Tín ngưỡng là một hình thức văn hóa đặc biệt của con người, ra đời cùng với quá trình tồn tại và phát triển của loài người. Đối với người Mường ở Cẩm Lương, một địa phương nằm ở khu vực vùng cao miền Tây Thanh Hóa, hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với điều kiện sản xuất còn nhiều hạn chế, điều kiện tự nhiên khó khăn. Do đó, tôn giáo tín ngưỡng, liên quan đến sản xuất nông nghiệp chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tộc người. Các hoạt động tín ngưỡng liên quan đến sản xuất nông nghiệp là một nhân tố quan trọng cấu thành nên đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Mường.
Xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa (xưa thuộc tổng Lương Điền) nằm xen kẽ giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp bên tả ngạn sông Mã, cách huyện lỵ 10km, cách tỉnh lỵ 80km về phía Tây. Phía Bắc giáp xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy và xã Lương Trung huyện Bá Thước, phía Nam giáp xã Cẩm Thạch, phía Tây giáp xã Cẩm Thành, phía Đông và Đông Nam giáp xã Cẩm Giang và Cẩm Bình. Trước kia, xã Cẩm Lương thuộc xã Cẩm Giang, đến năm 1964 theo quyết định 237-NV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Cẩm Lương được tách ra như hiện nay. Xã Cẩm Lương có 6 làng với tổng số dân là 3.207 người, chủ yếu là người Mường và Kinh trong đó người Mường chiếm 85% dân số của xã.
Người Mường ở xã Cẩm Lương có nguồn gốc từ ba nhóm chính: người Mường sở tại; người Mường từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào; những người Việt (Kinh) sống xen kẽ với người Mường, lâu ngày trở thành người Mường. Nơi đây cũng như nhiều tộc người khác chịu ảnh hưởng của quan niệm vũ trụ luận nguyên âm - dương tương khắc tương sinh, sự giao hòa đầy bí ẩn giữa âm dương là nguồn gốc sản sinh ra con người và vạn vật của vũ trụ. Hơn nữa, trong điều kiện xã hội cổ truyền còn lạc hậu, với sự trắc trở và khắc nghiệt của lụt bão, hạn hán, thiên tai, con người đành bất lực và hướng sự trợ giúp vào thần linh, ma quỷ, như câu ca dao của người Việt: “Trông trời, trông đất, trông mây; Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”, chính là phản ánh sự bất lực của con người. Và từ đó, hàng loạt nghi lễ, ma thuật về nông nghiệp ra đời. Đúng như quan niệm của S.A.Tôcarep khi ông bàn tới nguồn gốc của lễ nghi nông nghiệp: “Nguồn gốc này chính là sự bất lực của con người trồng trọt. Cây trồng không phải bao giờ cũng được mùa, mùa màng bị phụ thuộc vào những điều kiện mà con người viện đến sự phù trợ, giúp đỡ việc trồng cấy, từ đó các nghi lễ ma thuật ra đời”.
1. Một số tín ngưỡng nông nghiệp
Người Mường cũng như nhiều tộc người thiểu số khác ở vùng núi, lễ nghi nông nghiệp diễn ra ở hầu khắp các công đoạn. Dựa trên nguồn tư liệu thành văn, đặc biệt là kết quả của những chuyến điền dã thực tế tại địa phương, tác giả khôi phục lại các hoạt động tín ngưỡng trong sản xuất nông nghiệp bao gồm: tín ngưỡng liên quan đến trồng trọt và chăn nuôi cũng như một số kiêng kỵ có liên quan nhằm góp phần tìm hiểu về đời sống tín ngưỡng của người Mường ở Cẩm Lương.
Tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp của người Mường đã có từ lâu đời. Mặc dù ngày nay nó không còn y nguyên như thủa ban sơ, nhưng phải thừa nhận rằng, chừng nào cơ sở nhận thức và cơ sở kinh tế - xã hội của tín ngưỡng còn tồn tại thì nó còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào. Các tín ngưỡng nông nghiệp thường được tiến hành dựa theo chu kỳ mùa vụ của làng xóm bình an. Những tín ngưỡng này được sử dụng như một “vũ khí” để chống chọi với những khó khăn trong sản xuất đặc biệt là điều kiện tự nhiên.
