Như một hình thức biểu đạt mới, đó là múa hiện đại, của nghệ thuật múa, múa hiện đại nhanh chóng lan tỏa với sự kết hợp ngôn ngữ mạnh mẽ, nhiều trường phái đa phong cách khác nhau, mang dấu ấn văn hóa dân tộc: múa hiện đại phương Tây kết hợp với sự hư ảo của truyền thống Trung Hoa do Lin Hwaimin thể nghiệm tại Đài Loan, múa cổ điển Ấn Độ được Chandralekha thực hiện tại Madras hay múa cổ truyền của thổ dân Úc với những chủ đề đương đại của đoàn múa thổ dân Bangara ở Sydney. Múa hiện đại, với bốn trường phái nền tảng cùng các xu hướng đặc trưng là chìa khóa giải mã cho những tác phẩm múa đương đại hình thành nhiều phong cách khác nhau. Ở Việt Nam, tuy chưa xác định thành phong cách cụ thể nhưng đã manh nha hình thành một số dạng thức kết hợp đặc trưng của múa hiện đại với múa dân tộc và các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Đặc biệt, múa hiện đại và múa tuồng có nhiều mối tương quan lẫn nhau.
1. Tương quan trong tính linh hoạt, ngẫu hứng, khoa học
Trình thức, mô hình trong ngôn ngữ múa tuồng tương quan với ngôn ngữ múa hiện đại. Nó là tổng hòa kết nối khoa học, hợp lý giữa các mắt xích của từng động tác, tổ hợp múa trong một tổng thể liên hoàn, phát triển lôgic của kết cấu ngôn ngữ, kết cấu tác phẩm, thể hiện đề tài, hình thành tính cách nhân vật. Sân khấu gợi tả của tuồng tạo cho diễn viên sự linh hoạt trong cung cách điều hành diễn xuất, tính linh hoạt trong co, dãn, nhanh, chậm, tương đồng với tính chất linh hoạt của ngôn ngữ múa hiện đại. Trên nền tảng âm nhạc, tiết tấu được chia nhỏ để đan xen những luật động, tạo hình, những đột biến gây hiệu quả bất ngờ, linh hoạt, uyển chuyển. Múa hiện đại ưa thích hiệu quả thẩm mỹ khi thực hiện các thủ pháp gây nên sự phấn khích cho khán giả từ sự khác biệt, đôi khi kỳ dị, tạo cảm nhận đa chiều giữa thính giác và thị giác. Điều này đòi hỏi múa hiện đại phải đạt đến tính linh hoạt, khoa học với tiết tấu cao, đầy ngẫu hứng. Đây là thủ pháp động trong tĩnh, tĩnh trong động mà múa hiện đại thường sử dụng. Người diễn viên phải tinh tế lắng nghe tiết tấu trong chuyển động của cơ thể, sáng tạo trên hơi thở để làm ra tiết tấu. Tính ngẫu hứng được phát huy khiến diễn viên cảm nhận sự chuyển động linh hoạt nhanh hay chậm theo sự dẫn dắt của cảm xúc nội tâm. Âm nhạc là linh hồn của múa nhưng khi không có nhạc, diễn viên phải tạo ra bản nhạc với đầy đủ cung bậc cảm xúc bằng ngôn ngữ cơ thể.
Múa tuồng và múa đương đại đều sử dụng linh hoạt các phương hướng với tầm cao, trung, thấp, tạo ra một không gian đa chiều. Ưu việt hơn múa dân gian của các dân tộc Việt Nam, múa tuồng đặc biệt chú ý đến các kỹ thuật dưới sàn như: bê gối, đá lăn, lỉa, tọa thấp, tọa sửng, nhảy cầu hai chân tọa thấp, né... để lột tả tâm trạng, hoàn cảnh của nhân vật. Mối tương đồng này giúp hai thể loại múa, một từ nghệ thuật sân khấu truyền thống phương Đông, một từ nghệ thuật hiện đại phương Tây, có được sự kết nối, liên hệ, giúp diễn viên vận dụng được tối ưu các kỹ năng, kỹ xảo của ngôn ngữ múa trên mặt sàn, sự phối hợp linh hoạt các tầng không gian trên sân khấu, mang lại cho khán giả những cảm hứng mới lạ, bất ngờ.
