Thời gian và bối cảnh ra đời của Quốc Mẫu Tây Thiên

Trong các công trình nghiên cứu về Quốc Mẫu Tây Thiên trước đây, các tác giả đều cho rằng, tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ra đời từ thời Hùng Vương. Nhưng hiện nay, nhiều tài liệu mới phát hiện các bản thần tích, thần thoại về Hùng Vương chỉ xuất hiện vào thời vua Lê Thánh Tông (nửa cuối TK XV). Một số bản thần tích của Hùng Vương cũng ra đời vào cuối TK XVI, đầu TK XVII. Như phần trên đã chứng minh, thần núi Tam Đảo chính thức được phong Thanh Sơn Đại Vương vào năm 1450. Hơn 300 năm sau, vào năm 1763, danh hiệu Quốc Mẫu Tây Thiên mới chính thức được ghi nhận vào Tự điển Bộ Lễ (1). Có thể thần thoại, huyền tích về Quốc Mẫu Tây Thiên đã xuất hiện rất sớm trong đời sống dân gian nhưng đó mới chỉ là các huyền thoại, huyền tích về nữ thần núi Tam Đảo Lăng Thị Tiêu, còn danh xưng Quốc Mẫu chỉ xuất hiện vào năm 1763. Thời điểm vua Lê phong tặng cho nữ thần núi Tam Đảo danh hiệu Quốc Mẫu Tây Thiên là thời điểm quan trọng. Để lý giải vấn đề này, chúng tôi phân tích bối cảnh ra đời của tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên.

1. Bối cảnh kinh tế - xã hội

Vào khoảng giữa TK XVIII, vùng núi Tam Đảo trở thành vùng loạn lạc. Lúc này, kinh tế đất nước sa sút, đình trệ; cuộc sống người dân vùng Tam Đảo cùng cực, ly tán; mâu thuẫn giữa người dân với tầng lớp thống trị diễn ra gay gắt.

Từ cuối TK XVII đến những năm đầu TK XVIII, tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh áp dụng một loạt các chính sách thuế khóa nặng nề. Chính sách quân điền năm 1711 của chúa Trịnh đã thu hẹp ruộng đất công của các làng xã. Ở vùng miền núi Tam Đảo, tuy người dân được chia ruộng, có quyền mua bán ruộng đất nhưng do cường hào lũng đoạn, dân nghèo chỉ được nhận những mảnh ruộng ít ỏi “những người dân không nộp dung, điệp nhận hết ruộng tốt; người chịu nặng thuế má, lao dịch chỉ nhận được loại ruộng thừa, gầy xấu mà thôi” (2). Từ năm Mậu Thân (1735), chúa Trịnh Giang định lại việc thu tô ruộng, mỗi mẫu ruộng công (tùy loại tốt xấu) đều tăng thêm tiền. Nhưng chỉ sau 7 năm, đến đời Trịnh Doanh (1742), mỗi mẫu phải tăng lên 30 đồng (3). Chúa Trịnh còn đặt ra thuế sản vật (thu bằng tiền và hiện vật) đối với tất cả các mặt hàng lâm thổ sản ở miền núi (như tre, gỗ, nứa, lá, mật ong…). Người dân vùng Tam Đảo vừa phải tăng thuế ruộng, lại phải gánh thêm thuế lâm sản nên đời sống càng cùng cực. Mặt khác, người dân ở miền núi Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh. Trong công trình Lịch sử khí tượng thủy văn có thống kê, trong TK XVIII, riêng ở Đàng Ngoài có 16 năm xảy ra nạn lụt, vỡ đê và 10 năm bị hạn hán nghiêm trọng (4). Năm Quý Tỵ (1713), lũ lụt nghiêm trọng, vỡ đê xảy ra nhiều nơi: “Lúc đấy mưa dầm không ngớt, nước các sông tràn ngập, vỡ đê các trấn Sơn Tây, Sơn Nam và Thanh Hóa, mấy vạn nhà bị nước cuốn đi mất, nhân dân bị đói” (5). Lũ lụt, hạn hán thường xuyên dẫn đến tình trạng nạn đói xảy ra triền miên, người dân ở miền núi càng đói khổ hơn: “Lúc ấy đã lâu không mưa, giá thóc gạo cao vọt, dân gian có người phải ăn vỏ cây, rễ, cỏ, chết đói đầy đường, làng xóm tiêu điều hiu quạnh” (6). Thiên tai, dịch bệnh dẫn đến tình trạng nhiều làng không còn người dân sinh sống. Tháng 10, năm Cảnh Hưng thứ 18 (1757) người dân vùng núi Tam Đảo (thuộc chấn Sơn Tây) bị chết đói, chết dịch thảm khốc: “Các huyện ở Sơn Tây bị đói to, phát sinh chứng dịch, dân cư mười phần chỉ còn một, hai phần” (7). Dân bỏ làng phiêu bạt. Điều tra thực địa ở các làng vùng núi Tam Đảo, người dân đều kể các sự tích về nạn đói khủng khiếp những năm TK XVIII. Ông Trần Văn Hữu (thôn Đông Lộ, Đại Đình, Tam Đảo) kể rằng, cả làng Đông Lộ bị dịch bệnh và chết đói hầu hết, chỉ còn ông Lý trưởng họ Lăng đi nộp thuế ở phủ Đoan Hùng thoát chết. Ông trưởng tộc họ Lăng (tên là Lăng Khánh Thiện - 61 tuổi) ở làng Thạc Trục, Lập Thạch, Vĩnh Phúc có kể về sự tích dòng họ Lăng - dòng họ của Quốc Mẫu phải bỏ làng ly tán ra đi vào những năm Chính Hòa thứ 25 (TK XVIII).

