Từng hiến tặng 17,5ha đất qua các thời kỳ làm đường giao thông, đê bao, kênh mương thủy lợi, vậy mà ở tuổi gần 70, ông Nguyễn Văn Thơi (Tám Thơi) vẫn đang sở hữu, sản xuất 60ha đất lúa, 5ha tràm ở xứ Đồng Tháp Mười.
Những năm qua, ông Tám Thơi được tặng nhiều giấy khen, bằng khen các cấp từ địa phương đến Trung ương
Dưới cái nóng hầm hập, oi bức, ông Tám Thơi nổ máy cày, chạy từ ngoài cánh đồng trở về nhà ở ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An trong bộ dạng quần áo lấm lem bùn đất. Anh Nguyễn Thành Trung (quê Đồng Tháp) đang làm công cho ông nói với tôi: Mấy hôm nay bắt đầu vào vụ Thu Đông nên ngày nào ông Tám Thơi cũng ra đồng. Khi thì ông cày đất, lúc lại bơm nước, gieo sạ.
“Tôi lội ruộng, lao động tay chân quen rồi, ngồi không vài hôm là cảm thấy ngứa ngáy tay chân, khó chịu lắm, không khỏe” - ông Tám Thơi phân trần và lấy vạt tay áo lau những giọt mồ hôi còn túa ra trên khuôn mặt sạm đen.
Sau đó, ông tiếp tục lái chiếc máy cày chạy vào chỗ mát, trong một góc nhỏ phía sau căn nhà được bao quanh bởi vườn cây trái xanh tươi rộng hàng ngàn mét vuông. Khu vườn này của ông Tám Thơi, có ao cá và trồng nhiều loại cây như xoài, mít, dừa... Hệ thống ống dẫn nước được lắp đặt chạy len lỏi trong khu vườn, chỉ cần mở van là tự động tưới nước.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tám Thơi vui vẻ kể về cuộc đời đi khai hoang, lập nghiệp. Trước ngày đất nước thống nhất không lâu, ông rời vùng Tuyên Thạnh, Mộc Hóa, theo cha, mẹ đến vùng Vĩnh Đại này. Khi đó, chàng trai Tám Thơi mới 19 tuổi. Ngày ấy, đất đai hoang vu, lau sậy mọc um tùm, cao hơn đầu người, rắn, rết, đỉa, muỗi nhiều vô kể. Không ít người đến khai hoang nhưng rồi đành rút đi, có người phải bỏ mạng nhưng riêng ông vẫn bám đất, quyết lập nghiệp ở nơi này.
Được cha mẹ cho 5ha đất làm vốn “lận lưng”, năm 1978, ông lấy vợ và tiếp tục những năm tháng quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cơm vắt, ngủ bờ để thực hiện công cuộc khai phá vùng đất khó. Sức người có hạn, ông quyết định bán số vàng dành dụm được, mua về một chiếc máy cày hiệu Someca 85 mã lực do Pháp sản xuất chạy bằng dầu diezen để khởi nghiệp khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Hăng say lao động, cần cù khai khẩn nên diện tích đất của ông cứ thế nhanh chóng tăng lên 10ha. Với phương châm từ ít thành nhiều, “tích tiểu thành đại” nên khi có vốn, ông lại mua thêm đất. Năm 1985, khi Nông trường Lúa Vàng giải thể, ông quyết định lấy hết vốn liếng mua 10ha. Dần dần theo thời gian, từ đôi tay khai phá của con người, hệ thống thủy lợi, kênh, mương được khơi thông, xả phèn nên việc sản xuất thuận lợi hơn, năng suất lúa tăng dần.
Từ năm 2000 đến 2005, ông lần lượt mua thêm 40ha và nhiều máy móc để phục vụ sản xuất. Năm 2010, ông mua thêm 5ha, tổng cộng toàn bộ là 65ha, duy trì sản xuất đến bây giờ.
Hiện tại, ông sở hữu gần 10 máy móc phục vụ sản xuất như máy cày, kobe và xà lan. Đây là những chiếc máy được ông thay thế, mua mới trên 6 tỉ đồng để phục vụ sản xuất của gia đình và làm dịch vụ.
Mấy chục năm qua, ông không nhớ đã mua mới, thay thế bao nhiêu phương tiện, máy móc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, duy nhất chiếc máy cày cùng ông khai phá vùng đất này trong những năm đầu tiên vẫn được giữ lại dù không còn sử dụng đã từ rất lâu. Chiếc máy cày này, hiện ông cất giữ trong nhà kho để làm kỷ niệm nhắc nhớ về thời kỳ vượt khó đi lên.
Là một lão nông tri điền dạn dày kinh nghiệm nhưng ông Tám Thơi vẫn luôn học tập những kiến thức sản xuất nông nghiệp mới. Cứ mỗi khi biết có lớp tập huấn nào hay hay, ông lại xin đi học để về áp dụng nhằm tăng năng suất, chất lượng lúa. Hiện tất cả diện tích đất ruộng của ông đều sản xuất lúa chất lượng cao. Ngoài làm lúa, năm 2020, ông có thêm đột phá mới trong hướng phát triển kinh tế. Ông mạnh dạn bỏ ra hàng tỉ đồng đầu tư xây dựng 2 trạm bơm điện ngay ở tuyến kênh Lộ Ngang để tưới, tiêu cho ruộng của gia đình và làm dịch vụ, công suất hoạt động đáp ứng cho 170ha.
