Bài viết đề cập đến việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, thông qua vai trò của nghệ nhân và phát huy vai trò của nghệ nhân trong việc đào tạo nguồn nhân lực tại các làng nghề ở Việt Nam (qua nghiên cứu làng nghề tranh dân gian Đông Hồ). Thực tế đã chứng minh, sự sống còn của mỗi làng nghề phụ thuộc vào đội ngũ nghệ nhân và nguồn nhân lực. Đó là yếu tố con người, giữ vị trí chi phối mọi hoạt động phát triển hay thụt lùi của mỗi làng nghề. Mà nghệ nhân hay nguồn nhân lực làng nghề được gắn với cộng đồng địa phương qua sự đánh giá vị trí, vai trò và chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi. Bằng sự ghi nhận và đánh giá đúng vai trò của nghệ nhân làng nghề truyền thống, chúng ta sẽ thấy những báu vật nhân văn sống có vị trí, khả năng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể.
Nghệ nhân là đại diện xuất sắc của mỗi cộng đồng. Các cộng đồng tự hào về họ, những con người tài hoa xuất chúng có vai trò đặc biệt quan trọng. Khả năng truyền dạy và đạo tạo nguồn nhân lực kế cận của những nghệ nhân sẽ quyết định tương lai phát triển của mỗi làng nghề. Do vậy hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực cần được coi là vai trò then chốt để làng nghề truyền thống phát triển bền vững. Công việc đó được đặt lên vai của các nghệ nhân vừa là trao - truyền di sản cho thế hệ sau và họ còn có vai trò tham gia tích cực vào việc đào tạo lao động tại các làng nghề truyền thống ở địa phương.
Để làm nổi bật vấn đề nêu trên, tác giả chọn nghiên cứu trường hợp nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, tỉnh Bắc Ninh. Tranh dân gian Đông Hồ là nghề thủ công truyền thống đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012 (1). Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ bị mai một và thất truyền, cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhưng vẫn có các thế hệ nghệ nhân dân gian đang từng ngày nỗ lực khôi phục và phát triển dòng tranh khắc gỗ truyền thống này. Tại đây, các nghệ nhân làng Đông Hồ không chỉ truyền dạy nghề làm tranh cho các con cháu trong gia đình, mà họ còn mở lớp truyền nghề cho những người ngoài có nhu cầu học nghề.
1. Vai trò của nghệ nhân
Nghệ nhân có vị trí quan trọng trong vốn di sản văn hóa dân tộc, có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể. Họ là “báu vật nhân văn sống” (2), trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi, các nghệ nhân đã có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc trước nguy cơ ngày càng mai một. Mỗi nghệ nhân có trách nhiệm bảo tồn, truyền dạy và có cống hiến không nhỏ cho loại hình văn hóa phi vật thể.
Nghệ nhân làng nghề truyền thống là những “báu vật nhân văn sống”, bởi họ là người phát minh ra những công nghệ độc đáo, tạo nên hồn cốt của sản phẩm thủ công mỹ nghệ; là người giữ bí quyết của nghề, gắn bó lâu năm và hết lòng sống chết vì nghề (3). Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO năm 2003 đã khẳng định: “Ghi nhận rằng các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người” (4). Bởi, nghệ nhân là người trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ở nước ta, vai trò của các nghệ nhân còn quan trọng hơn nữa. Mọi công đoạn phổ biến, sáng tạo, bổ sung và truyền dạy được thực hiện thông qua các hành động thực hành. Nếu không có các nghệ nhân thì cộng đồng làm sao có thể thực hiện được quy trình đó? (5). Cộng đồng tự hào về họ vì nhờ có hoạt động sáng tạo của họ mà bản sắc văn hóa của cộng đồng được thể hiện tập trung, sắc nét. Đồng thời, chính họ là người lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ sau vốn liếng văn hóa của cộng đồng. Nghệ nhân đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn, thực hành và lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc. Nếu không có họ thì chắc chắn một khối lượng lớn các giá trị văn hóa sẽ không được bảo lưu một cách tập trung nhất cũng như sẽ không có “thày” để dạy dỗ lớp trẻ (6). Mỗi làng nghề truyền thống muốn bảo lưu vốn di sản văn hóa của cha ông, cần phải tạo nên sự cộng sinh, tiếp nối giữa nghệ nhân và người trẻ. Đồng thời, tăng cường quá trình tiếp nối, truyền nghề của nghệ nhân cho thế hệ trẻ để gìn giữ giá trị của làng nghề - tinh hoa của đất nước.
