Các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh thờ các thiền sư tại vùng châu thổ Bắc Bộ khá đậm đặc, phản ánh một hình thức thờ cúng trong tâm thức dân gian của người Việt. Các ngôi chùa này có cấu trúc, đặc điểm thờ phụng khá đặc biệt, gọi là chùa tiền Phật hậu Thánh, thể hiện trên nhiều mặt như: kiến trúc, bố cục mặt bằng tổng thể, việc thờ phụng, lễ hội, tâm thức của người dân liên quan đến hành trạng, thờ cúng... Hệ thống tài liệu, văn bản thờ cúng các vị thiền sư phản ánh sâu sắc, rõ nét sự biến đổi chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn từ TK X, XI đến TK XVI, XVII.
Tiểu sử của ba vị thánh ở các ngôi chùa tiền Phật, hậu Thánh
Thánh Từ Đạo Hạnh
Các tư liệu dân gian, tiểu sử, sự sinh, mất, hóa thánh, hành trạng của Từ Đạo Hạnh có nhiều điểm thống nhất về một vị thánh tài ba, có phép thần thông biến hóa, là ông tổ của nghề rối nước, rối cạn. Về lại lịch, Thánh họ Từ, húy là Lộ. Cha là Từ, húy Vinh, quê ở làng Láng, làm chức Tăng Quan Đô Sát, tuổi nhỏ có nhiều điểm khác thường, có cốt khí tiên phật, hào hiệp, phóng khoáng, có chí lớn, phàm việc làm lời nói không ai đoán trước được. Ban đêm ông miệt mài đọc sách, ban ngày đá cầu, thổi sáo, vui chơi. Khi cha của ông bị Diên Thành hầu nhờ Đại Điên dùng phép thuật giết chết, ông đã đi trả thù không thành, tìm đường sang Tây Trúc học phép thuật, nhưng đường đi đến nước Kim Xỉ gian nan, bèn bỏ về núi Phật Tích tu luyện, đọc chú Đà la ni mười vạn tám ngàn lần, hoàn thành đạo pháp, tìm Đại Điên trả thù. Từ đó rửa sạch oán thù, đi khắp nơi trong chốn tùng lâm tìm thày ấn chứng. Thánh đã gặp thiền sư Trí Huyền, Sùng Phạm để học hỏi, mở rộng kiến văn. Sau đó sư đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu, về sau là vua Lý Thần Tông.
Thánh Từ Đạo Hạnh được suy tôn là ông tổ nghề rối. Qua thư tịch, truyện kể dân gian, thánh Từ Đạo Hạnh là tổ nghề múa rối cạn, rối nước. Lễ hội chùa Thày vào ngày mồng 7 - 3 âm lịch thường tổ chức múa rối nước tại thủy đình trước chùa. Tương truyền, rối nước là do Từ Đạo Hạnh truyền dạy, nhưng không phải người dân ở thôn Thụy Khuê, Sài Sơn biểu diễn rối, mà là dân làng Ra (nay là Phú Hòa, Thạch Thất, Hà Nội), cứ đến hội là diễn rối tại thủy đình. Sự tích kể rằng Từ Đạo Hạnh trên đường đi giảng đạo qua làng Ra, thấy cảnh trí vui tươi, người dân cởi mở, yêu văn nghệ, nên ngài đã đem nghề rối truyền dạy cho dân trong làng. Trong các tiết mục rối nước, tiết mục rước kiệu rời tượng mang tính thiêng, tái hiện cảnh rước tượng Từ Đạo Hạnh để tỏ lòng biết ơn đối với thánh tổ nghề rối.
