Quá trình giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Hán xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Sự giao lưu văn hóa Việt và Hán diễn ra lâu dài, liên tục qua các thời kỳ lịch sử. Do yếu tố lịch sử, giao lưu văn hóa Việt và Hán có những thăng trầm và những thái độ tiếp nhận khác nhau: có lúc cưỡng bức, có lúc tự nguyện. Trong quá trình giao lưu đó, những thành tố văn hóa cũng như những thành tựu văn minh của người Hán được người Việt lựa chọn, cải biên cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cũng như với đặc tính dân tộc của mình.
Học thuyết Nho giáo được các trí thức Hán và một bộ phận quan lại cai trị người Hán như Tích Quang, Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp truyền bá vào Việt Nam. Mục đích của việc truyền bá này ban đầu dưới danh nghĩa khai hóa nhưng thực chất là chứa đựng tham vọng đồng hóa văn hóa người Việt. Tuy nhiên, quá trình truyền bá đó cũng làm thay đổi văn hóa của người Việt theo hướng khác, tích cực hơn. Sử Việt còn ghi: “nước ta thông thi, thư, lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Nhiếp”(1).
Nho giáo vào Việt Nam có ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội, từ địa vị một học thuyết cai trị của các vương triều phong kiến đến những giá trị đạo đức có tính chất chuẩn mực để giáo dục và hoàn thiện con người. Gần như mọi kiến thức được giảng trong trường học là kinh sách Nho giáo. Nền giáo dục ấy góp phần đào tạo cho xã hội Việt Nam một đội ngũ trí thức tiêu biểu, đỗ đạt cao, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và có nhiều đóng góp cho lịch sử và văn hóa đất nước như Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,... Tuy nhiên, khi xuất hiện và phát triển ở Việt Nam, Nho giáo cũng có những biến đổi ít nhiều cho phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. Nếu ở Trung Quốc, quan niệm “trung” là “trung quân”, là trung với vua; quan niệm về “hiếu” được cho là giá trị đạo đức cao nhất thì với người Việt Nam, sau khi tiếp nhận Nho giáo, đã chuyển hóa những quan niệm ấy theo cách thức khác, phù hợp với tâm thế xã hội đặc thù: trung là trung với nước, hiếu là hiếu với dân. Vì thế không ít trường hợp, người dân sẵn sàng hy sinh việc nhà cho việc nước. Quan niệm hiếu không tách rời với trung ở Việt Nam được khái quát trong trường hợp Nguyễn Phi Khanh nhắc nhở Nguyễn Trãi khi Nguyễn Trãi muốn theo hầu hạ cha trên đường đi đày sang Trung Quốc, Nguyễn Phi Khanh không đồng ý và khuyên ông: “Con nên về quyết chí rửa thẹn cho nước, trả thù cho cha, nối chí cha, làm vẻ vang tổ tiên, như thế mới là đại hiếu” (2).
Ở một trường hợp khác là tín ngưỡng thờ thành hoàng làng. Việc phụng thờ thành hoàng được người Hán đưa vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Sách Việt Điện u linh cho biết, vào năm 823, Lý Nguyên Gia lập đền thờ thần Tô Lịch làm thành hoàng thành Đại La. Theo học giả Phan kế Bính, tục thờ thành hoàng có từ bên Trung Quốc và “nước ta thủa bấy giờ đang nội thuộc, tục Tầu truyền sang bên này, kế đến Đinh, Lê thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi... dân gian lần lần bắt chước nhau, chỗ nào cũng thờ một vị cho làng mình” (3). Từ Trung Quốc, thành hoàng bảo hộ thành trì. Sang Việt Nam, người dân Việt đưa về làng xã, biến thành vị thần bảo trợ cho làng quê. Ông thành hoàng làng gắn liền với nông nghiệp có thể là thần đất, thần núi, thần sông, có thể là tổ nghề, là anh hùng bảo vệ quê hương, đất nước... thỏa mãn ước vọng và niềm tin của người nông dân Việt Nam
Trường hợp Phật giáo, cho đến TK VI, tôn giáo này vẫn được du nhập từ các thiền sư Ấn Độ như Chi Cương Lương, Ma ha Kỳ Vực hay Tỳ ni Đa lưu chi... thực hiện. Nhưng từ sau TK VI, Phật giáo vào Việt Nam qua ngả đường Trung Quốc. Vì vậy sau này, chùa tháp Phật giáo ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán rất sâu đậm từ kiến trúc, điêu khắc cho đến kinh sách Phật giáo... Nhưng ngôi chùa Phật giáo ở Việt Nam không đơn giản chỉ là nơi thờ Phật, nơi tu hành của các thiền sư. Chùa ở Việt Nam còn là nơi cưu mang người nghèo khó, là trường học và khám chữa bệnh cho dân chúng. Chùa ở Việt Nam còn dung nạp thêm các tín ngưỡng dân gian khác như thờ Mẫu, thờ cũng tổ tiên (qua hiện tượng nhà vong) hay thờ anh hùng dân tộc...
