TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA KHỔNG TỬ VÀ VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM

Nội dung chính trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử

Mục tiêu giáo dục

Khổng Tử cho rằng dân không thể chỉ sống giàu có, sung túc về vật chất mà quan trọng hơn cả đó là giáo hóa dân  (tức là có giáo dục), ông đã đề cập đến mặt tinh thần của nhân dân. Ông muốn đào tạo ra con người vừa có cả đức, cả tài nhưng mục đích cao nhất là học để ra làm quan, trị vì thiên hạ.

Trong giáo dục, ông chủ trương đưa người học đến sự thăng tiến của tri thức, mà mục đích cao nhất là rèn luyện về nhân cách. “Người nhân, mình muốn tự lập thì cũng thành lập cho người; mình muốn thành công thì cũng giúp người thành công. Biết từ bụng ta suy ra bụng người, đó là phương pháp thực hành của người nhân” (1).

Mẫu người mà trong giáo dục Khổng Tử muốn hướng tới là con người toàn diện, người hiền tài thực sự, người có nhân cách: Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ.

Qua đây, ta thấy được mục đích giáo dục của Khổng Tử rất cao đẹp, ông muốn đào tạo ra con người có tài, có đức, biết cống hiến cho xã hội, trở thành người quân tử.

Đối tượng giáo dục

Ông là người thày tư nhân đầu tiên thu nhận học trò, mở trường tư dạy học. Trước thời ông, trường học là do triều đình mở, thường chỉ thu nhận con em của gia đình quý tộc, ở tầng lớp trên. Khổng Tử thu nhận nhiều đồ đệ bất kể xuất thân sang hèn, đưa giáo dục mở rộng cho bình dân, đem tri thức văn hóa truyền bá cho dân gian, có cống hiến to lớn đối với giáo dục thời cổ đại. Tổng số môn đệ của Khổng Tử có lúc lên tới 3.000 người, trong đó có 72 người được liệt vào hạng tài giỏi, gọi là thất thập nhị hiền, có nhiều người có ích cho xã hội.

Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự học. Ông dạy học, soạn sách, hiệu đính các sách mà Nho gia gọi là Ngũ kinh. Gồm có kinh thi, kinh thư, kinh lễ, kinh dịch, kinh xuân thu.

Khổng Tử, khác hẳn các nhà giáo dục ở Trung Hoa thời kỳ này, ngay từ đầu đã có cái nhìn khác về đối tượng giáo dục. Ông chủ trương dạy cho tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp. Bất cứ ai có nhu cầu học tập đều được giáo hóa, bất kể hạng người nào, chỉ cần muốn học ông đều dạy. Ông đã bình dân hóa giáo dục, mang cái gọi là đặc quyền, đặc lợi của giai cấp thống trị xuống cho dân chúng. Đây là một tư tưởng tiến bộ, về đẳng cấp, ông không thừa nhận sự bình đẳng nhưng trong giáo dục, ông đã có sự bình đẳng. Cả cuộc đời, ông không màng danh lợi mà chỉ mong muốn mình đào tạo được người có ích. Ông thu nhận rất nhiều học trò ở các tầng lớp khác nhau, kể cả người có quá khứ không tốt ông cũng thu nhận, dạy dỗ thay đổi tâm tính tốt, luyện cho có lễ nghĩa, vào khuôn phép, nên người. Hạn chế lớn nhất trong đối tượng giáo dục của ông là phụ nữ không được học tập.

Nội dung giáo dục

Khổng Tử hướng đến dạy đạo đức, mong muốn dạy cho học trò của mình hệ thống luân lý, nhân bản, đạo làm người, giáo dục con người sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội. Phương châm giáo dục của Khổng Tử là trước hết phải học lễ - cách làm người, cách sống, sau mới học văn - các tri thức khác phục vụ cho công việc chính trị quốc gia. Đây cũng là điểm hết sức hợp lý, bởi muốn giải quyết các công việc xã hội thì trước hết con người phải có đạo đức. Con người trước tiên phải tu thân, tề gia rồi sau đó mới trị quốc, bình thiên hạ. Khổng Tử chủ trương dùng đức trị. “Làm chính trị (trị dân) mà dùng đức (để cảm hóa dân) thì như sao Bắc Đẩu ở một nơi cố định mà các ngôi sao khác hướng về cả (tức thiên hạ theo về)”(2). Như vậy, Khổng Tử đã thấy được vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội, đòi hỏi cá nhân phải luôn luôn rèn luyện bản thân mình.

