Các thể loại âm nhạc được phân chia thành thanh nhạc và khí nhạc. Trong đó, các tác phẩm thanh nhạc chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ yếu tố thanh âm của ca từ và cao độ của giai điệu. Ở Việt Nam, giữa TK XX ra đời một thể loại âm nhạc viết cho giọng hát và phần đệm, trong đó các yếu tố giai điệu, lời ca, phần đệm đều có vai trò quan trọng trong việc tạo nên giá trị cho tác phẩm. Thể loại đó được gọi là ca khúc nghệ thuật Việt Nam (CKNTVN), tương đương với thể loại romance thanh nhạc trong âm nhạc phương Tây. Giá trị nghệ thuật của thể loại này được đánh giá bởi ca từ, giai điệu, phần đệm và sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố này với nhau.
Tiếng Việt là một ngôn ngữ đa thanh bao gồm 6 thanh bằng, trắc, do đó âm điệu của lời nói và giai điệu trong các thể loại thanh nhạc luôn có một mối quan hệ tương tác chặt chẽ. Vì thế, việc phổ nhạc cho một lời thơ có sẵn thường có sự gò bó nhất định. Thanh điệu trong lời thơ sẽ khống chế mối tương quan về cao độ trong giai điệu. Đặc biệt trong các CKNTVN, yêu cầu đặt ra cho vai trò và sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này càng trở nên quan trọng. Khi đặt cao độ cho một lời thơ không những phải đảm bảo phù hợp với thanh điệu của lời thơ mà tiết tấu cũng cần đảm bảo nhịp điệu cơ bản được tạo nên bởi ca từ. Bản thân lời thơ đã chứa đựng một giới hạn nhất định cho việc tìm cao độ phù hợp, vì vậy nhạc sĩ phải tôn trọng tính chất đó. Như vậy, giai điệu được tạo nên bởi hai yếu tố: ý tưởng của tác giả và tính âm điệu sẵn có trong lời thơ. Còn trong trường hợp tác giả tự sáng tác cả phần giai điệu và phần ca từ thì có thể có nhiều lựa chọn hơn, hoặc là cùng một lúc cân đối giữa ý tưởng về ca từ và giai điệu, hoặc trong trường hợp muốn ưu tiên yếu tố nào hơn thì yếu tố còn lại buộc phải điều chỉnh để phù hợp.
Trong CKNTVN, mối quan hệ giữa thanh bằng, trắc của lời ca và cao độ của giai điệu thường được biểu hiện ở dạng tương tác thuận chiều. Có nghĩa là những ca từ tương ứng với thanh sắc, thanh ngã thì thường được tương ứng với những nốt nhạc cao hơn, các từ tương ứng với thanh bằng hay thanh huyền có thể đặt ở khu vực trung, còn thanh hỏi, thanh nặng thì thường được đặt ở những cao độ thấp hơn. Như thế, bản thân ca từ đã hình thành cấu trúc, nhịp điệu cơ bản cho tác phẩm, và cùng mối quan hệ giữa thanh điệu và cao độ, có thể thấy ca từ cũng chứa đựng mối tương quan về cao độ. Bên cạnh đó, với những ý đồ sáng tác đặc biệt, đôi khi hai yếu tố này lại được đặt trong mối quan hệ nghịch chiều nhằm diễn đạt những màu sắc âm nhạc riêng biệt và mới lạ.
