Tiếp cận truyền thông văn hóa từ góc độ lý luận

Truyền thông, văn hóa là những khái niệm rất phổ biến, được quan niệm và định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, theo các quan điểm và góc nhìn khác nhau. Giữa truyền thông và văn hóa có mối tương liên rất mật thiết, chặt chẽ. Bài viết đi từ khái niệm truyền thông, khái niệm văn hóa theo phương pháp “chiết tự” để tiếp cận khái niệm truyền thông văn hóa nhằm làm rõ nội hàm của khái niệm này với tư cách như một quá trình, một lĩnh vực học thuật mới xuất hiện trong thời gian gần đây

Truyền thông

Truyền thông là quá trình trao đổi thông tin, ý tưởng, cảm xúc và thông điệp giữa các cá nhân hoặc nhóm người thông qua các phương tiện như ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, hoặc cử chỉ, biểu tượng. Truyền thông trong tiếng Anh là communication hoặc communications. Hiện nay, có nhiều nhà nghiên cứu đề xuất sử dụng thuật ngữ communications thay cho thuật ngữ communication (viết không có “s”) như hình thức số nhiều của “communication” với 3 lý do sau: thứ nhất, nó chỉ nhiều kênh truyền thông và chiến lược truyền thông cần đào tạo; thứ hai, nó chỉ sự chuyển dịch từ truyền thông truyền thống (traditional communication) sang nghiên cứu truyền thông hiện đại (modern communications studies) tập trung vào công nghệ và phương tiện truyền thông đại chúng để truyền tải nội dung trên một bình diện rộng; thứ ba, thuật ngữ “communications” được sử dụng như một thuật ngữ chiếc ô (hay chiếc dù, an umbrella term) để mô tả sự tập hợp và kết nối của các ngành trong lĩnh vực truyền thông (1).

Truyền thông là trao đổi, chia sẻ, giao tiếp, truyền tải, phổ biến, thông báo, có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, từ hình thức diễn ra trực tiếp (face-to-face) đến các hình thức gián tiếp (qua các phương tiện truyền thông như báo chí, radio, truyền hình, internet...); từ việc truyền tải, trao đổi thông tin cho một cá nhân đến việc truyền tải, trao đổi thông tin cho một nhóm người, cho một đối tượng công chúng rộng lớn xuyên thời gian và không gian.

Theo Stanley J.Baran, thì truyền thông là quá trình truyền đạt thông tin từ nguồn phát đến nguồn nhận và là một quá trình tương tác 2 chiều. Quá trình này gồm có ít nhất 5 thành tố: 1) Nguồn phát - Source: Người tạo ra và gửi thông điệp/ thông tin; 2) Thông điệp - Message: Ý nghĩa được tạo ra bởi nguồn phát gửi đến nguồn nhận; 3) Kênh truyền tin - Channel: Cách thức thông điệp/ thông tin được truyền đi bằng cách sử dụng phương tiện gì; 4) Nguồn nhận - Receiver: Người nhận, phân tích, giải nghĩa thông điệp có hoặc không có chủ ý; 5) Phản hồi - Feedback: Phản hồi lại thông điệp đã nhận bằng lời hoặc phi lời (2). Ngoài ra, môi trường (Environment), văn cảnh (context) và yếu tố gây nhiễu (Interference) cũng đồng thời tác động đến quá trình truyền thông.

Đồng quan điểm và nhấn mạnh yếu tố vai trò, ý nghĩa của truyền thông, tác giả Nguyễn Văn Dũng và Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định: “Truyền thông là quá trình liên tục trao đổi thông tin, kiến thức, tư tưởng, tình cảm... chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/ nhóm/ cộng đồng/ xã hội. Truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển bền vững” (3).

