Theo dòng lịch sử, đạo Công giáo Việt Nam đã trải qua hơn 300 năm với biết bao thăng trầm để hình thành một đạo mới ở một đất nước thiên về đạo thờ ông bà. Các nhà truyền giáo phương Tây đã đến và rao truyền một đạo mới là đạo Thiên Chúa giáo. Khi đạo Công giáo được hình thành tại đây, kéo theo những nghi thức tôn thờ Thiên chúa, đặc biệt là hoạt động ca đoàn. Trong bài viết này, chúng tôi phác họa những nét khái quát về Công giáo tại Việt Nam và hoạt động ca đoàn tại giáo xứ Sao Mai, phường 7, quận Tân Bình, TP. HCM.
1. Công giáo tại Việt Nam
Vào thời chúa Nguyễn cai trị đất phương Nam, các nhà truyền giáo từ Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan… đã đến rao giảng một đạo mới ở Việt Nam. Ban đầu, gặp nhiều khó khăn về xã hội, ngôn ngữ, văn hóa... nhưng các nhà truyền giáo vẫn hết lòng cống hiến vì yêu mến đức Kitô, ngõ hầu giúp con người được cứu thoát những gì trần tục hóa. Bởi thế, các nhà truyền giáo đã chấp nhận hy sinh vì chính đạo của mình. Các nhà truyền giáo dòng Đa Minh, dòng Phanxicô, dòng Tên là những dòng đầu tiên khởi nguồn sống đạo Kitô tại Việt Nam. Họ đã gieo tình yêu vào đời sống đạo bằng chính con tim, mạng sống của mình. Không những thế, các ngài còn tìm cách truyền giáo tốt hơn. Sử dụng chữ Nôm, sau đó là chữ quốc ngữ do Alexandre de Rhodes (1591-1660) sáng tạo ra để truyền giáo. Từ đó, có nhiều tác phẩm về giáo lý, thơ ca, văn chương phát triển, đời sống dân trí mỗi ngày được nâng cao hơn. Giáo hội đã đưa ra phương pháp truyền giáo ở mọi nơi đều phải tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Bộ, dựa trên bản Huấn Thị (1659) với những chỉ thị tích cực. Các thừa sai phải được huấn luyện theo luật bác ái tin mừng, biết thích nghi với phong tục, tính tình người khác. Huấn thị nêu rõ: “Đức tin này không hề khai trừ hay làm tổn thương những nghi lễ, tập tục của bất cứ dân tộc nào”.
Ngày 09 - 09 - 1659, Tòa Thánh thiết lập hai giáo phận trên đất Việt, đặt hai Giám quản Tông Tòa đầu tiên: giáo phận đàng trong (đức cha Lambert de la Motte phụ trách và giáo phận đàng ngoài (đức cha Francois Pallu phụ trách). Tới nay, giáo hội Việt Nam đã trải qua hơn 300 năm. Một chiều dài lịch sử hòa trong những niềm vui, nỗi buồn nhưng tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa. Vì thế, giáo hội Việt Nam giữ vững niềm tin nhờ những nhân chứng đức tin qua các vị anh hùng tử đạo, những người đã khuất, những người đang sống vẫn tiếp tục cống hiến, xây dựng một xã hội rộng lớn, vững mạnh cho đất nước.