2. Phát huy vai trò của nghệ nhân trong việc đào tạo nguồn nhân lực ở làng nghề truyền thống qua nghiên cứu trường hợp
Việc đào tạo, dạy nghề ở các làng nghề truyền thống đang trở nên vô cùng cấp thiết, với mục tiêu xây dựng lực lượng nghệ nhân trẻ, có đủ tài gánh vác công việc của làng nghề trong tình hình mới. Thực tế, các nghệ nhân vẫn thực hành nghề, họ thường âm thầm, lặng lẽ làm việc từ đời này sang đời khác. Làng nghề có phát triển thì các nghệ nhân mới có điều kiện được thể hiện tài năng. Đồng thời, nhà nước có chế độ đãi ngộ tốt với các nghệ nhân thì họ sẽ là lực lượng tiên phong, chủ chốt để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.
Trải qua quá trình thực hành, sáng tạo, tái tạo văn hóa, nghệ nhân dân gian là người tích luỹ nhiều vốn di sản. Để nghệ nhân chuyển tải vốn di sản của mình cho thế hệ trẻ, cho những người học việc/học nghề thì họ phải thông qua việc truyền dạy. Nghệ nhân dân gian, đến lúc họ cao tuổi, không còn đủ sức khỏe để cáng đáng nhiều khâu sản xuất trong quy trình làm nghề và có thể ra đi về với tổ tiên ông bà nên bản thân họ có nhu cầu truyền nghề cho thế hệ kế tiếp. “Có một số bí quyết nghề nghiệp được truyền dạy kiểu cha truyền con nối, không truyền dạy cho người bên ngoài, ví dụ như thuốc gia truyền, còn phần lớn được truyền dạy rộng rãi cho những người muốn theo nghề, học việc, những người khéo tay có xu hướng kế thừa, phát triển nghề truyền thống của cha ông, cộng đồng” (7). Càng nhiều nghệ nhân giỏi, điêu luyện, có tâm huyết thì khả năng truyền nghề cho thế hệ trẻ càng lớn (8).
Ở một số ngành nghề truyền thống, việc truyền dạy không phải là công việc một sớm một chiều mà thường diễn ra trong một thời gian khá dài (9). Có một số nghề mà nghệ nhân không phải truyền dạy, phổ biến rộng rãi cho nhiều người mà chỉ truyền dạy, chỉ bày cho một số người. Ai có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh mới có thể tiếp thu được vốn liếng của nghệ nhân đi trước (10).
Thuận lợi trong việc phát huy vai trò của nghệ nhân
Thông qua việc sáng tạo và truyền dạy của các nghệ nhân, các nghề truyền thống đã được khôi phục. Đồng thời, làm cho các thế hệ trẻ, thanh niên trong làng đã biết yêu quý và tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài ra, các nghệ nhân còn tham gia các hoạt động giao lưu tại một số tỉnh. Với những việc làm như thế, đã tạo được cho cộng đồng, người dân và nghệ nhân có dịp giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm và từ đó họ có ý thức hơn trong việc bảo tồn văn hóa dân gian truyền thống của quê hương mình và truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc.
Các thành viên trong gia đình nghệ nhân đều có niềm say mê yêu nghề, có ý thức giữ gìn nghề cha ông truyền lại. Nghệ nhân thực hành và truyền dạy nghệ thuật, kỹ thuật nghề. Các nghệ nhân đều có khả năng trình diễn, truyền dạy nghề. Ở họ thường có sự tiếp nối giữa các thế hệ trong một gia đình, dòng họ, câu lạc bộ… Đặc biệt, họ là những người có lòng say mê, có lương tâm nghề nghiệp và phẩm chất tốt, được cộng đồng mến phục.
Sản phẩm nghề đã được khách hàng công nhận và yêu thích, trở thành thương hiệu. Điều đó sẽ thúc đẩy các nghệ nhân say mê làm nghề và tìm tòi đổi mới sáng tạo, cũng như nghệ nhân sẽ có niềm tin vào việc truyền nghề, khích lệ cho thế hệ trẻ.