1. Đối thanh trong ca từ và đối âm trong giai điệu
Do thanh âm trong ca từ và cao độ trong giai điệu có mối quan hệ thường xuyên và chi phối lẫn nhau rất rõ nét, nên những diễn biến về thanh âm trong ca từ cũng có ảnh hưởng lớn tới sự chuyển động của giai điệu. Mối tương quan về thanh điệu giữa các cụm từ trong một câu hoặc giữa các câu với nhau được gọi là sự đối thanh. Sự đối thanh cũng được nhìn nhận ở hai dạng. Thứ nhất là tương quan cao thấp giữa hai thanh âm liên tiếp, đây đơn giản là sự so sánh về tính cao độ giữa hai từ liên tiếp. Điều này quy định tính chuyển động lên xuống về cao độ của ca từ và từ đó chi phối, ảnh hưởng lớn đến tính chuyển động lên xuống về cao độ của giai điệu. Thứ hai là mối quan hệ tuyệt đối giữa sáu cấp độ thanh âm trong các từ nối tiếp nhau. Dạng này không chỉ thể hiện quan hệ cao thấp giữa các thanh âm mà còn thể hiện cả mức độ chênh lệch, sự khác biệt về tính cao độ giữa các thanh âm. Chẳng hạn, sự chênh lệch cao độ giữa thanh âm sắc và huyền sẽ ít hơn sự chênh lệch giữa sắc và nặng. Ngay cả khi cùng một thanh âm, việc áp dụng cho những vần khác nhau lại tạo ra những cao độ khác nhau. Chẳng hạn như tính cao độ của chữ “chát” sẽ cao hơn chữ “chán”, cao độ của chữ “chặt” sẽ thấp hơn chữ “chặn”. Như vậy, sự đối thanh trong tiếng Việt không chỉ phụ thuộc vào sáu thanh âm mà còn phụ thuộc vào vần được sử dụng trong các từ ngữ, tạo nên sự phong phú trong tính đối thanh của tiếng Việt.
Trong giai điệu, sự tương quan các cao độ giữa các nốt nhạc trong một nét nhạc hoặc giữa các nét nhạc với nhau gọi là sự đối âm. Cũng giống như hai dạng trong hiện tượng đối thanh, chúng ta có thể nhìn nhận đối âm theo hai cách. Cách thứ nhất là nhìn vào sự tương quan cao thấp giữa các cao độ liền kề nhau; thứ hai là nhìn cụ thể hơn vào cả mức độ chênh lệch về độ lớn của quãng hình thành giữa hai cao độ nối tiếp nhau. Việc phân tích sự đồng nhất, phù hợp hoặc không đồng nhất, phù hợp với giữa đối thanh và đối âm sẽ làm rõ mức độ tương thích, hòa hợp giữa yếu tố ca từ và lời ca. Với CKNTVN, ca từ thường có chất thơ. Mỗi tác phẩm thường gắn liền với một tứ thơ nhất định, hoặc nếu là dạng câu văn tự do thì cũng đậm chất thơ. Chính vì vậy tính đối vần, đối thanh được thể hiện ngay trong từng câu cũng như trong quan hệ giữa các câu ở mỗi đoạn. Tính chất đó của ca từ đã ảnh hưởng và định hướng cho sự chuyển động của giai điệu, đây là một trong những tính chất đặc trưng cho những thể loại âm nhạc có phần ca từ là một thể loại thơ ca hay một thể loại khác nhưng mang đậm chất thơ.
Những ca từ có quy luật về thanh điệu trong một câu hoặc sự đối âm giữa các câu một cách tương ứng sẽ tạo nên những giai điệu có sự đối âm, tạo nên sự đối âm lên xuống nhịp nhàng. Giữa các câu nhạc cũng có sự đối âm, tạo nên tính đối xứng và cân bằng. Có thể thấy, mối quan hệ giữa cao độ và thanh điệu có một ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên tính thơ trong âm nhạc và tính nhạc trong lời thơ. Để đảm bảo sự phù hợp giữa cao độ với thanh điệu, mối quan hệ giữa giai điệu, ca từ có thể được biểu hiện qua ba dạng.
Dạng thứ nhất, mỗi thanh điệu được tương ứng với một cao độ cụ thể. Ở cách thức này, sự phù hợp giữa thanh điệu và cao độ là tuyệt đối, tuy nhiên điều này có thể hạn chế sự phong phú của giai điệu, do đó thường chỉ được giới hạn trong nội bộ mỗi tiết nhạc, hoặc câu nhạc, còn ở phạm vi lớn hơn thì vẫn có thể có sự dịch chuyển về cao độ tuyệt đối.