Từ Đạo Hạnh còn là vị thánh tổ của rối hầu Ổi Lỗi, còn gọi là hát, múa rối hầu thánh ở chùa Đại Bi, Nam Định. Đây là loại hình rối cạn độc đáo có một không hai ở vùng châu thổ sông Hồng, chỉ được diễn vào đêm giao thừa hoặc trong dịp lễ hội tại chùa Đại Bi vào đêm 20, 21, 22 tháng Giêng hằng năm. Theo huyền tích, một lần thiền sư Từ Đạo Hạnh đang đi thuyền dạo trên sông thì thấy một cái bọc nổi lềnh bềnh. Khi ông vớt lên xem thì thấy trong đó có sáu đứa trẻ quái thai. Động lòng trắc ẩn, từ tâm, thiền sư đã đem sáu đứa trẻ về chùa nuôi nấng, dạy dỗ. Để tưởng nhớ công lao của thiền sư, nhân dân đã sáng tạo ra sáu đầu rối, mang khuôn mặt của sáu người trưởng thành, khôn lớn, rước các tích trò ca ngợi công đức của đức Thánh Từ.
Theo các tích truyện lưu truyền lại, Từ Đạo Hạnh là một thiền sư có thật, tài giỏi hơn người, có phép linh thông, thành thạo trăm nghề. Khi qua đời, ngài được nhân dân thiêng hóa, thờ phụng trong các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh, tiêu biểu như chùa Láng nơi thánh sinh, ở chùa Thày nơi thánh hành đạo, ở chùa Đại Bi là nơi thánh lánh nạn cùng mẹ là bà Tăng Thị Loan.
Thánh Nguyễn Minh Không
Tiểu sử của thánh Nguyễn Minh Không đã được sử sách lưu truyền lại với nhiều sắc thái, tương đối đồng nhất. Về cơ bản, thánh vừa là một nhân vật lịch sử có thật, được nhân cách hóa, có phép thần thông trong truyền thuyết. Các tài liệu, mặc dù có nhiều dị bản, nhưng có một số điểm chung về nguồn gốc, đơn cử như việc ngài là đệ tử của Từ Đạo Hạnh. Theo Thiền uyển tập anh, Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành, sinh tại làng Đàm Xá, phủ Tràng An (nay là làng Điền Xá, Gia Viễn, Ninh Bình).
Theo huyền tích, ông còn là một vị y thần, có khả năng chữa bệnh bằng phép thuật cũng như bằng thuốc nam. Vùng đồi núi thuộc xã Gia Sinh, Gia Viễn, hiện còn làng Sinh Dược, là nơi mà Nguyễn Minh Không dùng cây thuốc ở đây chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông, bào chế ra nhiều loại thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Ông đã truyền lại cho dân nhiều bài thuốc hay, sử dụng thuốc nam, châm cứu chữa bệnh. Đến nay, có nhiều người đến đền thờ Thánh Nguyễn ở Gia Viễn, Ninh Bình xin sớ chữa bệnh.
Theo tương truyền, ông còn được suy tôn là ông tổ nghề. Ở vùng châu thổ, hiện còn lưu truyền nhiều câu chuyện về thánh tổ nghề rèn, đúc ở vùng Ngũ Xã, Ý Yên. Lưu truyền câu chuyện thánh Nguyễn Minh Không là tổ nghề rèn, nghề đúc đồng đã có công sang Trung Quốc khuyên giáo đồng về đúc An Nam tứ đại khí: chuông chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, chuông Quy Điền, đỉnh tháp Báo Thiên. Vùng duyên hải Bắc Bộ gồm 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, trong tâm thức dân gian phổ biến của cư dân đi biển, trồng lúa còn lưu truyền thánh Không Lộ là tổ nghề chài lưới, trồng lúa nước. Vùng trồng hoa cây cảnh còn phụng thờ Nguyễn Minh Không với tư cách là tổ nghề trồng hoa, cây cảnh.