Âm nhạc dành riêng trong nhà thờ tại Việt Nam khởi đầu từ những ca khúc của thập kỷ 30, 40 TK XX, gồm các bài hát chủ yếu được viết bằng tiếng Pháp, ý, La tinh… Hầu hết các nghi lễ đều dùng tiếng La tinh, dần được cải biên theo tiếng bản địa. Vì lòng đạo đức nơi giáo dân muốn ca tụng chúa bằng chính ngôn ngữ địa phương để thể hiện lòng thành kính chân thật, trong hoàn cảnh này, nhu cầu phổ nhạc thánh ca và người hát thánh ca được hình thành. Thời kỳ này, xuất hiện nhiều nhạc sĩ sáng tác thánh ca đầu tiên như: linh mục Nguyễn Thanh Long (1870), Lê Quang Tự (1869)…
Theo nhạc sĩ Ngọc Kôn, sáng tác đầu tiên, đánh dấu thời khắc sinh chồi thánh ca tại Việt Nam là cuốn Vào cung thánh (1960). Cũng có ý kiến cho rằng bài Đấng tạo sinh do linh mục Gabiel Long sáng tác năm 1892 là bài thánh nhạc sáng tác đầu tiên tại Việt Nam. Theo sau là bài Thánh thể (1901) của tu sĩ An Phong Châu. Năm 1901, bài Nửa đêm mừng Chúa ra đời do linh mục Đoàn Quang Đạt sáng tác. Dựa trên nền thánh nhạc được khai triển, nhiều bản thánh ca được sáng tác đóng thành quyển như: Ca ngợi đức Chúa bà Maria (1922)…
Khi thánh nhạc xuất hiện thì nhu cầu thành lập nhóm ca trong nhà thờ cũng được khai mở. Bước đầu, họ quy tụ những người giỏi nhạc, được học hành bài bản thành lập nhóm, lấy tên là: nhạc đoàn Sao Mai. Các nhạc sĩ điển hình gồm: Hải Linh, Hồ Đăng Tín, Phạm Đức Huyến, Lê Bảo Tịnh, Hùng Lân, Tâm Bảo, Nguyễn Khắc Xuyên, Ngô Duy Linh, Võ Thanh, Vũ Minh Trân, Nguyễn Văn Tuyên…
Dựa trên giai điệu có sẵn, họ đã thay bằng lời Việt hay tiếng dân tộc địa phương. Sáng tác thánh ca bằng tiếng Việt, nhằm giúp người dân Công giáo dễ hát, dễ cảm nghiệm, diễn tả được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng con người đối với Thiên Chúa bằng lòng thành một cách trang nghiêm. Lúc này, lần lượt các bài hát ra đời, ghi dấu ấn thời kỳ phát triển thánh ca Việt Nam. Các bài tân nhạc được đánh dấu trong thời kỳ này: Bình minh của Nguyễn Xuân Khoát (1938), Một kiếp hoa (1938) của Nguyễn Văn Tuyên, Lạy mẹ xin an ủi (1944) của Nguyễn Khắc Xuyên, Hang BêLem (1945) của Hải Linh... Song song với những hoạt động trên, có những nhạc sĩ đứng ra thành lập nhóm ca như: nhạc sĩ Hải Linh thành lập ca đoàn Hồn Nước, nhạc sĩ Vũ Minh Trân lập nhạc đoàn Sao Mai… Việc sáng tác và hát thánh ca bắt đầu nở rộ. Hình thức hát thánh ca trong thánh lễ có từ khi đạo Công giáo mới vào Việt Nam, song chưa đi vào quy mô cụ thể. Lúc bấy giờ, giáo dân tham dự thánh lễ phần thánh vịnh, đáp ca chỉ là đọc, chưa ai biết hát cũng chưa người nào có khả năng đứng ra tập hát. Vào những ngày lễ lớn tại nhà thờ, các vị tu sĩ họp nhau lại rồi luyện tập một số bài bằng tiếng La tinh dần thay bằng tiếng Việt.
Theo thời gian, âm nhạc trong nhà thờ có nhiều sự biến đổi về hình thức lẫn nội dung. Trước đây, hội nhạc đoàn thành lập, chủ yếu dùng nội dung bài hát thể hiện tâm tình cá nhân, giai điệu đơn giản, dễ hát. Sau này, giáo hội thấy tâm tình cá nhân chưa đủ, bằng cách nào cho nhạc bổn đạo đi sâu vào cử hành phụng vụ, đi sâu đạo lễ, cảm hóa người Kitô học hỏi thánh kinh, sống tốt đạo, đẹp đời. Từ đó, hát xướng trong thánh lễ mới được đề cao. Linh mục Vinh Hạnh đã viết ra tập thơ về thánh kinh, được trích ý từ kinh thánh.