2. Tương quan trong ngôn ngữ múa giàu cảm xúc
Múa hiện đại từ khi ra đời đã đối lập với những kỹ thuật bay bổng của ballet cổ điển, thiết lập những quy tắc để trở lại cuộc sống đời thường, tôn thờ vẻ đẹp tự nhiên, sự mộc mạc giản dị, gần gũi nhất với con người. Diễn viên múa hiện đại phải cảm nhận chính cơ thể của mình bằng những biểu cảm tinh tế nhất, từ mỗi cử chỉ, tư thế, động tác đều phải thể hiện cái thần qua từng cơ bắp, chuyển động vẽ trên không gian, thứ ngôn ngữ biết nói, chứ không đơn thuần là phương tiện múa đẹp, múa đúng. Múa hiện đại yêu cầu ngôn ngữ từ tâm hồn với xúc cảm trào dâng, toát ra chuyển động cơ thể. Người diễn viên không phải là cái máy vô hồn được vặn dây cót theo lập trình cài đặt sẵn. Ngôn ngữ múa chuyển động bằng trí tuệ, tình cảm, chảy trong từng thớ thịt, cơ bắp của diễn viên trên sân khấu, truyền vào tâm hồn khán giả với cảm xúc tinh tế mà mắt thường không thể nhìn thấy. Về điểm này, ngôn ngữ múa hiện đại tương đồng với múa tuồng, vì đặc trưng của nghệ thuật tuồng là sân khấu hiện thực tả ý, nhằm lột tả bản chất, cái thần của sự vật. Thể hiện cái thần là gốc của cả ngôn ngữ múa tuồng và múa hiện đại, vừa là sắc diện bên ngoài, vừa là tâm hồn bên trong, lấy cái ý mà truyền đạt vào cái thần, bóc lớp vỏ ngoài của ngôn ngữ mà chắt lấy hạt ý nghĩa bên trong. Để lột tả được cái thần, ngôn ngữ múa tuồng cũng như múa hiện đại phải dùng khoa trương, cách điệu. Tuy nhiên, cách điệu kiểu hiện đại sẽ có thẩm mỹ, nguyên tắc khác hơn múa tuồng.
Ngôn ngữ múa hiện đại lấy nghệ thuật hội họa, điêu khắc với những tư thế gồ ghề, góc cạnh, gãy khúc đến trừu tượng để khắc họa tâm trạng nhân vật. Những tính chất, trạng thái của các dạng vật chất như: nước, lửa, không khí… làm nguyên lý cho sự vận động để gợi tả những biểu tượng, ý niệm sâu xa, mang tính triết học, khắc họa nội tâm phức tạp của con người trong cuộc sống đương đại. Điều này cũng tương đồng với ước lệ, cách điệu trong ngôn ngữ múa tuồng.
Ngôn ngữ múa hiện đại cũng như múa tuồng thể hiện bản chất của nghệ thuật không gian, thời gian, nghệ thuật tổng hợp. Trong đó, diễn viên là trung tâm sân khấu, thể hiện được kết cấu vững chắc, liên hoàn, lúc căng, lúc chùng, lúc dồn dập, lúc thong thả, tạo nên những sắc thái biểu diễn khoáng đạt, hư ảo. Thủ pháp biên tổ hợp ngẫu hứng, linh hoạt trong múa hiện đại cũng như cung cách điều hành các trình thức, luật động vào các mô hình nhân vật trong múa tuồng, giúp ngôn ngữ múa lấp đầy khoảng trống giữa những giai điệu âm nhạc, xuyên qua âm nhạc hoặc ngược lại, tạo dấu lặng bất ngờ ngoài âm nhạc, tạo điểm dừng đột ngột, gây hiệu quả lắng đọng cao, làm dâng trào cảm xúc cho người thưởng thức.
Ngôn ngữ múa hiện đại hoàn toàn có thể thích ứng với múa tuồng, ngược lại, ngôn ngữ múa tuồng cũng hoàn toàn có thể dung nạp ngôn ngữ múa hiện đại. Chúng có chung yếu tố mở, hướng đến ngôn ngữ giàu cảm xúc trên con đường phát triển, sáng tạo ra ngôn ngữ mới trong sáng tác theo dòng chảy của nghệ thuật múa đương đại Việt Nam.
