Âm nhạc dân gian người Khmer ở Nam Bộ

Âm nhạc dân gian người Khmer ở Nam Bộ mang những đặc trưng của âm nhạc các dân tộc trong nước, thể hiện qua chất liệu chế tác nhạc khí, nhạc khí đồng dạng thuộc các họ: dây, hơi, thân vang, màng rung và sự đa dạng trong thang âm - điệu thức. Bài viết đề cập đến đề tài, nội dung âm nhạc Khmer; việc kế thừa, phát huy các giá trị đặc trưng của âm nhạc Khmer vào đời sống xã hội.

Ở Việt Nam, trong khoảng thời gian vài chục năm qua, việc nghiên cứu âm nhạc dân gian đã có những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, các vấn đề nghiên cứu về đặc trưng âm nhạc của từng tộc người, trong đó có âm nhạc dân gian người Khmer Nam Bộ vẫn cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ.

Những nghiên cứu về âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ trong những năm 70-80 của TK XX có thể nhắc đến như: Dân ca Kiên Giang (Sở Văn hóa Thông tin Kiên Giang - 1985) của Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Lê Giang; Dân ca Hậu Giang (Sở Văn hóa Thông tin Hậu Giang - 1986) của Lê Giang, Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Minh Luân…; Tuyển tập 100 làn điệu dân ca Khmer (Nxb Trẻ - 2004) của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoa; Nhạc khí dân tộc Khmer Nam Bộ (Nxb Khoa học Xã hội - 2005) và Nhạc khí dân tộc Khmer Sóc Trăng (Nxb Tổng hợp TP.HCM - 2007) của Đào Huy Quyền, Sơn Ngọc Hoàng, Ngô Khị.

Cuốn sách Dân ca Kiên Giang, ngoài những vấn đề mang tính lý thuyết là những nhạc bản dân ca. Các tác giả đã phân loại dân ca Khmer thành những thể loại khác nhau: bompêkôn (hát ru), oumtick (chèo thuyền), xaccrova (hò), phlêng ka (nhạc cưới), lam (hát lăm), môhôri, bot chriêng kômara kômarây (đồng dao)…

Cuốn Dân ca Hậu Giang chủ yếu là những bản ký âm dân ca và lời ca của các dân tộc chung sống tại vùng đất này, trong đó có người Khmer.

Tuy nhiên, những vấn đề về đặc trưng âm nhạc dân gian các dân tộc và đặc biệt là của người Khmer cũng chỉ được nhắc tới một phần, chưa đi sâu nghiên cứu, bóc tách từng giá trị cụ thể, cũng như không phải là đối tượng nghiên cứu của các công trình trên.

Dàn nhạc Khmer Nam Bộ

(Ảnh: Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh cung cấp)

Ngoài ra, còn có một số công trình nghiên cứu của người Khmer ở Campuchia như: Rôbăm Pro Chia Prây Khmer (Múa dân gian Khmer) (Phnom Penh, 1964) của Chap Pinh; Pithi Apea Pipea Khmer (Lễ cưới truyền thống Khmer) (Phnom Penh - 1965) của Chapin; Yike and Bassac theaters (Sân khấu Dì kê và Dù kê) (Đại học Mỹ thuật Hoàng gia Anh, 1997) của Pich Tum Kravel; Khmer Mask Theater (Sân khấu mặt nạ Khmer) của Pich Tum Kravel (Phnom Penh, Campuchia - 2000); Đon t’rây, Rô băm và Lakhôn Khmer (Âm nhạc, múa và sân khấu Khmer) (Phnom Penh - 2000) của Pich Tum Krovil và Khmer Orchestra (Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia). Bonh Tum niêm Khmer (Lễ hội truyền thống Khmer) (Phnom Penh - 2003) của Chhưng Thanh Sô Phone; Khmer Performing Arts (Nghệ thuật biểu diễn Khmer), năm 2003 của nhiều tác giả, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử của nghệ thuật diễn xướng và vai trò, ý nghĩa của những bài ca dùng trong các dàn nhạc: A Răk, Pin peat, Môhôri, Chhay Dam, Muôn Khrum, Skô chhas của người Khmer ở Campuchia (1).

Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, các nghiên cứu về âm nhạc dân gian Khmer tại Campuchia đã đạt được nhiều thành tựu, cung cấp cái nhìn đa diện về các loại hình (2). Tuy nhiên, âm nhạc dân gian Khmer ở Nam Bộ cũng như vấn đề đặc trưng của nó không phải là đối tượng và phạm vi nghiên cứu của các công trình nêu trên.

Mục đích nghiên cứu âm nhạc tộc người nói chung trong giai đoạn hiện nay là cần quán triệt cái chung và làm nổi bật cái riêng của từng tộc người. Bronislaw Malinowski (1884-1942) nhà Nhân học Anh nổi tiếng cho rằng, nhiệm vụ trước hết là nghiên cứu chức năng của các hiện tượng văn hóa, mối liên hệ tương tác và sự chế định lẫn nhau giữa chúng. Điều này, giúp người nghiên cứu nhận ra các vùng âm nhạc, các không gian âm nhạc, cũng như các vấn đề trong lý thuyết khuếch tán văn hóa…

Nghiên cứu các chức năng xã hội, cũng như các giá trị của văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ là một vấn đề rất quan trọng. Trong âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ, dân ca là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa gắn liền với môi trường xã hội nhất định, mang những chức năng xã hội nhất định, cũng như đặc thù thẩm mỹ của chủ thể sáng tạo. Từ xa xưa đến nay, nghệ thuật âm nhạc luôn phát triển đa dạng về hình thức và phương tiện kỹ thuật biểu hiện. Do đó mục đích của việc sáng tạo âm nhạc và chức năng của nó có sự biến đổi theo thời gian và không gian, cũng như sự phát triển của xã hội người Khmer Nam Bộ ở Việt Nam. Chúng tôi sử dụng lý thuyết phân loại nhạc khí của 2 nhà nghiên cứu Hornbostel người Thụy Điển và Curt Sachs người Hà Lan. Họ đã đưa ra lý thuyết về phương pháp phân loại nhạc khí, mở đầu cho bộ môn Nhạc khí học (Organologie). Giá trị của phương pháp khoa học này là sử dụng những tiêu chí nhất quán, có thể áp dụng cho việc phân loại bất kỳ loại nhạc khí nào thuộc nền văn hóa nào. Do đó, nó được Hội đồng quốc tế Âm nhạc truyền thống thuộc tổ chức UNESCO công nhận.

Đề tài và nội dung

Đề tài, nội dung của âm nhạc dân gian Khmer hầu hết được thể hiện trong dân ca của họ. Nội dung đều chứa đựng nhiều yếu tố của đời sống như: Tình yêu quê hương, tình yêu nam nữ, tình yêu gia đình, lao động sản xuất.

Về tình yêu quê hương

Từ xa xưa, đời sống của người Khmer đã gắn liền với hoạt động nông nghiệp, với đồng ruộng, sông ngòi, kênh rạch. Chính điều kiện sống như vậy đã hình thành nên những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu cho cư dân nơi đây. Văn hóa đó có thể kể đến như văn hóa của sự thích nghi với điều kiện sống, văn hóa của sự đối phó trước những biến động của tự nhiên, văn hóa của sự khai thác và sử dụng các điều kiện tự nhiên… Tất cả cô đúc lại tạo nên sự gắn bó, thích nghi đặc biệt với môi trường tự nhiên vùng sông nước: “Anh nhớ tiếng vượn hú/ Trên đỉnh núi Chi Xô/ Anh nhớ lời than thở/ Còn trên nhánh cây đa/ Anh nhớ từng tiếng ve/ Rên rỉ trên đỉnh tháp/ Đỉnh Preachet đó”…

Tình yêu nam nữ

Đây là một đề tài rất được quan tâm và chiếm trữ lượng lớn nhất trong kho tàng âm nhạc Khmer.

“Anh ngồi đợi em hoài, đợi hoài/ Tàu dừa mỏi mê rạp xuống/ Trút nước lên mình anh lạnh lắm/ Và, đám mây kia cũng vô cớ giận hờn”…

Hay: “Thuyền anh bơi nhẹ lướt trong đầm sen/ Hương sen tỏa ngào ngạt khắp lưng trời/ Nghe nước cuốn lăn tăn theo thuyền trôi”…

Tình cảm gia đình

“Ngủ đi con, hỡi con ngoan!/ Mai mẹ dậy sớm đi làm nuôi con/ Con thương, mẹ dỗ, mẹ bồng/ Để ba con ngủ, hừng đông đi cày”…