Hướng đến dạy tri thức, nhưng Khổng Tử chỉ dạy các môn chủ yếu là thư, văn, không chú trọng dạy các môn khoa học tự nhiên. Ông đã quá đề cao đạo đức con người, coi đó như là tiêu chuẩn hàng đầu của nội dung giáo dục, gạt bỏ những năng lực khác, đặc biệt là tri thức khoa học ra ngoài nội dung giáo dục. Không những thế, mục đích, nội dung giáo dục của ông, trước sau đều nhằm đào tạo ra mẫu người lý tưởng, người quân tử trung thành với chế độ quý tộc phong kiến, nhằm duy trì trật tự đẳng cấp, danh phận của chế độ.

Phương pháp giáo dục

Phương pháp nêu gương

Người thày không chỉ có kiến thức cao thâm để có thể dạy học trò giỏi, mà còn đòi hỏi ở người thày tư cách, phẩm chất cao đẹp làm gương cho học trò noi theo. Cuộc đời, sự nghiệp của Khổng Tử là minh chứng cho tấm gương mẫu mực của người thày.

Theo Khổng Tử, nhân cách của người thày có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với người học, người học nhìn vào tấm gương người thày mà tin rằng những điều thày dạy là chân lý, là những điều tốt đẹp. Cho nên, để trở thành tấm gương cho học trò thì người thày phải là người đi trước. Người thày muốn dạy học trò điều gì thì thày phải là người làm điều đó trước đã để chứng minh điều đó đúng đắn.

Lấy mình ra làm gương cho dân là phương pháp ông chỉ dạy những người làm quan. Những người làm quan không chỉ dạy dân, trị dân mà còn làm cho dân tin.

Phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng

Tùy từng tư chất, trình độ, nhu cầu của người học mà ông có những yêu cầu, phương pháp giảng khác nhau để nâng cao nhận thức của mỗi người. Mỗi người có tuổi tác khác nhau, tính cách khác nhau, xu hướng chính trị khác nhau nên phải dạy khác nhau. Trên cơ sở nắm vững tính cách, trình độ, sở thích, ưu điểm, khuyết điểm của từng người, ông mới đưa ra những nội dung giáo dục phù hợp. Ông không thích áp đặt cách giáo dục cứng nhắc, rập khuôn, sáo rỗng mà luôn khuyến khích học trò phát huy sở trường, sở đoản, ý thích, khả năng của từng người. Khi dạy, ông cũng dựa vào tính tình từng người mà giải thích bài học. Ông nhấn mạnh đến vai trò của người học, tính linh hoạt của người dạy. Người thày chỉ giữ vai trò hướng dẫn, làm cho người học tự phát huy năng lực của mình.

Tri thức gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành

Nếu người học chỉ có khư khư ôm lấy cái đạo học ấy mà không đem ra ứng dụng thực hành thì sao có thể gọi là thực học được. Vì vậy, học đạo để hành đạo là yêu cầu thiết thân đối với người được giáo dục. Ông dạy người học tập phải biết thực hành. Ông yêu cầu học tập trực giác phải kết hợp với suy luận. Khổng Tử đề cao việc ứng dụng vào cuộc sống những điều đã học. “Đọc 300 thiên kinh thi, giao cho việc chính trị mà làm không nên; sai đi xứ 4 phương mà không biết ứng đối, như vậy đọc nhiều để làm gì?”(3).

Phát huy tính tích cực chủ động của học trò

Ông để cho người học tự mình chọn sách đọc, chọn ngành mình muốn học. Ông chỉ đưa ra lời khuyên. Ông nói: “Kẻ nào không cố công tìm kiếm, ta chẳng chỉ vẽ. Kẻ nào không bộc lộ tư tưởng của mình, ta chẳng khai sáng cho. Kẻ nào ta dạy mà không biết hay ta chẳng dạy”. Trong quá trình học, Khổng Tử bắt học trò phải suy nghĩ: “Học không suy nghĩ thì vô ích. Suy tư mà không học thì kết quả cũng chỉ bằng không”.

Phương pháp ôn tập thường xuyên, kiểm tra học tập

Theo ông, người nào ôn lại những điều đã học, biết thêm những điều mới, người đó mới có thể làm thày thiên hạ.