Lễ ra đồng
Nghi lễ này thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ những ngày đầu của tháng Giêng hằng năm (mồng 8 Tết âm lịch). Sau những ngày đón Tết vui vẻ, để bắt đầu mọi công việc, đặc biệt là công việc đồng áng trong năm mới, người Mường tại Cẩm Lương tiến hành tổ chức lễ hội khai hạ gắn liền với suối cá thần và truyền thuyết dựng bản, lập mường cũng như để tưởng nhớ công ơn của chàng rắn người anh hùng đánh đuổi giặc cứu dân làng khỏi hiểm họa và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành. Các hộ dân trong làng hằng năm thay phiên nhau đứng ra lo liệu lễ vật. Sau khi mâm lễ được đặt lên, ông chủ nhang thực hiện các nghi thức cúng thần như: đọc sách cúng để tạ các Sơn thần, Thổ địa cai quản dân làng, mời các thần về hưởng lễ và báo cáo ngày Tết đã hết, nay dân làng làm lễ cúng cầu mong các vị thần tiếp tục phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Kết thúc buổi lễ, đại diện các hộ gia đình trong các thôn cùng ăn bữa cơm cộng cảm đầu xuân năm mới và từ nay, dân làng được phép ra đồng tiến hành sản xuất. Theo quy định của người Mường nơi đây, không ai được phép xuống đồng trước khi làm lễ tại đình bởi họ cho rằng làm như vậy là động thổ, ảnh hưởng đến các vị thần thánh dẫn đến các hiện tượng mất mùa, sâu bệnh, dân làng gặp những điều tai ương… Khi các nghi lễ hoàn thành, mọi người trong làng thường mang theo lễ vật ra đền thần Rắn thắp hương để xin lộc đầu xuân năm mới.
Lễ ra đồng thực chất là nghi lễ mở cửa đình đầu năm mới nhằm cầu mong các vị thần thánh phù hộ cho một năm an lành, tránh được những tai họa, dân làng khỏe mạnh... đặc biệt mong ước lớn lao nhất của họ là mùa màng không bị thiên tai, sâu bệnh.
Lễ hạ điền
Lễ hạ điền được tổ chức vào thời điểm bắt đầu vụ mùa (mồng 8-4 âm lịch). Tuy nhiên, thời gian cụ thể phụ thuộc vào quy định của từng vùng nhưng phải là ngày tốt bởi nó ảnh hưởng đến kết quả của vụ mùa năm đó. Trước kia gần đến ngày lễ, dân làng có trách nhiệm góp tiền hoặc lương thực, thực phẩm làm mâm lễ cúng thần, nhưng những năm gần đây các lễ vật chủ yếu được trích từ quỹ phúc lợi thôn. Lễ vật gồm có: thịt, xôi, hoa quả, hương, rượu... tất cả được mang xuống đồng ruộng, thày cúng thực hiện các nghi thức cúng tế thần linh với nội dung: dân làng ở các thôn… (tên thôn) có lòng thành dâng lễ vật lên các thần linh, báo cáo công việc vụ mùa bắt đầu, kính mời các thần về hưởng lễ và phù hộ cho vụ mùa màng không sâu bệnh, được mùa. Sau khi thày hoàn thành việc cúng thần người đứng đầu làng tiến hành cày vài đường để lấy ngày. Sau lễ hạ điền dân làng bắt đầu tiến hành cày cấy trên các mảnh ruộng của mình.
Lễ thượng điền
Lễ thượng điền thường tiến hành sau khi hoàn thành công việc gieo cấy (tháng 7 âm lịch). Mâm cỗ được bày đặt như lễ hạ điền, song phải có thêm một con ngựa giấy và giấy ngũ sắc làm thành chiếc cờ để Thần Nông cưỡi ngựa đi cắm ở khắp các cánh đồng, bảo vệ mùa màng. Ông chủ nhang tiến hành khấn thần với nội dung kể về công ơn của các vị thần linh: thần sinh ra hạt gạo, hạt thóc, sinh ra cánh đồng… và cầu mong các thần thánh trừ diệt sâu bệnh, phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Kết thúc buổi lễ, đại diện tất cả các gia đình trong làng cùng hưởng lộc của thần. Đối với những gia đình khá giả, trong dịp này, họ cũng tự làm mâm cơm, xôi, gà… cúng tổ tiên, thần thánh nhằm tạ ơn các vị thần linh, tổ tiên phù trợ cho họ hoàn thành công việc gieo cấy và cầu mong ruộng đồng xanh tốt, mùa vụ bội thu.