Như vậy, theo sử sách, truyền thuyết, Nguyễn Minh Không là nhân vật lịch sử có nhiều công trạng. Ông là một vị thánh tài ba, có phép thần thông biến hóa, có nhiều công lao đối với dương gian, là thần y, ông tổ nghề đúc đồng. Ông được suy tôn như là một danh nhân văn hóa, cũng như là một người đã dạy người dân làm nghề rèn. Những huyền tích, huyền thoại này đã được thể hiện bằng một hệ thống những chùa tiền Phật hậu Thánh thờ phụng ông. Tiêu biểu là đền Nguyễn Minh Không ở Tống Xá, Nam Định, gắn bó với làng nghề đúc đồng, đúc kim loại nổi tiếng. Còn đền thờ Thánh Nguyễn ở Gia Thắng, Gia Viễn lại thờ ông như là một vị phúc thần mà người dân có thể đến cầu tự, cầu an, cầu bản mệnh, đặc biệt cầu chữa bệnh vì tương truyền ông là thần y, vùng này vẫn là nơi còn có nhiều cây thuốc mà người dân dùng làm thuốc nam chữa bệnh.
Thánh Dương Không Lộ
Những tài liệu ghi chép về thánh Dương Không Lộ cùng những truyền thuyết về ngài có tính chất mờ ảo hơn hai vị thánh Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không. Một số tài liệu lại đồng nhất giữa hai thánh Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không, cho đó là một vị thiền sư. Thiền uyển tập anh cho biết thánh Dương Không Lộ quê Hải Thanh, nay thuộc Nam Định, không biết năm sinh, mất năm 1119, gia đình mấy đời làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề, tu hành theo đạo Phật, chuyên chú tu trì pháp môn Đà la ni, chuyên tu tập thiền định. Sau đắc pháp thánh cũng có nhiều phép lạ: “Tâm thần, tai mắt ngày càng sáng láng thông tỏ, bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, muôn nghìn phép lạ không lường hết được, có thể sai sử điều phục sơn đà dã thú, cầu mưa cầu tạnh, chú thủy trị bệnh, không gì là không ứng nghiệm. Sau khi thiền sư Dương Không Lộ mất, tại ngôi chùa ông tu trì ở bản quán (được gọi là chùa Nghiêm Quang) môn nhân đã thu xá lị táng trước cửa chùa. Vua Lý Nhân Tông cho sửa sang, mở rộng chùa, miễn tô thuế cho 20 hộ để đèn hương phụng thờ” (1).
Dương Không Lộ là một nhà sư có nhiều phép thuật, có lòng từ bi độ lượng, giúp dân giúp nước. Ông được nhân dân gán cho nhiều phép thần thông biến hóa, gắn với cuộc sống của họ về nông, nghề đánh cá, học hành khoa bảng. Công trạng của ông được nhân dân ghi nhận, thờ phụng ở nhiều nơi, có vai trò quan trọng đối với nhân dân ở châu thổ sông Hồng, đặc biệt ở Thái Bình, Nam Định.
Tiểu sử linh thiêng của ba vị thánh trong mối quan hệ với ma lực
Ba vị thánh có ảnh hưởng quan trọng trong tâm thức dân gian trong quá khứ cũng như hiện nay. Ba vị thánh nhiều lần được các triều đại phong kiến sắc phong, được Nhà nước chính thức đưa vào trong các di tích, đền miếu phụng thờ. Nhân dân nhiều vùng phong ba vị thánh là Đức Thánh tổ trong tâm thức dân gian.
Theo tác giả Charles Keyes trong Những vấn đề nhân học tôn giáo: “Yếu tố quan trọng của một tiểu sử linh thiêng là có nhiều tình tiết, nhiều sự kiện mang tính thiêng trong cuộc đời của một con người. Những yếu tố thiêng này như là những mảnh vỡ của một tiểu sử có thực, phần nhỏ của toàn thể cuộc đời” (2). Qua khảo sát các truyền thuyết, dã sử vùng châu thổ sông Hồng cho thấy ba vị thánh Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không có tiểu sử, hành trạng với nhiều điểm tương đồng gắn với sự phát triển của Phật giáo thời Lý, thời kỳ mà Phật giáo được coi là quốc giáo. Theo tư liệu chính sử, đây là các thiền sư thuộc các thiền phái Phật giáo thời Lý như Tì ni đa lưu chi, Vô ngôn thông. Qua hệ thống chùa tiền Phật hậu Thánh, lễ hội, sự phụng thờ ngày nay, có thể thấy ba vị thánh có vai trò quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử, là ba vị thánh thiêng liêng, những người có ma lực trong tâm thức dân gian của người Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ.
