Tìm hiểu âm nhạc hiphop

Từ những năm 70 của TK XX, hiphop đã xuất hiện và phát triển ở Mỹ, sau đó lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới, pha trộn với nhiều yếu tố văn hóa khác nhau, hình thành nên một trào lưu rộng khắp. Đến nay, thể loại âm nhạc này không còn xa lạ với công chúng Việt Nam. Nhiều nhạc sĩ đã mạnh dạn áp dụng các lối sáng tác, đọc rap, pha trộn âm nhạc điện tử, sử dụng thiết bị, nhạc cụ hiện đại để sáng tạo ra những tác phẩm âm nhạc của

1. Nguồn gốc của âm nhạc hiphop

Văn hóa hiphop bắt nguồn từ vùng Bronx nằm ở phía bắc của thành phố New York, Mỹ, từ những năm 70 TK XX. Bronx là một trong năm quận của New York, tụ hợp nhiều cư dân gốc Đức (German), Do Thái (Jewish), Ý (Italian), Ireland nhập cư và sinh sống. Từ năm 1945, ở Bronx xuất hiện những cư dân Mỹ gốc Phi và người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha. Với sự du nhập của những cư dân mới này, nơi đây đã hình thành những hiện tượng văn hóa độc đáo mang bản sắc của người da đen và latinh. Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong văn hóa hiphop, ra đời trong những bữa tiệc sinh hoạt cộng đồng của cư dân Mỹ da đen.

Nhạc hiphop có nguồn gốc từ nhiều thể loại khác, như nhạc funk, disco, nhạc dub có nguồn gốc từ reggae của Jamaica, rhythmblues… Nói đến nhạc hiphop, chúng ta thường nói đến phong cách âm nhạc có tính tiết tấu đặc trưng và những đoạn đọc có vần điệu theo tiết tấu trên nền nhạc, mà chúng ta vẫn gọi là hát rap hay đọc rap. Mặc dù đọc rap không nhất thiết phải có trong nhạc hiphop, nhưng thuật ngữ nhạc hiphop và rap đôi khi được coi như đồng nghĩa.

Ở Mỹ, nhạc rap được chia thành từng trường phái mang đặc điểm theo vùng miền. Có bốn khu vực địa lý và bốn nhóm tương ứng: East Coat, West Coast, Mid West và South. Trong mỗi vùng lại có những phong cách riêng, đặc thù. Vùng East Coast được coi là cái nôi của rap, có phong cách âm nhạc trau chuốt, lời ca có sử dụng cách chơi chữ, gieo vần phức tạp. Dòng nhạc conscious ở East Coast thường nói về những vấn đề xã hội. Dòng nhạc rap mafioso mang tính cách của các nhóm tội phạm có tổ chức, quyền lực và giàu có. Vùng West Coast với các thể loại rap như gangsta với lối sống giang hồ. Các rapper theo thể loại này đa số liên quan đến hai nhóm băng đảng Bloods và Crips. Các rapper theo dòng Gangsta Rap thường hay giơ bàn tay hình chữ W như một sự biểu tượng riêng. Sau này thể loại g-funk xuất hiện với đặc trưng như âm bass trầm ấm và âm hình nhạc cụ tổng hợp (synth) điện tử. Vùng Mid West với một đặc trưng âm nhạc pha trộn từ các vùng khác. Ở đây hình thành nên thể loại rap gọi là horrorcope với âm thanh và lời ca ma quái. Ở vùng phía Nam, South hay còn gọi là dirty south, âm nhạc với phần trầm mạnh mẽ, hát gào thét, lời ca đơn giản. Phần nhạc beat rất cầu kỳ, phức tạp.

Âm nhạc hiphop hiện nay gồm phong cách khác nhau như: electro, breakbeat, oldschool jungle, drum and bass, trip hop, grime, breakbeat hardcore, neo soul, big beat, trap, alternative rap, bounce, dirty south, East Coast rap, gangsta rap, hardcore rap, latin rap, old school rap, underground rap, West Coast rap. Khi du nhập sang các nước, hiphop có những pha trộn, ảnh hưởng, kết hợp các yếu tố âm nhạc của mỗi nước và hình thành nên rất nhiều trường phái khác nhau.