2. Phong trào nổi dậy của nhân dân vùng Vĩnh Phúc

Đời sống nhân dân vùng miền núi Vĩnh Phúc cũng như toàn trấn Sơn Tây, Tuyên Hóa, đói nghèo cùng cực. Mâu thuẫn giữa người dân và tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh diễn ra gay gắt. Khởi nghĩa nhân dân nổ ra gắp nơi. Trong đó người dân vùng núi Tam Đảo đã nổi dậy trở thành một trong những cuộc khởi nghĩa mở đầu cho thời kỳ cao trào chống phong kiến Đàng Ngoài.

Tháng Mười năm 1736, nhà sư Nguyễn Dương Hưng ở khu Tây Thiên Tam Đảo lãnh đạo hàng nghìn nông dân trong vùng nổi dậy chống triều đình phong kiến. Nghĩa quân tấn công các phủ Đoan Hùng chuẩn bị đánh về kinh đô. Chúa Trịnh hoảng sợ, sai các quan lại địa phương xây dựng các đài hỏa hiệu, bắt người dân ngày đêm canh giữ gác. Nhà sư Nguyễn Dương Hưng còn lấy vùng núi Tam Đảo làm căn cứ, tập hợp nông dân nghèo khởi nghĩa. Từ căn cứ Tam Đảo, nghĩa quân nhiều lần tấn công các phủ huyện trong vùng. Chúa Trịnh sau hai năm tập trung binh mã mới dẹp yên được cuộc khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa của nhà sư Nguyễn Dương Hưng vừa bị dập tắt thì năm 1740, cuộc khởi nghĩa do Đỗ Tế lãnh đạo đã chiếm giữ trấn Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang - vùng giáp ranh với Tam Đảo), nghĩa quân liên kết với cuộc khởi nghĩa của Nho Bồng tấn công vùng Thái Nguyên, Bắc Giang. Chúa Trịnh tập trung đàn áp, cuộc khởi nghĩa của Tế - Bồng bị dập tắt, nhưng một bộ tướng của Đỗ Tế là Nguyễn Danh Phương đã chiêu tập dân nghèo dựa vào địa thế hiểm trở của núi rừng Tam Đảo, lập căn cứ ở khu rừng Ma Mao Dứa. Trong khi đó, năm 1741, thủ lĩnh nghĩa quân Nguyễn Diên đánh phá thành Sơn Tây. Sau khi triều đình Lê - Trịnh dẹp được nghĩa quân Nguyễn Diên, nhà Nho Nguyễn Danh Phương đã lên trực tiếp tấn công khắp vùng Tam Đảo, uy hiếp phủ Đoan Hùng (thành phố Vĩnh Yên ngày nay). Với tài năng quân sự, Nguyễn Danh Phương đã mưu trí tập hợp được lực lượng hơn một vạn người xây dựng nhiều khu căn cứ ở Tam Dương, Bình Xuyên tấn công huyện Bạch Hạc (huyện Vĩnh Tường ngày nay). Năm 1748, nghĩa quân mở rộng phạm vi hoạt động ở các huyện Tam Thái, Lâm Thao, Đà Dương... trên phạm vi các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang ngày nay. Nghĩa quân xây dựng hàng loạt đồn ải trong vùng căn cứ Tam Đảo sang Thái Nguyên. Căn cứ trung tâm, được gọi là trung đồn thuộc Hương Canh (huyện Bình Xuyên ngày nay). Nghĩa quân còn xây dựng Ngoại đồn là đồn Úc Kỳ, huyện Tư Nông (nay thuộc Phú Bình - Thái Nguyên), đại đồn ở Độc Tôn. Ngoài ra, khắp vùng núi Tam Đảo sang cả Thái Nguyên, Tuyên Quang, nghĩa quân xây dựng nhiều chi đồn (đồn bốt nhỏ). Từ căn cứ đóng quân ở miền núi Tam Đảo, nghĩa quân thường tổ chức các cuộc tấn công ra các vùng hiểm yếu ở Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang. Trong vùng căn cứ, nghĩa quân tự đặt ra các loại thuế mỏ, thuế lâm thổ sản nhằm tăng nguồn thu. Nghĩa quân còn bố trí lực lượng khai phá cày ruộng tổ chức tự cung tự cấp, xây dựng kế hoạch hoạt động lâu dài. Quân đội triều đình phong kiến nhiều lần tổ chức tấn công nhưng đều bị Nguyễn Danh Phương đánh bại. Suốt hơn mười năm trời, Nguyễn Danh Phương xây dựng vùng căn cứ hùng mạnh, quản lý như một triều đình riêng. Ông tự xưng là Thuận Thiên Khải Vận, đặt quan chức, quy định xe cộ, xây dựng luật lệ... như một triều đình ở địa phương. Khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương trở thành một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhất chống phong kiến Lê - Trịnh ở TK XVIII. Tháng 2 - 1751, chúa Trịnh Doanh trực tiếp tổng chỉ huy bốn đội quân tấn công vùng căn cứ của Nguyễn Danh Phương. Trước sự tấn công dữ dội của quân triều đình, các căn cứ ngoại đồn, trung đồn, đại đồn và nhiều chi đồn của quân khởi nghĩa lần lượt bị triều đình công phá. Thủ lĩnh quân Nguyễn Danh Phương rút lui vào núi độc tôn, chạy trốn xã Tinh Luyện, huyện Lập Thạch thì bị bắt. Sau này, Nguyễn Danh Phương đã anh dũng hy sinh cùng Nguyễn Hữu Cầu - một thủ lĩnh nghĩa quân nổi tiếng khác ở vùng đồng bằng ven biển.

