1. Thực trạng tổ chức hoạt động múa dân gian tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen
Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen có chức năng lên kế hoạch, tổ chức các chương trình biểu diễn ca múa nhạc dân gian - dân tộc; tổ chức biểu diễn và phát triển ca múa nhạc dân gian - dân tộc theo xu hướng kinh tế - xã hội của TP.HCM và cả nước, tổ chức trao đổi, học tập múa dân gian với các đơn vị nghệ thuật, tổ chức văn hóa, nhà hát trong nước và các nước nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; tổ chức nghiên cứu học thuật, nghệ thuật, sáng tác, bảo lưu và gìn giữ các tác phẩm múa dân gian - dân tộc truyền thống nhằm áp dụng vào các hoạt động thực tiễn của nhà hát theo định hướng, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Nhà hát cũng tổ chức múa dân gian trong các dịp phục vụ ngày lễ, hội. Bên cạnh đó, múa dân gian cũng có mặt trong các chương trình biểu diễn giao lưu nước ngòai: chương trình biểu diễn Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc; chương trình biểu diễn phục vụ “Tuần lễ Thành phố Hồ Chí Minh kết nghĩa” tại Thái Lan… Các chương trình phục vụ ngoại thành theo sự phân công của Sở Văn hóa, Thể thao tại các quận, huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Quận 12, Quận 9, Quận Nhà Bè,… Các chương trình phục vụ, giao lưu văn hóa, nghệ thuật với các đơn vị bạn như: chương trình giao lưu với học sinh PTTH; chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc thường niên vào sáng cuối tuần tại Nhà hát Thành phố...
Sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, lực lượng nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo từ các trường lớp trong và ngoài nước để phục vụ và cống hiến cho nhà hát ngày càng tăng. Nhà hát có những biên đạo tâm huyết với nghề, trình độ chuyên môn cao, tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật múa các nước một cách chọn lọc để áp dụng vào nghệ thuật múa dân gian nước nhà, tạo được những tác phẩm múa dân gian có tiếng vang. Tiểu biểu như tác phẩm Dâng Sen biên đạo NSND Vương Linh, tác phẩm Mùa hái quả biên đạo NSUT Kim Chung… là những tác phẩm múa mang đậm màu sắc dân gian, pha một chút hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, mà người xem cũng cảm nhận được một tác phẩm vừa đủ về chất và lượng.
Có thể nói, hiện nay sự gia tăng số lượng biên đạo múa trẻ tại Nhà hát chưa phát triển cùng chiều với sự gia tăng về chất lượng chuyên môn, năng lực, dẫn đến tình trạng “lượng nhiều hơn chất”. Còn số biên đạo có trình độ, tâm huyết, kỹ năng, kinh nghiệm vẫn chỉ là những con số đếm được trên đầu ngón tay, có nhiều biên đạo trẻ, mới, giàu sức sáng tạo, chịu khó tìm tòi song lại chưa có kinh nghiệm về nghề, sân khấu, trình diễn… Ngược lại, có nhiều biên đạo được đào tạo, giàu kinh nghiệm nhưng không cập nhật được xu hướng mới nên phong cách dàn dựng trở nên cũ và tụt hậu so với thời đại.
Hiện tại, 2/3 số lượng diễn viên của đoàn múa là những sinh viên tốt nghiệp Trường Múa TP.HCM, Học viện Múa Việt Nam, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Tuổi nghề của các bạn diễn viên múa trong nhà hát từ 20-38 tuổi. Đa phần các bạn vừa làm trong nhà hát, vừa đi cộng tác biểu diễn ở các nhóm, vũ đoàn để tăng thêm thu nhập.
Về nguồn lực tài chính, để xác định đầu tư tài chính đối với riêng hoạt động múa dân gian là rất khó. Các tiết mục múa độc lập bao giờ cũng được đầu tư nhiều hơn về kinh phí cũng như chất lượng tác phẩm, bởi với một tác phẩm múa độc lập, thời gian sử dụng tác phẩm có thể lên đến trên dưới 15 năm ví như tiết mục múa Mẹ, đoạt Huy chương vàng trong hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hay tác phẩm múa Sen đoạt giải Huy chương vàng tại hội diễn Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 2012, Đắk Lắk của nhà hát. Nguồn lực tài chính hạn chế đã ảnh hưởng rất nhiều đến các diễn viên. Đây cũng chính là một trong số những vấn đề nan giải nhất, cần có giải pháp để hoạt động tổ chức múa dân gian ở nhà hát tốt hơn trong thời gian tới.
Tổ chức hoạt động múa dân gian tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen hiện nay chưa thật sự nhất quán về hình thức tổ chức, bởi bên cạnh bảo tồn và phát huy được những tác phẩm nghệ thuật kinh điển, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thì vẫn tồn tại song song những tác phẩm lai tạp. Có thể nói, đây cũng là những khó khăn mà nhà hát đang vướng phải bởi cơ chế xã hội hóa ngày càng phát triển.
2. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức biểu diễn múa dân gian tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen
Giải pháp về tiền lương, chế độ phụ cấp nghề và bồi dưỡng luyện tập cho diễn viên múa
Hiện nay, trước sự cạnh tranh của các chương trình gameshow, chương trình truyền hình thực tế trên sóng truyền hình, tổ chức nghệ thuật biểu diễn công lập ở Việt Nam đang đứng trước khó khăn và thử thách cả về nguồn lực và tài lực. Nếu không có ngân sách của Nhà nước thì tổ chức nghệ thuật biểu diễn công lập không thể hoạt động. Khảo sát cho thấy, mức thu nhập bình quân của các nghệ sĩ múa tại Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen còn thấp so với mặt bằng thu nhập xã hội. Điều này không khuyến khích được sức sáng tạo của nghệ sĩ múa, đồng thời cũng không thu hút được nhiều nghệ sĩ tài năng, chuyên môn cao. Do đó, cùng với việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ một cách quyết liệt, chúng ta cần tiếp tục có biện pháp lựa chọn, sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý tổ chức nhằm thúc đẩy sự phát triển, tăng thêm thu nhập và nâng cao đời sống nghệ sĩ múa, để hướng tới mục tiêu nghệ sĩ múa có thể sống được bằng nghề mà mình đam mê và đang theo đuổi. Bên cạnh đó, nhà nước cần tiếp tục có sự điều chỉnh về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với các nghệ sĩ. Không nên thiết kế thang, ngạch lương của các nghệ sĩ múa dân gian ở Nhà hát như các đối tượng viên chức nhà nước khác.
Bảng lương của các nghệ sĩ múa chỉ nên quy định 1 ngạch lương để sử dụng chung cho diễn viên thay vì có 3 hạng như hiện nay: hạng I, hạng II, hạng III. Giải pháp về tuổi lao động, tuổi nghỉ hưu, chế độ bảo hiểm tại Điều 6 Bộ Luật Lao động quy định: Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, nếu là cá nhân thì ít nhất phải đủ 18 tuổi, có thuê mướn, sử dụng và trả công lao động. Đối với tổ chức nghệ thuật biểu diễn, một ngành lao động có tính đặc thù cao, cần có chính sách phù hợp đối với những nghệ sĩ trẻ, tài năng, bởi họ lên sân khấu biểu diễn khi tuổi đời mới 7-9 tuổi. Theo Bộ luật Lao động năm 2019 vừa được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, bắt đầu từ năm 2021, khi nghỉ hưu, lao động nam phải đủ 60 tuổi 3 tháng, lao động nữ phải đủ 55 tuổi 4 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Theo lộ trình này, lao động nam sẽ nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Đối với ngành biểu diễn như diễn viên múa, khi đến độ tuổi không làm nghề được nữa tức khoảng 35-45 tuổi, Nhà nước cần có chế độ chính sách cụ thể đối các diễn viên múa, để giúp người nghệ sĩ không bị thiệt thòi vì tuổi đời còn trẻ nhưng tuổi nghề lại hết.
Đối với các diễn viên múa có kinh nghiệm biểu diễn, có đủ 15 năm trở lên sẽ được đào tạo các khóa sư phạm, huấn luyện, biên đạo để sau đó có cơ hội trở thành giáo viên đào tạo các thế hệ trẻ hoặc có thể biên đạo, dàn dựng... Đây là nguồn lực giáo viên, biên đạo có chất lượng chuyên môn cao, có kinh nghiệm biểu diễn thực tế rất cần cho nhà hát, các trường nghệ thuật nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như các tác phẩm nghệ thuật mà họ sáng tác. Trên thực tế, nghệ sĩ múa luôn phải đối mặt với những bệnh nghề nghiệp hay tai nạn nghề nghiệp, như chương trình Lễ hội Bến Tre năm 2011, khi các diễn viên múa đang chạy chương trình thì bị sập sân khấu dẫn đến 1 nghệ sĩ múa bị tử vong, 5 nghệ sĩ múa phải nhập viện, người nghệ sĩ múa vẫn chưa có chế độ bảo hiểm tương xứng.
Các nghệ sĩ múa, đặc biệt là các diễn viên nữ có tuổi nghề rất ngắn, từ 35 tuổi trở xuống, sau khi sinh con thì họ càng ít có cơ hội được đứng trên sân khấu. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ múa còn đối mặt với chứng đau xương khớp thường xuyên do quá trình tập luyện cũng như biểu diễn. Nhà nước cũng cần sửa đổi, bổ sung Điều 6 Bộ Luật Lao động và Bộ luật lao động năm 2019 sao cho phù hợp với đặc thù của ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung và cho diễn viên múa nói riêng để đảm bảo quyền lợi của các nghệ sĩ cũng như các diễn viên múa trong quá trình tập luyện và biểu diễn nghệ thuật.
