Tiếp thu và biến đổi trong thiết kế áo dài hiện đại của phụ nữ Việt Nam

Áo dài tân thời/ hiện đại ra đời vào những năm 1930. Theo thời gian và hoàn cảnh xã hội, các họa sĩ, nhà thiết kế đã tiếp thu những tư tưởng, thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật, phong trào nghệ thuật, xu hướng thời trang trên thế giới vào việc thiết kế hình dáng, kết cấu, màu sắc, chất liệu và tính trang trí trên áo dài, đồng thời chắt lọc, biến đổi chúng nhằm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của phụ nữ Việt trong xã hội hiện đại.

 

Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1990

Những tiếp thu trong thiết kế áo dài

Giai đoạn 1960 đến 1990, Việt Nam có nhiều biến động về chính trị - xã hội, cũng như thay đổi về văn hóa nghệ thuật. Khi tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, người Việt đã tiếp thu được những thành tựu đáng kể và vận dụng vào thiết kế áo dài. Những tiếp thu phải kể đến như sau:

Thứ nhất, tiếp thu quan điểm thẩm mỹ từ những trào lưu văn hóa mặc. Đầu TK XX, ở Phương Tây, ngành thiết kế thời trang đã phát triển nhanh chóng bởi xã hội chịu sự tác động của phong trào giải phóng phụ nữ và sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp. Những kiểu trang phục đều được thiết kế dựa trên đặc điểm cấu trúc cơ thể người mặc nhưng được tạo hiệu ứng trang trí trên bề mặt vải thông qua một số kỹ thuật phổ biến như: tạo đường ly chiết, cắt xéo vải, xếp ly, tạo sóng bằng bèo nhúm…

Những năm 1950, 1960 ở Việt Nam, phụ nữ tân thời ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn đã sử dụng nhiều kiểu mẫu váy ngắn, xếp ly, váy xòe, ảnh hưởng từ trào lưu văn hóa Âu Mỹ, tạo nên làn sóng mới trong văn hóa mặc lúc bấy giờ. Điển hình như các kiểu váy liền chít eo xòe dáng chữ A ở thập niên 1950, dáng váy suông, hay kiểu dáng thuộc phong cách hippy ở thập niên 1960. Thông qua kiểu mẫu trang phục đó, có lẽ các nhà may, những người thiết kế đã tiếp thu và áp dụng một vài kỹ thuật tạo ly trên áo dài.

Thứ hai là việc tiếp thu công thức toán học. Từ những năm đầu TK XX, thợ may trang phục đã dùng thước dây để đo kích thước các phần trên cơ thể, phục vụ việc cắt dựng trang phục sao cho vừa vặn. Thước đo là sản phẩm của của người phương Tây, cho ra những thông số chính xác, được tiếp nhận và sử dụng để thay thế cách đo ước lượng trong thời kỳ trước. Ngoài ra, họ còn học cách thiết kế bản vẽ, chia thành hai thân chính (trước và sau), trên cơ sở tính trung bình cộng và chia đều cho bốn phần (hai thân trước và hai thân sau) của từng vòng đo. Tiếp tục lấy số chia trung bình sau đó cộng với số cử động, mỗi vòng có số cử động khác nhau: vòng ngực và vòng hông cộng cử động 6cm, vòng eo cộng cử động 4cm và cả hai con số đều được chia 4 (bốn thân). Công thức tính này rất cần số đo chính xác bên cạnh việc xử lý, gia giảm lượng cử động tùy theo phong cách người mặc để có chiếc áo đẹp, vừa vặn.

Công thức toán học được những người thợ, nhà may áp dụng và dần hoàn thiện theo kinh nghiệm thực tế, được vận dụng linh hoạt theo từng kiểu mẫu áo, dáng người. Có lẽ chính nhờ cách thức này mà một số nhà may đã sáng tạo ra những kết cấu áo dài mới, như thiết kế tay zaglan năm 1958 của nhà may Dung Đakao Sài Gòn. Cho đến ngày nay, kiểu tay zaglan vẫn được các nhà thiết kế sử dụng và hoàn thiện dần công thức theo kinh nghiệm để ứng dụng với từng đặc điểm cơ thể của người mặc.