Ở một góc nhìn khác, John Fiske, trong công trình Introduction to Communication Studies (Dẫn nhập nghiên cứu truyền thông) nêu định nghĩa chung và đơn giản về truyền thông là “tương tác xã hội thông qua các thông điệp”. Ông cho rằng: truyền thông cần một số phương pháp tiếp cận theo chuyên ngành để có thể nghiên cứu nó một cách toàn diện; truyền thông liên quan đến các ký hiệu và mã; các ký hiệu và mã này được truyền tải, cung cấp cho người khác; và truyền thông là trung tâm của đời sống văn hóa của con người. Nếu không có truyền thông, bất kỳ nền văn hóa nào cũng sẽ chết. Do đó, việc nghiên cứu truyền thông bao gồm việc nghiên cứu nền văn hóa mà truyền thông được tích hợp. Trong tài liệu này, John Fiske cũng đề cập đến 2 trường phái chính trong nghiên cứu truyền thông. Trường phái thứ nhất xem truyền thông là truyền tải thông điệp, quan tâm đến cách người gửi và người nhận mã hóa và giải mã, đến các vấn đề như hiệu quả và độ chính xác, cách người truyền tải sử dụng các kênh và phương tiện truyền thông tác động đến hành vi hoặc trạng thái tinh thần của người khác. Ông gọi đây là trường phái “quy trình”. Trường phái thứ hai coi truyền thông là quá trình sản xuất và trao đổi ý nghĩa, quan tâm đến cách các thông điệp hoặc văn bản tương tác với con người để tạo ra ý nghĩa; nghĩa là, quan tâm đến vai trò của văn bản trong nền văn hóa. Trường phái này cho rằng có sự khác biệt về văn hóa giữa người gửi và người nhận nên nghiên cứu truyền thông là nghiên cứu về văn bản và văn hóa. Ông gọi trường phái này là trường phái ký hiệu học có xu hướng dựa trên ngôn ngữ học và các môn nghệ thuật và hướng đến các tác phẩm/ sản phẩm truyền thông (4).

Văn hóa

Văn hóa là sản phẩm của con người được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người với thế giới tự nhiên và xã hội. Văn hóa là cái được trao truyền, tái tạo và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình hoạt động, sáng tạo, sinh tồn và tương tác xã hội của con người.

A.Balasubrâmnian (2018) quan niệm văn hóa là tổng thể kiến thức, thái độ và các kiến thức hành vi thói quen được chia sẻ và truyền đạt bới các thành viên của một xã hội... Văn hóa là toàn bộ cách sống đặc trưng cho một nhóm người (Mục Introduction) (5). Văn hóa còn là tất cả những gì con người sáng tạo ra, là nhân hóa để phân biệt, đối lập với cái tự nhiên (6). Như vậy, văn hóa không chỉ là “năng lực tinh thần” mà còn là “hiện tượng nhân tạo” (artificial phenomena).

Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng và đa phương diện ngày nay nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa đang lộ rõ. UNESCO cho rằng tính đa dạng văn hóa sẽ biến mất trước sức mạnh của vật chất và khoa học công nghệ. Cho nên khoảng cuối TK XX, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa xem văn hóa không chỉ là những hoạt động, sản phẩm nhân tạo mà còn gắn với “bản sắc dân tộc” (national identity). Theo đó, văn hóa là trung tâm của cách con người nhìn nhận, trải nghiệm và tham gia vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống và thế giới xung quanh. Từ đó, đã hình thành quan niệm xem văn hóa là những giá trị vật thể và phi vật thể gắn liền với dân tộc, tộc người và làm nên sự khác biệt giữa các dân tộc, tộc người. “Nếu văn hóa được quan niệm là tất cả những giá trị do con người sáng tạo ra trong quá trình ứng xử với tự nhiên, xã hội và với bản thân mình, thì đặc trưng dân tộc được thể hiện trong văn hóa” (7). Điều đó có nghĩa là mỗi dân tộc, mỗi tộc người đều có hệ thống giá trị văn hóa của riêng mình, tạo nên bản sắc riêng độc đáo.