Khó khăn trong việc phát huy vai trò của nghệ nhân
Về điều kiện kinh tế, kinh phí đảm bảo cho phục dựng, sản xuất sản phẩm nghề là rất khó khăn. Đối với các làng nghề truyền thống, việc hỗ trợ của nhà nước sẽ khó khăn bởi số lượng các làng nghề rất lớn, cũng như việc hỗ trợ các nghệ nhân là không khả thi. Có chăng, nhà nước bằng cách này hay cách khác sẽ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho nghệ nhân khôi phục phần nào đối với một số làng nghề có nguy cơ mai một và thất truyền.
Thị trường đối với sản phẩm nghề truyền thống ngày càng co hẹp, bị tác động bởi sáng tạo của nghệ thuật đương đại.
Khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ kế cận. Nguồn nhân lực không chỉ bó hẹp trong giới hạn con cháu của gia đình, mà còn mở rộng ra các thành viên trong cộng đồng. Hiện nay, các nghệ nhân vẫn tâm huyết, cố gắng gìn giữ, bảo tồn văn hóa phi vật thể để trao truyền cho thế hệ mai sau cái hồn cốt của dân tộc. Tuy nhiên, hầu hết những người “giữ lửa” cho loại hình văn hóa phi vật thể này đã cao tuổi, sức đã yếu hơn, do đó sẽ ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của các nghệ nhân trong bảo tồn di sản văn hóa.
Khó khăn về thị trường tiêu thụ, trong việc giải quyết đầu ra, tiêu thụ sản phẩm làng nghề ở trong nước và thế giới.
Sự quan tâm của Nhà nước và các ngành, các cấp, chưa thường xuyên, chưa có tính hệ thống. Mối liên kết giữa các nghệ nhân còn lỏng lẻo. Nghệ nhân - những người giữ hồn nghề, hồn làng, những “báu vật” giúp cho làng nghề tồn tại và phát triển đang bị bỏ rơi. Đó là việc chậm trễ trong ghi nhận, phong tặng danh hiệu. Đồng thời vẫn chưa có cơ chế chính sách linh hoạt để tạo điều kiện cho các nghệ nhân cống hiến, truyền dạy thế hệ tiếp nối.
Các làng nghề truyền thống còn nhiều hạn chế trong việc quảng bá sản phẩm, trong nước và trên thế giới. Điều này sẽ khiến các nghệ nhân khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và bán sản phẩm. Người trẻ theo học nghề cũng khá gian nan để tiếp tục theo đuổi đam mê với nghề.
Nghiên cứu trường hợp nghề tranh dân gian Đông Hồ
Trong kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt Nam, tranh dân gian có vị trí rất quan trọng do tính chất lâu đời và phổ biến của nó (11). Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2012. Tuy nhiên, việc bảo vệ, gìn giữ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ với tư cách là một di sản văn hóa của dân tộc đang đặt ra vô cùng cấp thiết. Một trong số đó là vấn đề đào tạo, dạy nghề cho thế hệ trẻ.
Làm nên đặc trưng riêng có của dòng tranh dân gian Đông Hồ từ xưa đến nay phải kể đến những bàn tay tài hoa của những nghệ nhân trong làng. Đó là những người một lòng sống chết vì nghề, quyết tâm theo đuổi đam mê và không để nghề truyền thống bị mai một. Vượt qua biết bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử, cũng như những lúc suy vi của làng nghề, chính những nghệ nhân ưu tú đó đã đóng góp công sức, vốn liếng và tài sản tranh họ có được để bảo vệ, khôi phục, phát triển nghề (12).