Người Khmer thể hiện tình thương của bà dành cho cháu qua bài dân ca Bompê chao (Ru cháu): “Tình bà cháu thật vô vàn yêu thương… / Cháu ơi đừng khóc cháu ơi! Có bà yêu cháu, cháu vui với bà”…

Những làn điệu dân ca Khmer đã thể hiện tình cảm về cuộc sống thường nhật của người nông dân tay lấm chân bùn: “Giúp mẹ trông coi cửa nhà/ Lượm thóc, vo gạo mẹ nhờ/ Cha con đi cày ngoài ruộng”…

Lao động sản xuất

Chức năng lao động được phản ánh trong số điệu hò của người Khmer, như: hò giã gạo, hò kéo dây, hò hái sen. Trong đó, hò giã gạo (Bôk xrâu), gồm có những bài hát khác nhau theo từng vùng, nhưng chức năng chủ yếu là giã gạo. Trong đó, có kinh nghiệm khi giã gạo phải giữ lại trấu và cám để sử dụng, không nên bỏ đi: “Cô nàng thật là giỏi giang/ Xay lúa, giã gạo dần sàng siêng năng/ Nghe lời người xưa dạy răn/ Lấy trấu làm gạch lót sân xây nhà/…

Trong bài Bompê chao (Ru cháu) có những câu sau: “Mẹ cháu vất vả ruộng nương/ Cả đời một nắng hai sương nhọc nhằn/ Suốt ngày bùn lấm tay chân/ Nhổ mạ cấy lúa mưa dầm, gió giông/…”.

Những đặc trưng chung với âm nhạc các tộc khác ở Việt Nam

Nhạc khí đồng dạng

Khi so sánh với âm nhạc các tộc khác ở Việt Nam, âm nhạc dân gian Khmer mang một số đặc trưng chung, được thể hiện chủ yếu ở một số nhạc khí đồng dạng thuộc đủ các họ: dây, hơi, thân vang, màng rung.

Nhạc khí dây đồng dạng: Trong các nhạc khí dân gian được sử dụng ở Tây Nguyên, có thể nhận ra 3 nhạc khí đồng dạng với nhạc khí dây Khmer, đó là b’rooc, k’râu và chinh k’la. Đồng dạng với đàn chhay điêu (khsê điêu, say điêu) của người Khmer là các cây đàn k’râu (H’rê); v’rooc tru của người Cadong (Xơ đăng); tinh ninh (Bana); goong (Rơngao, Giẻ - Triêng, Bana); goong đe (Gia rai, Rơ ngao, Giẻ - Triêng)… Đồng dạng với đàn truô sô của người Khmer là các cây đàn: Cò (Việt); Cò ke (Mường); Xixơlo (Thái); đàn cửa (Tày)…

Nhạc khí hơi đồng dạng: Những nhạc khí hơi đồng dạng với khlôy của người Khmer là: tàlía (Co, Xơ đăng, H’rê); alal (Bana); kađeh (Raglai); đinh k’lía (Ê đê); ống ối (Mường); píthiu (Thái); sáo gáo (H’mông); sáo dọc (Việt)…

Nhạc khí thân vang đồng dạng: Đồng dạng với Kông môn của người Khmer là: chinh goong (H’rê); goong (Xơ đăng); Chênh goong của người Giẻ -Triêng; Chênh của người Bana; Cồng của người Việt…

Những nét chung trong thang âm - điệu thức

Ngoài những đặc trưng về nhạc khí đồng dạng, thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ còn mang những nét chung của âm nhạc dân gian Việt Nam. Theo nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, các dạng thang 2 âm, 3 âm, 4 âm, 5 âm và 6 âm của người Khmer được ghi nhận qua hàng trăm làn điệu có mang những nét chung của âm nhạc dân gian Việt Nam (3).

Có thể nhận định rằng, thang âm và điệu thức là yếu tố nòng cốt trong âm nhạc, có quan hệ hữu cơ với những đặc trưng âm nhạc tộc người. Nó là vấn đề hàng đầu trong lý thuyết cũng như trong thực hành âm nhạc. Các nhà khoa học từ thời Hy Lạp cổ đại (như Pythagoras với công trình Bản chất âm học) đã nghiên cứu các nguyên lý hình thành và cấu tạo thang âm - điệu thức, tạo dựng nền tảng lý thuyết tồn tại nhiều thiên niên kỷ mà vẫn vận dụng làm cơ sở lý giải các vấn đề âm nhạc học ngày nay.

