Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của văn hóa dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân chủ và tiến bộ xã hội. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương về nhân sinh quan và thế giới quan cao đẹp, ngời sáng lên một chủ nghĩa nhân văn của dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên toàn thế giới, kết tinh những tư tưởng và tình cảm lớn của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức UNESCO vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Bài viết phân tích quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự kết hợp hài hòa với truyền thống văn hóa dân tộc. Đồng thời, làm sáng tỏ vai trò quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2024 - Ảnh: vietnam.vn

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc xác định nội hàm khái niệm văn hóa

Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết và công sức quan tâm đến vấn đề xây dựng, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người trong quá trình xây dựng con người mới và bảo vệ Tổ quốc. Theo quan điểm mác-xít, văn hóa là lực lượng bản chất người của con người trong hành trình khai thác và cải tạo tự nhiên để sinh sống và phát triển. Sinh thời, C.Mác và Ph.Ăng ghen khẳng định: “Căn cứ vào mức độ tự nhiên được con người biến thành bản chất người, tức là mức độ tự nhiên được con người khai thác, cải tạo thì có thể xem xét được trình độ văn hóa của con người” (1). Theo nghĩa rộng nhất, văn hóa là toàn bộ sức mạnh của con người trong hành trình khám phá, cải biến tự nhiên để sinh tồn và phát triển. Do đó, văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra để đáp ứng nhu cầu sinh tồn, phát triển trong tiến trình đi lên của lịch sử. Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về văn hóa, năm 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (2).

Quan niệm về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc phục những quan niệm phiến diện về văn hóa trong lịch sử và hiện tại. Theo Người, ở nghĩa rộng thì văn hóa là một kiến trúc thượng tầng. Ở nghĩa rất hẹp, văn hóa là học vấn của con người. Cho nên, mọi người dân phải đi học văn hóa, xóa mù chữ, thực hiện “phong trào bình dân học vụ”, tránh mê tín dị đoan, tránh bảo thủ, lạc hậu. Người từng nói: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu và vì vậy, cần phải xóa bỏ nghèo nàn dốt nát, phải kiên quyết đánh “giặc dốt”, từ đó mới có thể tăng cường sức mạnh nội sinh của dân tộc trong tiến trình vận động phát triển.

2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí, tính chất của văn hóa

Về vị trí và vai trò của văn hóa trong các mối quan hệ với chính trị, kinh tế và xã hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm văn hóa là đời sống tinh thần của xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng. Người đặt văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, tạo thành bốn vấn đề chính của đời sống và chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, chính trị, xã hội có được giải phóng thì văn hóa mới được giải phóng. Ngược lại, chính trị giải phóng sẽ mở đường cho văn hóa phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Xã hội thế nào thì văn hóa thế ấy. Văn nghệ của ta rất phong phú, nhưng dưới chế độ thực dân và phong kiến nhân dân ta bị nô lệ, thì văn nghệ cũng bị nô lệ, bị tồi tàn, không thể phát triển được” (3).

Theo Người, văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị, phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Văn hóa có tính tích cực, chủ động, đóng vai trò như một động lực to lớn thúc đẩy kinh tế và chính trị phát triển. Người khẳng định: “Trình độ văn hóa của nhân dân lên cao sẽ giúp cho chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ, cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (4). Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận” và anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ văn hóa; cần phải tham gia “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, từ đó tạo nên một phong trào văn hóa, văn nghệ sôi động, đem lại sức mạnh vượt trội cho nhân dân Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cao hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định sức mạnh có tính chất quyết định của văn hóa trong mọi tiến trình lịch sử dân tộc: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Về kiến tạo tính chất của nền văn hóa mới

Nền văn hóa cũ dưới chế độ thực dân phong kiến mang tính chất “nô dịch”, “ngu dân” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích, tố cáo, lên án trong nhiều bài viết, nhất là trong Bản án chế độ thực dân Pháp. Mặc dù có nhiều cách diễn ngôn khác nhau, song, nền văn hóa mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn bao hàm 3 tính chất: tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng. Người nêu rõ: “Văn hóa phục vụ ai? Cố nhiên, chúng ta phải nói phục vụ công nông binh, tức là phục vụ đại đa số nhân dân”; “Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng quần chúng không chỉ sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là người sáng tác nữa…” (5).