Dựa vào lời thơ và các bài đọc phụng vụ lời chúa, các nhạc sĩ đã viết thành những bài thánh ca, thánh vịnh hay thánh ca phục vụ nghi lễ. Đây chính là điều kiện cho nhóm ca hoạt động bài bản, tập luyện công phu, hát bè, hình thành tổ chức hoạt động ca đoàn Việt Nam cho đến nay. Theo nhạc sĩ Nguyễn Bách, nhóm ca có từ xa xưa trước cộng đồng Vatican II. Đến năm 1911, tác phẩm đầu tiên về thánh ca viết cho ban hợp xướng: Nửa đêm mừng Chúa ra đời do cha Đoàn Quang Đạt sáng tác 1930 ra đời.
Trước cộng đồng Vatican II, tức trước năm 1965, tại Việt Nam, những nhóm ca này chưa được gọi là ca đoàn, mà chỉ gọi là ban hát hoặc ban hợp xướng. Thời bấy giờ, các bài hát tại nhà thờ chỉ vài người tham gia, toàn là nam giới và hát bằng tiếng La tinh. Mãi đến sau năm 1965, các ban hát mới được gọi là ca đoàn.
2. Hoạt động ca đoàn tại giáo xứ Sao Mai
Để hiểu rõ hơn các nghi lễ trong năm của giáo xứ Sao Mai, trước hết phải theo lịch của giáo hội theo trình tự các mùa: mùa vọng, mùa giáng sinh, mùa chay, mùa phục sinh, mùa thường niên. Bên cạnh các mùa đó, còn có các thánh lễ kính chúa, kính các thánh, thánh lễ nhớ các thánh buộc và không buộc. Ngoài ra, còn có những thánh lễ ngoại lịch, lễ bổn mạng nhóm ca đoàn hay đoàn thể khác, lễ cưới…
Các nghi lễ trong năm theo lịch chung của giáo hội, giáo xứ còn có ngoại lịch riêng nhằm củng cố đức tin, xây dựng đời sống giáo xứ bằng các hình thức mừng kính đức Maria vào thứ 7 hàng tuần, mừng kính thánh tâm chúa Giê-su thứ 6 đầu tháng… Bên cạnh những thánh lễ lớn trong năm như: lễ giáng sinh, lễ phục sinh, giáo xứ tổ chức đêm canh thức bằng các buổi diện nguyện như: hát thánh ca, kịch, đọc thơ…
Giáo xứ Sao Mai có 8 ca đoàn: giới trẻ Thánh Mẫu, Giuse, Phêrô, Têrêsa, Cêcilia, Thiếu Nhi - Mẹ Lên Trời, Tôma và Thiện Chí. Để hình thành một nhóm, điều cần nhất là có nhiều người tham gia, có những cộng tác viên đắc lực thì ca đoàn mới phát triển được. Do vậy, theo cách nhìn tổng quát, chúng tôi nhận thấy tại giáo xứ Sao Mai có cách tổ chức như sau: ca trưởng à ban điều hành à ca viên.
Để giúp ca đoàn hoạt động với nhịp độ linh hoạt, anh chị em trong Ban điều hành sắp xếp các cuộc họp định kỳ, nêu rõ quan điểm chung, mục đích nhằm tạo môi trường để mọi người đưa ra ý kiến, cùng nhau xây dựng ca đoàn ngày càng phát triển. Ngoài những người trong ban, các ca viên là những thành phần nòng cốt giúp Ban Điều hành làm tốt nhiệm vụ. Trong những ngày lễ lớn cần những bài hát mới để đáp ứng cho mỗi ca viên, Ban điều hành phải cung cấp tư liệu sớm nhất để các thành viên xem trước. Mặt khác, ca đoàn còn có những ngày lễ riêng cho mình. Do đó, Ban điều hành cần sắp xếp lịch, bố trí công việc cho hợp lý.
