Tương Dương là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An với dân số 83.640 người (1) và 2.812,07 km2 diện tích tự nhiên (chiếm 17% diện tích toàn tỉnh). Huyện là địa bàn cư trú của 6 tộc người: Thái, Việt, Thổ (Tày Poọng), Khơmú, Mông và Ơđu. Do sống ở địa bàn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nên các tộc người ở vùng này đã đúc rút nên những kinh nghiệm, tri thức dân gian phong phú, trong đó không thể không kể tới tập tục chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Trong bài viết, chúng tôi khái quát về tập tục chăm sóc bà mẹ, trẻ em của người Thái (tộc người chiếm gần 70% dân số toàn huyện) và đặt trong sự so sánh với các tộc người khác, gợi mở về việc nghiên cứu những đặc trưng văn hóa của các dân tộc ở vùng Tây Nam xứ Nghệ.
1. Tập quán chăm sóc bà mẹ, trẻ em của người Thái
Người Thái ở huyện Tương Dương vừa mang đặc điểm chung của người Thái ở Việt Nam, vừa có những nét riêng mang tính chất vùng miền. Giống nhiều tộc người trong tỉnh, người Thái nơi đây đặc biệt chú trọng đến việc chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em từ lúc mang bầu cho đến tuổi trưởng thành. Họ luôn tâm niệm, sinh đẻ và nuôi dạy con cái là bổn phận tự nhiên của con người, khi biết con dâu có thai, cả gia đình đều có trách nhiệm và tạo mọi điều kiện để thai phụ có tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt.
Người Thái quan niệm, phụ nữ khi mang thai phải kiêng ăn một số loại động vật có lông màu trắng như lợn khoang, trâu trắng, gà trắng… Họ cho rằng, những con vật lông màu trắng có thịt rất độc, không có lợi cho sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Bên cạnh đó, họ cũng không được ăn cá chép, vì cá chép rất tanh, ảnh hưởng đến bụng dạ của thai phụ. Đặc biệt, họ không ăn thịt những con vật chết bệnh, nhất là con vật bị rắn cắn, hổ vồ hay thịt trâu, bò chết do hậu sản. Họ kiêng ăn thịt rùa và ba ba vì lo con sinh ra rụt cổ, không ăn thịt chồn vì sợ con bị hôi hám, không ăn thịt rắn lo con bị thè lè lưỡi và không ăn những loại cá không có vảy như cá trê, lươn, trạch… lo con bị trọc đầu. Ngoài ra, thai phụ còn kiêng ăn các món cay, mặn như mắm tôm, mắm tép, mắm chua, dưa muối... do sợ thai nhi bị nóng, sau này dễ bị sưng, phù chân… có thể gây ra các bệnh về mắt, thậm chí dẫn đến hỏng thai (2). Bên cạnh đó, thai phụ còn kiêng ăn quả sinh đôi vì sợ đẻ sinh đôi, khó nuôi; không ăn ốc, sợ con nhiều dãi; không ăn cá nướng và cá nấu canh sợ khi đẻ con khó ra nhau thai; không uống nước đựng trong ống bương đã chặt vát một đầu vì sợ con sau này sứt môi…
Bên cạnh đó, người Thái còn kiêng một số việc làm có thể ảnh hưởng đến việc sinh nở. Xưa kia, khi vợ mang thai, nhất là đẻ con so thì chồng kiêng cắt tiết các con vật như lợn, gà, vịt… lo thai nhi có máu; kiêng không được đánh rắn, đóng cọc rào, kéo cây lộn ngược… lo bà mẹ khó đẻ. Thời gian vợ mang thai, chồng cũng phải chú ý giữ gìn không được làm những việc có thể hại đến sản phụ và thai nhi.
Người Thái có tập quán đẻ ngồi và đẻ cạnh bếp lửa. Khi đẻ, mẹ chồng hay mẹ vợ phải luôn túc trực, người chồng ngồi sau lưng vợ, vừa làm chỗ dựa vừa chia sẻ sự đau đớn của người vợ trong lúc vượt cạn. Đây là một tập quán hay và đầy tính nhân văn trong lúc sinh nở của người Thái. Nếu trường hợp khó đẻ, gia đình có thể mời thày cúng đến cúng xua đuổi tà ma cản trở việc sinh nở.
