Trong giao tiếp thường ngày gần đây, chúng ta rất hay bắt gặp cụm từ từ A đến Z. Chẳng hạn: “Mai lớp mình đi tham quan rồi, các bác phụ huynh đã chuẩn bị cho chúng mình từ A đến Z: xe cộ, ăn uống dọc đường, cả vé đi bơi nữa”; “Cứ mất vài triệu là mọi việc sẽ đâu vào đấy ngay, từ A đến Z...”; “Cần phải tính hết mọi vấn đề, từ A đến Z, không được bỏ sót đấy!”... Qua cách dùng như vậy, có thể nói rằng, đây là một loại thành ngữ mới xuất hiện, mặc dù ban đầu nó ít nhiều mang màu sắc khẩu ngữ.
Thành ngữ, tục ngữ, xét cho đến cùng là một vốn từ trong kho tàng từ vựng của mỗi dân tộc. Đương nhiên nó cũng luôn được điều chỉnh, bổ sung. Những thành ngữ kiểu: nhanh như điện, (mặt) nghệt như mất sổ gạo, nét như SONY hay tiêu tiền chùa... rõ ràng là những thành ngữ mới được sử dụng và mang dấu ấn một thời kỳ nào đó. Đó cũng là hiện tượng ngôn ngữ như “chuyện thường ngày ở huyện”. Song, điều lý thú ở đây là, thành ngữ từ A đến Z lại bắt nguồn từ chính ngôn ngữ, nói cụ thể hơn là từ chính bảng ký hiệu của chữ cái ngôn ngữ!
Từ A đến Z, tức là chữ cái đầu tiên (A) đến chữ cái cuối cùng (Z) của bảng chữ cái. Nhưng trong danh sách chữ Việt thì đâu có chữ Z? Chữ Z là chữ cuối cùng của bảng chữ cái Latin. Đúng như vậy, bảng chữ cái tiếng Việt hiện dùng 29 ký hiệu, kết thúc bằng chữ Y (ta hay đọc là: y dài). Còn bảng chữ cái Latin thì ít hơn, chỉ có 25 chữ, kết thúc bằng chữ Z.
Mặc dù tiếng Việt dùng 29 con chữ để thể hiện trên văn tự (những con chữ này mượn mẫu tự Latin, có biến đổi, như thêm dấu (Â, Ă, Ê, Ô, Ơ, Đ) nhưng trên các văn bản hiện dùng, tiếng Việt vẫn phải mượn thêm một số chữ cái khác (như F, J, W, Z) để biểu hiện trong các tình huống ghi chép văn bản vốn rất cần (như các ký hiệu đo lường: J (jun), W (oát)... và đặc biệt là tiếng hoặc tên riêng nước ngoài. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 2009), Đại từ điển tiếng Việt (Như Ý chủ biên, 1999) cũng đưa ra một danh sách mục từ theo ký hiệu chữ cái là 33, trong đó có 29 chữ Việt và 4 chữ Latin.
Điều dễ nhận thấy là, bất luận trong bảng chữ cái nào (xếp riêng hay kết hợp) thì chữ Z cũng đặt cuối cùng (chữ A hiển nhiên đứng đầu tiên). Vậy nói từ A đến Z trước hết được hiểu là “từ chữ cái đầu tiên đến chữ cái cuối cùng”. Có lẽ chính từ điều này mà hình thành nên ngữ nghĩa của thành ngữ từ A đến Z, được mọi người sử dụng với nghĩa là: “Tất cả theo trình tự từ đầu đến cuối của một quá trình với một công việc nào đó”. Ngữ nghĩa của nó không hẳn trùng với thành ngữ “từ đầu đến cuối” (hay “từ đầu chí cuối”). Từ đầu đến cuối chỉ nhằm nói gọn một quá trình nào đó, đơn thuần theo trình tự thời gian trước sau. Thí dụ: “Tôi đã chứng kiến từ đầu đến cuối chuyện này, rõ ràng là anh ấy vô can”. Từ A đến Z được hiểu là quá trình này, công việc này bao gồm nhiều trình tự, nhiều công đoạn khác nhau, như trong khoảng giữa A và Z có nhiều chữ cái kế tiếp nhau. Trình tự đó có thể nhiều ít, dài ngắn, đơn giản hay phức tạp nhưng cuối cùng là phải xong, phải đi đến hoàn tất. Nếu thống kê và đọc cho đủ 33 chữ cái (29 chữ cái Việt và thêm 4 con chữ Latin F, J, W, Z) thì mới đúng là từ A đến Z, nhưng công việc được ví với bảng chữ cái này chỉ mang tính ước lệ, chỉ số nhiều của các hành động (cần phải thực thi để hướng tới kết quả cuối cùng).
Thành ngữ này nhiều khi mang màu sắc tiêu cực, thường dùng để chỉ việc chạy chọt, lo lót một việc nào đó mà bắt buộc phải nhờ cậy tới một khâu trung gian. Người nhờ cậy phó mặc cho một ai đó giúp cho mình (xin việc, lo, dự án…) chấp nhận những điều kiện tốn kém vật chất. Họ không quan tâm tới những gì diễn ra trong quá trình đó, miễn là cuối cùng đạt yêu cầu (đến Z), và kết quả như mong muốn cuối cùng của mình mà thôi:
Từ A đến Z lạ thay
Là chuyện cuộc sống hằng ngày bên ta
Bắt đầu bằng một chữ A
Mà cho ta thấy bao la cuộc đời.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022