Ở dạng thứ hai, sự phù hợp giữa cao độ và thanh điệu chỉ được đảm bảo bằng mối quan hệ giữa cao độ tương ứng với hai từ kế tiếp nhau trong lời ca. Các thanh điệu đều có sự phân biệt về thanh huyền - ngang - sắc, thanh bằng - trắc, từ đó quy định sự tương ứng khi bố trí cao độ trong giai điệu. So sánh cao độ cho các thanh điệu khác nhau, có thể xếp thứ tự theo cao độ tương ứng giảm dần tương ứng cho các thanh điệu là: sắc, ngã, ngang, huyền, hỏi, nặng. Giữa hai từ liên tiếp, chỉ cần cao độ tương ứng đảm bảo được thứ tự như vậy thì hiệu quả vang lên vẫn hợp lý, vẫn đảm bảo được tính phù hợp giữa cao độ và thanh điệu. Ví dụ, một thanh điệu có thể lúc được sử dụng ở cao độ này, lúc ở cao độ khác, đôi khi chênh lệch không ít, và với cùng một cao độ, ở vị trí này có thể được sử dụng cho thanh bằng, nhưng vị trí khác lại là thanh trắc. Tuy nhiên, câu nhạc vẫn hài hòa trong mối quan hệ giữa cao độ và thanh điệu chỉ đơn giản bởi giữa hai từ liên tiếp, cao độ luôn đáp ứng đúng được quy luật về tính cao thấp của thanh điệu. Cách thức này rất lợi thế cho những giai điệu kết hợp với lời ca có sự xen kẽ liên tục giữa thanh bằng và trắc, giai điệu lúc này sẽ tiến hành theo lối gãy khúc và nó có thể phát triển một cách linh hoạt mà vẫn đảm bảo sự hài hòa với thanh điệu.
Dạng thể hiện cuối cùng là từ một cao độ ban đầu có thể không tương thích với thanh điệu, với cao độ phía trước và phía sau đó trong mối quan hệ với thanh điệu, nhưng bằng sự biến đổi cao độ, bằng kỹ thuật sử dụng các nốt thêu, lướt, luyến láy lại trở nên phù hợp với các từ kế tiếp phía trước và sau, giúp cho mối tương quan về cao độ và thanh điệu giữa các ca từ trở nên mềm mại và hợp lý hơn.
Những quy luật bằng, trắc trong thơ ca không chỉ quy định trong một câu nhạc mà còn được thể hiện trong quan hệ về thanh âm giữa các câu trong một khổ thơ, một đoạn thơ. Thường trong một tứ thơ, các câu thơ bên cạnh quan hệ về vần thì còn có mối quan hệ mang tính quy luật về thanh bằng, trắc. Những câu thơ thường có quan hệ gần gũi ở dạng cặp đôi hoặc nhóm 4 câu, điều này cũng có những ảnh hưởng nhất định đến cấu trúc của giai điệu. Chính vì vậy, các nét giai điệu cũng thường đi theo nhóm 2 câu hoặc 4 câu… Thường cứ trong một cặp đôi, hai câu thơ thường có sự đối nghịch, tương phản với nhau trong mối tương quan của việc tiến hành thanh bằng, trắc, điều đó dẫn tới giai điệu cũng có sự chuyển động đối âm theo quy luật tương ứng.
Ở một dạng quan hệ khác, các câu thơ không có sự đối nghịch về thanh điệu mà lại có quan hệ giống như một sự đồng dạng hoặc mô phỏng lại câu thơ trước, đó có thể là việc nhắc lại một phần hoặc nhắc lại quan hệ bằng, trắc. Khi ấy, âm nhạc phản ánh lại đặc điểm đó bằng việc nhắc lại, mô phỏng hoặc giữ lại quan hệ đối âm cao - thấp tương ứng với nét nhạc trước đó.
Như vậy, khi cao độ và thanh điệu tương thích với nhau thì ca từ có mối quan hệ đối thanh như thế nào sẽ tạo nên những giai điệu có sự đối âm tương ứng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những trường hợp việc đặt cao độ cho giai điệu không hoàn toàn đồng nhất với các thanh bằng, trắc của ca từ. Việc không tương thích giữa cao độ và thanh điệu cũng được biểu hiện qua hai dạng, khác nhau về mức độ phù hợp giữa hai yếu tố này.
2. Các mức độ không tương thích giữa thanh điệu và cao độ
Sự không tương thích giữa thanh điệu trong ca từ và cao độ trong giai điệu có thể được chia thành hai mức độ tương ứng với hai dạng biểu hiện.