Khi đứa trẻ lọt lòng, người bố sẽ là người cắt rốn cho con bằng một thanh nứa vót từ cây rui trên mái gian nơi để chạn bát của gia đình. Xưa kia, khi cắt rốn xong, bà nội hoặc bà ngoại sẽ bế đứa bé ra đầu cầu thang và khấn: “nếu là con của ma ma sẽ đến lấy, nếu là con bố mẹ, ông bà thì bố mẹ, ông bà sẽ đón về nuôi - lục khong phi phi au pay, lục khong pỏ mệ, ông ầu, ông ầu, ảnh mẹ au ma liệng” (3). Trước khi khấn, người ta đặt đứa bé vào cái nia ở đầu cầu thang, sau đó bế bé vào bên bếp với mẹ và tắm qua nước lạnh cho bé. Nhau thai đứa trẻ được bố cho vào ống tre, nứa tươi đã chuẩn bị từ trước đem ra vườn hay ven rừng treo lên cành cây để tự phân hủy. Người Thái kiêng chôn nhau đứa trẻ xuống đất lo giun dế sâu bọ ăn mất khi người đang sống.
Người Thái ở huyện Tương Dương thường đặt bên cạnh cái nia cho đứa bé một số dụng cụ như: chài, lưới, nỏ…(nếu là bé trai); đồ dệt vải, quay sợi và giỏ xoọng, xạ để đựng rau, cái vợt để xúc cá… (nếu là bé gái).
Người Thái buộc ta leo báo hiệu trong nhà có người đang ở cữ
Trong một tháng ở cữ, người mẹ và đứa bé phải nằm cạnh bếp lửa. Theo quan niệm của đồng bào, bếp lửa giúp xua đuổi ma quỷ, không cho chúng đến làm hại sinh linh bé nhỏ vừa ra đời. Đây là tục lệ bắt buộc mà bất cứ sản phụ nào cũng phải trải qua khi sinh nở. Trong thời gian này, sản phụ sẽ được uống nước thuốc hạc mạy căm bươn, sau một tháng có thể đi lại bình thường, làm những công việc nhẹ như giặt tã lót, hái rau…
Trong thời gian ở cữ, người mẹ được ăn những thức ăn bổ, béo, đặc biệt là thức ăn giúp người mẹ có nhiều sữa như: hua bún, hua san (ngọn mây, giang), cơm nếp (nấu nồi đất), chân giò lợn nấu cháo… Thông thường, khi đẻ xong, người mẹ được ăn cơm nóng với thịt gà rang muối tiêu, canh gà nấu với gừng (có lá non càng tốt). Đặc biệt, thức ăn luôn phải nóng, mặn, cay (chủ yếu là tiêu, gừng). Bởi họ quan niệm, thức ăn càng mặn, càng cay sẽ làm cho người mẹ khát nước, đổ mổ hôi, điều đó tốt cho sức khỏe.
Theo tục lệ của người Thái, khi đầy tháng, hai bên nội ngoại sẽ tổ chức nghi lễ làm vía đầy tháng cho đứa trẻ. Lễ vật gồm một con gà, một con cá, một con lợn từ 20 - 30 kg. Họ quan niệm ba con vật trên tượng trưng cho trời, đất và nước (giống biết bay là gà, vật trên mặt đất là lợn, giống dưới nước là cá) sẽ tăng thêm sức mạnh cho em bé. Trong lễ này, ông bà ngoại thường tặng cháu cái nôi, cái địu. Tên của đứa bé sẽ do ông, bà hay chú, bác bên ngoại chọn trước và nêu ra để mọi người thảo luận, thống nhất. Đối với người Thái, ông cậu có vai trò quan trọng trong việc đặt tên, hay cưới xin các cháu bên ngoại. Điều này có thể phản ánh một phần nào về tập tục cư trú bên nhà vợ (mẫu hệ) của dân tộc Thái. Bên cạnh đó, đồng bào cũng kiêng đặt tên trùng với ông bà, tổ tiên, cha mẹ của hai bên nội ngoại (kể cả những người đã mất). Tên đứa trẻ (nhất là con của người con cả không kể gái hay trai) sẽ là tên gọi của đôi vợ chồng (bố mẹ đứa bé), ông bà nội ngoại, thậm chí cả chú bác...