Người dân vùng núi Tam Đảo có truyền thống đấu tranh quật cường, liên tiếp nổi dậy chống phong kiến Lê - Trịnh. Các cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu, nhưng tinh thần yêu nước vẫn hun đúc truyền thống cho các thế hệ nối tiếp ở những thế kỷ sau nổi dậy chống quan quân nhà Nguyễn và thực dân Pháp xâm lược. Trước phong trào đấu tranh anh dũng của nghĩa quân vùng Tam Đảo, Trịnh Doanh buộc phải thay đổi chính sách cai trị giảm thuế, giảm tô cho người dân trong vùng, có năm triều đình miễn thuế cho vùng Thượng du Sơn Tây (trong đó có vùng miền núi Tam Đảo). Trước sự phản kháng của người dân, triều đình phong kiến Lê - Trịnh còn thực thi một loạt chính sách mềm dẻo. Chúa Trịnh cho trùng tu các đền chùa trong vùng, phái các quan lại đi phủ dụ người dân về nhà cũ làm ăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến miền núi Tam Đảo khai phá. Đồng thời, triều đình còn thực thi chính sách thần quyền nhằm tăng cường cai trị dân chúng. Một mặt, triều đình Lê - Trịnh có sắc phong cho các đình làng thờ nữ thần Lăng Thị Tiêu và các thần núi làm thành hoàng làng. Mặt khác, năm 1763, Bộ lễ nhà Lê đã tôn vinh nữ thần Lăng Thị Tiêu trở thành Quốc Mẫu Tây Thiên. Nữ thần được xếp đứng thứ hai trong hệ thống thần núi của quốc gia. Sau cơn binh lửa, người dân Vĩnh Phúc cũng cầu mong có cuộc sống yên lành nên đã khôi phục nhiều đền, đình, miếu thờ nữ thần Lăng Thị Tiêu.

Như vậy, từ vị trí là nữ thần của một vùng, bà Lăng Thị Tiêu đã trở thành Quốc Mẫu của quốc gia. Quyền năng của bà không chỉ phù hộ cho cuộc sống yên lành “người an vật thịnh” mà còn nhằm “hộ quốc an dân”. Quá trình tăng quyền của bà đã thổi hồn vào các truyền thuyết dân gian, được các nhà nho, nhà sử học ghi lại trong các tác phẩm văn học sử và địa chí. Về một ý nghĩa khác, danh xưng Quốc Mẫu Tây Thiên cũng phản ánh tinh thần đấu tranh quật cường của người dân vùng núi Tam Đảo. Chính tinh thần quật cường đó đã khiến cho triều đình phong kiến, xây dựng lên hình tượng Quốc Mẫu để thống nhất về tư tưởng, xây dựng ngọn cờ tâm linh. Vì vậy, trên thực tế cũng đã xuất hiện truyền thuyết nữ thần Lăng thị Tiêu đã âm phù giúp triều đình đánh thắng Nguyễn Danh Phương.

3. Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ

Quá trình mẫu Tam phủ, Tứ phủ xuất hiện ở Vĩnh Phúc

Mẫu Tam phủ, Tứ phủ xuất hiện ở Vĩnh Phúc khá sớm, tuy nhiên, về thời gian chính thức chưa được ghi chép cụ thể trong các văn bản địa chí địa phương. Đầu TK XX, một số nông dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và các gia đình buôn bán nhỏ lên chợ Vĩnh Yên, buôn bán ở một số chợ huyện Vĩnh Phúc đã góp phần rước thánh mẫu vào các chùa, đền. Ở đền Chiền, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc từ khi khi có chợ Vĩnh Yên được mở rộng dân khu chợ, có lập nên một ban thờ Tam phủ ở chính điện, nhưng bên ngoài vẫn còn bài vị thờ Thành Hoàng làng. Như vậy, đền Chiền ở Vĩnh Yên từ ngôi miếu thờ thành Hoàng “Đương cảnh Thành Hoàng Bản Thổ Đại Vương”, nhưng đầu TK XX đã trở thành đền thờ mẫu Tam phủ. Chính giữa là Mẫu Liễu Hạnh mặc trang phục màu đỏ. Bên trái là mẫu Thượng Ngàn mặc trang phục màu xanh, bên phải là Mẫu Thoải mặc trang phục màu trắng. Ban thờ mẫu Tam phủ cũng xuất hiện ở nhiều chùa, điển hình ở thôn Đông Ai, xã Bàn Giảng, huyện Lập Thạch. Tuy nhiên, ban thờ chỉ xuất hiện ở phía sau theo phong cách “tiền Phật, hậu Mẫu”. Trên điện chỉ có một pho tượng Mẫu Liễu ngồi tọa thiền, hai bên có hai tượng người phụ nữ chầu là hai nàng Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Chùa Bàn Giảng, mới chỉ xuất hiện tượng Mẫu Liễu Hạnh chứ chưa xuất hiện hệ thống điện thần thờ Tam phủ, Tứ phủ. Nhưng về sau ở một số chùa khác như chùa Đan Trì, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, chùa Cói ở phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, chùa An ở làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch… đều xuất hiện cả hệ thống điện thần Tam phủ, Tứ phủ. Ở hầu hết các chùa này, các ban thờ Mẫu đều mới xuất hiện từ đầu TK XX. Năm 1924, đền Mẫu ở thị trấn Tam Đảo được xây dựng. Người dân quan niệm, đền thờ Lâm Cung Thánh Mẫu - Mẫu Thượng Ngàn, nhưng thực ra đó là đền thờ mẫu Tam phủ. Đây là mốc thời gian cụ thể về ngôi đền thờ mẫu ở Vĩnh Phúc. Như vậy, tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ đã xuất hiện ở Vĩnh Phúc từ đầu TK XX với nhiều hình thức khác nhau: là đền thờ riêng, là một ban thờ trong chùa…