Thang 2 âm có thể tìm thấy trong những bài hát dành cho trẻ em, với các giai điệu đơn sơ, mộc mạc, nhưng rất vui tai và ngộ nghĩnh. Những bài hát này thường đi kèm với những động tác múa trong một trò chơi của trẻ nhỏ. Thang 2 âm có thể chia thành ba loại:

Loại 1 có trong trò chơi Lbêng rotpuôn (Trốn kiếm) ở tỉnh Kiên Giang, có hình thành một quãng 2T (c2 - d2):

Loại 2 có trong bài đồng dao Khmênh khuyal krobây (Trò chơi ngoài đồng) ở tỉnh Hậu Giang, có hình thành một quãng 3t (a1 - c2):

Loại 3 có trong trò chơi Ngoài đồng được sưu tầm tại tỉnh Trà Vinh, có hình thành một quãng 3T (bes1 - d2:

Thang 3 âm được tìm thấy ở những bài hát dành cho trẻ em Khmer, trong trò chơi Chăc tưc đôông (Đổ nước dừa) và Chap koon khleng (Bắt con diều) ở tỉnh Kiên Giang. Ở đây đã hình thành một quãng 5Đ (fis1 - b1- cis2) như bài Chăc tưc đôông (Đổ nước dừa):

Hay bài Chap koon khleng (Bắt con diều):

Thang 4 âm, từ âm 1 đến âm 4 là một quãng 5Đ, quãng này chứa đựng 1 quãng 3t và hai quãng 2T. Thang 4 âm trong giai điệu dân ca Khmer cũng có nhiều loại, tiêu biểu như trong bài Mê trây (Tiễn khách ra về) được sưu tầm ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, hình thành thang âm: f1 - aes1 - bes1 - c2:

Hay bài Oum tuck (Bơi thuyền) được sưu tầm ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước:

Thang 5 âm trong giai điệu dân ca Khmer có nhiều loại. Có rất nhiều bài bản dân ca Khmer mang các loại thang âm tương ứng với điệu Bắc, điệu Nam và điệu Oán trong dân ca của người Việt.

Loại 1 khoảng cách từ âm 1 đến âm 5 là một quãng 6T, chứa đựng 1 quãng 2T, một quãng 3t và 2 quãng 2T. Trong bài À Lê (Chàng đi săn) hình thành thang 5 âm: g - a - c1 - d1 - e1 tương ứng với điệu thức Bắc của người Việt:

Bài Choôl Chung (Thảy chung, ném cầu) có cấu trúc thang âm tương tự:

Loại 2 có cấu trúc thứ tự là: 1 quãng 3t, 2 quãng 2T và 1 quãng 3t, tương ứng với điệu thức Nam của người Việt. Trong bài Oum Tuck Chook Chook (Bơi thuyền) hình thành thang 5 âm a1 - c2 - d2 - e2 - g2:

Hay bài Đomrây Thngôn Phluc (Voi trĩu ngà) cũng có cấu trúc thang âm tương tự:

Loại 3 trong thang 5 âm có cấu trúc lần lượt là: 1 quãng 3t, 2 quãng 2T và 1 quãng 2t, tương ứng với điệu thức Oán (biến thể) trong dân ca người Việt Nam Bộ (Hò - xư - xang - xê - cống non). Tuy nhiên, loại thang âm này ít phổ biến trong dân ca Khmer. Trong bài Xarikeo (Chim sáo) được sưu tầm ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Hậu Giang, có thang 5 âm: b - d1 - e1 - fis1 - g1:

Hoặc bài Kom Boontôh Boong (Đừng trách anh) cũng có cấu trúc thang âm tương tự:

Thang 6 âm trong dân ca Khmer Nam Bộ có 3 loại. Loại 1 trong thang 6 âm được hình thành bởi hai nhóm 3 âm nối nhau bằng một quãng 2t: c - d - e và f - g - a (quãng 2T + quãng 2T + quãng 2t + quãng 2T + quãng 2T). Trong bài Bompê Kôn 1 (Ru em 1) được sưu tầm ở huyện Long Phú, tỉnh Hậu Giang sau đây có thang âm: c - d - e _ f - g – a:

Trong bài Xrây Rot (Nàng Rót) cấu trúc thang âm như sau:

Loại 2 trong thang 6 âm được cấu thành bởi hai nhóm 3 âm (c-es-f và g-a-bes), từ âm 1 đến âm 6 hình thành một quãng 7t, có cấu trúc: 3t+2T+2T+2T+2t. Bài Bompê Kôn 2 (Ru em 2) được sưu tầm ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng có thang âm: cis - e - fis - gis - ais - b.