Người Thái rất cưng chiều trẻ nhỏ, gần như không nặng lời, đánh đập. Họ cho rằng linh hồn trẻ nhỏ (đỉnh đầu - hua văn) chưa ổn định như người lớn, do vậy họ kiêng sờ đầu - thóp và không bao giờ đánh vào đầu đứa trẻ. Thậm chí, họ cũng không chửi mắng vì sợ linh hồn giận mà bỏ đi, đứa trẻ sẽ hay khóc và bị ốm. Có thể nói, trẻ em Thái lớn lên trong bầu không khí thân tình của mọi người xung quanh. Gia đình nào hay mắng chửi con sẽ bị xã hội chê cười là không biết nuôi dạy con. Người Thái rất chiều con trong ăn uống, họ thường dành phần ngon cho con, nếu thịt gà thì cho trẻ nhỏ ăn gan, đùi hay ức gà, nếu thịt lợn thì cho trẻ ăn gan, thịt nạc… Trẻ em được bố mẹ, anh chị dìu dắt dạy bảo trong mọi công việc từ tuổi lên 7, lên 8. Do vậy, đứa trẻ thường thông thạo mọi công việc trong nhà cũng như đồng áng trước khi lập gia đình.
2. Một vài so sánh với các dân tộc ở huyện Tương Dương
Với người Khơmú
Người Khơmú ở huyện Tương Dương có hơn 8.979 người (4), sinh sống ở khu vực rẻo cao và rẻo giữa tại các xã Lượng Minh, Yên Na, Nhôn Mai, Lưu Kiền… Trong sinh hoạt hằng ngày, văn hóa của người Khơmú và người Thái có sự tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, người Khơmú vẫn giữ cho mình những phong tục độc đáo, mang bản sắc riêng, trong đó có tập tục chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em.
Người Khơmú cũng cho rằng, khi phụ nữ có thai phải kiêng rất nhiều thứ, thậm chí người chồng cũng vậy. Trong xã hội truyền thống, khi mang thai, phụ nữ vẫn làm việc và ăn uống bình thường như các thành viên khác trong gia đình. Họ kiêng ăn đồ ngọt và uống rượu trắng nhưng vẫn được uống rượu cần. Trong thời gian mang thai, họ kiêng giết gia súc, gia cầm, thậm chí khi nhìn thấy người ta giết súc vật cũng phải tránh, không được nhìn. Đặc biệt, thai phụ còn phải kiêng cá cơm, cá quả trong 7 tháng, họ cho rằng hai loại cá ngày rất tanh, dễ gây bệnh táo bón. Ngoài ra, người chồng còn phải kiêng xẻ gỗ hay đóng cọc (xẻ gỗ sợ bụng vợ vỡ ra, đóng cọc có thể làm vợ khó đẻ). Nếu gặp đám ma, cả vợ và chồng phải nhặt một số vật liên quan đến người chết như một vài mảnh vụn từ gỗ đẽo quan tài, vải liệm, cuống chiếu, dây buộc đòn khiêng… để đun nước tắm cho trẻ sơ sinh trong 3 ngày đầu.
Sản phụ có phòng dành riêng cho việc sinh nở, gọi là hoong a con, đối diện với bếp ở bên đầu hồi. Mẹ đẻ, mẹ chồng, hoặc chồng sẽ đỡ đẻ cho sản phụ. Người Khơmú đẻ ngồi, tay cầm sợi dây được buộc từ xà nhà xuống để lấy sức rặn. Đứa trẻ được cắt rốn bằng cật nứa, sau đó cả mẹ và con sẽ được tắm qua nước lá thơm. Nếu khó đẻ, họ sẽ mời thày cúng, dùng con vịt đã tắm rượu xoa khắp bụng, lưng sản phụ và khấn thần linh, tổ tiên phù hộ. Nếu còn khó đẻ hơn, họ lấy một sừng trâu (phong lầu) múc nước đổ lên đầu cho sản phụ hoặc rút một thanh đòn tay dưới gầm sàn (tông hươn) thể hiện cho việc lôi đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ. Hoặc gia đình có thể nhờ thày cúng làm phép lấy nước lã hòa trộn với hạt vừng và ba hạt bông, đọc “phù chú” rồi cho sản phụ uống.