Lễ cúng cơm mới
Thời gian thực hiện lễ cúng thường vào tháng 8 âm lịch. Mỗi năm các hộ thay phiên nhau đảm nhiệm việc lo liệu tổ chức mâm cỗ cho buổi lễ, các gia đình trong làng đều có trách nhiệm đóng góp lợn, gạo, tiền. Lễ mừng cơm mới cũng được tổ chức ở đình làng. Gạo nấu cỗ phải là lúa mới gặt ở ngoài đồng đem về nấu thật đầy nồi. Ông chủ nhang đại diện cho dân làng thắp hương cúng thần báo cáo qua một năm lao động sản xuất, dân làng đã đạt được vụ mùa thắng lợi, có được kết quả đó là nhờ vị Thành hoàng và thần Nông giúp đỡ đồng thời cầu mong thần thánh tiếp tục phù hộ cho các vụ mùa sau.
Trong lễ cúng cơm mới, người ta còn bày mâm cỗ ở ngoài sân đình để cúng thần Nông. Lễ vật cúng thần Nông ngoài các lễ vật cúng Thành hoàng, họ còn dùng lá đa cuốn thành hình phễu bỏ gạo, xôi ngũ sắc và đổ rượu lên. Các hình phễu được đem cắm xung quanh nơi thờ thần Nông với ngụ ý nhờ thần diệt trừ sâu bọ cho mùa màng. Mâm cúng thần Nông, người ta cũng không quên cắm một bó cờ ngũ sắc. Chủ nhang thắp hương mời thần về dự lễ, mỗi gia đình cử một người đàn ông khỏe mạnh cầm chiếc cờ ngũ sắc ở mâm lễ chạy nhanh đến đám ruộng nhà mình cắm vào đó với sự reo hò cổ vũ của những người tham dự buổi lễ. Đồng bào tin rằng từ nay đám ruộng nhà mình đã có thần Nông che chở. Sau khi chủ lễ hoàn thành các thủ tục cúng tế thần linh, mâm cỗ được hạ xuống, đại diện các gia đình trong làng cùng ăn mừng bữa cơm mới. Trước đây, theo lệ làng, những nhà nào có con vật hoặc người mới sinh thì không được ra đình tham dự bữa cơm chung với làng và người ta cũng kiêng không thu lễ vật của họ trong năm đó, bởi tộc người Mường quan niệm “sinh dữ tử lành”. Thông thường chỉ có nam giới tham gia, nữ giới chủ yếu là các cụ cao niên, được sắp xếp theo lứa tuổi, vai vế và địa vị.
Các nghi thức cúng tế tại đền hoàn thành, bà con tổ chức hội với các trò chơi: bóng chuyền, đánh cầu, bắn nỏ... và hội ca hát vui nhộn. Nếu gia đình nào chưa làm lễ cơm mới thì không được ăn bữa cơm mới ở nhà khác trong làng cũng như khác làng vì sợ thần phạt. Sau khi tổ chức ở đình làng, các gia đình mới được cúng cơm mới ngay tại nhà mình. Tùy vào điều kiện từng gia đình nhưng thường vào dịp này họ làm lễ rất to, mâm cỗ với các loại bánh, thịt lợn, gà và các loại rau xanh… Khi ăn cơm mới, họ kiêng không được chan canh vì sợ trời mưa làm trôi hết thóc.
Qua các nghi lễ liên quan đến trồng trọt cho thấy, từ các công đoạn bắt đầu mùa vụ (làm đất, cày bừa) cho đến việc gieo cấy, chăm sóc và khâu thu hoạch đạt thành phẩm trong quan niệm của người Mường nơi đây tất cả đều có sự can thiệp, phù giúp của thần thánh, tổ tiên.
