Hội thảo hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan - thực trạng và giải pháp
Ảnh Trần Hải Vân
Thời cổ đại ở La Mã, Hy Lạp và thời trung cổ ở châu Âu, người ta không có khái niệm về sở hữu trí tuệ. Luật pháp chỉ làm việc với các vật thể; kể cả việc sử dụng trái phép một nô lệ cũng là sử dụng một “tài sản biết nói”. Về sau, không chỉ vật thể truyền thống như tiền, vàng, bất động sản... bị đánh cắp mà những thứ phi vật thể, trừu tượng như nội dung tác phẩm văn, thơ... cũng bị đánh cắp. Và theo nhiều nhà nghiên cứu, lịch sử quyền tác giả ở các nước trên thế giới gắn liền với công nghệ in sách. Và, đương nhiên, bắt đầu hình thành quan điểm về quyền tác giả. Đối tượng của quyền tác giả không chỉ là các vật thể truyền thống mà còn là những thứ phi vật thể, trừu tượng.
Ở Nga, văn bản pháp luật đầu tiên quy định về các vấn đề quyền tác giả là Điều lệ kiểm duyệt năm 1828, trong đó có chương Về người sáng tác và nhà xuất bản. Sau thời điểm đó, lần lượt ra đời nhiều tổ chức xã hội thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quyền tác giả. Năm 1993, ở Nga, Luật Quyền tác giả, quyền liên quan được ban hành, cùng các văn bản pháp luật khác tạo khung pháp lý cho việc điều chỉnh các quan hệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Trong bài viết này, tác giả chủ yếu đề cập một số vấn đề cơ bản về quyền tác giả, trước hết là các quy định của Luật Quyền tác giả, quyền liên quan và một số văn bản pháp luật khác của Liên bang Nga.
Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
Theo Luật Quyền tác giả, quyền liên quan, quyền tác giả của các tác phẩm khoa học, văn học, nghệ thuật, là kết quả của lao động sáng tạo, không phụ thuộc vào mục đích sử dụng, phẩm chất và cách thức thể hiện đều thuộc đối tượng được bảo hộ. Những tác phẩm đã công bố cũng như chưa công bố được thể hiện dưới các hình thức khách quan khác nhau đều được bảo hộ quyền tác giả. Điều kiện bắt buộc để tác phẩm được bảo vệ là tác phẩm phải là kết quả của lao động sáng tạo (1).
Quy định trên mở ra phạm vi rộng lớn các tác phẩm thuộc đối tượng bảo hộ quyền tác giả. Giới hạn ở đây là một tiêu chí duy nhất: tính sáng tạo của tác phẩm. Bằng quy định này, nhà nước khuyến khích lao động sáng tạo trong mọi lĩnh vực.
Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm: tác phẩm văn học (bao gồm cả chương trình dành cho máy tính); tác phẩm kịch và nhạc kịch, tác phẩm sân khấu; tác phẩm múa, kịch câm; tác phẩm âm nhạc có lời và không lời; tác phẩm sân khấu (phim điện ảnh, phim truyền hình, phim video, phim slide); tác phẩm hoạ, điêu khắc, đồ hoạ và các tác phẩm nghệ thuật tạo hình khác; tác phẩm ứng dụng trang trí và nghệ thuật sân khấu; tác phẩm kiến trúc, quy hoạch, nghệ thuật công viên - vườn; tác phẩm nhiếp ảnh; bản đồ, bản phác thảo địa lý, địa chất thuộc khoa học địa lý và các khoa học khác; bản dịch, tác phẩm chuyển soạn và tác phẩm phái sinh khác (2). Pháp luật bảo hộ tác phẩm và các phần riêng lẻ của tác phẩm, ví dụ: bảo hộ tên tác phẩm, nhân vật trong tác phẩm.
Đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả
Pháp luật sở hữu trí tuệ không bảo hộ ý tưởng không được thể hiện dưới hình thức cụ thể, quan điểm, nguyên tắc, phương pháp, biện pháp, ngôn ngữ lập trình, cốt truyện, quá trình, quy tắc, hệ thống.
Không bắt buộc đăng ký quyền tác giả
Theo Luật Quyền tác giả, quyền liên quan, để quyền tác giả được bảo vệ, không bắt buộc phải đăng ký quyền tác giả. Quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học, tác phẩm văn học, nghệ thuật phát sinh do sự kiện sáng tạo. Để quyền tác giả phát sinh và được thực hiện không đòi hỏi phải đăng ký công trình, tác phẩm hay thực hiện thủ tục có tính chất hình thức nào khác.
Để thông báo về các quyền của mình, tác giả có quyền sử dụng, in dấu hiệu bảo vệ quyền tác giả lên từng bản tác phẩm. Dấu hiệu bảo vệ quyền tác giả gồm 3 thành tố: Chữ C được khoanh trong vòng tròn (©), tên (tên gọi) người sở hữu quyền tác giả, năm đầu tiên xuất bản tác phẩm. Nếu không có chứng cứ nào khác để chứng minh, thì tác giả của tác phẩm được coi là người được ghi là tác giả trên tác phẩm (3).