Nhờ có trạm bơm điện mà nông dân không còn phải sử dụng máy bơm dầu, mạnh ai nấy làm, tốn nhiều thời gian như trước. Ông Lê Ngọc Tiến, người dân ở địa phương, cho biết: “Từ khi có trạm bơm điện, sản xuất được kịp thời, đồng loạt, giảm chi phí và thuận lợi đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào đồng ruộng”.
Hiện nay, ông Tám Thơi có gần 10 phương tiện máy móc cơ giới hóa nông nghiệp
Ông Tám Thơi có 2 người con gái và 1 người con trai. Hai người con gái đã lập gia đình. Hiện ông sống với vợ chồng người con trai năm nay đã 42 tuổi. Việc đồng áng, làm dịch vụ nông nghiệp dù có con trai gánh vác giúp nhưng tự làm sẽ không xuể nên ông thuê thêm 8 lao động. Công việc của những lao động này là lái máy cày, kobe, vận hành trạm bơm điện phục vụ sản xuất,... Mức thu nhập của họ khá ổn định, dao động từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, vào những lúc cao điểm mùa vụ, ông cần tới 15 lao động mới đáp ứng đủ công việc. Không nói nhiều về lợi nhuận nhưng với việc sản xuất 60ha lúa, 5ha tràm và máy móc làm dịch vụ, sau khi trừ hết tất cả chi phí, chắc chắn, nông dân Tám Thơi vẫn “bỏ túi” một khoản tiền lớn, đáng mơ ước.
Ông Tám Thơi còn được biết đến là người rất hào sảng hiến đất làm đê bao, kênh, mương thủy lợi, đường giao thông. Lần đầu tiên ông hiến đất là năm 1990 để mở rộng, khơi thông dòng chảy con kênh 2 Tháng 9. Rồi năm 2000, 2001, hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, ông Tám Thơi tiếp tục hiến nhiều diện tích đất để mở rộng các tuyến kênh, làm đê bao 27-7, 2-9, 1-5, Lộ Ngang,...
Với hệ thống thủy lợi chằng chịt dẫn nước, những cánh đồng “cò bay thẳng cánh” ở vùng Vĩnh Đại ngày nay sản xuất được 3 vụ lúa trong năm, năng suất bình quân 6,5 - 7 tấn/ha/vụ.
Trong giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới từ năm 2010 đến nay, ông tiếp tục hiến khoảng 8ha để làm đê bao, đường giao thông. Tổng diện tích đất ông Tám Thơi đã hiến qua các giai đoạn là 17,5ha.
Con đường giao thông nông thôn bên kênh Lộ Ngang láng nhựa, xe ô - tô chạy dễ dàng có sự đóng góp rất lớn của người dân, nhất là ông Tám Thơi đã hiến 1,1ha đất để thực hiện. “Mấy năm qua, con đường đưa vào khai thác, sử dụng đã mở ra nhiều đổi thay mới cho một vùng quê vốn nghèo khó” - bà Nguyễn Thị Phương, xã Vĩnh Đại chia sẻ.
Bày tỏ về việc hiến đất, ông Tám Thơi cho rằng, ngân sách, kinh phí của Nhà nước có hạn, trong khi còn phải đầu tư cho các vùng, miền. Vì vậy, không thể trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào Nhà nước. Người dân cũng phải “xắn tay” góp công sức, vật chất để thực hiện các công trình, xây dựng quê hương.
Thành tích thi đua, sản xuất nông nghiệp đáng nể của ông được các cấp, các ngành công nhận. Đến nay, ông vinh hạnh được 7 lần ra Hà Nội dự các hội nghị điển hình, tiêu biểu. Năm 2010 là lần đầu tiên ông ra Thủ đô dự hội nghị vinh danh điển hình nông dân giỏi toàn quốc. Tỉnh Long An khi đó có 3 điển hình nhưng ông là người được mời lên hội trường báo cáo thành tích.
Từ những thành tích nổi bật trong lao động, sản xuất, thi đua yêu nước, học tập và làm theo gương Bác, ông Tám Thơi được nhận nhiều giấy khen, bằng khen từ địa phương đến Trung ương. Trong căn nhà, trên tường treo dày đặc giấy khen, bằng khen.
Ông Tám Thơi nhẩm tính sơ sơ, riêng cấp Trung ương, ông nhận 9 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Còn cấp tỉnh, ông nhận 15 Bằng khen của UBND tỉnh và 10 Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh. Còn Giấy khen của huyện, xã thì rất nhiều.
“Từ những thành quả của bản thân sau nhiều năm, tôi vẫn thường nhắc nhở con, cháu luôn nỗ lực, phấn đấu bởi “Có công mài sắt có ngày nên kim” - ông Tám Thơi đúc kết.
Ông Tám Thơi là nông dân tiêu biểu của địa phương trong làm kinh tế nông nghiệp và hiến đất thực hiện các công trình trên địa bàn. Những hạt nhân tiêu biểu như ông Tám Thơi đã góp phần tích cực xây dựng xã Vĩnh Đại ngày càng phát triển và về đích Nông thôn mới.
LÊ ĐỨC - NHẤT NHÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023