3. Tương quan trong yếu tố mở
Múa hiện đại là một câu chuyện mở mà qua đó, mỗi người có một cách thưởng thức riêng, tùy theo sự hiểu biết, tư duy tưởng tượng của từng người. Vai trò của người biên đạo khi tìm tòi ra ngôn ngữ cho tác phẩm múa là người dẫn đường. Tiếp đến, vai trò của diễn viên là chuyển tải qua cơ thể để khơi gợi nguồn xúc cảm trong sâu thẳm trái tim, khối óc của mỗi con người. Kết cấu ngôn ngữ động tác, bố cục chặt chẽ, khoa học nhưng không bị khô cứng, đơn điệu, tạo ra những khúc, đoạn cao trào mang yếu tố mở cho diễn viên là nhiệm vụ sáng tạo của người biên đạo. Cách xử lý âm nhạc, không gian, điều hành tiết tấu, động tác để nhấn vào từng chi tiết, làm cho tính cách nhân vật được thể hiện rõ, kéo dài thời lượng thực hiện kỹ thuật, gây hiệu ứng truyền cảm về trạng thái cảm xúc của nhân vật trên sân khấu đồng điệu với cảm xúc của khán giả lại phụ thuộc vào tài năng của người diễn viên.
Tính chất mở thể hiện rõ nhất trong những trường đoạn không nhạc. Lúc này, những luật động, tổ hợp đầy ắp trong không gian, phơi bày nhịp điệu, tiết tấu đang căng lên cuộn chảy trong cơ thể diễn viên cùng sự chủ định của biên đạo sẽ tác động vào cảm xúc người xem. Đó là nhờ yếu tố mở trong kết cấu ngôn ngữ múa, tạo ra những đoạn co, dãn ngẫu hứng. Cấu trúc mở đòi hỏi người xem phải biết hòa nhập, tập trung cao độ vào chuyển động trên sân khấu, bị cuốn hút vào vòng xoáy của diễn biến tâm lý, đồng cảm với thân phận, hoàn cảnh, tâm trạng của nhân vật, đi sâu vào mạch chảy của tác phẩm. Nói cách khác, lạc vào hiện thực đang diễn ra trong tác phẩm nghệ thuật ấy để tự cảm nhận được tiết tấu, âm thanh, hình ảnh trừu tượng do ngôn ngữ múa hiện đại tạo ra mà rất hợp lý, rõ ràng.
Yếu tố mở còn thể hiện trong kết cấu nghệ thuật của toàn bộ tác phẩm. Đó là sự kết hợp linh hoạt của nghệ thuật kết cấu múa với âm nhạc, trang trí, ánh sáng, thiết kế sân khấu, đạo cụ…, những thành tố nghệ thuật thiếu yếu, đảm bảo cho sự thành công của tác phẩm múa. Mối tương quan giữa yếu tố mở của múa hiện đại và múa tuồng đều tạo ra giá trị thẩm mỹ, sự lôi cuốn, sức hấp dẫn đầy ấn tượng cho tác phẩm.
4. Tương quan trong ước lệ, cách điệu
Nghệ thuật tuồng là sân khấu ước lệ, cách điệu, biểu trưng. Tuồng lấy chi tiết có thật trong cái toàn thể để thay thế cho cái toàn thể, rồi lôi kéo khán giả sống trong hoàn cảnh nhân vật đang sống. Cách điệu ở mức thấp trong múa tuồng là những động tác gần với tự nhiên dựa trên sinh hoạt của con người trong cuộc sống qua những cử chỉ, hành động hình thể của diễn viên nhằm hướng đến cái đẹp của nhân vật. Cách thức này trong múa hiện đại gọi là múa hành động, vừa bảo đảm được tính chân thực, vừa mang tính ước lệ trở thành khoa trương theo đặc trưng ngôn ngữ của mình. Cách điệu ở mức trung bình của múa tuồng mang tính tổng hợp cao hơn, phù hợp với nhân vật đang diễn tả, làm cho động tác hình thể có giá trị ngôn ngữ mới, tăng sức biểu hiện, mang lại giá trị cộng hưởng với kịch bản như mô hình những nhân vật điên loạn, tật nguyền, hồn ma… Cách điệu cao nhất trong múa tuồng và múa hiện đại không chỉ dừng ở mức tỷ lệ thuận, mà còn vượt cao hơn cả lời nói, hiện thực. Nó trở thành ngôn ngữ độc lập, nói lên thái độ của biên đạo trước tác phẩm, tình cảm của người diễn viên đối với nhân vật. Múa đương đại không đi vào kể hay diễn giải một câu chuyện mà tác phẩm là cảm xúc, suy tư được bộc bạch tự nhiên như đang diễn ra trong tính hợp lý nội tại của chính tác phẩm, hướng người xem đến gần với tính ước lệ, cách điệu, khơi gợi cảm xúc thăng hoa của tưởng tượng. Sân khấu tự sự kịch hát phương Đông cũng kích thích tính trò diễn đạt đến đặc trưng ước lệ, cách điệu, điều hành cung cách của những cử chỉ, hành vi đều được múa hóa (nét mặt, ánh mắt, râu, tóc, mình, tay, chân, đầu, cơ mặt…). Trò diễn ở tuồng mang tính ước lệ, cách điệu của động tác, tạo nên tính cách, chuyên chở trạng thái nhân vật, nâng nhân vật lên một tầm cao mới. Cách điệu do yêu cầu mỹ lệ hóa trong nghệ thuật diễn tả nhân vật của sân khấu nói chung, nghệ thuật múa nói riêng, tạo ra vẻ đẹp lấp lánh để hấp dẫn người xem, đồng thời để nhân vật vươn tới ý tưởng cũng như hình tượng trong tác phẩm.