Giải pháp tạo môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến cho nghệ sĩ múa
Bất cứ nghệ sĩ nào cũng mong muốn có những bước tiến trong sự nghiệp. Thăng tiến là một nhu cầu thiết thực của con người khi làm việc cho tổ chức, bởi sự thăng tiến tạo cơ hội cho phát triển cá nhân, nâng cao địa vị, uy tín cũng như quyền lực. Trong tổ chức nghệ thuật biểu diễn cũng vậy, chính sách về sự thăng tiến có ý nghĩa trong việc hoàn thiện cá nhân, tăng động lực làm việc cho cá nhân nghệ sĩ, đồng thời là cơ sở để thu hút, giữ chân người giỏi đến và làm việc với tổ chức.
Cần có chính sách để giữ chân nghệ sĩ, diễn viên múa có trình độ, nhiệt huyết gắm bó lâu dài, cụ thể: tạo điều kiện làm việc thuận lợi, trọng thị, trọng dụng, phát huy tối đa năng lực của các người tài. Bổ nhiệm những người trẻ có năng lực vào vị trí quản lý, nâng bậc lương không căn cứ theo kỳ hạn mà theo thành tích cống hiến của nghệ sĩ.
Giải pháp về tuyển dụng diễn viên múa dân gian
Lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa cao nên nhà hát chưa thực sự thu hút được nhiều tài năng trẻ, có tiềm lực. Do vậy, để có thể thu hút nhiều diễn viên múa tài năng cho nghệ thuật múa dân gian, Nhà hát cần bổ sung thêm chính sách ưu đãi dành cho diễn viên múa như sau:
Thứ nhất, nhà hát cần có chính sách tăng cường đầu tư các nguồn lực phục vụ công tác tuyển sinh, đào tạo, biên đạo, huấn luyện múa có chuyên môn cao. Sử dụng đội ngũ là các nghệ sĩ đã thành danh, các nghệ sĩ nổi tiếng, NSND, NSƯT tham gia công tác huấn luyện tại nhà hát, đặc biệt các môn diễn xuất, biểu cảm sân khấu (hiện nay đang rất yếu của các diễn viên tại nhà hát); thu hút những người có kinh nghiệm, được đào tạo ở nước ngoài, có tâm huyết cống hiến. Có chế độ học bổng như: cho các diễn viên trẻ có tiềm năng đi tập luyện cũng như đào tạo nâng cao trong nước và nước ngoài về bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, nâng chế độ bồi dưỡng nghề, tạo điều kiện về chỗ ăn, chỗ ở cho các diễn viên đang làm việc tại nhà hát. Cần nâng cao các buổi giao lưu trình diễn với các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước để các diễn viên có cơ hội học hỏi, trao dồi kinh nghiệm.
Thứ hai, phát hiện, đào tạo và phát triển tài năng trẻ trong múa dân gian, tạo đội ngũ kế cận cho tương lai, điều này có thể tìm kiếm tài năng qua các cuộc thi như không chuyên, cũng như các game show trên truyền hình như: cuộc thi Sao nhí tài năng do Trung tâm thương mại SC VivoCity tổ chức hằng năm, Thử thách cùng bước nhảy do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức, liên hoan các nhóm nhảy, liên hoan âm nhạc Dân tộc do Trung tâm văn hóa Q.1 tổ chức… Bản thân nhà hát cũng có thể đứng ra tổ chức các cuộc thi tài năng về múa dân gian, từ đó có thể phát hiện, lựa chọn ra các tài năng, các đối tượng có năng khiếu thực sự để đề xuất chế độ đào tạo, bồi dưỡng cụ thể. Nhà hát có thể tuyển thẳng đối với những học sinh có tài năng thực sự, đặc biệt chú trọng, ưu tiên cho múa dân gian - dân tộc. Có chế độ và cơ chế tài chính đầu tư cho việc đào tạo và bồi dưỡng diễn viên múa không chuyên như: đầu tư hoàn toàn kinh phí cho đào tạo tại trường múa TP. HCM; có chương trình, giáo trình đào tạo đặc thù cho các diễn viên không chuyên và đảm bảo được trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy và học tập của các diễn viên; cử đi đào tạo, thực tập và tham gia các cuộc thi trong nước và nước ngoài. Đồng thời, tuyển sinh các diễn viên từ trường múa tại TP.HCM cũng như các trường nghệ thuật trong cả nước.
3. Kết luận
Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen là đơn vị nghệ thuật đi đầu trong việc tổ chức các hoạt động múa dân gian, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị múa dân gian trong xã hội đương đại. Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa dân gian, nhà hát có thể vừa bảo tồn, vừa phát triển (cải biên) nhưng phải phù hợp bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thu hút tài năng nghệ thuật; tăng thêm nguồn lực… để phát triển đoàn múa.
Để tổ chức hoạt động múa dân gian tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen thực sự có chất lượng về tác phẩm cũng như chuyên môn của diễn viên thì nhất thiết phải có những chính sách, ưu đãi về nghề cho các nghệ sĩ, diễn viên múa. Chế độ đãi ngộ nhân tài được thực hiện một cách hiệu quả, sẽ giúp các nghệ sĩ, diễn viên thật sự toàn tâm toàn lực hết mình cho nghệ thuật múa dân gian nước nhà.
Tác giả: Phạm Thị Vân
Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020