Ký ruồi, ký nhỏ, ký tắt, ký nháy

Ký ruồi là một cách nói khẩu ngữ, chỉ một loại chữ ký mang tính thủ tục trong quy trình chính thức hóa một văn bản hành chính. Một văn bản hành chính hợp pháp (có tính pháp quy) phải được xác nhận bằng chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành cùng con dấu đóng kèm. Ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức, công ty… việc soạn thảo văn bản đầu tiên thường do các phòng ban chức năng đảm nhiệm (ví dụ phòng Đào tạo, phòng Khoa học, phòng Pháp chế, phòng Thư ký…). Nhưng về nguyên tắc, văn bản đó phải qua bộ phận văn thư hành chính kiểm tra xem đã phù hợp hay chưa (về nội dung và hình thức soạn thảo theo quy định). Nếu văn bản đó được chấp nhận, người phụ trách hành chính cơ quan (Trưởng phòng Hành chính tổng hợp hay Chánh Văn phòng) sẽ ký xác nhận nho nhỏ ở sau chữ cuối cùng của văn bản đó. Đó là chữ ký tắt. Quy trình này là một bước trong phân cấp quản lý. Trong Điều 9, khoản 1 của Thông tư 04/2013 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn Xây dựng Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức có ghi rõ: “Người đứng đầu đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về độ chính xác của nội dung TT-BNV văn bản, ký nháy/tắt vào cuối nội dung văn bản (sau dấu ./.) trước khi trình Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) ký ban hành”. Nhưng vẫn chưa hết, văn bản vẫn còn một chữ ký nháy/ tắt nữa, theo khoản 2, Điều 9: “Chánh Văn phòng giúp người đứng đầu cơ quan tổ chức kiểm tra lần cuối và chịu trách nhiệm về thể thức, kỹ thuật trình bày, thủ tục ban hành văn bản của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) và phải ký nháy/ tắt vào vị trí cuối cùng ở “Nơi nhận””. Và chữ ký tắt trở thành căn cứ quan trọng để thủ trưởng ký chính thức (trực tiếp hay thừa lệnh - TL), thừa ủy quyền - TUQ, thay mặt - TM, ký thay - KT...). Chữ ký tắt này mọi người ít để ý và thường khó nhận ra vì nó nhỏ, lại nằm ở vị trí kết thúc nội dung chính của văn bản. Có lẽ, vì kích thước không đáng kể nên người ta gọi là ký ruồi (ngụ ý: cỡ bằng con ruồi, hình dạng giống con ruồi). Âu cũng là một cách định danh dựa trên căn cứ tự dạng. Chữ ký này quan trọng vì đa số các thủ trưởng phải quyết định dựa trên cơ sở tư vấn của các cán bộ thuộc cơ quan chức năng, giúp việc. Không ít “sếp” bận việc có thói quen liếc qua văn bản, thấy chữ ký ruồi quen thuộc kia là rút bút ký liền. Một tập công văn dày cộp, nhân viên cứ lần lượt giở, sếp lần lượt ký. Thành ra, nếu sếp nhỏ “láu cá” thì nhiều khi “sếp nhớn” phải chịu hậu quả khi văn bản kia đem ra ban hành bộc lộ sai sót, nhất là sai sót dẫn đến vi phạm pháp luật. Không ít thủ trưởng khi ra tòa liên tục đổ lỗi cho cấp dưới “Họ tự làm, không hỏi ý kiến tôi. Tôi vội và chủ quan nên cứ thấy là ký”. Tất nhiên, tòa không bao giờ chấp nhận lý lẽ đó. Mặc dù, trên thực tế, thủ trưởng do cả tin, hoặc quá bận, hoặc không đủ năng lực xem xét mà cứ ký đại cho xong. Hãy coi chừng! Chữ ký ruồi nhỏ bé kia có thể sẽ trở thành thảm họa.

Tuy nhiên, người ta còn dùng một vài cách gọi khác để chỉ chữ ký này. Cách gọi phổ biến nhất là ký nhỏ. Chữ nhỏ cũng là một cách mô tả hình dáng, kích thước chữ ký (rất bé, chỉ ngang với co chữ cùng hàng) nhưng mang sắc thái trung hòa hơn. Ngoài ra, nhiều người còn quen gọi là ký nháy. Có lẽ, do cách thể hiện chữ ký ở đây. Vì chữ ký tắt không đòi hỏi phải đầy đủ nét như chữ ký của đương sự thường ký. Ông Chánh Văn phòng nọ chỉ cần đưa ra một dấu hiệu vừa đủ để xác nhận văn bản đã qua kiểm chứng là được (tất nhiên, chữ ký tắt này, người ta có thể ký “chân phương” đầy đủ như ở các văn bản họ vẫn ký ở đâu đó. Nhưng cũng nhiều người chỉ “phảy” một vài nét đơn giản (vừa nhanh vừa đỡ tốn diện tích, nom mất thẩm mỹ). Gọi là “nháy” cũng xuất phát từ đặc điểm này.

Các cách nói ký nhỏ, ký nháy, ký ruồi là những “biến thể đời thường” của chữ ký tắt. Nhưng hình như mấy từ “ăn theo” kia lại được dùng phổ biến hơn từ chính danh. Cách nói lệch chuẩn đó phản ánh các cách định danh khác nhau trong sự tri nhận cùng một đối tượng sự vật. Đó cũng là một cái lạ của ngôn ngữ đời thường muôn mặt, song lại chẳng hiếm trong hiện thực muôn màu.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;