Hiện nay, tại làng Đông Hồ vẫn ghi nhận những hoạt động ý nghĩa, thiết thực của các nghệ nhân làm nghề tranh. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tuy đã gần 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn miệt mài đến xưởng tranh của mình. Ông đã có người con trai (anh Tâm) kế nghiệp, vừa tổ chức sản xuất, tiêu thụ tranh và quản lý mọi công việc trong doanh nghiệp tư nhân của gia đình. Trong khuôn viên xưởng sản xuất rộng rãi tranh nhà ông Chế, chúng tôi có thể thấy được giá trị truyền thống và ý thức giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của gia chủ. Ngoài sân là những khu vực để nguyên liệu vỏ điệp, cối giã và những dãy chum sành ngâm các loại hoa - lá - rễ cây để chế biến màu vẽ từ thiên nhiên; những người thợ trong xưởng sản xuất tranh vẫn hàng ngày quét bột điệp lên giấy dó, kiên trì chạm khắc những bản mẫu in... Biết bao tâm huyết cả đời của ông dành cho xưởng sản xuất tranh gia đình với tên gọi Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, cùng với sự truyền nghề cho con cháu trong nhà, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy di sản dòng tranh truyền thống này.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam là một trong hai gia đình hiếm hoi còn giữ được nghề làm tranh dân gian. Các con trai, con dâu và cháu nội của ông vẫn đang theo làm nghề. Cả một đời gắn bó với làm tranh, ông Sam đã sáng tạo ra nhiều mẫu tranh mới phù hợp với nhu cầu của thị trường, nhưng ông vẫn quyết tâm gìn giữ các bản khắc tranh cổ. Ông hiểu rằng mỗi bản khắc đều có giá trị và ý nghĩa khác nhau, bán đi sẽ mất tất cả, nên “bằng mọi giá tôi sẽ giữ lại, để sau này cho con cháu sẽ tiếp tục nghề của tôi và cha ông đã tạo dựng nên”. Thật tiếc rằng, đến nay nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã qua đời, nhưng những di sản của cha ông để lại vẫn mãi được lưu giữ. Bằng chứng là sự nối truyền nghề nghiệp của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (người con trai thứ hai của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam). Nghệ nhân Quả đã theo cha học nghề từ nhỏ, với năng khiếu thiên bẩm và lòng yêu say nghề tranh, đến nay ông đã có cơ ngơi là xưởng tranh tại nhà của mình. Tuy xưởng tranh chưa lớn, nhưng nghệ nhân Quả cùng với vợ, con đã gây dựng thành công sự nghiệp làm tranh và sống được với nghề. Đó là sự thành công và cũng là kết quả của quá trình truyền dạy và học nghề từ cha ông.
3. Bàn luận xã hội
Vai trò của nghệ nhân
Một là, nghệ nhân là hạt nhân để bảo tồn nghề, không có nghệ nhân thì nghề truyền thống khó tồn tại và phát triển. Thực tế đã chứng minh, nghề tranh dân gian Đông Hồ đã và đang được bảo vệ, phát huy nhờ có các nghệ nhân như ông Chế, ông Sam và thế hệ sau này là ông Tâm, ông Quả, đã góp phần vào quá trình giữ gìn, trao truyền, giáo dục, vực dậy một nghề truyền thống đang bị mai một.
Hai là, nghệ nhân là lực lượng nòng cốt để truyền dạy cho con cháu và cộng đồng yêu thích nghề làm tranh dân gian.
Ba là, nghệ nhân có vai trò chủ đạo trong xây dựng, đào tạo nguồn lao động kế cận. Di sản văn hóa phi vật thể ở mỗi địa phương đã được các cộng đồng sáng tạo và được duy trì bằng nhiều hình thức, tổ chức truyền dạy, luyện tập, thi trình diễn hoặc lựa chọn tham gia trong các nghi lễ. Các vị tổ nghề được lập đền thờ, bài bản, bí quyết nghề nghiệp được gìn giữ truyền dạy trong cộng đồng từ thế hệ này sang thế hệ khác (13).
Về đào tạo nguồn nhân lực
Theo cách thức truyền thống, đào tạo là quá trình truyền nghề trong mỗi gia đình, dòng họ. Nó liên quan đến giữ bí quyết nghề truyền thống, các nghệ nhân mang tâm lý bảo lưu vốn quý của gia đình, dòng họ nên không muốn truyền cho người ngoài. Họ chỉ truyền dạy cho con trai, con dâu, con gái, không truyền ra ngoài (14). Nhưng ngày nay, nghệ nhân đã mở rộng tư duy và truyền nghề cho người ngoài. Họ mở các lớp truyền dạy cho tất cả các người có nhu cầu. Nguồn nhân lực làm nghề vì thế có xu hướng mở, không khép kín như xưa.
Các nghệ nhân là báu vật của các làng nghề. Vậy nhưng việc đãi ngộ đối với họ chưa được tương xứng, cụ thể là việc công nhận và phong tặng danh hiệu nghệ nhân chưa được thực hiện tốt. Rất nhiều nghệ nhân tới già, thậm chí đến lúc mất, vẫn chưa được công nhận. Do đó, rất cần có những chính sách cụ thể để phát triển làng nghề, phát triển tài năng của các nghệ nhân.