Một trong những người đầu tiên khai sinh ra hiphop là Clive Campbell (người gốc Jamaica, sinh năm 1955), người ta thường gọi ông là Kool Herc, DJ Kool Herc hay Kool DJ Herc. Ngày 11-8-1973, trong bữa tiệc ở phòng cộng đồng khu chung cư 1520 Sedgwick Avenue, vùng South Bronx, Kool Herc đã bắt đầu ghép nối các đoạn nhạc không lời, gọi là các đoạn “break”, trích trong các đĩa hát đã có và phát lại liên tục nhiều lần để đám đông cùng nhảy múa. Để lấp chỗ trống giữa các đoạn nhạc nối từ bài này sang bài khác, ông đã nói vào micro những cụm từ để kích thích đám đông hò reo sôi động hơn. Người tiếp sau đó là Afrika Bambaataa (1957), tên thật là Kevin Donovan. Từ nhỏ, ông sống tại vùng South Bronx với mẹ và một người chú. Năm 1973, ông thành lập một nhóm với các hoạt động tổ chức cộng đồng, nâng cao nhận thức văn hóa, ông đặt tên là Universal Zulu Nation. Đây là tổ chức hiphop đầu tiên trên thế giới quy tụ các b-boy, rapper, nghệ sĩ graffiti và những người khác có liên quan đến hiphop. Nếu như Kool Herc chỉ chơi DJ thì Bambaataa vừa chơi DJ đồng thời gây dựng hai nhóm các rapper (người hát, đọc rap) là Jazzy 5, gồm MCs Master Ice, Mr. Freeze, Master Bee, Master DEE, AJ Les và nhóm thứ hai là SoulSonic Force gồm các thành viên Mr. Biggs, Pow Wow and Emcee GLOBE. Bambaataa được xem là cha đẻ của thể loại electro funk.

Một DJ tiên phong không thể không nhắc đến đó là Grandmaster Flash. Tên thật của ông là Joseph Saddler. Người ta thường gọi ông là King Grandmaster Flash. Ông sinh năm 1958, ở Bridgetown thuộc đảo Barbados, vùng Caribe. Từ nhỏ, ông theo gia đình nhập cư vào Mỹ và lớn lên ở quận Bronx, New York. Ngay từ khi còn là thiếu niên, ông đã có niềm đam mê với DJ. Grandmaster Flash nghiên cứu kỹ lưỡng các phong cách DJ và kỹ thuật của các DJ trước đó, đặc biệt là Pete Jones, Kool Herc, và Grandmaster Flowers. Ông bắt đầu thử nghiệm với các thiết bị DJ trong phòng ngủ của mình, cuối cùng đã phát triển và làm chủ ba phát kiến, trở thành tiêu chuẩn cho kỹ thuật DJ ngày nay, đó là các kỹ thuật: Backspin, Punch Phrasing, Scratching. Ông phát minh ra cần gạt âm lượng để trộn tín hiệu phát ở hai máy quay đĩa, gọi là crossfade. Sau phát minh này, người ta mới gọi ông là Grandmaster Flash.

2. Một số đặc điểm của âm nhạc hiphop

Trong nhạc hiphop, ta thường thấy người chơi DJ với các thiết bị âm nhạc điện tử, người đọc rap và người chơi beatboxing (dùng miệng giả âm thanh của nhạc cụ). Nhạc hiphop có những thành phần không thể thiếu là nhịp trống (drum beat), các mẫu âm thanh (sampling) và những thiết bị thu thanh chuyên dụng. Người ta sử dụng các thiết bị điện tử chuyên dụng như Roland TR 808, E-mu SP 12, E-mu SP 1200, Akai MPC 60, Akai MPC 2000, Alesis HR-16… để tạo ra tiết tấu trống làm nền cho âm nhạc. Họ sử dụng các mẫu âm thanh từ một nốt nhạc đến cả ô nhịp, từ nhiều nguồn khác nhau và cắt ghép, sắp xếp lại, biến đổi âm sắc, thay đổi tần số… để tạo ra những đoạn nhạc mới. Với các thiết bị phòng thu tiên tiến, họ có thể thu thanh lại phần nhạc, phần đọc, phần hát…tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh.

Ban đầu, các DJ như Kool Herc, Afrika Bambaata, Grand Master Flash… đã lấy các đoạn break trong nhạc của James Brown và nhạc disco trộn với nhau, tạo nên những đoạn nhạc dài không ngừng nghỉ trong các bữa tiệc hiphop. Vì yếu tố này, nhạc hiphop thường lặp lại nhiều lần một đoạn nhạc hay một chu kỳ ngắn.

Về nhịp độ, nhạc hiphop thường có nhịp độ từ 95 đến 135 phách/ phút. Về nhịp điệu, tiết tấu của hiphop cũng có cảm giác nhấn mạnh vào phách hai và bốn như trong nhạc Reggae, Jazz hay Rock. Một chu kỳ của nhịp điệu có thể từ một, hai, bốn hay tám ô nhịp. Các âm hình tiết tấu trống điện tử được sử dụng nhiều nhất. Cảm giác nhịp phân ba “shuffle” cũng được sử dụng nhiều.

