TIẾP CẬN DIỄN XƯỚNG TRONG NGHIÊN CỨU DÂN CA MƯỜNG

Cộng đồng người Mường ở Phú Thọ lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó không thể không kể đến những sáng tạo trong âm nhạc dân gian, đặc biệt là dân ca. Ở đó khắc họa những tâm tư trong tình yêu đôi lứa, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày. Có thể nói, dân ca Mường là ngôn ngữ thay cho tiếng nói trong giao tiếp cộng đồng, là lời thỉnh cầu với thần linh, là những chất chứa, ước mơ về một ngày mai tươi đẹp. Để làm nổi bật những giá trị nghệ thuật độc đáo của dân ca Mường, tác giả đã lựa chọn hướng tiếp cận diễn xướng. Đây được xem là hướng tiếp cận có thể đánh giá, chắt lọc và tôn vinh các thể loại âm nhạc dân gian trong xu thế hội nhập, phát triển văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Mỗi thể loại dân ca đều có một cách trình diễn, thể hiện riêng biệt. Dân ca vừa dùng tiếng nói để truyền tải ý nghĩa, vừa dùng các động tác hình thể để biểu diễn. Như vậy, nó thể hiện cả những đặc sắc của nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật diễn đạt. “Nghệ thuật biểu diễn dân gian có vị trí quan trọng trong chỉnh thể nguyên hợp văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian là sản phẩm của nhận thức và cảm hứng thẩm mỹ mà nhân dân có được trong thực tiễn, đã được thể hiện qua những hình tượng có tính nghệ thuật…” (1). Mà hình tượng trong nghệ thuật biểu diễn dân ca lại không theo một khuôn mẫu hay một chuẩn mực nào cả. Dân ca chính là sản phẩm sáng tạo chung của quần chúng nhân dân nên trong quá trình lao động, trao đổi, “nó có khi do tức hứng mà ra, nhất là trong những cuộc hát thi” (2).

Sự sáng tạo mang tính chất chung cùng với quá trình biểu diễn không theo khuôn mẫu, giai đoạn, thời gian nào đã tạo nên sự hấp dẫn, đa dạng trong cách thức biểu diễn dân ca. Hơn nữa, mỗi cá nhân ở các vùng, miền, dân tộc khác nhau có cách diễn xướng dân ca khác nhau, thể hiện những cái riêng mà sâu thẳm tâm hồn họ bắt nhịp được theo. Sự riêng biệt này đã làm phong phú kho tàng dân ca Việt Nam, tạo sự hứng thú cả cho người biểu diễn và người thưởng thức.

Có rất nhiều cách tiếp cận văn hóa dân gian, tuy nhiên, ở một khía cạnh hay vấn đề nào đó, mỗi góc độ tiếp cận lại có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Ta có thể thấy, hướng tiếp cận văn học hầu như chỉ quan tâm, chú trọng đến lời ca, nội dung lời ca, tư tưởng, nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật văn học. Còn hướng tiếp cận văn hóa sẽ quan tâm đến bối cảnh, đối tượng thực hành dân ca, nội dung, vai trò, ý nghĩa của dân ca trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Cách tiếp cận này quan tâm đến đối tượng và quá trình thực hành diễn xướng dân ca, thông qua đó đánh giá vai trò, ý nghĩa, giá trị và sự tác động của nó đối với con người trong đời sống tinh thần. Tuy nhiên, để làm nổi bật, rõ nét hơn đồng thời khẳng định được đúng giá trị của dân ca thì cần có cách nhìn nhận mang tính tổng quan hơn, đầy đủ hơn, đó chính là tiếp cận diễn xướng.

Tiếp cận diễn xướng là quan tâm đến cách mà chủ thể thể hiện dân ca như thế nào, trong hoàn cảnh nào và để làm gì. Tức là không chỉ quan tâm đến lời ca mà còn quan tâm đến trình diễn như thế nào, theo quy luật nào, tại sao thể hiện như vậy và cách thể hiện đó có liên quan tới hoàn cảnh không. Như vậy, tiếp cận diễn xướng đã xếp dân ca vào nghệ thuật biểu diễn dân gian, gọi là nghệ thuật diễn xướng. Cách tiếp cận này cho phép chỉ rõ vai trò, chức năng của dân ca trong văn hóa Mường truyền thống bằng những phân tích nghệ thuật cụ thể. Từ đó, trả lời được câu hỏi tại sao hiện nay dân ca Mường đang bị mai một, quên lãng và lý giải được những vấn đề văn hóa liên quan đến dân ca Mường trong cuộc sống đương đại.