Văn hóa là tổng thể cách sống hay lối sống của một dân tộc. Các cá nhân lớn lên trong một nền văn hóa học được những cách có thể chấp nhận được để ứng xử và hoạt động trong nền văn hóa của họ. “Cách sống” hay “lối sống” cũng chính là các “khuôn mẫu” (patterns), có khuôn mẫu đã định hình rõ ràng, nhưng cũng có những khuôn mẫu đang hình thành hay ở dạng tiềm ẩn (8).

“Cách sống” hay “lối sống”, “khuôn mẫu” bao gồm rất nhiều thứ tạo thành hệ thống: niềm tin, cách ăn mặc, cách xây nhà, hôn nhân, lễ hội và ngôn ngữ... con người chia sẻ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong chiều dài thời gian cũng như lan tỏa, học hỏi, khuếch tán từ nơi này sang nơi khác theo chiều rộng không gian. Hệ thống này vừa là sản phẩm của hành động, của thực hành văn hóa ở hiện tại vừa mang tính điều hòa, định hướng cho hành động, thực hành tiếp theo trong tương lai. Văn hóa mang tính lịch sử, tính kế thừa và tính định hướng.

Như vậy, “Văn hóa là thế giới được làm cho có ý nghĩa; là cái được xây dựng và duy trì trên phương diện xã hội nhờ truyền thông. Văn hóa giới hạn đồng thời khai phóng chúng ta; phân biệt đồng thời liên kết chúng ta. Văn hóa xác định thực tế của chúng ta và do đó định hình cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động” (9).

Truyền thông văn hóa

Giữa truyền thông và văn hóa có mối liên quan mật thiết với nhau. Con người không chỉ làm cho quá trình truyền thông diễn ra mà còn cho phép nó đóng góp vào sự sáng tạo và duy trì văn hóa. Truyền thông là một quá trình mang tính biểu tượng nhờ đó thực tiễn được tạo ra, duy trì, sửa chữa và chuyển hóa. Truyền thông chính là con người, là kết nối, là tâm hồn, thông điệp lẫn nhau, cái chúng ta thực hành mỗi ngày. Vì lẽ đó, truyền thông chính là nền tảng của văn hóa (10). Khi kết hợp 2 khái niệm truyền thông và văn hóa, truyền thông văn hóa là một lĩnh vực học thuật có thể xem như một chuyên ngành đào tạo.

Khái niệm truyền thông văn hóa (Cultural Communication) được Gerry Philipsen đề cập đến lần đầu năm 1981 trong nghiên cứu The prospect for cultural communication (Triển vọng truyền thông văn hóa), đến năm 1987 nghiên cứu này mới được công bố trong Communication theory from Eastern and Western perspectives (Lý thuyết truyền thông từ góc nhìn phương Đông và phương Tây) (11). Theo đó, đi từ quan điểm xem văn hóa là mã nhấn mạnh vào sự cố định, có trật tự và tập trung vào hệ thống các ràng buộc về nhận thức và đạo đức, văn hóa là đàm thoại, trò chuyện, trao đổi thể hiện theo khuôn mẫu về trải nghiệm sống của một dân tộc về công việc, vui chơi, thờ cúng, văn hóa là cộng đồng. Ông cho rằng truyền thông văn hóa là quá trình mà một mã được nhận ra và đàm phán trong một cuộc đàm thoại cộng đồng. Nó bao gồm 2 quá trình: quá trình tái hiện/ trình hiện (enactment), thể hiện, khẳng định các hình thức văn hóa và quá trình sáng tạo, thích ứng và chuyển đổi các hình thức văn hóa để đáp ứng các tình huống bất trắc của cuộc sống hằng ngày. Ông khẳng định, một nền văn hóa khỏe mạnh là nền văn hóa duy trì tốt sự cân bằng giữa 2 tiểu quá trình tái hiện/ trình hiện và sáng tạo (12).