Thứ nhất, một cao độ có thể được dùng cho nhiều thanh điệu, hoặc một thanh điệu tương ứng với nhiều cao độ. Dạng thức này chỉ được các tác giả sử dụng trong một phạm vi 2, 3 cao độ đứng cạnh nhau, và kết hợp với những dạng quan hệ cao độ - thanh điệu khác. Đôi khi các độ cao được dùng cho một thanh điệu (hoặc ngược lại) có sự chênh lệch về ngữ âm không nhiều, và thường được tiến hành với các trường độ ngắn hoặc nếu là trường độ dài thì sẽ ở những vị trí ngắt hơi, cuối môtip, cuối tiết nhạc hoặc câu nhạc. Trong trường hợp đó, sự không tương thích giữa cao độ và thanh điệu không bị biểu hiện quá rõ rệt. Dạng thức này rất phổ biến trong thể loại các tác phẩm dành cho thanh nhạc nói chung và trong CKNTVN nói riêng. Với những trường hợp khác, khi những thanh điệu có cùng độ cao, hoặc các độ cao dùng cho một thanh điệu có mức độ khác biệt lớn thì mối quan hệ không tương thích giữa cao độ và thanh điệu sẽ được biểu hiện rõ rệt hơn.
Ở mức độ cao hơn là khi mối quan hệ giữa hai cao độ nối tiếp lại ngược lại so với quy luật về thanh điệu của hai từ tương ứng. Do điều này sẽ biểu hiện mối quan hệ giữa cao độ và thanh điệu ở mức độ không tương thích rõ nét. Chính vì vậy, trong mỗi trường hợp nhất định, tác giả cũng thường có những cách thức cụ thể để tạo nên sự hài hòa cho tổng thể cả nét nhạc. Đó có thể là sự giảm thiểu mức độ chênh lệch giữa hai cao độ, hoặc đặt các các nốt nhạc này ở các trường độ ngắn, cũng có khi hai nốt nhạc này được tách ra bằng cách tăng trường độ của nốt phía trước, đẩy hai nốt nhạc ra xa nhau để sự không tương thích không bị biểu hiện quá rõ ràng. Ví dụ như trong một tác phẩm, nếu như xuất hiện việc đặt cao độ cho thanh nặng cao hơn so với thanh huyền trước đó, hoặc cao độ cho thanh ngang lại thấp hơn so với thanh hỏi, thì với những cụm từ ấy lẽ ra đã có thể tạo một sự không đồng nhất giữa giai điệu và ca từ. Khi ấy, tác giả thường sẽ sử dụng những biện pháp nhằm giảm bớt hiệu quả của sự không tương thích đó. Ví dụ như xây dựng quãng chênh lệch giữa hai cao độ này ở mức độ nhỏ (quãng 2, quãng 3), hoặc để các nốt nhạc này cùng diễn ra với trường độ ngắn, do đó không để lại cảm giác bị ngược giữa cao độ và thanh điệu một cách rõ rệt. Tuy nhiên, những trường hợp ở dạng thức này không thực sự phổ biến trong các tác phẩm CKNTVN.
Trong phần lớn các CKNTVN, ca từ và giai điệu luôn giữ được mối quan hệ hài hòa, đảm bảo được tính hợp lý trong tương quan về thanh âm và thanh điệu, bên cạnh đó vẫn có tính linh hoạt để phát triển ý thơ cũng như tư duy về giai điệu theo ý đồ của nhạc sĩ. Có nhiều mức độ của sự phù hợp cũng như không phù hợp giữa thanh điệu và cao độ tương ứng với từng trường hợp cụ thể. Với những trường hợp không phù hợp, đó là khi tác giả lựa chọn ưu tiên cho ý tưởng sáng tác cả về giai điệu và ca từ nhưng giữa hai yếu tố lại xảy ra sự không tương thích tại một vị trí nào đó. Trong trường hợp này, tác giả sẽ điều chỉnh để giữ được ý tưởng sáng tác nhưng vẫn giảm thiểu được sự không tương thích giữa thanh điệu trong ca từ và cao độ trong giai điệu. Sự xử lý này đòi hỏi sự chín muồi trong kỹ thuật sáng tác, để vừa xây dựng được một mối quan hệ hài hòa giữa thanh âm và thanh điệu, vừa tạo ra những ca từ và giai điệu có giá trị nghệ thuật.
Tác giả : Tạ Hoàng Mai Anh
Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018