Về phát huy sức mạnh của văn hóa trong phát triển

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phát huy sức mạnh của văn hóa trong phát triển, văn hóa cần phải thực hiện một số nhiệm vụ:

Một là, văn hóa phải bồi dưỡng những tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp cho con người

Tư tưởng và tình cảm là 2 vấn đề chủ yếu nhất trong đời sống tinh thần con người. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc (24-11-1946), Hồ Chí Minh nêu rõ: văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Lý tưởng cách mạng mà Bác Hồ xác định cho Đảng và nhân dân ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tình cảm lớn, theo Người là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, yêu tính trung thực, chân thành, thủy chung, ghét những thói hư, tật xấu, sự sa đọa, chống lại “giặc nội xâm”.

Hai là, văn hóa sẽ mở rộng hiểu biết, nâng cao dân trí

Văn hóa luôn thể hiện trình độ dân trí của con người. Đó là trình độ hiểu biết, vốn tri thức của mọi người dân. Nâng cao dân trí phải bắt đầu từ chỗ biết đọc, biết viết đến chỗ hiểu biết các lĩnh vực khác của đời sống. Hồ Chí Minh từng nói: “Mọi người phải hiểu biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Nâng cao dân trí là nhằm phục vụ cho mục tiêu chung là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nâng cao dân trí là để nhân dân có thể tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, góp phần cùng Đảng “biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc” (6). Đó cũng chính là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” ngày nay mà Đảng ta nêu rõ trong công cuộc đổi mới.

Ba là, văn hóa phải bồi dưỡng những phẩm chất, phong cách và lối sống tốt đẹp, lành mạnh; hướng con người tới các giá trị chân, thiện, mỹ để không ngừng hoàn thiện nhân cách

Phẩm chất và phong cách con người được hình thành từ đạo đức, lối sống, từ thói quen của cá nhân và phong tục tập quán của cả cộng đồng. Tùy vào yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, cần đề ra những phẩm chất và phong cách cần thiết để mọi người tự tu dưỡng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: cần phải làm thế nào cho văn hóa thấm sâu vào tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được những tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, làm lành mạnh xã hội và con người…

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò, sức mạnh đặc thù của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Văn hóa là bản sắc dân tộc

Vận dụng quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nội dung tổng quát của nền văn hóa Việt Nam mới sẽ phải được xây dựng với 5 nội dung lớn: “Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường; Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; Xây dựng chính trị: dân quyền; Xây dựng kinh tế” (7).

Như vậy, vấn đề xây dựng văn hóa ở đây đã được hiểu theo nghĩa rộng nhất. Theo Người, nền văn hóa mới thực chất là đời sống mới. Năm 1947, với bút danh Tân Sinh, Người viết tác phẩm Đời sống mới nêu rõ đời sống mới bao gồm cả đạo đức mới, lối sống mới  nếp sống mới. Các lĩnh vực này có mối quan hệ gắn bó với nhau, trong đó, đạo đức đóng vai trò nòng cốt chủ yếu. Vì vậy, cần thực hành thường xuyên đạo đức cách mạng: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không giữ được Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” (8), “Nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính tức là nhen lửa cho đời sống mới” (9).

Văn hóa là công cụ giáo dục và xây dựng giá trị con người

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa sẽ tôn vinh giá trị con người, giúp nâng cao nhận thức và phẩm chất của con người Việt Nam. Qua văn hóa, những giá trị đạo đức và tinh thần yêu nước được trao truyền cho thế hệ trẻ, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc và khát vọng giữ nước.

Trước 1945, nền giáo dục của chế độ thực dân Pháp ở nước ta đã không mở mang trí tuệ cho con người, mà chủ yếu thực hiện chính sách ngu dân. Đó là một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát. Nền giáo dục của nước Việt Nam sau khi được độc lập là nền giáo dục mới hướng tới các giá trị nhân văn. Nền giáo dục đó sẽ “...làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” (10). Trong quá trình xây dựng văn hóa giáo dục mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra hệ thống quan điểm định hướng cho nền giáo dục Việt Nam: giáo dục toàn diện; giáo dục tiên tiến; giáo dục toàn dân; giáo dục nhằm đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa…

Mục tiêu của văn hóa giáo dục xã hội chủ nghĩa theo Người là thực hiện cả 3 chức năng của văn hóa bằng hoạt động dạy và học, đào tạo con người mới vừa có đức, vừa có tài; học để làm việc, làm người, làm cán bộ; “cải tạo trí thức cũ”, “đào tạo trí thức mới”; “công nông hóa trí thức”, “trí thức hóa công nông”, xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng đông đảo, trình độ ngày càng cao; đào tạo những lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng xây dựng đất nước giàu mạnh và văn minh. Phương châm, phương pháp giáo dục phải luôn gắn giáo dục với thực tiễn Việt Nam, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, học kết hợp với lao động sản xuất.