Tiếp tục nghiên cứu lĩnh vực này, trong công trình Cultural Communication. Handbook of International and Intercultural Communication (Truyền thông văn hóa. Sổ tay truyền thông quốc tế và liên văn hóa) công bố năm 2002, Gerry Philipsen một lần nữa đề cập đến truyền thông văn hóa với 2 khía cạnh phức tạp có liên quan với nhau trong đời sống xã hội. Khía cạnh đầu tiên là cách thức truyền thông đặc biệt về mặt văn hóa - việc sử dụng các phương tiện và ý nghĩa truyền thông cụ thể có thể tìm thấy ở những thời điểm, địa điểm và môi trường xã hội cụ thể. Theo nghĩa này, truyền thông văn hóa là hoạt động truyền thông thấm nhuần các đặc điểm của nền văn hóa. Khía cạnh thứ hai là vai trò của truyền thông trong việc thực hiện chức năng văn hóa hoặc cộng đồng - hoạt động của truyền thông trong việc cấu thành đời sống cộng đồng và trong việc cung cấp cho các cá nhân cơ hội tham gia, xác định và đàm phán về cuộc sống đó. Theo nghĩa này, truyền thông văn hóa là hoạt động mà con người thực hiện để giải quyết các nhu cầu truyền thông trong đời sống. Nghiên cứu truyền thông văn hóa cần xem xét cả 2 khía cạnh này và mối quan hệ giữa chúng (13).

Tóm lại, Philipsen (1981, 1987, 2002) đánh giá truyền thông văn hóa như một cách tiếp cận đặc biệt để nghiên cứu truyền thông có bối cảnh văn hóa, một cách tiếp cận có liên quan và ràng buộc, nhưng khác biệt với các cách tiếp cận như hệ thống truyền thông văn hóa, truyền thông liên văn hóa, nghiên cứu phê phán về truyền thông và văn hóa và dân tộc học về truyền thông. Truyền thông văn hóa, như Philipsen đề xuất, đã tập hợp lại 2 nhánh quan trọng của nghiên cứu trước đó về văn hóa và truyền thông. 2 nhánh này gồm sự khác biệt giữa các nhóm về thực hành truyền thông và vai trò của truyền thông như một nguồn lực trong việc quản lý tính biện chứng giữa cá nhân - cộng đồng từ góc độ diễn ngôn. Được đan xen với nhau, 2 nhánh này tạo nên kết cấu của truyền thông văn hóa như một hoạt động học thuật.

Patricia Olivia Covarrubias (2018) trong nghiên cứu Cultural Communication (Truyền thông văn hóa) xác định khái niệm truyền thông văn hóa như một mạng lưới tương tác được định vị của các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Ông viết: Con người phối hợp các hành động có ý nghĩa hằng ngày thông qua các mạng lưới được định vị (situated webs) của các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ trong quá trình tương tác xã hội hằng ngày. Các mạng lưới này có thể được hiểu là các quy tắc/ mã văn hóa về truyền thông (cultural codes about communication). Quan trọng hơn là, các mã này khác biệt nhau và thay đổi tùy theo nhóm xã hội. Sự khác biệt này phát sinh từ thực tế là các xã hội định hình các quy tắc tương ứng theo các phương tiện và ý nghĩa riêng; nghĩa là theo các tập hợp niềm tin, giá trị và quy tắc riêng để quản lý đời sống theo cá nhân và theo tập thể (14).

Các phương tiện truyền thông và ý nghĩa, trong đó và nhờ đó, con người tạo ra cuộc sống có ý nghĩa là mối quan tâm chính của truyền thông văn hóa. Truyền thông văn hóa được định nghĩa: là sự tái hiện/trình hiện mang tính xã hội của các hệ thống tài nguyên biểu tượng, tiền đề, quy tắc, cảm xúc, định hướng không gian và khái niệm thời gian mà các nhóm người sử dụng để định hình bản sắc cộng đồng, mối quan hệ và cách sống và tồn tại (15).