4. Kiến nghị, giải pháp
Chúng ta đã có những chủ trương, đường lối, chính sách, cơ chế mới phù hợp trong việc đãi ngộ nghệ nhân, đào tạo nguồn nhân lực phát huy tài năng cho phát triển văn hóa: “Muốn bảo tồn và phát huy di sản một cách bền vững, trước hết phải có sự cân bằng giữa vai trò của Nhà nước và vai trò của cộng đồng và sự chia sẻ về lợi ích” (15). Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị Trung ương Đảng khóa XI nêu rõ: “Có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình (16). Các địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, tính đến 30-10-2014 có 46/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần thứ nhất. Các tỉnh/thành phố đã triển khai thực hiện Kế hoạch ban hành kèm Quyết định số 2508/QĐ-BVHTTDL ngày 08-8-2014 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất - năm 2015 (17).
Một số kiến nghị:
Có chế độ đãi ngộ xứng đáng, phù hợp: hiện nay, nghệ nhân khi được phong tặng danh hiệu, mới chỉ được nhận tấm bằng chứng nhận và một khoản tiền theo chế độ. Bởi vậy, các địa phương và các ban, ngành cần cụ thể hóa mức đãi ngộ đối với nghệ nhân để đền đáp sự đóng góp của họ đối với nghề và làng nghề. Đó cũng là sự chăm sóc nhằm bảo đảm cuộc sống của họ khi đã già yếu không còn khả năng lao động.
Xây dựng và nhân rộng mô hình sự kết nối các nghệ nhân: Bộ Văn hóa Hàn Quốc đã duy trì chủ trương “nhân giống nghệ nhân”. Hàng năm bộ này cấp một khoản tiền cho các nghệ nhân trên toàn quốc, gọi là lương đào tạo, theo đó, mỗi nghệ nhân có trách nhiệm đào tạo 3 người có thể nối nghiệp mình. Khoản tiền này sẽ được tăng, giảm, thậm chí cắt bỏ tùy theo kết quả đào tạo của các nghệ nhân. Ở Việt Nam cũng từng có chủ trương tương tự, đưa các nghệ nhân vào mạng lưới đào tạo nghề. Tuy nhiên việc thực hiện chưa hiệu quả. Nếu có chính sách khuyến khích tốt, các nghệ nhân thực sự sẽ là những người đào tạo đội ngũ thợ mới tiếp nối giữ các nghề truyền thống.
Có thể nói, nghệ nhân làng nghề truyền thống thực sự là những báu vật nhân văn sống mà hiện nay chúng ta chưa biết tận dụng để họ phát huy hết tiềm năng. Sự đãi ngộ và tôn vinh của chúng ta với họ cũng chưa tương xứng, rất cần có sự quan tâm và những giải pháp thiết thực để không bỏ phí nguồn báu vật này. Một số minh chứng ở làng nghề tranh dân gian Đông Hồ đã phần nào làm sáng tỏ được một số thuận lợi, khó khăn trong việc phát huy vai trò của nghệ nhân trong đào tạo nguồn nhân lực, cũng như gợi mở một số đề xuất, kiến nghị giải pháp để khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi nhằm tác động đến chính sách của nhà nước với nghệ nhân làng nghề.
________________
1. Danh mục 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 1, thegioidisan.vn, truy cập ngày 20-8-2018.
2. Khuyến nghị của UNESCO tại Đại hội đồng lần thứ 25, họp tại Paris, ngày 15-11-1989.
3. Đinh Thị Vân Chi, Nghệ nhân làng nghề truyền thống - “báu vật nhân văn sống”, huc.edu.vn, đăng ngày 02-06-2014.
4. UNESCO, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, 2003.
5, 6. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nghệ nhân dân gian, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007, tr.18.
7, 8, 9, 10, 14. Trần Tấn Vịnh, Nghệ nhân và vai trò của nghệ nhân trong các làng nghề truyền thống, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 13-14, 2011, tr.79- 84.
11, 12. Trương Quốc Bình, Khái quát về tranh dân gian Việt Nam, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 2 (51), tr.28.
13. Nguyễn Quốc Hùng, Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1 (50), 2015; tr.23.
15. Trần Thị Thủy, Về vai trò của cộng đồng và của Nhà nước trong việc quản lý di sản văn hóa phi vật thể (nghiên cứu trường hợp lễ hội đền Bà Chúa Kho), Tạp chí Văn hóa học, số 5 (9), 2013, tr.38.
16. Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09-6-2014, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1 (50), 2015, tr.8.
17. Nguyễn Thế Hùng, Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1 (50), 2015, tr.20.
Tác giả: Nguyễn Thị Hạnh
Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018