Sau khi sinh, sản phụ chỉ được ăn một số rau như: hoa ban, hoàng sung với muối tiêu. Nếu gia đình có điều kiện thì bồi dưỡng thêm cho sản phụ một số món ăn như: thịt gà, giò lợn, cá nướng… Đồng thời, họ phải kiêng ăn một số động vật có lông trắng như: thịt trâu trắng, gà trắng, thịt chó, cá chép, thịt khỉ, hoẵng… Họ cho rằng, những thức ăn này thường tanh, ăn vào sẽ đau bụng, dễ bị hậu sản.
Trong thời gian 7 ngày sau đẻ, họ kiêng người lạ vào nhà vì sợ mang vía đứa trẻ đi theo. Do vậy, trong thời gian này, họ phải đan một cái the le (giống taleo của người Thái), trên đó cắm một cành lá xanh ở chân cầu thang, để người lạ nhận biết nhà có người đang trong thời gian kiêng cữ.
Khác với ngưới Thái, người Khơmú đặt tên đứa trẻ sau 2 ngày (nếu là con gái), 3 ngày (nếu là con trai). Lễ vật gồm 1 con gà, 1 vò rượu cần, 2 chai rượu cất, 1 bộ quần áo, 6 sợi chỉ buộc vía cho con và bố mẹ. Đặc biệt, trong lễ cúng đặt tên, họ còn đặt chiếc nỏ, mũi tên nếu đứa bé là con trai, nếu con gái họ đặt một chiếc bè nhỏ bằng nứa. Lý giải về việc này, nhà nghiên cứu Moong Văn Nghệ ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cho rằng: “Người Khơmú cầu mong nếu bé trai nó phải gan dạ, giỏi giang công việc đi rừng chặt gỗ, làm nương rẫy, săn bắn để bảo vệ cho dân bản; còn con gái thì cầu mong nó thuần thục công việc nội trợ, đi lại trên sông nước để mò cua bắt ốc chuẩn bị những bữa cơm, chăm sóc gia đình thật tốt”. Trong lễ đặt tên, hai bên nội ngoại có mặt đông đủ, ăn uống vui vẻ để mừng cho đứa trẻ. Sau một tháng, người mẹ có thể địu con lên nương, ra suối làm việc bình thường.
Với người Mông
Người Mông ở huyện Tương Dương sống tập trung tại các xã Nhôn Mai, Mai Sơn, Tam Hợp… với dân số 4.132 người (5). Họ thường sống biệt lập trong các bản có địa hình núi cao, lấy sản xuất nương rẫy, khai thác rừng và săn bắn, trao đổi buôn bán làm nguồn sinh kế chính. Tuy nhiên, do điều kiện sống biệt lập, ít giao lưu với các tộc người trong vùng, nên người Mông giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, trong đó có tập quán chăm sóc bà mẹ, trẻ em.
Khi mang thai, phụ nữ Mông cũng được giảm hoặc miễn làm các công việc nặng nhọc. Họ sinh nở ở trong buồng ngủ của vợ chồng, do mẹ chồng hay bà con hàng xóm có kinh nghiệm giúp đỡ. Nếu người mẹ khó sinh, gia đình sẽ mời thày cúng làm lễ Đêx cax suax (6). Sau đó, họ đập vỡ quả bầu đựng nước thể hiện cho sự sinh nở, cầu mong mẹ tròn con vuông. Một số trường hợp, nếu vẫn chưa đẻ được, họ bắt sản phụ uống nước rửa ngón tay mẹ chồng vì họ cho rằng, trong cuộc sống, cô dâu có điều gì ứng xử không tốt với mẹ. Uống xong bát nước, sản phụ vái lạy mẹ chồng xin tha lỗi. Khi đứa trẻ được sinh ra, họ dùng cật nứa hay mảnh sành để cắt rốn. Nếu là con trai, họ chôn rốn của đứa trẻ ở chân cột ma nhà, cầu mong đứa trẻ sau này khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình; nếu là con gái, họ chôn rốn ở buồng chủ nhà cầu mong em bé sẽ chăm ngoan và thông thạo việc nhà.