Thứ ba, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ liên quan đến sự phát triển của thời trang như: dệt vải, nhuộm màu vải và in họa tiết hoa văn trên vải…

Công nghệ dệt vải phát triển mạnh trên thế giới từ cuối TK XIX đến TK XX. Ngoài thành công tạo nên những tấm vải có khổ lớn, kích thước chiều ngang phổ biến từ 1,3m đến 1,7m..., người ta còn tạo nên những tấm vải có hoa văn từ quá trình dệt. Công nghệ này đã được các nghệ nhân làng dệt lụa Vạn Phúc, Hà Đông, tiếp nhận và ứng dụng vào việc dệt nhiều loại hoa văn trên vải. Ví dụ điển hình là mẫu lụa vân: vốn là loại lụa có hoa văn nổi tiếng từ thời phong kiến nhưng do được làm bằng kỹ thuật thủ công nên còn hạn chế về mẫu mã và chất lượng, khi có công nghệ dệt vải mới, năng xuất dệt cao hơn, lụa vân trở nên phổ biến và đa dạng mẫu hoa văn. Đây cũng là loại lụa được ưa chuộng để may áo dài.

Đặc biệt, công nghệ pha chế nguyên liệu tự nhiên với các hoạt chất hóa học, cũng như các cách thức dệt vải (dệt sợi dọc, sợi ngang, sợi chéo…) đã giúp con người sáng tạo ra nhiều mẫu vải mới, đảm bảo về thẩm mỹ và độ bền. Từ những năm 60 của thế kỷ trước trở lại đây, màu sắc của áo dài khá phong phú. Một số loại vải mới được dùng để may áo dài là vải satin, lụa công nghiệp, vải tơ sống…

Công nghệ in họa tiết hoa văn trên vải đã rất phát triển vào những năm 1920 với việc in lưới phẳng tự động hoàn toàn, tới năm 1950 là công nghệ in trục lưới quay. Sự phát triển của công nghệ này đem đến hiệu quả cao về năng suất cũng như chất lượng của hoa văn in trên vải.

Những biến đổi trong thiết kế áo dài

Sự tiếp thu nhiều kỹ thuật nói trên của người phương Tây trong những năm đầu TK XX đã để lại những dấu ấn quan trọng trong thiết kế áo dài hiện đại. Từ áo dài có kết cấu năm thân, dáng suông rộng, đã biến đổi thành áo dài hai thân, ôm sát cơ thể. Việc áp dụng công thức toán học đã giúp các nhà thiết kế sáng tạo ra những mẫu áo dài có kích thước, tỷ lệ phù hợp, đặc biệt tôn lên vóc dáng của phụ nữ. Năm 1958, ở Sài Gòn, áo dài đã có nhiều cải tiến hơn nữa về tạo phom dáng. Và tới những năm 1960, hình dáng và tỷ lệ của áo dài lại được biến đổi, ảnh hưởng theo trào lưu văn hóa hippy ở Mỹ, tà áo được cắt ngắn trên bắp chân, thậm chí tới ngang đầu gối, được mặc kết hợp với quần ống loe màu trắng; tay áo cũng được cắt ngắn. Kiểu này được gọi là áo dài mini-zaglan. Sự biến đổi thiết kế tỷ lệ tà áo và tay áo thể hiện một tư duy hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nữ thanh niên trẻ có cá tính, năng động. Tuy nhiên, kiểu áo dài mini-zaglan này chỉ thịnh hành trong một thời gian ngắn và được thay thế bởi một kiểu mẫu áo dài tà thụng và dài hơn.

Những năm 1990, mẫu thiết kế áo dài của hai nhà thiết kế Minh Hạnh và Sỹ Hoàng đã để lại nhiều dấu ấn, gợi mở một giai đoạn phát triển mới cho áo dài hiện đại. Mẫu áo do Sỹ Hoàng thiết kế là sự kết hợp của hình dáng áo dài từ đầu TK XX có tà thụng dài với kết cấu tay zaglan, được công chúng đón nhận, yêu thích cho tới ngày nay.