Donal Carbaugh (1990) lập luận truyền thông và văn hóa là 2 phạm trù khác biệt nhưng không loại trừ nhau và không phải là 2 vòng tròn đồng tâm mà chúng có giao điểm. Ông gọi giao điểm của các vòng tròn theo cách Philipsen (1987) đề xuất là truyền thông văn hóa. Truyền thông văn hóa nhấn mạnh các khía cạnh tạo ra ý nghĩa trong bối cảnh xã hội mà mọi người đều có thể hiểu được nhau, cảm nhận sâu sắc và tiếp cận được. Theo ông, các đặc tính của truyền thông là văn hóa và ngược lại, các đặc tính của văn hóa được truyền đạt, chia sẻ (16).

Truyền thông văn hóa không thể không đề cập đến việc sử dụng ngôn ngữ và các phương tiện truyền thông khác để thực hiện các hoạt động và cam kết của cộng đồng cụ thể và thông qua việc sử dụng các tài nguyên biểu tượng gồm phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ cũng như các quy tắc sử dụng và diễn giải chúng.

Truyền thông văn hóa coi văn hóa và con người là những hệ thống tài nguyên, tài nguyên con người, tài nguyên văn hóa là tác nhân, là chất liệu để sáng tạo các hoạt động truyền thông và sản phẩm truyền thông.

Tóm lại, truyền thông văn hóa là quá trình chia sẻ, trao đổi, truyền tải, lan tỏa ý nghĩa, giá trị, bản sắc, đặc trưng của một nền văn hóa thông qua sử dụng ngôn ngữ và biểu tượng, phương tiện và cách thức truyền thông.

Truyền thông văn hóa lấy văn hóa làm mục đích. Văn hóa thông qua truyền thông, tận dụng và lợi dụng truyền thông để lan tỏa, trao đổi, lưu truyền, khuếch tán các giá trị văn hóa. Có thể hiểu truyền thông là công cụ, phương tiện, là cách thức như cái “vỏ bên ngoài” còn văn hóa là giá trị cốt lõi, là linh hồn, tinh chất được chưng cất bên trong của mỗi sản phẩm, chương trình truyền thông. Truyền thông văn hóa làm cho truyền thông không chỉ hay hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn mà còn lan tỏa, quảng bá và góp phần bảo tồn các giá trị, cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của mỗi nền văn hóa.

Truyền thông văn hóa là một khái niệm, một lĩnh vực mới xuất hiện trong khoảng 40 năm nay. Nó hoàn toàn khác biệt với khái niệm văn hóa truyền thông (Media Culture/ Communication Culture) vốn xuất hiện khoảng đầu TK XX ở phương Tây sau đó lan rộng ra toàn cầu theo sự phát triển của truyền thông đại chúng. “Ngày nay nó ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thiết chế khác như chính trị, tôn giáo, thể thao và làm cho các thiết chế này được xây dựng cùng với logic của truyền thông” (17). Sự ra đời của văn hóa truyền thông gắn với các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhất là khi các phương tiện này xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng hơn, từ báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, âm nhạc, internet và các nền tảng truyền thông hiện đại như Google, YouTube, Facebook, Intagram, Twisters... Chúng cung cấp các phương tiện, biểu tượng, huyền thoại và tài nguyên để tạo nên một nền văn hóa chung mà con người trải nghiệm: nền văn hóa truyền thông (18).

Văn hóa truyền thông còn được xem là loại hình của văn hóa đại chúng mang tính thống lĩnh, nó thống trị thời gian giải trí, định hình quan điểm chính trị và hành vi xã hội, đồng thời cung cấp các vật liệu để con người tạo nên bản sắc của chính mình, xây dựng ý thức về giai cấp, dân tộc và chủng tộc, quốc tịch. Nó là loại hình văn hóa giúp định hình quan điểm phổ biến về thế giới, xác định điều gì được coi là tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, đạo đức hay xấu xa (19). Như vậy, ở phương diện này, văn hóa truyền thông là truyền thông có văn hóa, có đạo đức, nhất là đạo đức, tư cách, ứng xử của đội ngũ làm truyền thông.

