THỰC HIỆN CÔNG BẰNG XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Công bằng xã hội (CBXH) trong giáo dục là một nội dung quan trọng của chính sách giáo dục. Phát triển giáo dục và thực hiện CBXH trong giáo dục là cơ sở để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam là một đất nước có nền kinh tế đang phát triển, vì vậy giáo dục còn gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục nói chung. Trong những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Trình độ dân trí, trình độ học vấn của nhân dân từng bước được nâng cao. Thế nhưng, so với trình độ dân trí và phát triển giáo dục giữa các vùng trong cả nước thì khoảng cách chênh lệch còn rất lớn.

1. CBXH trong giáo dục phổ thông

 Quan niệm về CBXH

Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, CBXH được định nghĩa dưới góc độ ý thức đạo đức, ý thức pháp quyền, đòi hỏi sự tương xứng giữa vai trò của cá nhân với địa vị của họ; giữa hành vi với sự đền bù; giữa quyền lợi và nghĩa vụ (1).

Tác giả Lê Hữu Tầng đã xem xét CBXH trong tương quan với khái niệm bình đẳng xã hội, cho rằng, CBXH là một dạng biểu hiện cụ thể của bình đẳng xã hội và thực hiện CBXH chính là thực hiện một phần của bình đẳng xã hội trên phương diện quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ (2).

Có quan điểm cho rằng công bằng về cơ hội là quyền của mọi người được tiếp cận ngang nhau với một may mắn, thuận lợi nào đó để thực hiện điều mình mong muốn.

Vì vậy có thể cho rằng: CBXH là một phạm trù lịch sử, phản ánh sự tương xứng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa năng lực và cơ hội, điều kiện phát triển, thể hiện khát vọng của con người và là mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội.

Về bản chất, CBXH được hiểu là sự tương xứng giữa cái mà cá nhân (hay nhóm xã hội) làm cho tập thể, cho xã hội và cái mà họ được hưởng từ tập thể, từ xã hội. Cái mà cá nhân làm cho tập thể, cho xã hội có thể là điều tốt lành như lao động, vốn, chất xám, xương máu, kinh nghiệm… hoặc cũng có thể là điều xấu, có hại cho xã hội, thí dụ, tội phạm; còn cái mà cá nhân được hưởng có thể là tiền công, phần thưởng, danh vị, chức vụ, sự ghi công của xã hội… cũng có thể là sự trừng phạt bằng những hình thức khác nhau.

Về nội dung, CBXH có nội dung phong phú, tuy nhiên có thể khái quát ở hai nội dung chính, đó là công bằng trong phân phối và công bằng về cơ hội, điều kiện phát triển, mang giá trị nhân văn thực sự vì lợi ích và phẩm giá của con người và sự tiến bộ chung của xã hội.

Khái niệm CBXH không tách rời với khái niệm bình đẳng xã hội, do đó cần phải nghiên cứu hai khái niệm này trong mối quan hệ với nhau.

Căn cứ vào việc xác định hai khái niệm ở trên, CBXH thường gắn với lĩnh vực kinh tế xã hội của đời sống xã hội, nó thể hiện sự tương xứng giữa cống hiến và hưởng thụ, còn bình đẳng xã hội thường gắn với nhiều lĩnh vực hơn và đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến chính trị xã hội. CBXH thường được xem xét là một dạng cụ thể của bình đẳng xã hội. Thực hiện CBXH là thực hiện một phần nội dung của bình đẳng xã hội, là bước tiến trong quá trình thực hiện bình đẳng xã hội hoàn toàn.

Quan niệm về CBXH trong giáo dục

CBXH trong giáo dục luôn được coi là một nội dung quan trọng của chính sách giáo dục vĩ mô. Ðiều 10 Luật Giáo dục (năm 2005) nêu rõ: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân”. Ðiều luật này cũng thể hiện rõ một nhận thức tiến bộ rằng CBXH là một phương thức, một thiết chế xã hội nhằm nâng cao bình đẳng xã hội.

Trong định hướng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Văn kiện hội nghị BCHTW Ðảng đã chỉ rõ: “Thực hiện CBXH trong giáo dục đào tạo. Tạo điều kiện để ai cũng được học hành”. Đây là một trong những tư tưởng chỉ đạo phát triển giáo dục trong thời kỳ này.