Tác giả Kiều Trung Sơn đã chỉ ra rằng, không phải bất cứ hiện tượng nào được trình diễn trong dân gian thì đều là nghệ thuật diễn xướng bởi “mục đích của diễn xướng là truyền tải một thông điệp, câu chuyện, nội dung thông tin nào đó với một đối tượng/cử tọa nhất định; hình thức biểu hiện của diễn xướng là diễn lời…” (3). Đúc rút từ những đặc trưng mang tính cơ bản về diễn xướng (tính dân gian, nội dung văn học và truyền khẩu, tính diễn có lời, tính mục đích tự thân) tác giả đã đưa ra định nghĩa về diễn xướng: “Diễn xướng là loại hình nghệ thuật diễn lời một nội dung văn học dân gian, được lưu giữ và phổ biến bằng truyền khẩu, có thể kết hợp với một số yếu tố nghệ thuật khác nhằm đáp ứng nhu cầu của con người trong việc giải quyết các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, siêu nhiên và xã hội” (4).

Chúng tôi thấy dân ca Mường biểu hiện theo lối diễn xướng, bởi nó là lối hát được truyền lại theo lối truyền khẩu. Theo thời gian, cách thức, địa điểm, nội dung lời ca, nó đã được cộng đồng Mường nâng cao, chỉnh sửa, gọt dũa để trở nên hoàn chỉnh, đặc sắc và tinh tế hơn. Trong quá trình nghiên cứu, điền dã để tiếp cận với dân ca người Mường ở Phú Thọ, chúng tôi thấy mỗi thể loại dân ca cụ thể đều có lối diễn xướng khác nhau.

Một nghệ nhân ở huyện Tân Sơn cho biết, khi đến dự đám cưới để chúc mừng cho gia chủ, bà ứng tác vận lời ca rang để mừng dâu ngay trong hoàn cảnh cụ thể. Nội dung lời rang là những niềm vui khi gia đình được đón dâu mới, là những tâm sự nhắn nhủ đạo làm con trong nghĩa phu thê, gia tộc (5). Thể loại hát rang mừng dâu chỉ xuất hiện trong các đám cưới, khi đón cô dâu về nhà chồng, nó là lời chúc phúc cho phu thê đồng thời cũng là lời nhắn gửi của cha mẹ với hạnh phúc của con cái. Người hát có lúc trong vai trò của ông tơ bà mối, có lúc lại là những ông bố, bà mẹ động viên an ủi cháu con qua những lời răn dạy ân nghĩa.

Khác với rang mừng dâu, thể loại hát ru chỉ được cất lên khi ru trẻ ngủ trong bất cứ thời gian nào. Nó là những lời nhắn nhủ, răn dạy của người lớn đối với trẻ thơ. Người ta có thể vừa hát ru vừa cưng nựng trẻ hoặc vừa làm việc nhà.

Một điểm độc đáo khác của dân ca Mường ở Phú Thọ chính là sự ứng tác điệu bộ, vận lời ca cho giai điệu một cách trực tiếp sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, đối tượng. Trong diễn xướng của dân ca Mường ở Phú Thọ, các thể loại dân ca đều là lối ca hát thể hiện giao tiếp hàng ngày nên hầu như chúng không cần phải tuân thủ theo quy định nào, mà tùy thuộc vào bối cảnh cuộc hát sẽ được diễn ra. Đó có thể sẽ là sự đối đáp nam nữ, lời ca chúc mừng một sự việc, công việc cụ thể.

Một điểm khác biệt nữa của dân ca Mường ở Phú Thọ chính là những câu hát không hình thành bài bản. Mỗi làn điệu, mỗi thể loại có sự dài, ngắn khác nhau, bởi nó phụ thuộc vào tâm tư, tình cảm, vào đối tượng cụ thể mà người hát có thể vận lời nhiều hay ít. Ví dụ như hát ví, đây là cách hát đối đáp giữa nam nữ với nhau, họ cùng ứng tác lời ca để có thể đối đáp, trao đổi những tâm tư, tình cảm nhưng đôi khi sự đối đáp đó lại trở thành cuộc thi so tính giữa đôi bên.