Bên cạnh phương diện tư tưởng, phong tục Hán ảnh hưởng vào văn hóa Việt nhưng đều có sự biến đổi. Ngày tết Hàn thực ở Trung Quốc gắn với nhân vật Giới Tử Thôi. Sang Việt Nam, người dân cũng làm đồ ăn lạnh (bánh trôi, bánh chay) đem cúng tổ tiên và không hề nhớ đến Giới Tử Thôi là ai nữa. Ngày tết Đoan ngọ ở Viêt Nam trùng với ngày 5/5 âm lịch của Trung Quốc, nhưng đây là dịp “diệt sâu bọ”, một hoạt động gắn với sinh hoạt nông nghiệp.
Chữ Hán được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam suốt thời phong kiến, những khác với người Trung Quốc, chữ Hán được người Việt đọc theo âm Việt để hình thành cách đọc theo âm Hán Việt. Thậm chí, người Việt Nam còn tiếp thu cách viết tượng hình của người Hán để sáng tạo ra một thứ chữ riêng cho mình là chữ Nôm. Chữ Nôm cũng có vai trò lớn trong văn hóa Việt Nam. Nhiều tác gia lớn sử dụng chữ Nôm trong sáng tác và dạy học, cho thấy sức sống của loại chữ này. Nhiều tác phẩm lớn bằng chữ Nôm như Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Bạch Vân quốc âm thi tập (Nguyễn Bỉnh Khiêm)... Một trong những tuyệt tác văn học của Việt Nam được biết đến rộng rãi trên thế giới cũng đươc sáng tác bằng chữ Nôm: Truyện Kiều (Nguyễn Du).
Ở phương diện kỹ thuật, người Việt Nam tiếp thu nhiều thành tựu của người Hán như kỹ thuật sản xuất nông nghiệp (sử dụng phân bắc), kỹ thuật khám chữa bệnh (thuốc bắc, châm cứu)... Cho đến nay, nhiều làng nghề thủ công truyền thống của người Việt còn lưu truyền thần tích về các vị tổ nghề của mình đã sang học nghề tại Trung Quốc. Việc sang học nghề ở Trung Quốc có thể là từ những người bị bắt làm tù binh như ông Lư Cao Sơn, thời Hùng Vương, làm tù binh 7 năm bên nước Thục, học thành thục nghề rèn và sau, về nước, là tổ nghề rèn ở các làng rèn Đa Hội (Bắc Ninh), Đa Sỹ (Hà Đông)... Các ông Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền, thời Tiền Lý, bị bắt làm tù binh sang nước Lương, học nghề làm vàng bạc, là tổ nghề kim hoàn ở Định Công (Hà Nội)...
Cũng có khi, việc học nghề và truyền nghề lại do các sứ thần thực hiện như tổ nghề làm lược làng Vạc (huyện Bình Giang, Hải Dương) là cụ Nhữ Đình Hiền; tổ nghề làm vàng quỳ làng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là ông Nguyễn Quý Trị, tiến sĩ đời Cảnh Hưng, sang sứ nước Thanh học nghề mang về; tổ nghề thêu trên cả nước là tiến sĩ Lê Công Hành, khi đi sứ, học nghề thêu và làm lọng... Việc học nghề ở Trung Quốc không phải lúc nào cũng đơn giản do người Trung Quốc giấu bí quyết. Để học được kỹ thuật dệt chiếu, Phạm Đôn Lễ, tiến sĩ đời Hồng Đức phải đi sứ hai lần và “học vụng trộm mới thành nghề” (4). Thám hoa Lương Như Hộc hai lần đi sứ sang Trung Quốc, học nghề in mộc bản, về truyền bá cho dân hai làng Liễu Tràng, Hồng Lục ở quê ông, khiến nghề in nơi đây trở nên phát triển. Chính vì vậy, có những sứ đoàn đi Trung Quốc được giao nhiệm vụ học nghề. Chúa Trịnh Căn, khi tổ chức các sứ đoàn sang Thanh, đều yêu cầu: “Khi tới nước Thanh hoăc giả vờ trốn, hoặc tìm bất cứ mưu kế gì học được bí thuật của họ về nghề làm giấy, đem về nước nhà truyền nghề sẽ có trọng thưởng” (5).
