Năm 2017, Ban Chỉ đạo các cấp đã tập trung tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo xây dựng, thực hiện nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phấn đấu đạt các chỉ tiêu: gia đình văn hóa; làng, bản, khối phố văn hóa; xây dựng xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao đạt tiêu chuẩn của Bộ VHTTDL.
Trong năm 2017, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể: 662.002/793.361 gia đình văn hóa, đạt 83,4%; 4.025/5.888 khu dân cư văn hóa, đạt 68,3,%; có 1.570/3.412 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đạt 46%; 709 dòng họ văn hóa; 64 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 3 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 209/480 xã, phường có thiết chế văn hóa, thể thao đạt tiêu chí chuẩn của Bộ VHTTDL, đạt 43,54%. Nhiều đơn vị cấp huyện đã chỉ đạo tổ chức tốt lễ đón nhận danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa; xây dựng và phát huy tốt danh hiệu dòng họ văn hóa, tạo dấu ấn tốt đẹp trong nhân dân, có tác dụng lớn trong việc cổ vũ phong trào như: dòng họ Nguyễn Văn, họ Trương Như, họ Phan Thế, họ Lương (ở Nghi Lộc) và các dòng họ văn hóa khác ở Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu...
Thực hiện Đề án số 04 MTTW-BTT ngày 28-12-2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tiếp tục được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua chương trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; vận động xây dựng Quỹ vì người nghèo, làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; đẩy mạnh các phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh tổ quốc, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường. Thực hiện chương trình Tết vì người nghèo Đinh Dậu 2017, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức đêm truyền hình trực tiếp và đã có 305 đơn vị, cá nhân ủng hộ với số tiền 48,2 tỷ đồng cho các hộ nghèo.
Đến nay, toàn tỉnh đã ủng hộ quỹ vì người nghèo được hơn 22 tỷ đồng, đạt 122% kế hoạch, trong đó quỹ cấp huyện được hơn 20 tỷ đồng, cấp tỉnh hơn 1,9 tỷ đồng; quan tâm chú trọng hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất theo hướng thoát nghèo bền vững cho 1.090 hộ nghèo với tổng số tiền là hơn 3,3 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 110 xã có trên 30% tỷ lệ hộ nghèo ở vùng miền Tây; đôn đốc các huyện, thành phố, thị xã thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch giảm nghèo năm 2017 theo kế hoạch đề ra.
Phong trào Đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được xã hội hóa sâu rộng. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh thu được 16,195 tỷ đồng (vượt kế hoạch 0,6%); có 132 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc phụng dưỡng trọn đời; tiếp nhận, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách người có công với cách mạng cho 33.356 trường hợp. Thực hiện chi trả tiền Bằng khen cho 37.246 người, với tổng số tiền trên 45,224 tỷ đồng theo Quyết định số 24/2016/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện đang trình UBND tỉnh phê duyệt trình Bộ Tài chính cấp nguồn để chi trả cho 1.568 trường hợp, với số tiền 1,932 tỷ đồng; thu quỹ đền ơn đáp nghĩa 11, 27 tỷ đồng. Công tác quản lý, chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp thường xuyên cho 76.425 người có công với cách mạng, số tiền chi trả bình quân 124,04 tỷ đồng/tháng; chi trả kịp thời, đầy đủ trợ cấp thường xuyên cho 126.845 đối tượng tại cộng đồng; 350 đối tượng tập trung tại 6 cơ sở bảo trợ xã hội...
Thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, kết quả đạt được đến ngày 30-12-2017, cả tỉnh có 181/431 xã đạt chuẩn nông thôn mới được UBND tỉnh quyết định công nhận, chiếm 41,9%, tăng 0,77 tiêu chí/xã so với cuối năm 2016. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 xã Sơn Thành, huyện Yên Thành; xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu; xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Tính đến ngày 30-11-2017 đã có thêm 8 thôn, bản được UBND các huyện quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí của tỉnh; đưa tổng số thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới đến nay lên 25 thôn, bản.
Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội tiếp tục được Công an tỉnh chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả. Kết quả đã góp phần làm ổn định tình hình an ninh, trật tự ở khu dân cư, nhất là tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội, đã tạo được niềm tin và hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân, làm động lực thúc đẩy chính quyền các cấp yên tâm xây dựng đời sống văn hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới ở khu dân cư.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao tiếp tục được các cấp, các ngành chỉ đạo có hiệu quả và thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo nhân dân.