Như vậy, mỗi thể loại dân ca Mường đều tùy thuộc vào không gian, thời gian, đối tượng và hoàn cảnh cụ thể mà nó được cất lên. Những lời ru chỉ hát khi ru trẻ ngủ, những câu ví được diễn ra khi trai gái vui chơi giao duyên, những câu hát kể được cất lên bên bếp lửa hồng từ giọng kể của người già truyền sang cho con trẻ… Không theo bất kỳ một quy luật biểu diễn nào, cũng không có yếu tố múa đi kèm trong biểu diễn, dân ca Mường được hát lên bằng tất cả nội tâm với bao hy vọng, ước mơ của người thể hiện gửi gắm qua giai điệu, sự vận động mộc mạc, đơn sơ.

Người Mường hát dân ca bằng ngôn ngữ của họ nên rất gần gũi với đời sống tinh thần cộng đồng. Hơn nữa, dân ca còn là tiếng nói chung, là nguồn cảm hứng mà trong quá trình lao động con người đã sáng tạo nên, là những tâm tư, tình cảm con người muốn truyền đạt, giãi bày, thổ lộ và trao truyền lại cho các thế hệ đời sau. Với người Mường ở Phú Thọ, dân ca chính là những lời ca được chắt lọc, gọt dũa mà cùng với tính chất âm nhạc nó trở thành một thứ ngôn ngữ giúp cho con người dễ dàng tiếp xúc với nhau hơn, trao đổi, bàn bạc cũng như thổ lộ tâm tình đôi lứa. Những cung bậc tình cảm giao tiếp đời thường, những điều răn lời dạy, những ước mơ, khát vọng đều được người Mường gửi gắm vào giai điệu lời ca:

 
 
 

Trong quá trình xây dựng, phát triển đời sống xã hội, người Mường ở Phú Thọ luôn đề tâm xây dựng cuộc sống an hòa, bình an, dung dị, mưa thuận gió hòa... Do đó dân ca người Mường nói chung và dân ca người Mường ở Phú Thọ nói riêng thường nói về tình cảm, niềm tin, ước mơ, hoài bão trong cuộc sống. Âm nhạc có giai điệu, tiết tấu dung dị, mộc mạc, dễ nhớ, dễ gần, lời ca giản đơn theo vần điệu, nhịp điệu của công việc lao động. Với phương thức trình diễn gần gũi với sinh hoạt đời thường, không tuân theo một quy luật, quy tắc nào của nghệ thuật múa, dân ca Mường đã nói lên tiếng lòng của nhiều thế hệ.

Sự mộc mạc rất thực trong lời ca, giai điệu, cùng những động tác thô mộc khi trình diễn đã tạo nên một nghệ thuật diễn xướng đơn giản mà độc đáo, đời thường mà đặc sắc. Dân ca Mường ở Phú Thọ phản ánh nhiều mặt trong đời sống văn hóa của con người như: phong tục, tập quán, tính cách, tâm hồn, những quan niệm về hôn nhân, về truyền thống gia đình, dòng họ… Điều đó đã góp phần tô đậm bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường, tạo nên một diện mạo riêng biệt, độc đáo.

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như hiện nay đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa truyền thống. Dân ca Mường được hát hoàn toàn bằng tiếng Mường nên không được phổ biến rộng rãi như các thể loại dân ca của dân tộc khác. Tiếp cận diễn xướng dân ca Mường được xem là cách tiếp cận chân thực, đúng đắn, cơ bản nhất nhằm góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân gian của Mường. Đây cũng chính là cách thức tiếp cận đơn giản, gần gũi nhất giúp cho các thế hệ người Mường ở Phú Thọ nhận thức đúng đắn về những giá trị văn hóa mà cha ông đã để lại, góp phần gìn giữ, phát triển nhiều hơn nữa các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc.

______________

1. Trung tâm KHNVQG, Đinh Gia Khánh - Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003, tr.869.

2. Phạm Đức Dương, Lịch sử văn hóa Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013, tr.314.

3, 4. Kiều Trung Sơn, Nghệ thuật diễn xướng mo Mường, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2016, tr.34, 37.

5. Theo nghệ nhân Hà Thị Sóng, xóm Vường 1, xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018

Tác giả : TẠ THỊ THU HIỀN

;