 Quá trình mẫu Tam phủ, Tứ phủ tham gia vào điện thần thờ các di tích Quốc Mẫu Tây Thiên

Đền Thượng trên núi Thạch Bàn được coi là di tích chính thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Người dân trong vùng kể rằng:“Đầu TK XX đền thượng vốn là một ngôi chùa nhỏ hình vuông, bên trong có một ban thờ Phật và một ban thờ Mẫu. Năm Đinh Sửu 1937, ông Hà Trọng Tuy thường gọi là ông Bá Mai đã phát tâm xây dựng lại nền, chùa Tây Thiên. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh, có 3 gian là “Thần từ” (đền), 3 gian ở “Phật tự” (chùa)” (8).

Trong sách địa chí tỉnh Vĩnh Yên có ghi: “Trên núi có một ngôi đền oai nghi, trong bầu không khí huyền ảo, giữa đám cỏ lạ hoa thơm. Phong cảnh thần tiên u tích, tiếng suối róc rách xen lẫn tiếng chuông chiêu mộ, khiến khách thập phương đem lòng kính cẩn, đi đứng trang nghiêm. Về mùa xuân không lúc nào ngớt người lên vãn cảnh” (9).

Các điện thần, các di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên đều có chung hai mô hình: thứ nhất là ban thờ Quốc Mẫu đứng riêng ở vị trí trang trọng phía trên cùng, hai bên có cung mẫu Đệ Tam và cung mẫu Đệ Nhị; thứ hai là mô hình Quốc Mẫu Tây Thiên ở phía cao trên cùng, phía dưới có ban thờ mẫu Tam phủ. Các ban thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ chủ yếu xuất hiện ở các đợt trùng tu tôn tạo sau này. Do đó, có thể nhận thấy, việc thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ mới được đưa vào các điện thần thờ Quốc Mẫu Tây Thiên trong thời gian gần đây sau những năm mở cửa đổi mới (sau năm 1986). Cũng như trước kia, tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên đã “hòa đồng” với thờ Phật, thời nay tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên đang có xu hướng “hòa nhập” với mẫu Tam phủ, Tứ phủ.

_______________

1. Nam Việt thần kỳ hội lục - Bộ Chính tự điển của Bộ Lễ triều Lê - Bản A 761, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội (bản dịch của nhà sử học Lê Kim Thuyên).

2. Hậu Lê thời sự kỷ lược, dẫn theo Trương Hữu Quýnh trong Tình hình chế độ ruộng đất ở nước ta TK XVIII, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 207 - 1982, tr.59.

3, 4. Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam, tập 4, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.279, 281.

5, 6, 7. Viện Sử học, Quốc sử quán triều Nguyễn - Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.408, 402, 636.

8. Lê Thị Phương, Tục thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ở Tam Đảo - Vĩnh Phúc, Luận văn thạc sĩ, 2011, tr.51.

9. Nhiều tác giả, Tổng tập dư địa chí Việt Nam, tập 3, Nxb Thụy Ký, Hà Nội, 1939, tr.996.

Tác giả: Trần Hữu Sơn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

;