Trong nhạc hiphop, tính giai điệu của ca khúc thường rất ít. Trong giai điệu, yếu tố đọc rap cùng với tiết tấu nhiều hơn yếu tố về cao độ. Những đoạn dành cho rap thường liền mạch và nối liền vào phần hát ở sau đó. Các nhạc cụ và thiết bị thường gặp là bàn xoay đĩa than, đàn phím điện tử, trống máy với các âm sắc hay sử dụng như TR-808 hay TR-909, bass, guitar, piano, beatboxing hay giọng hát. Nhạc hiphop thường có âm lượng lớn, mang nhiều yếu tố điện tử. Tiếng trống, tiếng bass rất rõ ràng, nặng và mạnh mẽ để kích thích tinh thần của người nhảy. Các hiệu ứng điện tử và các kỹ thuật DJ được sử dụng nhiều, tạo những cao trào cục bộ, hay những đoạn chuyển giữa các đoạn khi nối ghép nhạc. Các âm thanh có thể được biến đổi, méo mó hay khàn đục. Nhạc cụ và giọng hát sử dụng nhiều hiệu ứng vang và trễ tiếng để tạo tiếng vọng. Trong tác phẩm hiphop không thể thiếu âm thanh cọ quẹt của bàn xoay đĩa than. Những tiếng cọ đĩa này được các DJ sử dụng ở những đoạn cuối câu, hay cuối chu kỳ để báo hiệu và giải quyết về chu kỳ mới.

Các nhạc sĩ thường chú ý đến các điểm nhấn trong bài hay những điểm dừng đột ngột, tạo sự bất ngờ với người nghe. Trong các điểm dừng khoảng chừng một ô nhịp thì vẫn có một nhạc cụ chơi lấp vào chỗ trống này và để giữ nhịp cho người nhảy. Hòa thanh của hiphop thường rất đơn giản, có thể chỉ có một hoặc hai hợp âm trong đoạn nhạc. Bên cạnh đó, bản nhạc thường sử dụng một chu kỳ tiết tấu trì tục của một nhạc cụ nào đó. Chủ yếu là ghép nối các chu kỳ (loop) mẫu âm thanh nhạc cụ khoảng một hay hai ô nhịp.

Trong nhạc hiphop, khái niệm beat rất hay được sử dụng, về cơ bản, nó là phần âm hình tiết tấu mà trên nền đó, người ta đọc rap hay hát rap. Nó cũng có thể là toàn bộ bản nhạc hiphop được cắt bỏ phần hát. Thuật ngữ này được sử dụng tương đối phổ biến, thậm chí ở Việt Nam, giới trẻ dùng từ “nhạc beat” đối với nhạc đệm của tất cả thể loại âm nhạc chứ không riêng hiphop. Nó bao gồm những thành phần như: âm hình trống dạng MIDI hay Audio được lặp lại nhiều lần, tạo nên toàn bộ các rãnh trống; bè bass (thường là làm lập trình trên máy) với các âm sắc của đàn synth bass điện tử; các phần đệm thêm của nhạc cụ (thường là synth pads, strings, horns…); các mẫu âm thanh (samples) tạo tính cách và điểm nhấn cho bài. Beat có thể dài hay ngắn, từ 8 ô nhịp cho đến đầy đủ các thành phần như dạo đầu, đoạn verse, chorus và các đoạn break, kết thúc. Trường hợp beat ngắn, nó thường được lặp đi lặp lại theo số lần mà người hát yêu cầu. Trường hợp beat dài, nó thường theo hình thức đoạn nhạc pop bao gồm: intro (dạo đầu, 8 ô nhịp), verse (8 - 16 ô nhịp), chorus (8 ô nhịp), break (2 - 8 ô nhịp) và phần kết thúc. Hình thức này cũng không phải cố định mà thường được biến đổi theo ý đồ của người viết.

Phần hát có thể gồm các rãnh sau: hát chính (main vocal), hát phụ (second vocal), hát bè nền đệm cho bè chính (background vocal), các rãnh hát đúp. Trong phần điệp khúc (chorus), các rãnh hát chính có thể được thu thanh đúp lên hai, ba hay bốn lần.