5. Tương quan trong biểu hiện không gian và thời gian
Cũng như múa hiện đại, múa tuồng tái hiện cuộc sống nhân vật trong một phạm vi rất rộng, có những cảnh, vở suốt một đời người, một vương triều kéo dài tới trăm năm mà sống trong hiện thực tác phẩm chỉ vẻn vẹn có vài ba lớp múa, vài cảnh diễn với không gian được mở rộng, diễn tả ở nhiều địa điểm khác nhau. Không gian, thời gian được khái quát và cô đọng, có hoàng cung tráng lệ, núi rừng hoang vu, sông nước mênh mang, xóm làng tan tác. Múa hiện đại tận dụng đa chiều, đa tầng (cao, thấp, gãy, rơi, tiếp sàn rồi phục hồi), đa tầm (xa, gần), tận dụng tối đa kỹ thuật múa để tạo nên sự nhuần nhuyễn trong chuyển động trên khắp không gian sân khấu, dùng những tuyến đội hình để vẽ ra không gian chật hẹp hay mở rộng bởi hình khối, sử dụng kỹ xảo của các loại hình nghệ thuật phụ trợ như: ánh sáng, trang trí, tạo nên sự biến ảo trong luật động, các đường nét trên cơ thể khi đặc tả gần, xa.
Múa hiện đại điều tiết thời gian một cách khoa học, là một thủ pháp mang lại hiệu quả tích cực, với nguyên lý tâm thức điều khiển hành vi, sinh ra vận động, tạo thành năng lượng cho chuyển động, chuyển động kết nối từ hai tạo hình tĩnh trở lên tạo thành luật động. Luật động là sự kiểm soát, điều tiết nhịp điệu, hơi thở của cử chỉ, điệu bộ. Nếu tâm trạng của mỗi nhân vật chuyển tải một thông điệp cụ thể thì chỉ cần điều tiết nhịp điệu và hơi thở sẽ tạo nên hiệu ứng về thời gian, sản sinh ra tiết tấu tự thân của ngôn ngữ múa. Nó cũng gần với cương và nhu trong múa truyền thống tuồng, lúc căng, lúc chùng, chậm rãi, dồn dập… tạo nên nhiều sắc thái tình cảm kết nối bởi thời gian, ức chế cảm xúc, hình thành nhiều cung bậc rung động nên múa hiện đại, múa tuồng là một trong những thể loại thuộc loại hình nghệ thuật của không gian, thời gian.
6. Tương quan trong kết nối khán giả
Dù múa tuồng và múa hiện đại đều dùng thủ pháp ước lệ, khoa trương, cách điệu để xây dựng một bộ mặt khác, làm nhòa đi sự thật để đẩy cái điển hình lên, gom từ cái muôn hình vạn trạng đúc lại thành muôn một, nhưng về căn bản, vẫn bám rễ vào hiện thực cuộc sống, trở thành quy ước ngầm về ngôn ngữ hình thể với khán giả. Khán giả phải có trí tưởng tượng, liên tưởng thông qua những hành động, chuyển động của cơ thể, cùng biểu cảm của người diễn viên. Quá trình hình thành hệ thống những động tác, trình thức, mô hình của múa tuồng, sau này là sự giao thoa giữa múa tuồng và múa hiện đại phụ thuộc nhiều vào tài nghệ của người diễn viên trên sân khấu. Và, một phần lớn phụ thuộc vào trí tưởng tượng, trình độ thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật của người thưởng thức. Yếu tố này tạo ra sự đồng điệu, kẻ tung, người hứng, vừa tăng sức diễn tả, tạo nên sức hút, vừa tạo ra tính hấp dẫn, kéo khán giả đương đại đến với nghệ thuật múa đương đại.