Bên cạnh đó, cần phải nhấn mạnh là trên thực tế, có rất nhiều nghề người Việt Nam đã biết từ trước và việc thờ các tổ nghề học từ Trung Quốc chỉ phản ánh qua trình tiếp thu cải tiến, nâng cao. Đơn cử như nghề gốm vốn có từ thời kỳ văn hóa đá mới, tuy nhiên tại làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn lưu giữ truyền thuyết các ông Thái học sinh đời Trần là Hứa Vĩnh Kiều, Đào Trí Tiến, Lưu Phong Tú khi đi sứ nhà Tống đã học nghề gốm sứ rồi mang về nước truyền nghề cho dân làng. Nghề dệt chiếu làng Hới (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) có từ rất sớm trước khi tiến sĩ Phạm Đôn Lễ học từ chuyến đi sứ sang Trung Quốc; ông có công đem “kỹ thuật dệt khung nằm, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn” (6) về thay thế cho kỹ thuật dệt khung đứng.
Trong giao lưu văn hóa Việt với Hán nói chung, bên cạnh chiều tiếp thu văn hóa Hán vào Việt Nam còn xuất hiện chiều ngược lại: văn hóa Việt Nam, sự sáng tạo của người Việt ít nhiều được người Hán tiếp nhận và sử dụng. Theo nghiên cứu của Vũ Từ Trang, TK II, III, triều vua Ngô tiêu thụ hàng ngàn tấm vải cát mịn của Giao Chỉ... Đặc biệt, người Việt biết dùng cây chuối tiêu, cây tre làm nguyên liệu dệt, “tơ chuối dệt hai loại vải là vải hy, vải khích, đều gọi là vải Giao Chỉ, thích hợp với khi hậu nóng bức. Trung Quốc thời Đường tiêu thụ khá nhiều vải tơ chuối” (7).
Sau các cuộc xâm chiếm Việt Nam của các triều đại người Hán, bên cạnh việc đốt phá, cướp bóc tài sản, người Hán bắt rất nhiều tù binh, cho lùng bắt các thanh niên trai tráng, thợ thủ công lành nghề đưa về Trung Quốc. Trong số này, có rất nhiều người trở nên nổi tiếng như Nguyễn An, được vua Minh giao làm tổng đốc công trùng tu thành Bắc Kinh, hay Hồ Nguyên Trừng chế tạo được súng thần công nên lại được thăng đến chức Tả Thị lang, như Lời tựa của ông trong quyển sách Nam ông mộng lục.
Dưới thời Bắc thuộc, có khá nhiều người Việt học hành, đỗ đạt và làm quan tại Trung Quốc. Học giả Nguyễn Văn Tố từng cho biết việc các ông Lý Tiến, Lý Cầm, Lý Ông Trọng và Khương Công Phụ làm quan bên Trung quốc. Việc những người Việt này làm quan tại Trung Quốc đã cho thấy sự nhìn nhận khác về tài năng, phẩm hạnh và công lao của người Việt. Chính vì vậy, Lý Ông Trọng sau này còn được lập đền thờ. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết: “Triệu Xương sang làm Đô hộ Giao Châu, hỏi thăm đến chỗ nhà cũ Ông Trọng, lập đền để thờ” (8). Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết về Khương Công Phụ “là người quận Cửu Chân, Khương Công Phụ làm quan đời đường, đậu tiến sĩ, bổ làm Hiệu thư lang. Vì có bài chế sách hơn người, cho làm Hữu thập di, Hàn lâm học sĩ” (9).
Có thể thấy rằng giao lưu là một trong hai quy luật phát triển cơ bản của văn hóa cùng với quy luật kế thừa. Quy luật giao lưu phản ánh quá trình tiếp thu và biến đổi văn hóa của một cộng đồng người khi tiếp xúc với một cộng người khác, đặt ra vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Trong trường hợp giao lưu văn hóa Việt và Hán, người Việt tiếp thu văn hóa Hán khi bị cưỡng bức nhưng cũng có lúc là tự nguyện. Các thành tố văn hóa Hán đều được người Việt cải biên cho phù hợp với đặc điểm văn hóa Việt. Đồng thời trong quá trình giao lưu, rất nhiều thành tố, sáng tạo văn hóa của người Việt cũng đươc người Hán tiếp nhận.
______________
1, 8. Quốc Sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, 2007, tr. 128, 79.
2. Bùi Văn Nguyên, Đào Phương Bình, Thơ văn Nguyễn Phi Khanh, Nxb Văn học, 1981, tr.9.
3. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Hồng Đức, 2014, tr. 62.
4, 5, 7. Vũ Từ Trang, Nghề cổ nước Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, 2001, tr.160, 175, 338.
6. Bùi Văn Vượng, Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa, 1998, tr.407.
9. Ngô Sĩ Liên và các sử thần đời Lê (Viện Sử học dịch), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, 2004, tr.191.
Tác giả: Phạm Thị Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020