Sự phát triển của công nghệ nhuộm vải hay sự thay đổi thẩm mỹ của dân chúng đã khiến màu sắc áo dài trở nên đa dạng hơn. Tuy nhiên, người Việt vốn ưa thích sự hài hòa, nhã nhặn nên màu phổ biến cho áo dài là màu vàng mơ, xanh thiên thanh, xanh cốm, xanh lá mạ, tím, hồng vỏ đỗ… Thẩm mỹ sử dụng màu sắc đã thay đổi, các lứa tuổi không dùng chung màu sắc như thời trước: những cô gái trẻ mặc áo dài có tông màu sáng như màu xanh da trời, màu vàng hoa mơ, màu cam trắng…; người lớn tuổi mặc tông màu trầm hơn như nâu, xanh đậm, cam đậm, tím đậm.

Giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2017

Giai đoạn cuối TK XX đầu TK XXI là giai đoạn có rất nhiều biến động trong văn hóa Việt Nam nói chung. Sự biến động này bắt đầu diễn ra vào nửa cuối những năm 1980, khi công cuộc Đổi mới ở Việt Nam bắt đầu, cũng là lúc quá trình toàn cầu hóa đi vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới nhờ có những thành tựu vượt bậc về viễn thông và công nghệ thông tin, mạng thông tin toàn cầu hình thành” (1).

Sự biến động văn hóa giai đoạn này đã tác động mạnh mẽ đến văn hóa mặc của phụ nữ Việt. Đặc biệt, năm 1988, lần đầu tiên xuất hiện cuộc thi sắc đẹp của phụ nữ, Hoa hậu báo Tiền phong (sau này, được đổi tên thành Hoa hậu Việt Nam) do Báo Tiền Phong tổ chức định kỳ 2 năm. Năm1989, Báo Phụ nữ TP.HCM tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Áo dài… Các cuộc thi sắc đẹp luôn có phần thi trình diễn trang phục áo dài và trả lời những câu hỏi liên quan đến văn hóa mặc truyền thống. Có lẽ nhờ hiệu ứng tích cực từ cuộc thi Hoa hậu Áo dài, năm 1990, các trường trung học phổ thông ở TP.HCM bắt đầu chọn áo dài trắng là đồng phục cho học sinh nữ. Đây chính là điểm mốc quan trọng của việc đưa trang phục áo dài vào sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Áo dài trở thành đề tài trong sáng tạo của những người làm thiết kế thời trang ứng dụng với nhiều mẫu thiết kế mới, đa dạng hơn giai đoạn trước. Những năm cuối 1990 và đầu TK XXI, đại diện cho những nhà thiết kế áo dài tiên phong là Minh Hạnh và Sỹ Hoàng.

Những tiếp thu trong thiết kế áo dài

Ở giai đoạn này, các nhà thiết kế áo không chỉ tiếp thu những kiến thức, văn minh của phương Tây, giống giai đoạn 1960 - 1990, mà còn tiếp thu cả kiến thức của các nền văn minh khác trên thế giới với một tâm thế cởi mở, giao lưu và hội nhập sâu rộng. Đặc biệt, các trường đào tạo ngành thiết kế thời trang đã giảng dạy, cung cấp kiến thức ngành có hệ thống và toàn diện. Những kiến thức giải phẫu cơ thể người giúp nhà thiết kế xác định các điểm cắt và nối ghép, tạo kết cấu trên thân áo vừa vặn, đồng thời giảm được các đường nhăn trên thân áo do đặc điểm cấu trúc cơ thể. Chính điều này đã hình thành nên tính chuyên nghiệp trong thiết kế áo dài giai đoạn 1990 - 2017.