Quá trình tu luyện, học đạo, hành đạo của ba vị thánh có câu chuyện trùng hợp, liên quan chặt chẽ với nhau như thánh Từ Đạo Hạnh có nhiều phép thuật, có nhiều công lao hộ quốc an dân, được tôn làm anh cả, thể hiện dưới hình tượng vi phật - vi tiên - vi vương, với hai lần đầu thai làm vua, tương truyền là hậu thân của vua Lý Thần Tông, Lê Thần Tông. Việc hóa kiếp thành vua, Phật, thánh của Từ Đạo Hạnh đã được nhân dân tôn thờ ở chùa Thày.
Thánh Dương Không Lộ được tôn làm anh hai, cùng sang Tây Trúc học đạo với thánh Nguyễn Minh Không, vị thánh được dân gian tôn là em út, có công chữa bệnh sợ tiếng tắc kè cho vua Lý Thần Tông, là hậu thân của Từ Đạo Hạnh, sau này là cả vua Lê Thần Tông. Có nhiều tình tiết ly kỳ liên quan đến hành trạng của thiền sư, như người mọc đầy lông, tiếng gầm như hổ, sư mời cơm đoàn quân nhà vua bằng một niêu nhỏ, nhưng cả 40 người ăn no mà vẫn chưa hết theo môtip nồi cơm Thạch Sanh trong truyện cổ tích.
Thánh Nguyễn Minh Không là một người có rất nhiều tài năng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, đồng thời lại là người văn võ song toàn. Ngài là một thiền sư rất năng động, có nhiều uy tín, xây dựng nhiều chùa trong nước, có công lớn trong việc truyền bá đạo Phật thời Lý. Ngài còn là một nhà thơ có tiếng, một thày thuốc giỏi đã chữa bệnh cho vua, dạy nghề đúc kim loại nổi tiếng. Nhân dân hết lời ca tụng ngài đến mức đã thần thánh hóa thành những câu chuyện thần thoại ly kỳ: trừ yêu trị quái, phục hổ hành long, ngồi thiền định một nơi mà tâm thu tám cõi; đưa một ngọn núi đứng ở nơi này để rời đi đến đứng ở một nơi khác; thò tay vào chảo dầu đang đun sôi, tắm cho vua ở trong chảo để chữa khỏi bệnh hóa hổ cho Lý Thần Tông…
Có thể thấy rằng, các mảnh vỡ linh thiêng, huyền bí, ma mị trong các tiểu sử về ba vị thánh là một sự pha trộn giữa huyền thoại với nền tảng cơ sở lịch sử, gắn với tên tuổi của các nhà vua, các triều đại, cũng như những địa danh trong lịch sử. Những yếu tố linh thiêng của một tiểu sử cuộc đời các vị thánh luôn gắn với quyền lực ma lực. Một vị thiền sư hóa thánh thì họ càng trở nên thiêng, có quyền lực vô biên, có sức hút ma lực trong cuộc đời, cả sau khi chết (3). Hơn nữa các vị thiền sư đều đắc đạo, vượt xa những con người bình thường, cái linh, ma lực càng được tăng lên vì họ được gắn với cái tối thượng.
Tiểu sử linh thiêng mang tính văn hóa
Trong hệ thống nghi lễ, tín ngưỡng thờ phụng ba vị thánh có thể thấy bóng dáng chủ yếu của Mật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian.
Thời kỳ Đại Việt, trải qua các triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, mặc dù Nho giáo chiếm vị trí ngày càng mạnh hơn nhưng Đạo giáo vẫn rất thịnh, ngay cả trong triều đình với tầng lớp vương hầu quý tộc hay dân gian.