Sau 3 ngày, người Mông mổ đôi gà để rủ hồn trẻ thơ kiêng giêng phis hoặc phis kê giêng, nếu gia đình có điều kiện có thể mổ một con lợn khoảng 40 - 50kg gọi là lợn tiếp ông bà ngoại. Lễ đặt tên có nơi gọi là gênh plis, trong lễ này, hai bên nội ngoại ăn uống vui vẻ. Trước khi tiến hành lễ cúng, ông bà nội ngoại ôm đôi gà (một trống, một mái) đứng trước cửa chính và ru hồn. Khi lời khấn kết thúc, người khấn cầm ba nén hương cắm vào chân cột chính (nếu là con trai) hoặc cắm vào buồng ngủ (nếu là con gái). Sau khi uống được 3 chén rượu, chủ nhà rót rượu mời từng người và thông báo cái tên được chọn cho đứa trẻ. Nếu mọi người đồng ý thì cùng cạn chén. Sau đó, chủ nhà lại rót chén rượu thứ 2 để công bố tên đệm, gọi là tên trưởng thành. Khi đứa trẻ đầy tháng, người Hmông tổ chức lễ tròn tháng, nghi lễ cũng giống với lễ đặt tên. Trong đó có thêm nghi thức đeo vòng bạc vào tay, cổ hay chân cho đứa trẻ, một số nơi còn gọi là lễ đeo vòng bạc, vòng vàng. Từ đây, ngày đầy tháng cũng được chọn làm ngày sinh nhật cho trẻ nhỏ sau này.
Với người Thổ (Tày Poọng)
Dân tộc Thổ là một cộng đồng cộng cư của rất nhiều nhóm địa phương như Kẹo, Mọn, Cuối, Đan Lai, Ly Hà, Tày Poọng cư trú ở các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông và Tương Dương. Người Thổ (Tày Poọng) ở huyện Tương Dương với dân số trên 1.000 người (7), sống tập trung ở các bản Phồng, xã hội Tam Hợp, Tam Thái và Tam Đình. Với tâm thế của người chạy loạn, người Đan Lai, Tày Poọng thường sống du canh, du cư, đời sống bấp bênh. Người Thái thường gọi họ là xà lá vàng (xà toong lương) hoặc xà, mọi, tất cả đều ám chỉ một dân tộc có đời sống thấp và du cư.
Người Thổ cũng dành cho sản phụ sự ưu tiên đặc biệt khi mang bầu như giảm công việc hái lượm, nhằm đảm bảo cho bà mẹ có sức khỏe tốt nhất. Khi mang thai, sản phụ vẫn có thể được tham dự đám tang, tuy nhiên, sau đó gia đình phải làm lễ cúng nhỏ nhằm xua đuổi tà ma làm hại thai nhi. Trước đây, người Thổ có tục ngâm đứa bé xuống nước lạnh ngay khi chào đời, họ cho rằng việc đó ám chỉ nếu là con của bố mẹ thì nó sẽ sống sót; còn nếu là con của ma quỷ thì nó sẽ chết đi theo dòng suối… Sau khi sản phụ sinh, gia đình làm bữa cơm mời hồn vía của người mẹ và trẻ nhỏ với mong muốn cả hai mẹ con luôn mạnh khỏe. Ngay sau khi sinh con, họ cho sản phụ uống thuốc (hạc may căm bươn) đến khi cai sữa đứa trẻ. Bài thuốc của nhóm Tày Pọng có 3 - 4 vị gồm: co bi côn, co mận pá, co pầu pá; họ dùng rễ và thân cây để đun nước uống. Bên cạnh đó, họ còn lấy lá pơ nhau chìa và pơ nạc hơ qua lửa cho sản phụ nằm để thông mạch máu, đồng thời đẩy máu độc ra khỏi cơ thể. Sản phụ uống khoảng 3 - 4 nồi thuốc và kết hợp với lót lá nằm sau 3 - 5 ngày, họ có thể đi lại bình thường và làm những công việc nhẹ.