Do đó, ta có thể thấy rõ những kiến thức được tiếp thu, áp dụng vào thiết kế áo dài nổi bật như sau:

Thứ nhất, tiếp thu lý thuyết khoa học màu sắc và khoa học giải phẫu. Lý thuyết khoa học màu sắc Bánh xe màu của nhà vật lý Isaac Newton và lý thuyết của nhà vật lý người Anh Thomas Young đã được áp dụng vào thiết kế kiến trúc, nội thất, đồ họa, nhuộm màu vải, phối màu trong thiết kế thời trang và thiết kế áo dài. Giai đoạn này xuất hiện các cụm từ chỉ cách thức pha và phối màu trên áo dài, như màu cùng tông, màu tương đồng, màu tương phản, màu vô sắc, màu hữu sắc. Do đó, màu sắc áo dài khá phong phú, hình thành nên những bộ sưu tập áo dài theo tông màu, có sự đồng nhất về sắc nhưng đa dạng về độ màu, tạo nên bảng màu đẹp mắt.

Nghiên cứu và áp dụng kiến thức khoa học giải phẫu cơ thể vào thiết kế áo dài dựa trên số đo cơ thể người mặc là một trong những thành công lớn, tạo nên hình và dáng của áo dài hiện đại. Khi tiếp nhận kiến thức giải phẫu cơ thể người, nhà thiết kế đã tạo ra những đường kết cấu, các điểm nối trên áo dài trùng với các khớp, cơ của cơ thể, nhằm tạo sự thoải mái cho người mặc trong quá trình vận động. Đặc biệt, những kiến thức giải phẫu cơ thể còn giúp nhà thiết kế định hình cấu trúc cơ thể từng khách hàng, từ đó, đưa ra giải pháp khắc phục nhược điểm và tôn vinh những ưu điểm của cơ thể họ thông qua biến tấu tinh tế cho kiểu dáng và họa tiết trang trí áo dài.

Thứ hai, tiếp thu những trào lưu nghệ thuật và xu hướng thời trang mà điển hình là nghệ thuật trang trí. Trào lưu nghệ thuật trang trí (Art deco) tác động mạnh đến thời trang nói chung và thiết kế áo dài nói riêng. Sự kết hợp của nhà thiết thời trang với họa sĩ thiết kế hoa văn trên vải đã góp phần tạo nên những bộ trang phục như một tác phẩm nghệ thuật.

Những năm gần đây, nhiều nhà thiết kế áo dài còn tiếp thu một số xu hướng thời trang táo bạo như xuyên thấu, monochom, tối giản… biểu hiện qua việc lựa chọn chất liệu vải, màu sắc và họa tiết trang trí.

Thứ ba, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ kỹ thuật hiện đại, tạo ra những chất liệu vải mới, đa dạng mẫu mã, có độ bền cao và đảm bảo tính thẩm mỹ. Có thể kể đến một số mẫu vải may áo dài mới như vải lụa tơ nhân tạo, tơ sống, chiffon, voan, ren, và vải lưới… Công nghệ in chuyển nhiệt, in kỹ thuật số hiện đại, cho phép nhà thiết kế sáng tạo những mẫu áo dài có hoa văn sắc nét, chuyển màu tinh tế, sắc độ đậm nhạt theo đúng ý tưởng và có độ bền cao. Đặc biệt, công nghệ in hiện đại cho phép hạ giá thành sản phẩm, giúp người có thu nhập thấp cũng dễ dàng tiếp cận những mẫu thiết kế áo dài đẹp và chất lượng.

Những biến đổi trong thiết kế áo dài

1990 - 2017 là một giai đoạn có nhiều sự biến đổi trong thiết kế áo dài. Biến đổi đầu tiên phải kể đến là tính chuyên nghiệp trong thiết kế: nhà thiết kế đã coi áo dài vừa là một sản phẩm thời trang hiện đại, vừa là một sản phẩm văn hóa cần được bảo tồn giá trị. Do đó, áo dài đã được tôn vinh thông qua các buổi trình diễn thời trang chuyên nghiệp trong và ngoài nước, được bạn bè trên thế giới biết đến.

Tính chuyên nghiệp trong thiết kế áo dài còn thể hiện ở quy trình thiết kế. Nó rất khác biệt với cách thiết kế trong giai đoạn 1960 - 1990. Thiết kế áo dài được chia thành nhiều dòng khác nhau, như thời trang trình diễn và thời trang ứng dụng.