Sang thời Lê, Nho giáo chiếm ưu thế, tuy nhiên Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian không phải đã hết vai trò đặc biệt trong đời sống hằng ngày của tầng lớp bình dân. Sang thời Mạc, sự khủng hoảng của hệ tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian lại tìm được chỗ đứng trong đời sống xã hội. Đời sống chính trị biến động phức tạp, lòng dân không yên cộng với thái độ cởi mở của các vương triều là mảnh đất thuận lợi cho sự hình thành, phát triển hàng loạt các tông phái Đạo Nội ở TK XVI - XVII như tín ngưỡng thờ tứ phủ, nội đạo tràng của thượng sư Trần Toàn ở Thanh Hóa vào TK XVII, liên quan đến Dược Sư lưu ly quang phật, chữa bệnh mọc lông hổ của Lê Thần Tông.
Với tâm thức người dân, xuất hiện thánh Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không là những thánh có quê, trải qua quá trình tu luyện, hành đạo, đắc đạo, tu hành ở vùng này, người dân gia nhập các thánh vào hệ thống thần linh của mình. Về sau cư dân chuyển từ đánh cá sang trồng lúa thì thánh Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không lại được sáng tạo trở thành vị thần linh nông nghiệp, giúp dân khai hoang trồng lúa với các chi tiết thường nhật của nông dân như đơm đó, bắt lươn. Đồng thời, các nghề thủ công phát triển, thánh Nguyễn Minh Không trở thành tổ nghề đúc đồng ở vùng Ngũ Xã, Tống Xá. Còn ở quê hương của ông ở Gia Viễn, Ninh Bình, thì ông lại gắn với tâm thức về một thần y chuyên chữa bệnh cho dân, bởi gần đó có vùng cây thuốc chữa bệnh mà đến nay vẫn còn lưu giữ.
Ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống tinh thần của nhân dân nước Việt góp phần sáng tạo thánh Từ Đạo Hạnh, Không Lộ là một nhà tu hành có nhiều phép linh dị, nhiều lớp lang văn hóa. Những mảnh vỡ của tiểu sử linh thiêng của họ gắn với các vùng văn hóa, gắn với địa danh, nơi thờ tự, nơi sinh, nơi hóa, nơi lánh nạn… Rõ ràng hình tượng của ba vị thánh là kết quả quá trình chồng xếp lên nhau của nhiều lớp văn hóa, tiểu sử linh thiêng của họ gắn với văn hóa nơi họ sinh ra, lớn lên, hành đạo, dùng phép thuật giúp dân.
Trong hệ thống thần linh của người Việt, ba vị Thánh Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không là nhân thần có thật trong lịch sử. Quá trình tu luyện, học đạo, hành đạo của ba vị thánh có nhiều điểm trùng hợp, liên quan chặt chẽ với nhau. Với những hành trạng, công lao, sự đắc đạo, ba vị thiền sư đã được hóa thánh khi thác, trở thành những đối tượng thờ cúng linh thiêng, có ma lực, khiến cho người dân vừa kính nể, vừa sợ, phải quy phục. Sự linh thiêng của thánh thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau, bằng đức tin, hành vi tôn giáo. Sự linh thiêng gắn với quyền năng, sức mạnh, cái tối thượng. Các vị thánh có sức hút, ma lực nhờ vào các nền tảng bẩm sinh, kiệt xuất, xuất chúng. Cái thiêng, ma lực tạo nên một hệ thống tín ngưỡng, thờ cúng ba vị thánh như là những vị phúc thần, luôn bảo trợ cho người dân.
_______________
1. Thiền uyển tập anh, Nxb Văn học, 1993, Hà Nội, tr.105.
2, 3. Charles Keyes, Những vấn đề nhân học tôn giáo, Hội Khoa học lịch sử, Nxb Đà Nẵng, 2006.
Tác giả: Khúc Mạnh Kiên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019