Đảng và Nhà nước ta thực hiện CBXH trong giáo dục cho tất cả người dân Việt Nam với những nội dung cơ bản sau:

Một là, CBXH trong giáo dục là bảo đảm bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các hình thức giáo dục để học tập và nâng cao trình độ.

Hai là, nền giáo dục Việt Nam được thống nhất nhà nước về quản lý giáo dục thông qua các chế tài pháp luật và Nhà nước Việt Nam thông qua các chế tài đó để tạo cơ hội học tập thật sự công bằng cho tất cả mọi người.

Ba là, CBXH trong giáo dục không phải là sự cào bằng, chia đều cho tất cả mọi người, Nhà nước có chính sách đầu tư nhằm tạo ra cơ hội, điều kiện như nhau trong tiếp cận các hình thức giáo dục đối với cư dân các vùng miền, các dân tộc, các thành phần và giới tính khác nhau.

2. Thực hiện CBXH trong giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay

Thành tựu

Nhận thức và sự quan tâm đối với giáo dục tăng một phần nhờ các hoạt động tuyên truyền, vận động về giáo dục và bình đẳng giới. Đầu tư công sức cho giáo dục được nâng cao, hạ tầng cơ sở ở nông thôn phát triển. Nguyên nhân của những thành công là do sự cố gắng không ngừng của ngành giáo dục các cấp, các địa phương trong việc thực hiện các nghị định của chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập… Nỗ lực đưa trẻ đến trường hay đưa trường về với học sinh đã đạt được những thành tựu đáng kể trong tiếp cận, giáo dục trong đó giúp cho các học sinh khó khăn duy trì khả năng đến trường.

 Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi có xu hướng gia tăng ở cả ba cấp học. Khoảng cách giữa con số thực tế năm học 2014-2015 với các mục tiêu Chiến lược đặt ra cho năm 2020 ở các cấp tiểu học, THCS lần lượt là 1,31%; 4,11%. Tỷ lệ lưu ban và bỏ học có xu hướng giảm ở các cấp học, nhưng có sự khác biệt giữa các vùng miền. Nhìn chung, các vùng có điều kiện kinh tế kém phát triển hơn thì có tỷ lệ học sinh bỏ học cao hơn. Trong cả nước, vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ bỏ học ở cả 3 cấp học thấp nhất, tỷ lệ này cao nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với tiếp cận giáo dục của học sinh nữ, bình đẳng giới trong giáo dục đã được quan tâm. Phần lớn trẻ em trong độ tuổi tiểu học đang đi học không có sự chênh lệch về giới nhưng càng lên cấp học cao hơn thì tỷ lệ nữ đi học càng cao hơn so với nam. Chỉ số bình đẳng giới năm 2012 ở cấp tiểu học là 1,00; THCS là 1,02 và THPT là 1,14 (3). Điều đó cho thấy hầu hết các gia đình không có sự phân biệt khi cho con trai, con gái đi học và việc đến trường của học sinh nữ được duy trì tốt hơn học sinh nam.

Đối với tiếp cận giáo dục của học sinh khuyết tật, mặc dù Việt Nam rất tích cực trong việc ban hành khung pháp lý để tạo điều kiện phát triển và bảo vệ người khuyết tật, nhưng trên thực tế trẻ em khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận giáo dục. “Hơn một nửa số trẻ em khuyết tật nặng chưa từng được đến trường” (4). Giai đoạn 2011- 2015, tỷ lệ học sinh khuyết tật trong tổng số học sinh có xu hướng ổn định ở mức trên 0,7% đối với tiểu học, trên dưới 0,28% đối với THCS và khoảng dưới 1% đối với THPT. Số lượng trẻ em khuyết tật đến trường tăng lên hàng năm nhưng mục tiêu huy động 70% trẻ em khuyết tật đến trường có thể vẫn khó thực hiện được. Nhìn chung học sinh khuyết tật trí tuệ được đánh giá là có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng việc dạy học trong lớp và cần có biện pháp phù hợp với nhóm học sinh này.