Đối với nhóm Tày Pọng, sau 3 ngày, họ làm lễ cúng và đặt tên cho đứa bé. Cũng từ đây, bố mẹ được gọi theo tên của em bé. Riêng nhóm Đan Lai, phải sau 7 ngày mới tổ chức cúng và đặt tên cho trẻ nhỏ. Trong lễ này, lễ vật gồm có: một đôi gà (một trống, một mái), 2 quả trứng, 2 bát cơm, rượu hoặc nước lã đều dùng được. Trong thời gian cho con bú, sản phụ được giảm những công việc nặng nhọc, họ chỉ phải làm những công việc nhẹ như nấu cơm, giặt giũ, chăn nuôi lợn gà… Sản phụ phải kiêng rất nhiều đồ ăn như: gà trắng, cá chép, thịt chó, cá lạt, cá trạch, thịt, cá có mùi hôi thối, trâu bò bị rắn cắn đều phải kiêng tuyệt đối.
Với người Ơđu
Dân tộc Ơđu ở Nghệ An chỉ vọn vẹn có 613 người, sống tập trung ở 2 xã Tam Đa và Nga My, huyện Tương Dương (8). Trước đây, người Ơđu cư trú ở một vùng đất rộng lớn của miền Tây Nam tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, trong vài trăm năm gần đây, trước làn sóng di cư ồ ạt của người Thái, Khơmú, Mông từ Tây Bắc và từ Lào tràn sang số lượng dân cư ít ỏi của người Ơđu bị dồn vào vùng hẻo lánh nơi đầu khe ngọn suối. Tránh nguy cơ bị tiêu diệt, đồng hóa, khá đông người Ơđu bỏ cả tiếng nói, tên gọi, phong tục, tập quán. Ngày nay, họ sống xen kẽ với người Thái và Khơmú, do đó văn hóa, phong tục tập quán cũng bị ảnh hưởng đậm nét của hai dân tộc này. Về tập tục chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, bên cạnh những nét tương đồng, người Ơđu vẫn giữ cho mình những bản sắc riêng. Họ vẫn còn tục nếu đẻ sinh đôi một nam một nữ, khi lớn lên, bố mẹ buộc hai đứa trẻ đó lấy nhau. Tục lệ này còn thấy ở cả người Khơmú và một số dân tộc ở Tây Nguyên như người Rơmăn, Brâu (9). Giải thích về vấn đề này có nhiều quan điểm khác nhau, có người cho rằng, đó là do tiền định của trời. Hồn hai đứa bé đã quyện nhau ngay từ trong bào thai, lớn lên dù anh em ruột cũng phải lấy nhau (10).
Đối với người Ơđu, khi con dâu mang bầu đến tháng thứ 7 sẽ được giảm bớt công việc nặng nhọc, tạo điều kiện cho sản phụ có cuộc sống thoải mái về tinh thần, ăn uống cũng được ưu tiên đặc biệt để có sức khỏe thật tốt. Khi mang bầu, họ cũng kiêng kỵ nhiều thứ trong ăn uống như không ăn thịt ba ba, rùa sợ con sinh ra bị thụt đầu, không ăn những con vật không có vảy như lươn, trạch sợ con sinh ra trọc đầu… Ngoài ra, họ còn kiêng cá chép, gà trắng trong vòng 6 tháng sau sinh. Đặc biệt, người Ơđu không bao giờ ăn chim bìm bịp, chim tằng lo (nộc tằng lo), đó là loài chim được xem là thủy tổ của đồng bào nên tuyệt đối không bao giờ ăn chứ không riêng sản phụ. Trong thời gian mang thai, người phụ nữ không được tham dự đám tang vì họ lo sợ hồn ma làm hại linh hồn đứa trẻ.