Bài Xôridăng (Mặt trời) được sưu tầm ở Hà Tiên (thuộc tỉnh Kiên Giang có cấu trúc thang âm tương tự:

Loại 3 trong thang 6 âm của người Khmer Nam Bộ được cấu thành bởi hai nhóm 3 âm (c-d-es và f-g-bes), hình thành một quãng 7t, có cấu trúc: 2T+2t+2T+2T+3t. Bài dân ca Chap puuk (Chim sẻ) được sưu tầm ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang có thang âm là: fis - gis - a - b - cis - e:

Bài Chbăp prođau (Lời giáo huấn) được sưu tầm ở tỉnh Hậu Giang có cấu trúc thang âm:

Ngoài các dạng thang 2 âm, 3 âm, 4 âm, 5 âm và 6 âm, còn có sự kết hợp các dạng thức thang âm tạo ra nhiều màu sắc giai điệu. Cũng theo nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, hiện tượng này vốn phổ biến trong dân ca người Việt ở Nam Bộ. Điều này góp phần chứng minh rằng, đặc trưng thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ mang những nét chung của âm nhạc dân gian.

Kết luận

Âm nhạc dân gian Khmer mang những đặc trưng của âm nhạc các dân tộc trong nước và khu vực Đông Nam Á, thể hiện qua chất liệu chế tác nhạc khí, nhạc khí đồng dạng thuộc các họ: Dây, hơi, thân vang, màng rung và sự đa dạng trong thang âm - điệu thức. Ngoài ra, âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ còn mang những nét đặc trưng của âm nhạc khu vực Đông Nam Á lục địa, qua việc sử dụng cách đánh chiêng theo quy định mỗi người nhiều chiếc.

Tuy có những nét đặc trưng chung của âm nhạc vùng Tây Nguyên và các khu vực khác, nhưng âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ còn mang những nét riêng rất độc đáo, khác với các tộc khác, cho thấy sự phong phú, đa dạng trong tổng thể của âm nhạc vùng và khu vực. Nhìn chung, người Khmer rất có năng khiếu nghệ thuật, được thể hiện rõ trong âm nhạc. Qua nghiên cứu thang âm, bài bản của âm nhạc người Khmer, có thể thấy phương thức tư duy âm nhạc có sự khác nhau với các tộc trong vùng. Âm nhạc của họ linh hoạt, khéo léo và khá chặt chẽ trong cách biểu diễn chủ đề âm nhạc. Qua đây, có thể thấy được đề tài và nội dung, đặc trưng cũng như vai trò, giá trị của âm nhạc dân gian Khmer đối với âm nhạc đương đại và nền văn hóa Việt Nam. Các vấn đề về chức năng, phương thức tư duy âm nhạc của người Khmer cần được tiếp tục nghiên cứu. Việc kế thừa, phát huy các giá trị đặc trưng của âm nhạc Khmer vào đời sống xã hội là một việc làm rất thiết thực, cần được chú trọng hơn nữa.

_____________

1, 2. Phạm Tiết Khánh, Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước về âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2019, số tháng 6, tr.85-88.

3, Nhiều tác giả, Thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống một số dân tộc miền Nam Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM, 1993, tr.226, 236-239.

Tài liệu tham khảo

1. Thụy Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1993, tr.5,15-16.

2. Trần Văn Khê, Âm nhạc tại các nước vùng Đông Nam Á, trong sách Nghệ thuật Đông Nam Á (Cao Xuân Phổ chủ biên), Viện Đông Nam Á, Hà Nội, 1983, tr. 83-256.

3. Nguyễn Thế Truyền, Phỏng vấn Nghệ sĩ ưu tú Kim Nghinh, Nghệ sĩ ưu tú Sang Sét (Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh), 2018.

Tác giả: Nguyễn Thế Truyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020

;