Đối với tiếp cận giáo dục của học sinh DTTS, có thể thấy tỷ lệ nhập học chung của trẻ em DTTS cấp tiểu học không khác biệt lắm so với trẻ em dân tộc Kinh, Hoa và Tày. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập học của trẻ em Khơme và Mông ở cấp THCS và đặc biệt là cấp THPT đều thấp hơn so với tỷ lệ này của trẻ em dân tộc Kinh, Hoa và Tày. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi của trẻ em DTTS cũng có sự chênh lệch lớn so với của trẻ em dân tộc Kinh, Tày và Hoa ở cấp THCS và THPT. Điều này cho thấy, vẫn còn thiếu sự quan tâm đối với việc huy động trẻ em DTTS, đặc biệt là dân tộc Khơme và Mông đến trường.

Trong 5 năm, công tác đưa trẻ đến trường, tiếp cận với nền giáo dục ở nước ta đã phát triển vượt bậc: cả nước đã hoàn thành phổ cập bậc THCS. Tỷ lệ bỏ học, lưu ban giảm đáng kể ở cả ba cấp học. Tình trạng bỏ học, hay số học sinh ngoài nhà trường chỉ còn một tỷ lệ rất nhỏ. Bình đẳng giới trong giáo dục cũng được quan tâm, tỷ lệ học sinh nữ đến trường ngang bằng so với học sinh nam. Tỷ lệ trẻ khuyết tật học hòa nhập cũng tăng hơn so với giai đoạn trước, đặc biệt ở cấp tiểu học và THCS, dù rất chậm.

Hạn chế

Đa số phụ huynh học sinh ở miền núi gắn bó cuộc sống với việc đi nương đi rẫy, dành hầu hết với công việc mưu sinh, thậm chí mùa làm nương làm rẫy phải vắng nhà cả tháng trời, cho nên ở lứa tuổi học sinh trung học, nhiều em đã là trụ cột trong gia đình, vừa tự lo sinh hoạt vừa lo việc học hành chứ hầu như gia đình ít có điều kiện quan tâm trực tiếp và thường xuyên đến kết quả hoặc nhu cầu học tập của các em. Do thường xuyên vắng nhà, các phụ huynh khó có thể quan tâm đôn đốc con học tập, liên kết chặt chẽ với nhà trường cũng như chính quyền địa phương để hỗ trợ con cái. Mặt khác, bản thân phụ huynh học sinh do trình độ đào tạo trước đây bị hạn chế, nên dù có muốn hỗ trợ con mình học tập cũng không phải dễ dàng.

Do nhận thức về xã hội nói chung, nhận thức về pháp luật nói riêng hạn chế, cho nên có những gia đình không muốn cho con đi học nhiều, mà con lớn lên là dựng vợ gả chồng, vừa có thêm người làm, vừa đỡ tốn kém về kinh tế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân của nạn tảo hôn và bất bình đẳng giới đối với học sinh vùng núi, vùng khó khăn và vùng DTTS.

Tâm lý chung của nhiều gia đình ở vùng núi cao là sinh con, nuôi con lớn để chủ yếu phụ giúp, gánh vác công việc nương rẫy mang tính chất tập tục truyền thống. Ngoài ra, gia đình nếu có hoàn cảnh khó khăn liên quan đến các yêu cầu đóng góp cho nhà trường, các khoản thu xã hội hóa... đều có ảnh hưởng đến việc ngại cho con đến trường.

Như vậy, do nhận thức có hạn, mức độ hỗ trợ của gia đình đối với học sinh còn hạn chế, cùng với quan niệm văn hóa truyền thống mang tính chất vùng miền có thể ảnh hưởng cơ hội tiếp cận bình đẳng của trẻ em. Điều này có thể minh chứng qua khảo sát.