Cũng giống người Thái, người Ơđu có tục sinh con ở góc bếp, họ đẻ ngồi, người đỡ đẻ phải là chồng, mẹ vợ, mẹ chồng. Ngay sau khi đứa trẻ ra đời sẽ được rửa mồm bằng mật ong và người lớn tuổi nhất nhà sẽ bồng đứa trẻ lên tay và ru ngủ. Cùng lúc đó sản phụ được cho uống nước thuốc (hặc mạy căm bươn). Đứa trẻ được 3 ngày tuổi, người nhà chọn ngày tốt để mẹ con ra ngoài làm vía và đặt tên cho đứa bé. Trước khi ra ngoài, sản phụ phải uống 9 - 11 bát thuốc, mỗi bát đều có nghĩa riêng chẳng hạn bát 1 cầu mong em bé khỏe mạnh hay ăn chóng lớn; bát 2 cảm ơn bà đỡ đẻ, người nhà cùng sản phụ vượt cạn… Trong lễ đặt tên, ông nội sẽ đặt tên cho cháu trai, sau này ông cũng là người có vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy và định hướng cho đứa trẻ trong lao động sản xuất cũng như đối nhân xử thế; bà nội sẽ đặt tên cho cháu gái, nuôi dạy cho thuần thục công việc nội trợ, hiền lành, chăm chỉ. Gia đình của người Ơđu là gia đình nhỏ, phụ quyền. Dấu vết của chế độ mẫu hệ vẫn khá đậm nét như tục ở rể, tục lại mặt, tục nộp tiền klây - glẩy cho bố mẹ vợ, tục dâng tổ tiên món sóc khô và cá ướp muối, tục đổi tên và họ theo tên họ trong suốt thời gian ở rể… (11).
3. Thay lời kết
Tập quán chăm sóc bà mẹ, trẻ em của người Thái nói riêng và các dân tộc thiểu số khác ở huyện Tương Dương có những nét tương đồng, đồng thời cũng có bản sắc riêng, rất phong phú, độc đáo. Những tri thức dân gian trong chăm sóc bà mẹ, trẻ em được đúc rút, trải nghiệm hàng trăm năm để thích ứng với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt ở khu vực miền Tây xứ Nghệ. Những tập tục này thể hiện sự đa dạng văn hóa của các dân tộc sinh sống ở huyện Tương Dương nói riêng và vùng miền núi của xứ Nghệ nói chung. Trong bối cảnh cuộc sống có nhiều thay đổi, những tập quán, lễ nghi trong chăm sóc bà mẹ trẻ em của người Thái cũng có những biến chuyển sao cho phù hợp với cuộc sống hiện nay.
______________
1, 4, 5, 7, 8. Theo số liệu thống kê của Phòng Thống kê huyện Tương Dương năm 2019.
2. Lê Hải Đăng, Các nghi lễ trong gia đình người Tày Mường ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, Luận án Tiến sĩ Nhân học văn hóa, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011, tr.59.
3, 6. Hoàng Lương, Văn hóa các dân tộc Tây Bắc Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 2005, tr.145, 157.
9, 11. Đặng Nghiêm Vạn, Người Ơđu, Thông báo Dân tộc học, Hà Nội, 1973, tr.60, 60.
10. Nguyễn Đình Lộc, Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, Nxb Nghệ An, Vinh, 1993, tr.43.
Tài liệu tham khảo
1. Vi Văn An, Các tục lệ chủ yếu trong đời sống người Thái ở huyện Con Cuông, Nghệ Tĩnh, Tư liệu Viện Dân tộc học, 1985.
2. Ninh Viết Giao, Dư địa chí huyện Tương Dương, Nxb Nghệ An, 2003.
3. Lương Văn Thiết, Tri thức dân gian trong chăm sóc sức khỏe của người Thái ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2017.
4. Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Phát triển xã hội, Một số phong tục, tập quán và thực tiễn chăm sóc thai nghén và sinh đẻ của phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, Báo cáo dự án sức khỏe sinh sản tại Nghệ An (JICA), 2003.
Tác giả: Chu Quang Cường - Lương Văn Thiết
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020