Công tác quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn tỉnh được các huyện, thành phố, thị xã và cơ sở thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Các lễ hội trong năm được tổ chức đảm bảo an toàn, văn minh, thiết thực, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; ban hành các quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Thành lập đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra các lễ hội trong năm theo kế hoạch và đột xuất trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 do lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn, các sai phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội được xử lý nghiêm và kịp thời. Các lễ hội đều được xây dựng kế hoạch, kịch bản, chương trình chi tiết; có quyết định thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức và phân công trách nhiệm cụ thể cho các tiểu ban phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, hướng dẫn tổ chức lễ hội.
Về việc cưới, việc tang, cơ bản các đám cưới, đám tang được tổ chức phù hợp với phong tục, tập quán và hoàn cảnh của gia đình, thực hiện tốt nếp sống văn minh.
Nhìn chung, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục được duy trì và đã có những tác động tích cực trong phong trào thi đua Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới. Công tác kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào được tăng cường và bám sát cơ sở hơn. Một số thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, trách nhiệm, phối hợp với cơ quan thường trực thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo cơ sở thực hiện tốt phong trào. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội được tăng cường, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa được quan tâm thực hiện. Nhiều hoạt động tình nghĩa, chung sức vì cộng đồng, chia sẻ với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu mồ côi, trẻ em khuyết tật, bị bệnh hiểm nghèo, vượt khó học giỏi... tiếp tục được xã hội hóa sâu rộng, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cá nhân. Một số huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt phong trào ở cơ sở như: Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò. Xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, thiết chế văn hóa ở vùng được quan tâm đầu tư hỗ trợ xây dựng bằng cơ chế, chính sách của tỉnh, của huyện; huy động nội lực từ nhân dân đóng góp và các nguồn lực hợp pháp để xây dựng, nhất là đối với nhà văn hóa, sân thể thao thôn, bản.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số hạn chế, vướng mắc cần phải được khắc phục trong thời gian tới:
Việc chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở một số địa phương còn thiếu cụ thể và chưa có chiều sâu. Công tác tuyên truyền vận động, triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào một số địa phương làm chưa tốt, chưa cập nhật triển khai kịp thời đặc biệt là đối với cấp xã nên việc nhận thức và tham gia thực hiện phong trào của nhân dân còn hạn chế.
Việc xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khối phố văn hóa, một số tiêu chí đạt còn thấp, chưa đảm bảo chất lượng phong trào. Việc giữ vững và phát huy danh hiệu đã được công nhận đối với khu dân cư văn hóa còn hạn chế, vi phạm các tiêu chí sinh con thứ ba, vệ sinh môi trường, tệ nạn xã hội...
Việc triển khai xây dựng, công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, xã có thiết chế văn hóa - thể thao đạt tiêu chí chuẩn Bộ VHTTDL còn chậm.
Tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm, cờ bạc vẫn còn diễn biến phức tạp; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở một số địa phương vẫn còn cao, ảnh hưởng đến chỉ đạo thực hiện phong trào ở cơ sở.
Một số huyện chậm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TƯ, ngày 14-12-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Thiết chế văn hóa, thể thao ở một số cơ sở vùng giáo còn thiếu, xuống cấp, cơ sở vật chất còn thiếu ảnh hưởng đến tổ chức các hoạt động phong trào văn hóa, đặc biệt là việc các địa phương chưa cấp quyền sử dụng đất cho thiết chế văn hóa, thể thao ở một số xóm trọng điểm vùng giáo dẫn đến nguy cơ bị lấn đất, chiếm đất.
Việc đảm bảo kinh phí cho các hoạt động quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cấp huyện, cấp xã còn ít so với yêu cầu thực tế.
Để khắc phục được những hạn chế và phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tỉnh Nghệ An đang triển khai thực hiện một số biện pháp cụ thể như:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông, vận động, thuyết phục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tổ chức quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các văn bản mới ban hành của Trung ương, của tỉnh về phong trào.
Hai là, Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TƯ ngày 19-9-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020; Thông tư số 06-TT/TƯ ngày 29-11-2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Chỉ thị số 17/CT-TƯ ngày 03-12-2013 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tập trung đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND ngày 10-10-2016 của UBND tỉnh quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đối với đơn vị cấp huyện được phân công phụ trách, đồng thời tăng cường phối hợp giữa các ngành để chỉ đạo phong trào có hiệu quả.
Bốn là, việc đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm của các đơn vị, địa phương phải gắn với kết quả thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhất là xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khối phố văn hóa; xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao đạt tiêu chí chuẩn của Bộ VHTTDL, công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xây dựng các mô hình, điển hình văn hóa các cấp; tổ chức đánh giá, nghiệm thu, công nhận các mô hình, điển hình đã xây dựng và tuyên truyền nhân rộng thành phong trào.
Tác giả: Nguyễn Tất Hào
Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018