Muốn tiến bộ phải luôn luôn cố gắng nỗ lực, siêng năng trau dồi tri thức cho mình, phải luôn có thái độ cầu tiến, vượt lên. Cho nên cùng với phương pháp học này người học phải có thái độ khách quan trong học tập, không võ đoán, cố chấp, tự phụ, chủ quan. Theo Khổng Tử, hàng ngày học bao nhiêu điều hay, bao nhiêu lẽ phải nhưng nếu không đem những điều đã học thực hành vào cuộc sống thì những điều đã học là sáo rỗng, vô ích. Vì vậy, học - tập - hành là những công đoạn hết sức quan trọng của quá trình tiếp thu, vận dụng tri thức. Đây là đóng góp rất quan trọng của Khổng Tử cho giáo dục về khía cạnh phương pháp. Tuy nhiên, Khổng Tử chỉ dạy học, tập, hành ở phương diện đạo đức, giao tiếp, lễ nghi mà không dạy về các lĩnh vực lao động sản xuất - một lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Đây cũng là hạn chế trong nội dung giáo dục, trong quan niệm học, hành của ông.

Một vài nhận xét về tư tưởng giáo dục của Khổng Tử, liên hệ với đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay

Cống hiến

Khổng Tử không chỉ giáo dục cho người quân tử mà còn giáo dục cho cả bậc thứ dân. Ông muốn kén chọn những người có đủ đức, đủ tài trong nhân dân để gia nhập đội ngũ của giai cấp thống trị, tham gia vào công việc chính trị quốc gia để ổn định trật tự xã hội.

Tư tưởng tiến bộ trong giáo dục của ông, đó là hữu giáo vô loại, dạy học không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp, chỉ cần muốn học. Ông đề cao giáo dục con người, coi đây là nhân tố bình ổn xã hội; đào tạo thành công rất nhiều học trò có cả đức, tài, nhân cách; dạy tu dưỡng đạo đức cá nhân, lòng nhân ái, sự tu thân; dạy học trò học vì người chứ không phải học vì mình. Ông đề cao vai trò của gia đình, giáo dục gia đình thông qua những phẩm chất hiếu, lễ, các mối quan hệ ràng buộc như: cha -con, anh - em, chồng - vợ. Ông thông qua phương pháp luận trao đổi với học trò, khơi gợi cho học trò sự sáng tạo trong học tập, học gắn với hành, vận dụng những tri thức đã học trong cuộc sống.

Những điểm hạn chế

Mục tiêu giáo dục của Khổng Tử có điểm hạn chế vì bảo thủ về chính trị. Ông muốn điều hòa mâu thuẫn xã hội, khôi phục lại lễ của nhà Chu, dạy học trò với mục đích ra làm quan, không dạy nghề làm ruộng. Mặc dù ông sử dụng nhiều phương pháp trong dạy học, tuy nhiên các phương pháp này chưa thành hệ thống.

Ông nhận học trò đủ các tầng lớp, học trò của ông là những người bình dân là chủ yếu, nhưng lại không có đối tượng là phụ nữ.

Khổng Tử chỉ dạy học trò học, tư, tập, hành ở phương diện đạo đức, giao tiếp, lễ nghi, mà không dạy học trò về các lĩnh vực lao động sản xuất - lĩnh vực quan trọng nhất của đời sống xã hội.

Ông tách các hoạt động giáo dục ra khỏi các hoạt động sản xuất vật chất, coi nhẹ hoạt động sản xuất, chỉ coi trọng yếu tố tinh thần, người hiền tài không phải là người giỏi khoa học kỹ thuật mà là người hiểu về lễ nghĩa.

Liên hệ đối với cải cách giáo dục hiện nay ở Việt Nam

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã, đang có những chủ trương, chính sách nhằm phát triển con người, đổi mới giáo dục, đào tạo. Những chủ trương, chính sách đó xây dựng trên cơ sở không chỉ là sự tiếp thu có chọn lọc những cái mới mà còn kế thừa, phát huy các giá trị tinh hoa trong lịch sử văn minh nhân loại, trong đó có tư tưởng giáo dục của Khổng Tử.

Kế thừa, nhìn nhận thực tiễn cho thấy, việc dạy, việc học ở nước ta hiện nay cũng cần phải có một cách nhìn, một hướng đi cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh việc ta tiếp thu những thành tựu giáo dục tiên tiến, việc kế thừa những kinh nghiệm giáo dục truyền thống là hết sức bổ ích. Tuy tư tưởng giáo dục của Khổng Tử có những hạn chế nhất định trong điều kiện lịch sử, lập trường giai cấp, nhưng nếu kế thừa một cách chọn lọc thì tư tưởng đó vẫn có những tích cực đối với công cuộc đổi mới giáo dục ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (4).

_______________

1, 2, 3. Nguyễn Hiến Lê (dịch), Luận ngữ, Nxb Văn học, TP. HCM, 1995, tr.37, 119, 214.

4. Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi nguồn kinh phí khoa học công nghệ của Trường ĐHSP2 cho Đề tài mã số C.2015.32

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ GIANG

;