Ở Việt Nam, các DJ thường sử dụng đĩa nhạc nước ngoài để chơi trong các vũ trường, quán bar. Họ cũng học cách trộn nhạc theo các phong cách DJ trên thế giới. Tuy nhiên, theo yêu cầu của khán giả, một số DJ cũng sử dụng nhạc Việt Nam để trộn và làm chất liệu khi chơi nhạc. Các bản nhạc Việt Nam theo phong cách hiphop cũng thường có đặc điểm đơn giản về âm nhạc, sử dụng nhiều mẫu âm thanh sẵn có. Lời ca trong các bản nhạc cũng nói về những chủ đề xã hội, tình yêu hay một số chủ đề đời thường. Bản nhạc rap Ối giời ơi là sản phẩm hợp tác của Ian Paynton (EP) và nhóm Hanoi Sessions gồm Hanoi Funkmaster (Nhật Bản) và JC Smith (Anh) là một tác phẩm rất đời thường như vậy.

Khi chúng ta nhìn ở góc độ bản chất xã hội, nhạc hiphop tồn tại ở hai dạng: undergroundoverground. Rapper thường là những người theo phong cách underground. Họ sinh hoạt qua cộng đồng mạng và chia sẻ thông tin, sản phẩm của mình trong những thành viên cùng diễn đàn. Các rapper thường tự sáng tác, thu thanh và phát hành trên mạng. Họ không cần nghe và không cần biết ý kiến của khán giả mà tự làm những gì mình thích. Với nội dung phong phú về cuộc sống cá nhân, các vấn đề xã hội cũng như những đề tài khích bác hay hạ nhục đối thủ… các rapper thỏa sức sáng tạo cá nhân. Họ ảnh hưởng các phong cách, lối sống của giới hiphop thế giới với những lời lẽ thông tục, ngôn ngữ đường phố, thậm chí là chửi thề. Giống như các bản rap quốc tế, lời trong các bài rap của Việt Nam cũng sử dụng những từ thông tục trong đời sống. Nội dung về cuộc sống, tình anh em, những suy nghĩ về rap. Chủ đề về tình yêu cũng được khai thác tuy nhiên đó là thứ tình yêu gai góc, thực tế và ít mơ mộng. Vần điệu thường có dạng giống như các bài vè với những từ ở cuối câu có cùng vần với nhau.

Ngoài các dạng vần đơn, các rapper còn sử dụng vần kép. Mỗi câu có hai từ vần với nhau và nhiều cặp câu liên tiếp vần với nhau:

Hồ nước, một khi vấy bẩn thì chẳng còn bơi

Một người tâm hồn không sạch thì bạn bè chẳng còn chơi

 (Trích bài Con đường ta đi của Nah)

Trong khi rap, các rapper thường sử dụng kỹ năng thay đổi nhịp đột ngột, tăng tốc ở một nhóm từ hay một vài câu trong ca khúc. Có thể nhanh đến nỗi người nghe không thể nghe rõ ca từ.

Nhạc hiphop Việt Nam hiện tại cũng có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, một số nguyên nhân khiến chất lượng của các tác phẩm chưa cao là phòng thu âm cá nhân với các thiết bị rẻ tiền, phòng thu âm giá rẻ, kém chất lượng mọc lên ngày càng nhiều. Khả năng làm beat và sáng tác của nhiều rapper chưa cao nên họ thường phải sử dụng lại beat của nước ngoài hay sử dụng nhiều chất liệu của các nhạc sĩ khác. Nhiều ca khúc rap không phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam. Quan niệm của người dân nhìn chung ít thiện cảm với loại hình này… Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ đã mạnh dạn áp dụng các lối sáng tác, đọc rap, pha trộn âm nhạc điện tử, sử dụng thiết bị, nhạc cụ của hiphop để sáng tạo ra những tác phẩm âm nhạc của Việt Nam mang phong cách rất đặc trưng. Một vài phân tích và chia sẻ của bài viết cho phép chúng ta có sự nhìn nhận phần nào về âm nhạc hiphop và văn hóa hiphop nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Điều này gợi mở những hướng tiếp cận trong việc định hướng và phát triển âm nhạc hiphop tại Việt Nam trong thời gian tới.

__________________

Tài liệu tham khảo:

1. wikipedia.org, từ khóa “Hiphop music”, “rap music”, truy cập 5-3-2015.

2. Kool G Rap, Lời tựa trong How To Rap, rapradar.com, truy cập 5-3-2015.

3. Nah, Phân tích và hướng dẫn cách viết lyrics, vietrap.org, 2012.

4. Trang Cam, Rap Gangz trong thế giới Underground, yume.vn, truy cập 5-3-2015.

Tác giả: Dương Đại Lâm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021

;