Trùm là một từ trong tiếng Việt, không phải là từ phổ biến nhưng cũng không quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, trong các kết hợp hiện nay, đặc biệt là trong các kết hợp phái sinh mở rộng (trùm + X) thì có nhiều cách sử dụng, dẫn đến việc hiểu và xác định nghĩa khác nhau.
Chẳng hạn có ý kiến cho rằng: Nếu dùng các tổ hợp từ: trùm hoa hậu, trùm báo chí, trùm thóc gạo… (chỉ những người chủ xướng, đứng đầu một hoạt động nào đó trong cộng đồng, với nghĩa tích cực) thì có nên dùng trùm giang hồ, trùm cờ bạc, trùm đĩ điếm… (chỉ những người cầm đầu một nhóm, một tổ chức, một băng đảng, với nghĩa tiêu cực) hay không?
Ta phải “quay ngược lịch sử” để xem xuất xứ từ nguyên của từ này.
Trùm không phải là từ Hán Việt. Đó là từ Nôm (thuần Việt). Từ Nôm thường được xây dựng từ chữ Hán. Chữ trùm này cũng nằm trong cách cấu tạo đó. Trong Đại Nam Quấc âm Tự vị (Huình Tịnh Paulus Của, Sài Gòn, 1895) (1) thì từ TRÙM được giải thích như sau:
𠆳 TRÙM n. bao phủ từ trên xuống dưới; chức việc làng.
- làng: Thuở xưa hiểu là kẻ làm đầu trong làng; bây giờ gọi là chức việc nhỏ hay một xóm, một ấp.
- ấp: Chức việc coi một ấp.
- tri thâu: Chức việc làng, lãnh việc thâu góp.
- họ: Chức làm đầu bổn đạo trong một họ.
Như vậy, trùm là một danh từ chỉ một người, có chức sắc trong làng, ấp, tri thâu hay họ.
Quan sát, ta thấy, chữ Nôm này được ghép từ hai chữ Hán: Chữ Nhân (人 – người) đứng trên (trùm lên) chữ Thượng (上 – trên), đọc là “trùm”, được hiểu là “trùm” với nghĩa được Huình Tịnh Của giải thích như trên.
Kể từ khi hình thành cho đến sau này, trùm vẫn mang nghĩa trung hòa. Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, 2020) đã xác định nghĩa trung tính này và đưa vào nét nghĩa 1 (chỉ “người đứng đầu một phe giáp hoặc một phường hội, thời phong kiến”). Ví dụ: Ông trùm họ, trùm phường chèo; Cái mặt thì giống ông cai/ Cái đầu ông xã, cái tai ông trùm (ca dao). Có một từ trùm trung tính nữa, chỉ “người đứng đầu giáo dân trong một họ đạo” (nghĩa 2 trong Từ điển tiếng Việt vừa dẫn). Các trường hợp: trùm hoa hậu, trùm báo chí, trùm thóc gạo… mà ta vẫn thấy cũng mang nét nghĩa bình thường.
Tuy nhiên, theo thời gian, cách sử dụng này đã có sự biến nghĩa theo hướng tiêu cực. Từ điển tiếng Việt đã bổ sung nét nghĩa 3, chỉ “kẻ cầm đầu một nhóm, một tổ chức có mục đích xấu”. Chẳng hạn, ta thường nghe nói: trùm mật thám, trùm đế quốc, trùm buôn lậu, trùm giang hồ, trùm cờ bạc, trùm đĩ điếm… Ai đó được gọi là “trùm” trong các tổ hợp từ trên rõ ràng là những người đứng đầu cho một nhóm người, một tập đoàn người với những hành vi mờ ám, ý đồ đen tối, xấu xa. Ví dụ: “Mỹ giúp phe phản động Trung Quốc là Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch làm trùm, nhưng họ Tưởng vẫn thất bại’’ (Hồ Chí Minh tuyển tập).
Gần đây, có một bộ phim, nhan đề tiếng Anh là: The Gangster, The Cop and The Devil được dịch sang tiếng Việt là Trùm, Cớm và Ác quỷ. Cách dịch này vô hình trung đã làm cho nhiều người hiểu sai ngữ nghĩa đích thực của từ “trùm”.
___________________
1. Từ số này, chúng tôi giữ nguyên cách viết tên riêng tác phẩm và tác giả trong sách trích dẫn tại thời điểm xuất bản.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021