Kết luận

Nếu coi văn hóa như là một hệ thống tài nguyên và cũng là mục đích của truyền thông, còn truyền thông chính là cách thức, công cụ, phương tiện, thì truyền thông văn hóa là một lĩnh vực chỉ sự kết hợp hoàn hảo giữa công cụ và mục đích. Truyền thông văn hóa còn được gọi là quá trình khuếch tán văn hóa theo cả 2 chiều kích: thời gian và không gian. Không chỉ vậy, nó còn là quá trình tích hợp đan cài 2 chiều kích này để chỉ quá trình văn hóa nhân loại tỏa ra từ cội nguồn văn hóa và lan tỏa từ nhóm xã hội này sang nhóm xã hội khác để hình thành nên các lớp văn hóa và các nền văn hóa khác nhau.

Như vậy, truyền thông văn hóa là một lĩnh vực học thuật mới thuộc lĩnh vực truyền thông đòi hỏi nhiều hướng tiếp cận thêm để làm rõ về nguyên tắc, loại hình, quy trình, đặc trưng... và đặc biệt cần có đội ngũ những người làm truyền thông văn hóa được đào tạo chỉn chu, chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu truyền thông ngày càng cao cả về số lượng, chất lượng trong thời đại công nghiệp 4.0.

_____________________

1. Nguyễn Thị Thu Thủy - Lê Thị Thanh Thủy, Truyền thông trong tiếng Anh: Thuật ngữ và nghĩa, Tạp chí Văn hóa và Nguồn lực, số 1 (21), 2020, tr.49-50.

2, 9, 10. Stanley J.Baran, Mass communication, culture, and media literacy. Introduction to mass communication - Media literacy and culture (Truyền thông đại chúng, văn hóa và hiểu biết về phương tiện truyền thông. Trong giới thiệu về truyền thông đại chúng - Hiểu biết về phương tiện truyền thông và văn hóa), 2008, tr.29, 15, 9.

3. Nguyễn Văn Dũng - Đỗ Thị Thu Hằng, Truyền thông - lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb Thông tin và truyền thông, 2018, tr.14.

4. John Fiske, Introduction to Communication Studies (2nd edition) (Dẫn nhập nghiên cứu truyền thông), Routledge, 2002, tr.1-2.

5. A. Balasubramanian, Basics of Cultural Grographi (Cơ bản về địa lý văn hóa), researchgate.net, 2018.

6. Đặng Nghiêm Vạn, Văn hóa Việt Nam đa tộc người, Nxb Văn học, 2010, tr.18.

7. Phạm Đức Dương, Từ văn hóa đến văn hóa học, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2013, tr.550.

8. Alfred Louis Kroeber, Clyde Kluckhohn, Culture - a critical review of concepts and definitions (Văn hóa - một đánh giá quan trọng về các khái niệm và định nghĩa), Nxb Cambridge, 1952, tr.47.

11, 12. Gerry Philipsen, The prospect for cultural communication. Communication theory from Eastern and Western perspectives (Triển vọng truyền thông văn hóa. Lý thuyết truyền thông từ góc nhìn phương Đông và phương Tây), 1987, tr.249, 249.

13. Gerry Philipsen, Cultural Communication - Handbook of International and Intercultural Communication (Truyền thông văn hóa - Sổ tay truyền thông quốc tế và liên văn hóa), Sage, 2002, tr.51.

14, 15. Patricia Olivia Covarrubias, Cultural Communication (Truyền thông văn hóa), doi.org, 2018.

16. Donal Carbaugh, Toward a Perspective on Cultural Communication and Intercultural Contact (Hướng tới một góc nhìn về truyền thông văn hóa và tiếp xúc liên văn hóa), works.bepress.com, 1990.

17, 18. Trương Văn Minh, Giáo trình văn hóa truyền thông, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2021, tr.44, 43.

19. Douglas Kellner, Media Culture - Cultural Studies, Identity, and Politics in the Contemporary Moment (Văn hóa truyền thông - Nghiên cứu văn hóa, bản sắc và chính trị trong thời đại đương đại), Nxb Routledge London, 2020, tr.1-3.

TS NGUYỄN THỊ THU THỦY:

Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024

;