Thứ nhất là thiết kế theo chủ đề và phát triển thành bộ sưu tập áo dài (số lượng mẫu áo dài trong bộ sưu tập phải nhiều hơn 2). Việc thiết kế bộ sưu tập nhằm thể hiện tư duy sáng tạo có hệ thống và thể hiện tính đồng bộ trong sáng tác. Những mẫu áo dài cùng bộ sưu tập được khai triển từ một ý tưởng sáng tạo, chung tông màu, chất liệu vải và hoa văn trang trí nhưng lại có bố cục sắp đặt mảng màu, đường nét, hoa văn… ở các vị trí khác nhau, tạo sự linh hoạt và sáng tạo riêng cho mỗi mẫu thiết kế nhưng vẫn đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất các yếu tố của bộ sưu tập.

Thiết kế bộ sưu tập áo dài được giới thiệu với công chúng qua các buổi trình diễn có quy mô và mang tính nghệ thuật, điển hình như trong các lễ hội áo dài, lễ hội văn hóa ở địa phương, các tuần lễ thời trang lớn nhỏ,…

Thứ hai là biến đổi trong tư duy thiết kế, tạo nên những quy chuẩn design. Tư duy thiết kế được hình thành mang yếu tố cá nhân, là sự sáng tạo độc lập của mỗi nhà thiết kế. Họ nghiên cứu, xây dựng ý tưởng thiết kế và sáng tạo nên những bộ sưu tập áo dài có thể tạo thành xu hướng, gây ảnh hưởng tới các nhà may, nhà thiết kế khác.

 Thứ ba là biến đổi trong sử dụng màu sắc cho trang phục áo dài, được biến hóa đa dạng, vừa thể hiện cá tính, vừa tôn lên màu da, vóc dáng của người mặc. Đặc biệt, sự biến đổi này còn nhờ vào sự phát triển của công nghệ pha chế màu và in ấn trên vải.

Thứ tư là biến đổi hình dáng và kết cấu áo dài. Hình dáng và kết cấu được biến đổi theo phong cách khác nhau, như phong cách cổ điển được các nhà thiết kế khai thác hình dáng và kết cấu theo kiểu dáng của áo dài từ đầu TK XX kèm theo kết cấu tay zaglan; phong cách hiện đại được sáng tạo linh hoạt về kích thước và tỷ lệ dài ngắn của áo.

Thứ năm là biến đổi trong phối hợp áo dài với nhiều dáng quần khác nhau. Theo truyền thống, áo dài thường thiết kế phối hợp với quần ống rộng. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố như xu hướng thời trang, do công việc và do thẩm mỹ cá nhân, các nhà thiết kế đã sáng tạo, phối hợp áo dài với đa dạng các dáng quần như dáng quần ống rộng, quần ôm sát, kể cả với chân váy xòe…

Nhiều biến đổi trong thiết kế áo dài ở giai đoạn 1990 - 2017 được công chúng đón nhận, ca ngợi do vừa có giá trị truyền thống, vừa sáng tạo, mang hơi thở hiện đại, phù hợp với đời sống và thẩm mỹ chung của xã hội. Bên cạnh đó, cũng có những biến đổi làm mất đi giá trị truyền thống, trái với thẩm mỹ dân tộc, nhanh chóng bị dư luận xã hội phê phán. Điều dễ nhận thấy ở giai đoạn này là những biến đổi trong thiết kế áo dài đã chịu nhiều tác động của yếu tố khoa học công nghệ, kỹ thuật và tư duy thẩm mỹ hiện đại trong nghệ thuật. Áo dài được thiết kế mang nhiều phong cách khác nhau, từ màu sắc, hình dáng, kết cấu, tính trang trí và chất liệu vải, đáp ứng nhu cầu của con người trong xã hội, đồng thời thể hiện được cá tính của người sử dụng. Chính điều này đã khiến áo dài trở thành một sản phẩm sáng tạo đầy tính nghệ thuật.

______________

1. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.140.

 

Tác giả:  Nguyễn Thị Loan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019

;