7. Tương quan trong tính hiện đại
Hiện đại chính là hiện thực xã hội, mang đầy đủ những dấu hiệu tiến bộ của thời đại và tính thẩm mỹ mới. Đây là sự kết tinh cái đẹp, cái hay của truyền thống và cái tinh hoa, tiến bộ của thế giới ở cấp độ phát triển cao hơn so với trước kia. Dịch chuyển sang múa tuồng và múa hiện đại, phải thừa nhận tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm tinh thần của người nghệ sĩ, mang theo rung động, cảm xúc, chiết xuất ra những hình tượng nghệ thuật được chắt lọc từ hiện thực cuộc sống, gửi gắm cách nhìn thời cuộc, tư tưởng của tác giả. Một sáng tạo nghệ thuật chưa được gọi là tác phẩm nghệ thuật khi chưa được công diễn trước khán giả nên phải hướng đến khán giả với những vấn đề có giá trị trong cuộc sống đương thời, trả lời những câu hỏi mà con người đương đại quan tâm. Mỗi tác giả có một cách phát hiện, cách lý giải cuộc sống khác nhau trên cơ sở phát huy thẩm mỹ nghệ thuật đặc thù của thể loại sẽ bộc lộ phẩm chất, tài năng, chất riêng của phong cách sáng tạo và quyết định sự thành công của một tác phẩm nghệ thuật. Do đó, tính hiện đại trong tác phẩm hiện diện một cách hiển nhiên mà không người nghệ sĩ sáng tạo nào có thể phủ nhận hay đi ngược lại. Nếu như tính hiện đại của múa hiện đại chảy trong mạch ngầm ngôn ngữ chuyển động, kết cấu chứa yếu tố mở thì múa tuồng cũng tích hợp đặc trưng cách điệu, ước lệ, khoa trương, linh hoạt, ngẫu hứng. Trong khi cái đẹp của múa tuồng mang tính tạo hình cao, đạt tới đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật tuồng thì múa hiện đại từ khi ra đời đã chú ý đến việc xây dựng sự phong phú muôn hình, muôn vẻ tính tạo hình trong không gian động, giàu biểu cảm, chuyển tải những giá trị lớn về tư tưởng qua hình tượng nhân vật. Giá trị thẩm mỹ qua cái đẹp của múa tuồng và múa hiện đại không chỉ chú trọng cái vỏ của chuyển động, mà chuyển động để thể hiện cái thần, cái tinh, cái khí mang cốt cách, tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam. Tính hiện đại thể hiện trong ngôn ngữ múa tuồng khi những trình thức, mô hình đều xuất phát từ những động tác gần gũi với đời sống con người, đã được thời gian kiểm nghiệm suốt tiến trình phát triển nên những hành động được mô hình hóa ấy có giá trị ngay cả với con người đương thời, không xa lạ với khán giả của múa hiện đại.
Múa hiện đại là tấm gương phản chiếu thời đại với chủ trương tìm ra chuyển động ngôn ngữ múa mới, đi sâu khám phá mọi khả năng kỳ diệu của cơ thể con người nên có khả năng biểu hiện cảm xúc đa chiều, diễn tả mọi ngóc ngách tâm lý nhân vật. Giữa múa hiện đại và múa tuồng có nhiều mối tương quan trong tính linh hoạt, ngẫu hứng, khoa học, hiện đại, ngôn ngữ múa giàu cảm xúc, có yếu tố mở, ước lệ, cách điệu, trong biểu hiện không gian, thời gian và kết nối khán giả. Xác lập mối tương quan giữa múa hiện đại và múa tuồng chính là cơ sở lý luận để gọi tên phong cách, định hình xu hướng sáng tác những tác phẩm múa Việt Nam đương đại.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ TUYẾT MINH