Tín ngưỡng trong chăn nuôi
Trong dịp lễ Tết Nguyên đán, người Mường nơi đây có tục dán giấy màu đỏ trong khuôn viên ngôi nhà của mình, bao gồm cả dụng cụ sản xuất nông nghiệp và các chuồng trâu, bò, lợn, gà… Việc làm này nhằm mục đích cầu mong cho các con vật, dụng cụ đều không bị sự quấy nhiễu của ma quỷ, vật nuôi khỏe mạnh, chóng lớn; công cụ có thể sản xuất thuận lợi. Theo lời kể của các già làng: xưa kia Trái đất của chúng ta chịu sự quản lý của ma tà, chúng luôn quấy nhiễu con người, Phật Tổ đã ra tay cứu vớt, đánh đuổi chúng đi. Mặc dù, chúng chấp nhận rời khỏi địa bàn sinh sống của con người nhưng chúng yêu cầu cứ 30 Tết phải được về thăm một lần. Do vậy, để xác định quyền sở hữu của cải và súc vật, tránh sự quấy nhiễu cướp bóc của ma quỷ, người ta có tục dán giấy màu đỏ. Đồng bào cho rằng, làm như vậy để các vị tổ tiên, thần linh về ăn tết phù hộ cho gia súc khỏe mạnh, chóng lớn. Người Mường nơi đây quan niệm: “Đất có thổ công, sông có hà bá”, ở đâu cũng có các vị thần linh cai quản. Đó là các vị Lang Cun Song và Lang Cun Dòn, tiếng Mường gọi các vị này bằng cái tên chung là: “Ma Lang”. Bàn thờ được lập trên cây xà ngang nơi gian khách là chỗ cao nhất so với các bàn thờ khác trong nhà sàn. Các vị thần này được chủ nhà thờ vào các ngày lễ Tết, giống như thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, họ còn được cúng riêng vào một ngày tốt - do thày mo chọn ở đền tháng Ba âm lịch. Cỗ cúng vào tháng Ba gồm có thịt vịt, gà, cá. Riêng Lang Cun Dòn còn là vị thần khai sinh ra nghề làm rẫy nên vào đầu tháng Hai âm lịch. trước khi khởi hành đi làm rẫy (phát, dọn lại rẫy cũ), chủ nhà phải sắm cỗ xôi gà và các dụng cụ làm nương rẫy như rìu, dao quắm, cuốc nhỏ, ống đựng nước uống, nón lá, dón (gùi) nùn rơm giữ lửa, quần áo lao động để cúng thần. Là thần coi giữ gia cầm gia súc, nên chủ nhà bán trâu bò, chó lợn, sau khi bán xong phải có tiền (chỉ một hai tờ có tính tượng trưng) đặt lên bàn thờ để cúng tạ ơn thần. Tuy công việc phục vụ cho đời sống của người Mường là trồng trọt, săn bắn (trước đây) và hái lượm nhưng hai vị Lang Cun Song và Lang Cun Dòn không ưa sát sinh thú rừng chim chóc nên khi cúng thần đều phải đem các loại cung nỏ, súng ống giấu kín vào một chỗ, ngày hôm sau mới được đem ra sử dụng.
Việc thờ cúng các vị thần của người Mường, phần nào đó đã phản ánh lên được sự phát triển của nền văn minh lúa nước và nền văn minh nương rẫy của người Mường nói riêng và người Việt cổ nói chung. Đồng thời qua tín ngưỡng này còn cho chúng ta thấy được quá trình hình thành xây dựng và bảo vệ bản Mường, bảo vệ đất nước, tình cảm cộng đồng của người Mười đã được nâng lên thành ý thức cộng đồng. Cũng từ đó tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của các cá nhân và của cả cộng đồng người Mường được hình thành và phát triển lên thành truyền thống tốt đẹp. Do đó, truyền thống ấy luôn được đồng bào Mường gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Chính vì vậy, cứ vào mồng 1 Tết Nguyên đán hằng năm, họ ra đền thần Rắn cầu mong thần linh phù hộ cho các con vật luôn khỏe mạnh, tránh được dịch bệnh, Người xưa thường có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp” để khẳng định vai trò, vị trí của con trâu trong sản xuất nông nghiệp. Với người Mường, con trâu là “lực lượng lao động” quan trọng làm nên thóc gạo nuôi sống con người, con trâu cũng được vật linh hóa. Trước Cách mạng tháng Tám (1945), một số nơi kiêng ăn thịt trâu, bởi họ cho rằng: “Trâu ăn cỏ giả, mình ăn cỏ thật”. Cỏ giả là cỏ tự nhiên, cỏ thật chính là thóc gạo do sức kéo cày của trâu mà có, ăn thịt trâu có nghĩa là “phản lại nó, là có tội”, ở một số nơi trâu chết người ta mang đi chôn. Và khi gia đình có con trâu cái đẻ, họ làm cơm báo cáo, cầu mong sự bảo vệ của tổ tiên.
