Hùng đặt vai trò của người phụ nữ trong gia đình trong tương quan với vấn đề giới và phát triển, coi phụ nữ có vai trò hết sức to lớn, quan trọng, cần thiết trong quá trình xây dựng gia đình, đất nước, đóng vai trò chủ thể trong quá trình hoạch định, thực hiện, đánh giá các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Theo tác giả Lê Ngọc Văn, ảnh hưởng của công nghiệp hóa tạo sự thay đổi các mối quan hệ gia đình. Trong đó, mối quan hệ vợ chồng, mở rộng ra là giữa hai giới, là mối quan hệ theo chiều ngang, hôn nhân chuyển dần từ thể chế kinh tế là chính sang thể chế tâm lý và gia đình chuyển từ chủ yếu là đơn vị sản xuất sang đơn vị tiêu dùng. Vai trò của người phụ nữ vì thế cũng có thay đổi nhất định trong việc yêu đương, hôn nhân, trong lựa chọn mô hình gia đình để sống và các mối quan hệ xã hội (đặc biệt là quan hệ đôi lứa).
Một số nghiên cứu nêu lên thực trạng hiện nay có một bộ phận không nhỏ phụ nữ vừa phải đảm đương việc nhà, vừa làm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học… Ưu điểm của phụ nữ trong vai trò làm lãnh đạo so với nam giới cũng được chỉ ra như khả năng kiểm tra, giám sát, xử lý một số tình huống, khả năng tham mưu, chấp hành tốt hơn. Cùng với đó, đã xuất hiện những thay đổi thuận lợi hơn đối với phụ nữ trong việc tham gia lãnh đạo, quản lý như sự thay đổi định kiến của xã hội về phụ nữ, thay đổi từ chính người phụ nữ. Tuy nhiên, theo tác giả Nguyễn Thị Thuận và Trần Xuân Kỳ, phụ nữ vẫn phải chịu nhiều khó khăn, bị phân biệt đối xử, không còn đủ sức khỏe, trí tuệ để phấn đấu, phải chịu nhiều thiệt thòi về phân công lao động trong xã hội do phải tốn phí thời gian, công sức cho gia đình, ít có cơ hội được tập trung học hành, phải chịu định kiến giới.
Những năm gần đây, trước thực trạng một bộ phận không nhỏ phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, một số nghiên cứu đã thể hiện, làm rõ vai trò của họ trong gia đình qua quá trình hòa nhập xã hội, sinh sống với gia đình chồng ở ngoại quốc. Thông qua nghiên cứu trường hợp những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Trung Quốc ở Vạn Vĩ (Trung Quốc), tác giả Nguyễn Thị Phương Châm khẳng định dù có nhiều khó khăn về khác biệt văn hóa, lối sống…, nhưng phụ nữ đã năng động, chủ động và thông minh trong quá trình thích nghi với cuộc sống mới để có cuộc sống yên ổn nơi đất mới (13). Nghiên cứu của Phạm Văn Bích và Iwai Misaki cho thấy nỗ lực vươn lên của một bộ phận cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan để đảm đương vai trò làm vợ, làm mẹ cũng như trong các hoạt động đối nhân xử thế nhằm tồn tại, hòa nhập được với văn hóa nước sở tại, mặc dù lấy chồng Đài Loan “cũng giống như chơi xổ số” (14).
Để khẳng định và phát huy hơn nữa vai trò của người phụ nữ trong gia đình, tác giả Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý cho rằng cần thay đổi cái nhìn về bình đẳng giới. Tuy nhiên, phụ nữ và nhân loại tiến bộ không thể tổ chức đấu tranh vũ trang chống bất bình đẳng giới, mà chỉ có thể tiến hành các hoạt động nghiên cứu, xây dựng luật pháp, làm thay đổi một số quan niệm tôn giáo, nhận thức của nhân dân, chính quyền và đặc biệt là của những người thân trong gia đình (15).
Nhìn chung, có thể thấy các công trình nghiên cứu về vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở nước ta thời gian qua hàm chứa những phân tích đáng chú ý về đối tượng trên nhiều phương diện, gắn với tác động, ảnh hưởng của bối cảnh xã hội và nhận thức, quan niệm của con người. Trong bối cảnh hội nhập ngày nay, nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong gia đình rất cần được tiếp tục vì đó là yêu cầu bức thiết của thực tiễn, là cơ sở quan trọng góp phần đánh giá, nhìn nhận, khơi dậy tiềm năng nguồn nhân lực nữ nhằm thiết thực đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển gia đình, con người, đất nước bền vững.
_______________
1. Nguyễn Xuân Kính, Con người, môi trường và văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013, tr.362.
2. Thành Duy, Văn hóa Việt Nam trước xu thế toàn cầu hóa - thời cơ và thách thức, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2007, tr.121.
3, 15. Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý, Gia đình học, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2009, tr.347, 357.
4. Trần Đăng Sinh, Những khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.115.
5. Lê Ngọc Văn, Một số đặc điểm biến đổi gia đình từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp hóa, Tạp chí Khoa học về phụ nữ, số 1, 2002, tr.49.
6. Đỗ Hoàng, Thực trạng định kiến đối với vai trò của nam giới và phụ nữ trong gia đình, Tạp chí Tâm lý học, số 11 (92), tháng 11-2006, tr.11.
7. Lê Thi, Gia đình, phụ nữ Việt Nam với dân số, văn hóa và sự phát triển bền vững, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.117.
8. Bùi Xuân Đính, Lệ làng phép nước, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1985, tr.137.
9. Trần Quốc Vượng, Truyền thống phụ nữ Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.120.
10, 11. Lê Minh, Phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội, Nxb Lao động, Hà Nội, 1997, tr.155-156, 26.
12. Lê Minh, Gia đình và người phụ nữ, Nxb Lao động, Hà Nội, 2000, tr.56-57.
13. Nguyễn Thị Phương Châm, Làm dâu nơi đất khách - Trải nghiệm văn hóa của những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc ở Vạn Vĩ (Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc), Nxb Lao động, Hà Nội, 2012, tr.376.
14. Nguyễn Hữu Minh (chủ biên), Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2014, tr.467.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016
Tác giả : BÙI THỊ NHƯ NGỌC