Văn hóa, văn nghệ phải là vũ khí đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Việc bảo vệ, phát triển văn hóa không chỉ góp phần vào sự tồn vong của dân tộc mà còn là nền tảng để khẳng định độc lập và chủ quyền quốc gia. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn nghệ là biểu hiện tập trung nhất, tinh hoa nhất của nền văn hóa, là đỉnh cao của đời sống tinh thần, là vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc. Trong quá trình chỉ đạo xây dựng nền văn nghệ cách mạng, Bác Hồ đưa ra 3 quan điểm lớn sau:

Thứ nhất, văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng

Mặt trận văn hóa cũng có tầm quan trọng như mặt trận quân sự, chính trị, văn hóa. Đó là một cuộc đấu tranh giữa chính và tà, giữa cách mạng và phản cách mạng. Cuộc chiến đó sẽ rất quyết liệt, lâu dài, nhưng cũng rất vẻ vang. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững vàng, tư tưởng đúng... đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết” (11). Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một nền văn nghệ cách mạng và đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng, đặt văn nghệ cách mạng Việt Nam vào vị trí tiên phong chống đế quốc thực dân của TK XX.

Thứ hai, văn hóa, văn nghệ phải gắn với thực tiễn đời sống của nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các văn nghệ sĩ phải “thật hòa mình vào quần chúng”, phải “từ trong quần chúng ra, trở về nơi quần chúng”, phải “liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân” (12), để hiểu thấu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, học tập nhân dân và “miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn”. Từ đó nền văn nghệ cách mạng Việt Nam sẽ thấm đẫm tính dân tộc, tính nhân dân và tính hiện thực sâu sắc.

Thứ ba, cần phải sáng tạo được những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại mới của đất nước, của dân tộc trong thời đại cách mạng

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tác phẩm văn nghệ hay là tác phẩm diễn đạt đầy đủ những điều đáng nói, ai đọc cũng hiểu được và khi đọc xong phải suy ngẫm. Tác phẩm đó phải kế thừa những tinh hoa văn hóa dân tộc, mang được hơi thở thời đại, phản ánh chân thật những gì có trong đời sống, vừa phê phán cái xấu, cái sai, hướng nhân dân tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, vươn tới lý tưởng cao đẹp. Người nghệ sĩ cách mạng phải là chiến sĩ văn hóa, khi cầm bút sáng tác cần phải xác định rõ các vấn đề: viết cho ai? viết để làm gì? viết cái gì? viết như thế nào? Từ đó sẽ sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật phù hợp với con người và cuộc sống xã hội, có tác dụng tích cực, thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện được điều ấy thì các tác phẩm văn học, nghệ thuật còn cần phải chân thực về nội dung, đa dạng, phong phú về hình thức và thể loại. Người nêu rõ: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích (…) Cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người thấy nhiều loại hoa đẹp” (13).

Văn hóa là cầu nối quan trọng giao lưu quốc tế, tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới

Chủ tịch Hồ Chí Minh thừa nhận vai trò của văn hóa không chỉ trong nội bộ quốc gia mà còn trong giao tiếp quốc tế, việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới, xem đây là một phần không thể thiếu trong chiến lược ngoại giao và hợp tác quốc tế. Đảng ta luôn luôn xác định: xây dựng văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng, sự kiên trì thận trọng và quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, song trước hết, sự nghiệp đó phải được bắt đầu từ mỗi con người, mỗi gia đình với tư cách là “tế bào của xã hội”, từ đó sẽ xuất hiện hàng triệu tế bào sạch để xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nguồn sức mạnh nội sinh để phát triển nhanh và bền vững đất nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, góp phần ổn định hòa bình thế giới và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nhân loại.

________________

1. C.Mác, Ph. Ăng-Ghen, Những tác phẩm thời trẻ, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, bản Tiếng Nga, 1986, tr.587.

2, 7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.431, 431.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.434.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.281.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.249-250.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.8.

8, 9. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.104, 110.

10, 11. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.368, 368.

12, 13. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.646, 647.

TS NGUYỄN MINH THÔNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024

;