Ngoài ra, một số nhóm trẻ vẫn bị hạn chế trong tiếp cận giáo dục như trẻ khuyết tật, trẻ vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt… Ở nhiều tỉnh vẫn chưa có trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật. Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc cung cấp giáo dục đặc biệt và vận động chính sách chưa được quan tâm. Những thách thức đối với việc duy trì đến trường của một số nhóm trẻ em di cư, thuộc các gia đình kinh tế khó khăn, như khó tiếp cận trường công, phải chi trả một số khoản ngoài quy định so với các học sinh có hộ khẩu khi học trường công, cuộc sống thiếu ổn định... chưa được khắc phục. Việc tuyên truyền vận động bỏ tảo hôn sớm và chống lao động trẻ em của các cơ quan chính phủ, đặc biệt là của các tổ chức đoàn thể còn yếu.

Chính sách trợ giúp xã hội hiện hành có nguy cơ bỏ rơi một số trẻ em nghèo nhất không có cơ hội đến trường. Do không đến trường nên các em cũng không được nhận trợ giúp xã hội. Công tác hướng nghiệp trong nhà trường còn hạn chế và cần được cải thiện, giúp định hướng cho học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Công tác phân luồng sau trung học chưa hiệu quả dẫn đến thừa thày, thiếu thợ, lãng phí chi phí đào tạo và nhân lực. Hiện nay, sau khi tốt nghiệp THCS có 90% học sinh vào học THPT.

Có một số nguyên nhân của những hạn chế có thể kể tới bao gồm: giới hạn về nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục; việc nhìn nhận, đánh giá khả năng của các tổ chức xã hội dân sự trong việc tạo điều kiện tiếp cận giáo dục cho một số nhóm trẻ đặc biệt khó khăn, như trẻ khuyết tật, trẻ lang thang cơ nhỡ... chưa đúng mức và vẫn còn thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện phát huy vai trò của các tổ chức này trong cung cấp dịch vụ xã hội và vận động chính sách; khả năng điều chỉnh một số chính sách để thích ứng với các hiện tượng kinh tế xã hội chưa kịp thời; sự thiếu quan tâm, giám sát của gia đình dành cho con cái của một bộ phận cha mẹ học sinh.

Ở một số địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng và sự cần thiết của giáo dục, đào tạo và dạy nghề đối với phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS, miền núi nên chưa có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt để giải quyết một số vấn đề lớn của giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở địa phương.

Công tác quy hoạch mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi còn một số bất cập. Có địa phương quy hoạch một cách ồ ạt, việc dồn điểm trường, xóa điểm trường lẻ, thành lập trường được thực hiện khi chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là nơi ăn ở và các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú.

Hầu hết các địa phương vùng DTTS, miền núi tỷ lệ hộ nghèo cao, đa phần các huyện, xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, huyện nghèo thuộc Nghị quyết số 30a của Chính phủ nên mặc dù đã được ưu tiên, nhưng do nguồn lực ngân sách có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu kinh phí đầu tư thực hiện các mục tiêu giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi.

Nhận thức và nhu cầu học tập của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao. Kinh tế xã hội vùng DTTS chậm phát triển, cơ hội tìm kiếm việc làm khó khăn, thu nhập thấp, đời sống khó khăn ảnh hưởng đến động cơ, thái độ học tập của con em đồng bào các dân tộc.

Công tác vận động, tuyên truyền của địa phương về quyền trẻ em, về nghĩa vụ của công dân trong đó có gia đình học sinh chưa được quan tâm triệt để và thường xuyên; chưa đưa thành chế tài hợp lý.

CBXH trong giáo dục luôn được coi là một nội dung quan trọng của chính sách phát triển giáo dục và phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong những năm qua, công tác tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục phổ thông cho trẻ em đã đạt được những thành tựu và kết quả đáng ghi nhận. Đã có một bước nhảy vọt về thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm dân tộc, giữa các vùng miền, giữa em trai và em gái, giáo dục cho trẻ em nghèo tại tỉnh, dần dần bắt kịp các khu vực khác có điều kiện thuận lợi hơn.

_____________

1. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Trung tâm Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995, tr.580.

2. Lê Hữu Tầng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh việc thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Triết học, Số 1 (200) - 2008, tr.39.

3. Điều tra mức sống hộ gia đình 2012, gso.gov.vn, 2014.

4. Việt Nam 2035, Ngân hàng Thế giới - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2015.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 - 2018

Tác giả : PHÙNG THANH THỦY

;