Theo phong cách cổ điển trước đây, tất cả các nhà thờ đều có một không gian dành riêng cho ca đoàn. Nơi đây được bố trí đầy đủ tiện nghi để có phương tiện tập hát cũng như phục vụ các ngày lễ như: tủ sách, đàn, âm li, loa máy, micro… Ngoài ra, một số nhà thờ còn bố trí cho ca đoàn ở gần gian cung thánh, vì nhu cầu phục vụ, việc đi lại đọc sách của các ca viên.
Riêng giáo xứ Sao Mai, với số lượng giáo dân không đông nên cha xứ bố trí cho ca đoàn một vị trí gần cung thánh. Vì lượng giáo dân ít nên khi tham dự thánh lễ sẽ lẻ loi, ca đoàn ở phía dưới gian cung thánh thay vì ở gác đàn. Dù ở vị trí nào đi nữa, ca đoàn cũng được bố trí đầy đủ phương tiện phục vụ cho việc ca hát trong nhà thờ.
Về hoạt động phục vụ trong năm, ca đoàn có lịch hát lễ, lịch tập hát. Theo lịch của cha xứ, hội đồng giáo xứ, căn cứ theo giờ thánh lễ trong ngày chủ nhật hay các thánh lễ lớn trong năm. Dựa trên từng thánh lễ cho người lớn, thanh thiếu niên và thiếu nhi để chia cho từng ca đoàn phục vụ. Ca đoàn là cầu nối giúp giáo xứ có đời sống văn hóa tín ngưỡng lành mạnh, đồng thời tạo cho con em trong giáo xứ có cơ hội ca hát, tham gia những sinh hoạt vui chơi lành mạnh, chăm lo đời sống giáo xứ qua việc tập hát, họp định kỳ… Ca đoàn là những người trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống giáo dân, bởi khi tham dự thánh lễ, họ được lắng nghe, thấm nhuần lời chúa không chỉ qua lời giảng dạy của linh mục mà còn qua tiếng hát của ca đoàn. Lời Chúa được truyền tải qua các bài hát, cung điệu phong cách khi xử lý một bài hát mà ca đoàn thể hiện.
Ca đoàn có vai trò điều khiển giáo dân trong cung cách cầu nguyện, qua những bài hát phù hợp với đời sống, như lời của một vị thánh Augustino đã nói: “hát là cầu nguyện hai lần”. Trong sứ mệnh phụng vụ, ca đoàn cần có giáo dân cộng tác đắc lực để gia tăng nhân sự phục vụ giáo xứ, bồi dưỡng phát triển các thế hệ sau.
Đạo Công giáo ban đầu phụng vụ lời chúa bằng việc ca hát thánh vịnh, sau này hình thành những nhóm ca để giúp giáo dân có đời sống cầu nguyện tốt hơn. Cứ thế, trở thành một thói quen và phát triển thêm thành ca đoàn để cùng hát thánh ca. Ca đoàn chủ yếu phục vụ trong nhà thờ qua các thánh lễ, là cầu nối giúp đời sống xã hội ngày càng phát triển về mặt đạo đức, đồng thời giúp giáo dân gắn kết hơn trong đời sống. Đây cũng là đểm tựa giúp giáo xứ ngày càng phát triển về đời sống, đào tạo con em qua việc ca hát và những sinh hoạt lành mạnh. Ca đoàn ngoài mô hình mang ý nghĩa phụng sự tôn giáo, niềm tin, còn có ý nghĩa cao cả khơi dậy sự tương thân tương ái, tương trợ lẫn nhau.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016
Tác giả : PHẠM THỊ BÍCH