Quy định trên của Luật Quyền tác giả, quyền liên quan tỏ ra thông thoáng, phù hợp thực tiễn của xã hội Nga. Không bắt buộc phải đăng ký quyền tác giả, vừa giảm thiểu áp lực từ việc đăng ký tràn lan các tác phẩm, đồng thời tạo khả năng khai thác, sử dụng các tác phẩm một cách dễ dàng, tạo ra nhiều hơn các giá trị, sản phẩm, mặt khác, việc quản lý không chặt chẽ có thể dẫn đến những hệ luỵ, các quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị vi phạm, dẫn đến các tranh chấp, xung đột và bất ổn trong xã hội.
Các vi phạm quyền tác giả
Các vi phạm quyền tác giả có thể chia thành 2 loại:
Vi phạm các quyền phi vật chất của tác giả, trong đó có quyền mang tên. Ví dụ: mạo nhận là tác giả đối với tác phẩm của người khác.
Vi phạm các quyền vật chất của tác giả. Thông thường, loại vi phạm này xảy ra đối với các tác phẩm nổi tiếng. Các vi phạm này thường không gây ảnh hưởng đến quyền mang tên của tác giả.
Các biện pháp bảo vệ quyền tác giả
Trong thực tế, có nhiều biện pháp bảo vệ quyền tác giả. Các biện pháp bảo vệ quyền tác giả có thể chia thành hai loại cơ bản sau:
Bảo vệ quyền tác giả không thông qua cơ quan nhà nước. Người có quyền gửi thư khiếu nại đến người vi phạm, nêu các yêu cầu và đề nghị giải quyết bằng thương lượng. Ít khi quyền tác giả được bảo vệ thông qua trọng tài hay hòa giải.
Bảo vệ quyền tác giả thông qua cơ quan nhà nước. Các vi phạm dân sự được xử lý tại tòa án. Đối với các vi phạm hành chính, vi phạm hình sự người có quyền có thể nộp đơn đến cảnh sát hoặc Cục Điều tra Liên bang Nga. Tuy nhiên, toà án là người ra phán quyết.
Trách nhiệm pháp lý do vi phạm
Tùy theo tính chất của hành vi vi phạm và mức độ gây thiệt hại, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự hay trách nhiệm hình sự.
Nhằm bảo vệ các quyền tác giả, pháp luật dân sự cho phép yêu cầu người vi phạm thực hiện: khôi phục tình trạng ban đầu; công nhận quyền của tác giả hay quyền hợp pháp của chủ thể khác; chấm dứt hành động vi phạm quyền tác giả hoặc hành động có khả năng dẫn đến vi phạm.
Trách nhiệm hành chính áp dụng đối với người thực hiện các hành vi như: nhập khẩu, bán, cho thuê hoặc hành vi sử dụng trái phép bất kỳ. Điều kiện bắt buộc để truy cứu trách nhiệm hành chính là hành vi vi phạm quyền tác giả hay quyền hợp pháp của người khác đối với tác phẩm phải được thực hiện với mục đích lợi nhuận. Bằng việc xử lý hành chính có thể chặn đứng ngay hành vi vi phạm, tiếp theo đó, việc truy cứu trách nhiệm hành chính không loại trừ truy cứu trách nhiệm dân sự. Khi bị truy cứu trách nhiệm hành chính, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm dân sự. Đây chính là vũ khí hiệu quả trong đấu tranh chống vi phạm.
Theo pháp luật hình sự, người thực hiện hành vi mạo nhận là tác giả của tác phẩm nếu gây thiệt hại lớn cho tác giả hoặc cho người có quyền hợp pháp, thì bị phạt tiền hay lao động cải tạo đến 1 năm hoặc giam giữ đến 6 tháng. Sử dụng trái phép các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan, cũng như mua, lưu giữ, vận chuyển các bản tác phẩm hoặc các bản ghi âm nhằm mục đích để bán, thực hiện với số lượng lớn, thì bị phạt tiền đến 200 nghìn rub (gần 80 triệu VNĐ) hoặc phạt lao động cải tạo đến 2 năm hoặc phạt tù đến 2 năm (4).
Pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của Cộng hòa Liên bang Nga khá đầy đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản về quyền tác giả, quyền liên quan. Một số quy định của Nga về quyền tác giả khá thông thoáng và phù hợp với điều kiện thực tế, ví dụ quy định để được bảo hộ, không bắt buộc phải đăng ký quyền tác giả. Vấn đề xử lý vi phạm cũng được quy định đầy đủ. Các quy định pháp luật của Cộng hòa Liên bang Nga về quyền tác giả, quyền liên quan có thể là một kênh thông tin quan trọng, hữu ích để học tập, rút kinh nghiệm cho xây dựng, hoàn thiện pháp luật nước nhà trong lĩnh vực này.
_______________
1, 2, 3. Điều 6, Điều 7, Điều 9 Luật Quyền tác giả, quyền liên quan, Cộng hòa Liên bang Nga.
4. Điều 146 Bộ luật hình sự, Cộng hòa Liên bang Nga.
Tác giả: Trần Thúy Vân
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018