2. Kiêng kỵ trong các ngày lễ tiết liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp
Tết Thanh minh hằng năm mang ý nghĩa là ngày tảo mộ, dịp để con cháu báo hiếu với công lao của những người đã khuất. Ngày hôm đó, người Mường Cẩm Lương kiêng không được làm gì động đến long mạch, thần thánh quở phạt gây ra hạn hán ảnh hưởng đến mùa màng. Làng quy định ngay từ tối hôm trước nhà nào cũng phải gánh đủ lượng nước dùng cho cả ngày Tết thanh minh, người đứng đầu làng trực tiếp giám sát, nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật tục của làng.
Theo quan niệm của dân gian cũn như người Mường nơi đây, Tết Đoan Ngọ mồng 5-5 là thời điểm chuyển từ mùa xuân sang mùa hạ, dịch bệnh dễ bùng phát, vì thế họ tổ chức lễ giết sâu bọ. Trước đây, nếu ruộng gia đình nào có nhiều sâu bọ phá hoại họ chuẩn bị lễ vật mời thày ra hành lễ tại đồng ruộng. Ông thày niệm thần chú, cầu khấn Ngọc Hoàng sai khiến các loại chim, cò đến bắt các loại sâu bệnh, thày yểm bùa ngay trên các đám ruộng để sâu bệnh không thể tái phát. Ngày nay, vào dịp Tết Đoan Ngọ họ chỉ tổ chức cúng tổ tiên tại mỗi gia đình. Sáng sớm, bà chủ nhà dậy nấu cháo chè cúng tổ tiên và các thành viên trong gia đình ăn hoa quả mỗi thứ một ít để giết sâu bọ. Buổi trưa họ làm mâm cúng tổ tiên, nhằm cầu mong sự phù hộ cho một vụ mùa tốt tươi, không bị sâu bệnh.
Tết Vu lan được tổ chức vào ngày 14-7 hằng năm, là ngày xá tội vong nhân. Song, theo quan niệm của người Mường đây còn là ngày lúa giao hợp, vì thế vào buổi sáng hôm đấy không ai được phép ra đồng sợ lúa thẹn thóc bị lép, gây mất mùa.
Như vậy, ngoài ý nghĩa của ngày lễ tiết, trong quan niệm của người Mường còn gắn với các kiêng kỵ liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Điều đó càng khẳng định kinh tế nông nghiệp chiếm vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động tín ngưỡng nói chung của cộng đồng tộc người.
Kết luận
Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, tín ngưỡng nông nghiệp tồn tại ở hầu hết các dân tộc. Tuy nhiên, mỗi tộc người lại có những biểu hiện khác nhau mang đặc trưng riêng mặc dù các dân tộc sinh sống trong cùng một khu vực nhất định. Khi cơ sở tín ngưỡng còn tồn tại thì những hoạt động tín ngưỡng không thể mất đi theo thời gian. Đối với người Mường ở Cẩm Lương, tín ngưỡng liên quan đến sản xuất nông nghiệp từ xưa đến nay vẫn là chỗ dựa giúp con người vượt qua những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống lao động sản xuất; là hoạt động tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người Mường ở địa phương. Hoạt động tín ngưỡng của người Mường bên cạnh những đặc điểm chung còn thể hiện những nét khác biệt so với các dân tộc khác như: Kinh, Thái, Dao, Tày, Nùng… Một số kiêng kỵ mang tính chất nông nghiệp trong các dịp lễ tiết hằng năm đều thể hiện những khác biệt so với các dân tộc anh em khác trong vùng.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thế Anh, Sinh kế của người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa hiện nay, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2019.
2. Vũ Ngọc Khánh, Tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.
3. S.A.Tocarep, Các hình thái tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.
4. Đàm Thị Uyên, Phong tục và tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc Tày ở Cao Bằng, Đề tài khoa học cấp bộ, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, 2007
Tác giả: TS Nguyễn Thế Anh - Ths Nguyễn Đình Thảo
Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021